Thứ Bảy, 12/10/2024
  • Tiếng Việt
  • English
  • French

Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

Vietnam National Museum of History

25/12/2013 11:41 7881
Điểm: 5/5 (1 đánh giá)
Là một chính đảng tư sản yêu nước, đại diện cho chủ nghĩa dân tộc cách mạng, sự ra đời và hoạt động của Việt Nam Quốc dân đảng (VNQDĐ) trong những năm 20 của thế kỷ XX đã có một vai trò lịch sử nhất định trong quá trình thúc đẩy vận động đi lên, tiến tới xác định một phương hướng cứu nước của dân tộc ta…

Sự trưởng thành về kinh tế cũng như ý thức giai cấp của tư sản Việt Nam sau đại chiến thế giới lần thứ I (1914-1918) đã dẫn đến sự thành lập một đảng chính trị của nó là VNQDĐ ở Thủ đô Hà Nội. Giai đoạn cuối năm 1926 đầu 1927, tại Hà Nội, có một nhóm những thanh niên có tư tưởng yêu nước cho ra đời Nam Đồng thư xã, một nhà xuất bản chuyên in những sách báo tiến bộ do anh em Phạm Tuấn Tài, Phạm Tuấn Lâm chủ trương. Buổi đầu, Nam Đồng thư xã chỉ hoạt động về văn hóa, xuất bản những sách nêu gương các nhà cách mạng nước ngoài và những tác phẩm cổ động cho cách mạng như Con thuyền khứ quốc, Gương thành bại, Dân tộc chủ nghĩa, Trưng vương, Một bầu tâm sự…Từ một nhà xuất bản, Nam Đồng thư xã dần dần trở thành một câu lạc bộ, những ngày thứ năm và chủ nhật, thanh niên, học sinh, sinh viên, trí thức, công chức, nhân sĩ… lui tới đông đảo.

Nhóm Nam Đồng thư xã, tiền thân của Việt Nam Quốc dân đảng.

Tối ngày 25-12-1927, Hội nghị thành lập đảng chính trị này tiến hành thoạt tiên ở nhà Lê Thành Vỵ , làng Thể Giao (nay là khu vực phố Thể Giao), sau đó có động nên đã chuyển lên Nam Đồng thư xã ở số nhà 6, đường 96, nay là số 129 phố Trúc Bạch, Ba Đình, Hà Nội. Tại hội nghị có mặt một số trí thức trẻ yêu nước, trong đó có Nguyễn Thái Học, Phó Đức Chính, Hoàng Văn Tùng, Hồ Văn Mịch…Hội nghị kết thúc vào 5h sáng, với quyết nghị thành lập “Việt Nam Quốc dân đảng”, mọi người có mặt tuyên thệ ra nhập đảng, thông qua điều lệ đảng và bầu đảng trưởng là Nguyễn Thái Học. VNQDĐ phát triển đảng chủ yếu trong các tầng lớp trí thức, tư sản, địa chủ, phú nông, hạ sĩ quan, lập Khách sạn Việt Nam ở 38 phố Hàng Bông, Hà Nội vừa làm trụ sử hội họp, vừa làm cơ quan sinh lợi cho đảng. Ngoài ra, còn xuất bản báo Hồn cách mạng làm cơ quan tuyên truyền.

Nguyễn Thái Học (1901- 1930).

Ngày 1-1-1929, VNQDĐ mở Hội nghị ở phố Chợ Đuổi, Hà Nội (nay là phố Tuệ Tĩnh) do Nguyễn Thái Học làm chủ tọa, tổ chức lại Tổng bộ và quyết định thành lập hai viện: Viện lập pháp (do ông Nguyễn Khắc Nhu làm chủ tịch) và Viện hành chính (do ông Nguyễn Thế Nghiệp làm chủ tịch) bộc lộ xu hướng muốn tiến tới tổ chức đảng một cách quy mô. Về tổ chức, VNQDĐ có bốn cấp: Tổng bộ, Kỳ bộ, Tỉnh bộ và Chi bộ, nhưng trong thực tế, địa bàn chủ yếu của nó là ở Bắc Kỳ và chưa khi nào tổ chức được một cơ quan Trung ương thống nhất trên cả nước.

Nguyễn Khắc Nhu ( 1881- 1930).

Phó Đức Chính (1907- 1930).

Về đường lối chính trị, tổ chức này có khuynh hướng ngày càng rõ nét là bạo động. Chương trình, điều lệ của đảng lúc đầu còn mơ hồ, nhưng ngày càng bộc lộ lập trường dân chủ tư sản và chịu ảnh hưởng phần nào của học thuyết “Tam dân” của Quốc dân đảng Trung Quốc. Những hoạt động của đảng VNQDĐ không được tổ chức chu đáo và mang nhiều tính mạo hiểm cho nên ngay từ năm 1928, đảng đã bị nội phản, bị bọn mật thám Pháp theo dõi, bám sát. Sau vụ ám sát Badanh (Bazin), một tên chủ mộ phu người Pháp vào đêm ngày 9-2-1929 (tức 30 Tết Kỷ Tỵ) trước ngôi nhà 108 phố Huế, nhiều cán bộ chủ chốt của VNQDĐ và một số đảng viên bị sa lưới mật thám. Từ đấy, những hoạt động của VNQDĐ ở Hà Nội phần nhiều có tính chất manh động. Tháng 9-1929, ông Đoàn Trần Nghiệp (tức Ký Con) ám sát Nguyễn Văn Kính, một tên phản đảng tại vườn Bách Thảo. Ngày 22-1-1930, ông Nguyễn Văn Nho bắn chết Phạm Huy Du ở ngõ Hồng Phúc là bố của Phạm Thành Dương, tức Đội Dương, một tên mật thám đã lọt vào hàng ngũ VNQDĐ. Chính tên Đội Dương đã bố trí cho mật thám Pháp bắt Nguyễn Thái Học trong Hội nghị ở Võng La, Phú Thọ (nhưng rất may mắn, ông Nguyễn Thái Học đã kịp trốn thoát).

