Bị thất bại nặng nề ở miền Nam sau đợt Tết Mậu Thân năm 1968, cùng với thiệt hại lớn về máy bay và phi công ở miền Bắc, cuối tháng 3/1968, Tổng thống Mỹ Johnson đã phát tuyên bố đơn phương ngừng ném bom đánh phá miền Bắc từ vĩ tuyến 20 trở ra.
Nhưng để cứu vãn chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” của Mỹ trên chiến trường miền Nam khỏi bị phá sản sau đòn tấn công chiến lược năm 1972 của quân ta trên khắp các mặt trận, sau khi lên nắm quyền, Nixon đã liều lĩnh mở lại cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc lần thứ hai với Chiến dịch Linebacker I (6/4 - 22/10/1972), đồng thời giăng thả mìn, thủy lôi phong tỏa các cảng và dọc duyên hải Bắc Việt Nam bắt đầu từ 6/4/1972.
Máy bay ném bom chiến lược B.52 – “Con át chủ bài” của không quân Mỹ trong cuộc chiến tranh phá hoại lần thứ hai.
Cuộc chiến tranh phá hoại lần này của Nixon vượt cao hơn cả về quy mô và tính chất ác liệt so với cuộc chiến tranh phá hoại lần thứ nhất của Johnson. Mỹ đã sử dụng một lực lượng quân sự khổng lồ để đánh phá miền Bắc: 40% tổng số máy bay chiến thuật, 50% máy bay chiến lược (193 máy bay B52, 1.400 máy bay chiến thuật), 65 tàu chiến, 7 tàu sân bay (trong tổng số 14 tàu sân bay).
Nhân dân Hà Nội đào hầm trú ẩn trên đường phố để tránh bom đạn Mỹ.
Khác với ném bom lần thứ nhất bằng hình thức leo thang, lần này Mỹ chủ trương đánh ngay vào các vị trí chiến lược, dùng vũ khí hiện đại vừa cải tiến để hủy diệt các mục tiêu cần phải đánh phá. Hiểu được lập trường của một số nước lớn trên thế giới, Mỹ ngông cuồng rải mìn phong tỏa bờ biển miền Bắc. Mức độ tàn phá của không quân và hải quân Mỹ trong lần đánh phá miền Bắc lần thứ 2 nặng nền hơn trước rất nhiều.
Hàng ngàn lượt máy bay đã thay nhau trút bom xuống Hà Nội.
Ngày 10-4-1972, Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà ra Tuyên bố về bước leo thang chiến tranh mới của đế quốc Mỹ.
Phố Khâm Thiên bị bom Mỹ tàn phá hủy diệt.
Một vệt bom B52 rải xuống Thành phố Hải Phòng những ngày cuối tháng 12/1972.
Ngày 16-4-1972, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam và Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà ra Lời kêu gọi đồng bào và chiến sĩ cả nước “Triệu người như một hãy nêu cao chủ nghĩa anh hùng cách mạng kiên quyết chiến đấu vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì sự nghiệp giải phóng miền Nam, bảo vệ miền Bắc xã hội chủ nghĩa tiến tới hoà bình thống nhất nước nhà”.
Đáp lời kêu gọi thiêng liêng của Đảng và Chính phủ, cả nước một lòng bừng bừng khí thế thi đua quyết chiến quyết thắng giặc Mỹ xâm lược.
Từ tháng 4, miền Bắc tổ chức sơ tán nhiều công sở, cơ quan, trường học, xí nghiệp về vùng nông thôn; lực lượng phòng không triển khai thế trận của mình. Đến tháng 6, hỏa lực phòng không tập trung lực lượng hùng hậu bảo vệ vùng trung tâm châu thổ sông Hồng.
Chiều tối ngày 19-4-1972, sau 6 tháng chuẩn bị, phi công Nguyễn Xuân Dị và Nguyễn Văn Bảy từ sân bay dã chiến Gát (Quảng Bình) đánh hỏng 2 tàu chiến của Hạm đội 7 Mỹ, trong đó có chiến hạm Meghec bị hỏng nặng. Đây là trận đánh đầu tiên của không quân Việt Nam vào tàu chiến của Mỹ. Trận đánh này thể hiện tinh thần của lực lượng vũ trang miền Bắc: kiên quyết tiến công, đánh bại mọi bước phiêu lưu quân sự mới của Mỹ.
Từ tháng 5 đến tháng 10 năm 1972, Mỹ rải mìn phong tỏa các cảng và bờ biển miền Bắc.
Tên lửa Sam-2 – Khắc tinh của Pháo đài bay B.52.
Các đơn vị pháo phòng không bắn trả máy bay Mỹ trong cuộc tập kích chiến lược cuối tháng 12/1972.
Từ ngày 18 đến hết ngày 29/12/1972, Mĩ mở cuộc tập kích chiến lược không quân bằng máy bay B52 vào thủ đô Hà Nội, thành phố Hải Phòng và một số thành phố khác ở miền Bắc nước ta với chiến dịch Linebacker II (18-29/12/1972).
