Chủ Nhật, 06/10/2024
  • Tiếng Việt
  • English
  • French

Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

Vietnam National Museum of History

20/12/2013 16:32 9044
Điểm: 0/5 (0 đánh giá)
Đứng trước những yêu cầu thực tiễn của cách mạng, tháng 12-1944, lãnh tụ Hồ Chí Minh đã ra Chỉ thị thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân (Đội VNTTGPQ) và giao cho đồng chí Võ Nguyên Giáp phụ trách. Bản Chỉ thị lịch sử này là một văn kiện có tính chất cương lĩnh quân sự của Đảng, đề cập một cách toàn diện đến đường lối, phương châm, tổ chức và hoạt động của lực lượng vũ trang cách mạng. Trong điều kiện lịch sử đương thời, bản Chỉ thị nhấn mạnh: “Tên, Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân, nghĩa là chính trị trọng hơn quân sự. Nó là đội tuyên truyền…”, đồng thời “Nó là khởi điểm của Giải phóng quân, nó có thể đi suốt từ Nam chí Bắc khắp đất nước Việt Nam chúng ta”.

Sau một thời gian khẩn trương chuẩn bị, ngày 22 tháng 12 năm 1944, Đội VNTTGPQ (tổ chức tiền thân của Quân đội Nhân dân Việt Nam) được thành lập tại khu rừng giữa hai tổng Hoàng Hoa Thám và Trần Hưng Đạo, thuộc châu Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng. Đồng chí Võ Nguyên Giáp được Đảng và lãnh tụ Hồ Chí Minh ủy nhiệm tổ chức lãnh đạo và chỉ huy, đã tuyên bố thành lập Đội VNTTGPQ và vạch rõ nhiệm vụ của Đội đối với Tổ quốc. Dưới lá cờ đỏ sao vàng năm cánh, toàn Đội đã long trọng tuyên đọc Mười lời thề danh dự. Mười lời thề nói lên lòng trung thành vô hạn đối với Tổ quốc, với Đảng, tinh thần hy sinh chiến đấu đến giọt máu cuối cùng vì sự nghiệp cách mạng, kiên quyết tiêu diệt quân thù cướp nước, hết lòng hết dạ phục vụ nhân dân. Tinh thần đoàn kết và ý thức tổ chức, kỷ luật rất cao của một quân đội cách mạng. Mười lời thề của Đội VNTTGPQ đã trở thành lời thề của quân đội ta sau này.

Đội VNTTGPQ, do đồng chí Võ Nguyên Giáp chỉ huy Tuyên thệ tại khu rừng Trần Hưng Đạo, huyện Nguyên Bình, Cao Bằng, ngày 22-12-1944.

Đội VNTTGPQ gồm 34 cán bộ, chiến sĩ do đồng chí Hoàng Sâm làm đội trưởng, đồng chí Xích Thắng (tức Dương Mạc Thạch) làm chính trị viên, đồng chí Hoàng Văn Thái phụ trách kế hoạch- tình báo, đồng chí Vân Tiên (Lộc Văn Lùng) quản lý. Đội có chi bộ Đảng lãnh đạo và biên chế thành 3 tiểu đội, do các đồng chí Thu Sơn, Bế Văn Sắt, Xuân Trường làm tiểu đội trưởng. Chỉ có 34 người với một số súng các loại, nhưng đó là những chiến sĩ kiên quyết, dũng cảm đã được chọn lựa kỹ càng trong các đội du kích Cao- Bắc- Lạng, Cứu quốc quân và một số người đi học quân sự ở nước ngoài về. Hầu hết các đồng chí này đã trải qua chiến đấu và ít nhiều đều có hiểu biết về kỹ thuật và kinh nghiệm quân sự.