Đoàn Trần Nghiệp (1908- 1930).

Năm 1930, phối hợp với cuộc Khởi nghĩa Yên Bái, VNQDĐ ở Hà Nội đã cử 6 đồng chí đảng viên trẻ, nguyên là học viên trường Kỹ nghệ thực hành đi ném bom vào nhà viên chánh mật thám, Nhà tù Hỏa Lò, Sở Hiến binh, Sở Cảnh sát vào những ngày 9 và 10 tháng 2 năm 1930. Nhưng vì vỏ bom làm bằng xi măng không được tốt, nên không gây thiệt hại gì đáng kể cho phía địch.

Sau khi cuộc Khởi nghĩa Yên Bái thất bại, hầu hết các đảng viên VNQDĐ ở Hà Nội và các địa phương bị mật thám bắt. Từ ngày 5 đến ngày 9 tháng 8 năm 1930, thực dân Pháp lập Hội đồng đề hình ở Hà Nội để xử vụ án VNQDĐ. Trước tòa án, nhiều chiến sĩ của VNQDĐ đã tỏ rõ thái độ dũng cảm, ngang nhiên nhận những hành động chống Pháp của họ, đả kích chế độ thực dân. Thực dân tuyên án 12 người tử hành, 11 người khổ sai chung thân, 114 người bị đày chung thân, và nhiều người khác bị tù từ 5 năm trở lên. Sau trận đàn áp này của thực dân Pháp, VNQDĐ mất gần hết lực lượng, tới năm 1932 thì hoàn toàn tan rã. Sau này, các tổ chức chính trị mang tên Việt Nam Quốc dân đảng của những phần tử cơ hội chính trị hoàn toàn không còn gắn liền với lịch sử của một tổ chức Việt Nam Quốc dân đảng yêu nước nữa.

Tuy chỉ tồn tại trong một thời gian ngắn, những hoạt động của VNQDĐ đã có tác dụng lớn trong việc góp phần phát triển ý thức dân tộc, tiếp thu và truyền bá tư tưởng tự do, dân chủ vào trong nước, góp phần tuyên truyền và giác ngộ các tư tưởng tiến bộ và cách mạng trong quần chúng nhân dân, mặc dù tư tưởng chính trị cốt lõi là chủ nghĩa dân tộc , đường hướng cách mạng của VNQDĐ vẫn thuộc phạm trù của một cuộc cách mạng tư sản kiểu cũ, dựa trên lập trường tư sản và do giai cấp tư sản lãnh đạo. Sự nghiệp cứu nước không thành, nhưng VNQDĐ đã để lại cho cách mạng Việt Nam nhiều bài học kinh nghiệm quý giá, góp phần khẳng định xu thế phát triển tất yếu của cách mạng Việt Nam trong thời đại lịch sử mới- thời đại của cách mạng vô sản được mở ra sau thắng lợi của Cách mạng Tháng Mười Nga. Với những cống hiến ấy, VNQDĐ đã đóng góp vai trò quan trọng, góp phấn thúc đẩy sự phát triển và chín muồi nhanh chóng của cuộc cách mạng giải phóng dân tộc ở Việt Nam.Đó cũng là cách nhìn nhận, đánh giá khách quan, khoa học nhất đối với VNQDĐ cũng như tầng lớp tiểu tư sản ở Việt Nam trong phong trào dân tộc đầu thế kỷ XX.

Chu Lộc- Phương Thảo (tổng hợp)

Nguồn:

  1. Việt Nam những sự kiện lịch sử (1919-1945). Nxb Giáo dục, Hà Nội, 2000.
  2. Việt Nam Quốc dân đảng trong lịch sử cách mạng Việt Nam. Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 2005.
  3. Bách khoa thư Hà Nội. Nxb Văn hóa thông tin. Viện nghiên cứu và phổ biến kiến thức Bách khoa.
  4. Ảnh tư liệu Bảo tàng Lịch sử Quốc gia.
Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

Chia sẻ:

Bài nổi bật

Đồng chí Xuân Thủy với báo Suối Reo và báo Cứu Quốc

Đồng chí Xuân Thủy với báo Suối Reo và báo Cứu Quốc

  • 18/06/2019 10:06
  • 4881

* Làm báo Suối Reo trong nhà tù Sơn La

Bài viết khác

Lũng Bó- Nơi lãnh tụ Hồ Chí Minh quyết định thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân.

Lũng Bó- Nơi lãnh tụ Hồ Chí Minh quyết định thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân.

  • 25/12/2013 09:52
  • 3595

Nói đến thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân, ai cũng biết đó là khu rừng Sam Sao thuộc tổng Trần Hưng Đạo huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng. Nhưng nơi đã hình thành nên quyết định đó của Chủ tịch Hồ Chí Minh ở đâu? Hẳn không nhiều người biết. Bởi lẽ sử sách ít nhắc đến, hoặc có nhắc đến thì người nói nơi này, người nói nơi kia.