Trong 12 ngày đêm đánh phá Hà Nội, Hải Phòng, Mỹ đã tập kích bằng máy bay với cường độ 4.666 lần/chiếc, trong đó có 663 lần/chiếc B52 và sử dụng 100.000 tấn bom đạn để bắn phá.
Tên lửa Sam-2 bắn chặn máy bay B.52 trên bầu trời Hà Nội.
Mục đích cụ thể của Mỹ trong đợt tập kích vào tháng 12-1972 ở Hà Nội và Hải Phòng là nhằm hủy diệt tiềm năng kinh tế, quốc phòng miền Bắc, gây tâm lý khiếp sợ đối với nhân dân miền Bắc; tạo thế mới và củng cố tâm lý cho quân đội và chính quyền Sài Gòn; đồng thời chứng minh Mỹ quyết tâm bảo vệ Sài Gòn và nhằm tạo thế mạnh trên bàn đàm phán đang diễn ra ở Paris.
Cuộc chiến tranh phá hoại lần thứ hai mà đỉnh cao của nó là trận tập kích Hà Nội, Hải Phòng bằng B52 là bước phiêu lưu quân sự cao nhất của đế quốc Mỹ đối với nhân dân Việt Nam.
Phi công- Anh hùng liệt sĩ Vũ Xuân Thiều, người đã bắn rơi “ Pháo đài bay B.52” trong đêm 28/12/1972.
Dù vậy, cuối cùng bằng tinh thần dũng cảm, sáng tạo, bằng tài trí, quân và dân miền Bắc, trước hết là bộ đội tên lửa, đã đập tan đợt tập kích của Mỹ vào Hà Nội, Hải Phòng. Trong chiến thắng chung đó, quân và dân Thủ đô Hà Nội đã lập nên một “Điện Biên Phủ trên không” bắn rơi hàng chục máy bay B52 và F.111 cùng nhiều máy bay phản lực khác, góp phần đập tan “thần tượng B52” của không quân chiến lược Hoa Kỳ và bẻ gẫy âm mưu của chính quyền Nixon hòng buộc Việt Nam trở lại Hội nghị Paris với thế yếu trong cuộc đàm phán. Chiến thắng “Điện Biên Phủ trên không” là đòn quyết định buộc Mỹ phải xuống thang và kết thúc cuộc chiến tranh phá hoại lần thứ hai đối với miền Bắc nước ta.
27/12/1972, một chiếc B52 của Mỹ đã bị quân và dân quận Ba Đình bắn hạ và rơi xuống hồ Hữu Tiệp (nay thuộc phường Ngọc Hà, quận Ba Đình, Hà Nội).
Ngày 30-12-1972, Chính phủ Mỹ buộc phải tuyên bố ngừng ném bom miền Bắc từ vĩ tuyến 20 trở ra và chấm dứt hoàn toàn vào ngày 15-1-1973.
Tính chung trong cả cuộc Chiến tranh phá hoại lần thứ hai (từ 6-4-1972 đến 15-1-1973), miền Bắc đã bắn rơi 735 máy bay Mỹ, trong đó có 61 máy bay B52, 10 máy bay F.111, bắn chìm và bắn bị thương 125 tàu chiến, tàu biệt kích, diệt và bắt sống hàng trăm giặc lái.
Chiến tranh phá hoại đối với miền Bắc là một bộ phận quan trọng trong chiến tranh xâm lược của đế quốc Mỹ. Thắng lợi của quân dân miền Bắc chống chiến tranh phá hoại của Mỹ cùng với thắng lợi của cuộc tiến công chiến lược năm 1972 trên chiến trường miền Nam đã làm phá sản chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” và “Mỹ hóa” trở lại cuộc chiến tranh của bọn hiếu chiến Mỹ.
Ngày 27-1-1973 tại Paris, chính quyền Mỹ buộc phải ký Hiệp định về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam. Thắng lợi cơ bản mà nhân dân ta đạt được trong việc ký kết Hiệp định là Mỹ phải cam kết chấm dứt chiến tranh, tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam, rút hết quân Mỹ và chư hầu về nước trong 60 ngày, chấm dứt mọi sự dính líu quân sự vào miền Nam Việt Nam và phải chấp nhận sự tồn tại của bộ đội chủ lực ta ở miền Nam.
Thắng lợi của quân và dân ta trong hai cuộc chiến tranh phá hoại của Mỹ là đỉnh cao của nghệ thuật tổ chức chỉ huy để tạo sức mạnh phòng không bảo vệ miền Bắc, tiếp tục chi viện mạnh mẽ hơn nữa cho chiến trường miền Nam. Với chiến thắng oanh liệt này, ta đã thực hiện được mục tiêu đánh cho Mỹ cút, tạo nên bước ngoặt mới cả về thế và lực để đánh cho ngụy nhào, hoàn thành cuộc kháng chiến giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước với chiến dịch Hồ Chí Minh đại thắng mùa Xuân năm 1975.
Lê Khiêm(tổng hợp)
Nguồn: Nguyễn Đình Lê, “Đánh bại cuộc Chiến tranh phá hoại lần thứ hai của Mỹ”, Lịch sử Việt Nam 1954-1975, H.: Giáo dục Việt Nam, 2010, tr. 176-178.