Thứ Ba, 08/10/2024
  • Tiếng Việt
  • English
  • French

Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

Vietnam National Museum of History

23/12/2013 14:47 3833
Điểm: 0/5 (0 đánh giá)
Từ sau phong trào Đồng khởi các Ủy ban nhân dân tự quản được phát triển rộng khắp. Đến giữa năm 1960, ở miền Nam lực lượng vũ trang đã có đơn vị tập trung quy mô tiểu đoàn và đã có vùng căn cứ, vùng giải phóng rộng lớn. Sự phát triển nhảy vọt của phong trào cách mạng tất yếu yêu cầu phải có một tổ chức công khai tập hợp lực lượng yêu nước toàn miền Nam dưới một ngọn cờ duy nhất, và một chương trình hành động cụ thể.

Chính vì vậy, ngày 20/12/1960, tại xã Tân Lập, huyện Châu Thành, trong vùng căn cứ Tây Ninh, đại biểu các giai cấp, các dân tộc, các tôn giáo và các đảng phái đã họp Đại hội, và nhất trí thành lập Mặt trận Dân tộc giải phòng miền Nam Việt Nam. Đại hội thông qua tuyên ngôn và chương trình hành động mà nội dung cơ bản là đoàn kết tất cả các tầng lớp nhân dân để đấu tranh đánh đổ ách thống trị của đế quốc Mỹ và chế độc độc tài Ngô Đình Diệm. Thực hiện độc lập, dân chủ, hòa bình, trung lập, tiến tới hòa bình, thống nhất đất nước. Mặt trận quyết định chọn lá cờ nửa xanh nửa đỏ có sao vàng 5 cánh ở giữa làm cờ và bài hát “Giải phóng miền Nam” của Huỳnh Minh Siêng (nhạc sĩ Lưu Hữu Phước) là bài ca của Mặt trận.

Luật sư Nguyễn Hữu Thọ (1910-1996)

Khi Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam được hình thành nhưng chưa có người đứng đầu. Luật sư Nguyễn Hữu Thọ là một nhân vật tiểu biểu được xem có thể đáp ứng được trọng trách nặng này. Tuy nhiên trong thời điểm đó, ông lại đang bị địch quản thúc ở Tuy Hòa - Phú Yên, một kế hoạch giải thoát cho luật sư được vạch ra. Ngày 30/10/1961, ông được nhân dân và các lực lượng vũ trang tỉnh Phú Yên giải thoát và hộ tống về chiến khu Dương Minh Châu, Tây Ninh.

Luật sư Nguyễn Hữu Thọ (thứ hai từ phải sang) tại cơ quan Tỉnh ủy Phú Yên sau khi được giải thoát

Tại Đại hội lần thứ I Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam (2/1962), Luật sư Nguyễn Hữu Thọ được bầu làm Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam, trực tiếp tham gia lãnh đạo mặt trận trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Từ đây, Luật sư Nguyễn Hữu Thọ trở thành người lãnh đạo chủ chốt của Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam.

Dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Nguyễn Hữu Thọ, các tổ chức chính trị - thành viên của Mặt trận đã phát triển nhanh chóng như: Hội Lao động giải phóng; Hội Nhà giáo yêu nước; Hội Phụ nữ giải phóng; Hội Liên hiệp sinh viên học sinh; Hội nhà báo yêu nước và dân chủ; Hội những người công giáo kính chúa yêu nước; Hội Lục hòa phật tử miền Nam; Đảng xã hội cấp tiến của trí thức yêu nước; Đảng dân chủ của tư sản dân tộc…, đồng thời tiến hành những cuộc đấu tranh vũ trang - chính trị quyết liệt chống đế quốc Mỹ và tay sai.