Đội VNTTGPQ là đội quân chủ lực đầu tiên của Quân đội Nhân dân Việt Nam. Ngày 22-12-1944 được xác định là Ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam, đánh dấu sự ra đời của một tổ chức quân sự mới của dân tộc ta. Với sự ra đời của Đội VNTTGPQ, tại Cao- Bắc- Lạng đã xuất hiện ba hình thức tổ chức của lực lượng vũ trang nhân dân: Đội VNTTGPQ là đội chủ lực, các đội vũ trang ở châu, và các đội tự vệ nửa vũ trang ở xã. Chấp hành chỉ thị “phải đánh thắng trận đầu”, ngay sau ngày thành lập, Đội VNTTGPQ đã mưu trí, táo bạo, giả làm quân địch, bất ngờ đột nhập vào đồn Phay Khắt, đóng tại xã Cam Lộng, Nguyên Bình, Cao Bằng (17h chiều ngày 25-12-1944), và liền ngay sáng hôm sau (7h sáng ngày 26-12-1944) đột nhập đồn Nà Ngần (cách Phay Khắt 15km) tiêu diệt gọn hai đồn địch, giết chết hai tên đồn trưởng, bắt sống toàn bộ binh lính địch trong hai đồn, thu toàn bộ vũ khí, quân trang, quân dụng.

Đồn Phay Khắt (ảnh chụp năm 1961), nơi Đội VNTTGPQ đã đánh thắng trận đầu, ngày 25-12-1944.

Thực hiện chiến thuật “lai vô ảnh, khứ vô tung” và để giữ thế hợp pháp cho quần chúng, sau khi thực hiện chu đáo chính sách đối với tù binh, chia chiến lợi phẩm cho nhân dân địa phương, bàn với địa phương cách đối phó khi quân địch kéo đến, Đội VNTTGPQ đã nhanh chóng, bí mật chuyển quân về căn cứ mới. Hai trận đánh đồn Phay Khắt và Nà Ngần thắng lợi đã mở đầu truyền thống đánh tiêu diệt, đánh chắc thắng, đánh thắng trận đầu và đã mở đầu cho truyền thống Quyết chiến quyết thắng của Quân đội Nhân dân Việt Nam. Sau chiến thắng, Đội VNTTGPQ tiến hành chấn chỉnh, củng cố và phát triển lực lượng. Chỉ một tuần sau khi thành lập, Đội VNTTGPQ đã phát triển thành một đại đội gồm bốn trung đội.

Chi đội 4, Đội VNTTGPQ tại Quảng trường Ba Đình ngày 2-9-1945.

Như vậy là, mới ra đời một thời gian ngắn, Đội VNTTGPQ đã đảm đương xuất sắc nhiệm vụ của mình và trưởng thành nhanh chóng. Những thắng lợi cả về chính trị và quân sự của Đội VNTTGPQ đã góp phần tích cực vào việc củng cố và mở rộng khu căn cứ Cao Bằng, Bắc Cạn, Lạng Sơn và đã cổ vũ nhân dân ta càng thêm tin tưởng con đường khởi nghĩa vũ trang của Đảng ta là tất thắng.

Chu Lộc- Phương Thảo (tổng hợp)

Nguồn:

  1. Hồ Chí Minh với các lực lượng vũ trang nhân dân. Nxb Quân đội Nhân dân, Hà Nội- 1975.
  2. Việt Nam những sự kiện lịch sử (1919-1945). Nxb Giáo dục, Hà Nội- 2000.
  3. Lịh sử Quân đội Nhân dân Việt Nam (1944-1975). Nxb Quân đội Nhân dân, Hà Nội- 2005.
  4. Ảnh tư liệu Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Việt Nam.
Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

Chia sẻ:

Bài nổi bật

Đồng chí Xuân Thủy với báo Suối Reo và báo Cứu Quốc

Đồng chí Xuân Thủy với báo Suối Reo và báo Cứu Quốc

  • 18/06/2019 10:06
  • 4862

* Làm báo Suối Reo trong nhà tù Sơn La

Bài viết khác

Vị Đại tướng khai mở “hai mặt trận”, “ba ngọn cờ”

Vị Đại tướng khai mở “hai mặt trận”, “ba ngọn cờ”

  • 20/12/2013 15:55
  • 2716

Đại tướng Nguyễn Chí Thanh là nhà lãnh đạo kiệt xuất, người có công lớn với sự nghiệp cách mạng, nhất là ở những thời điểm quan trọng.