Ban Chấp hành Trung ương chính thức MTDTGPMNVN tuyên thệ trước Đại hội Đại biểu của Mặt trận lần thứ I, ngày 16/2/1962

Theo sự chỉ đạo của Trung ương, tháng 3/1964 Chủ tịch Nguyễn Hữu Thọ đã chủ trì Đại hội lần thứ II Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam. Để triển khai chủ trương tiếp tục mở rộng khối đại đoàn kết dân tộc, phân hóa cao độ hàng ngũ kẻ thù, tranh thủ hơn nữa sự đồng tình, ủng hộ của bạn bè quốc tế đối với cuộc đấu tranh chính nghĩa của nhân dân miền Nam. Năm 1967, Chủ tịch Nguyễn Hữu Thọ chủ trì Đại hội bất thường Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam để thảo luận và thông qua Cương lĩnh chính trị nhằm liên hiệp hành động với mọi lực lượng có thể liên hiệp được.


Luật sư Nguyễn Hữu Thọ- Chủ tịch Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTDTGPMNVN duyệt một đơn vị vũ trang quân giải phóng miền Nam Việt Nam.

Sau cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968, Mỹ - Ngụy buộc phải ngồi vào bàn đàm phán thương lượng ở Pari với sự có mặt của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam. Tháng 6/1969, Đại hội đại biểu quốc dân toàn miền Nam Việt Nam đã tổ chức và ra Nghị quyết thành lập Chính phủ Lâm thời cộng hòa miền Nam Việt Nam. Luật sư Nguyễn Hữu Thọ được bầu giữ chức Chủ tịch Hội đồng cố vấn Chính phủ. Đây là sự kiện đánh dấu thắng lợi hết sức to lớn về chính trị và ngoại giao của quân và dân miền Nam, trong đó có vai trò của Chủ tịch Nguyễn Hữu Thọ.

Luật sư Nguyễn Hữu Thọ với một đơn vị giải phóng miền Đông Nam Bộ năm 1964

Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam từ khi ra đời đến khi hoàn thành sứ mệnh lịch sử của mình đã luôn giương cao ngọn cờ độc lập dân tộc, đã động viên được tinh thần yêu nước trong mọi tầng lớp nhân dân, tranh thủ được sự ủng hộ tích cực của bạn bè gần xa. Trên cơ sở kiên định đường lối và chiến lược cách mạng đúng đắn của Đảng, trong chỉ đạo sách lược, Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam không ngừng phát triển và hoạt động rất linh hoạt, mềm dẻo, nhằm đoàn kết mọi lực lượng dân tộc, cô lập kẻ thù ngoan cố, thêm bạn bớt thù, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, tiến lên giành thắng lợi hoàn toàn.

Thu Nhuần (tổng hợp)

Nguồn: Nhiều tác giả, “Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam trong sự nghiệp cách mạng Việt Nam”, NXB Chính trị Quốc gia, 2010.

Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

Chia sẻ:

Bài nổi bật

Đồng chí Xuân Thủy với báo Suối Reo và báo Cứu Quốc

Đồng chí Xuân Thủy với báo Suối Reo và báo Cứu Quốc

  • 18/06/2019 10:06
  • 4866

* Làm báo Suối Reo trong nhà tù Sơn La

Bài viết khác

Kỷ niệm 69 năm Ngày thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân và chiến thắng Phay Khắt, Nà Ngần (Tháng 12/1944- tháng 12/2013)

Kỷ niệm 69 năm Ngày thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân và chiến thắng Phay Khắt, Nà Ngần (Tháng 12/1944- tháng 12/2013)

  • 20/12/2013 16:32
  • 9052

Đứng trước những yêu cầu thực tiễn của cách mạng, tháng 12-1944, lãnh tụ Hồ Chí Minh đã ra Chỉ thị thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân (Đội VNTTGPQ) và giao cho đồng chí Võ Nguyên Giáp phụ trách. Bản Chỉ thị lịch sử này là một văn kiện có tính chất cương lĩnh quân sự của Đảng, đề cập một cách toàn diện đến đường lối, phương châm, tổ chức và hoạt động của lực lượng vũ trang cách mạng. Trong điều kiện lịch sử đương thời, bản Chỉ thị nhấn mạnh: “Tên, Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân, nghĩa là chính trị trọng hơn quân sự. Nó là đội tuyên truyền…”, đồng thời “Nó là khởi điểm của Giải phóng quân, nó có thể đi suốt từ Nam chí Bắc khắp đất nước Việt Nam chúng ta”.