Bạch Đằng là cửa ngõ phía đông bắc và là đường giao thông quan trọng từ biển Đông vào nội địa Việt Nam. Cửa biển Bạch Đằng to rộng, rút nước từ đồng bằng Bắc Bộ đổ ra Vịnh Hạ Long. Từ cửa biển ngược lên gần 20km là đến cửa sông Chanh. Phía hữu ngạn có dãy núi vôi Tràng Kênh với nhiều hang động, sông lạch và thung lũng hiểm trở. Tại nơi đây năm 938, vị anh hùng dân tộc Ngô Quyền đã chọn làm chiến trường đại phá quân Nam Hán.
Ngô Quyền (897- 944) quê ở Đường Lâm (nay thuộc xã Đường Lâm, thị xã Sơn Tây, Hà Tây). Từ thuở thiếu thời đã nổi tiếng là một chàng trai cương nghị, dũng cảm, nhiều tài năng và có sức khỏe phi thường. Trưởng thành, ông nuôi chí giành quyền tự chủ cho dân tộc, bí mật xây dựng lực lượng rồi dẫn cả đội gia binh theo Dương Đình Nghệ. Ông có công lao to lớn trong cuộc kháng chiến đánh đuổi quân Nam Hán, giải phóng thành Đại La năm 931; trở thành vị tướng trụ cột của Tiết độ sứ Dương Đình Nghệ, được Dương Đình Nghệ tin cẩn giao cho cai quản Ái Châu (Thanh Hóa).

Lược đồ chiến thắng Bạch Đằng năm 938.
Đầu năm 937, Kiều Công Tiễn phản nghịch, giết Dương Đình Nghệ, đoạt chức Tiết Độ sứ. Sau một thời gian chuẩn bị, tháng 10 năm 938, Ngô Quyền tiến quân ra Bắc. Kiều Công Tiễn hoảng sợ cầu cứu vua Nam Hán. Nhưng khi quân giặc còn ngấp nghé ngoài biên cương, thì Ngô Quyền đã hạ thành Đại La (Hà Nội), giết chết Kiều Công Tiễn, ổn định tình hình, rồi kéo quân về vùng An Hải (Hải Phòng), chuẩn bị đối phó với cuộc chiến tranh xâm lược của vua Nam Hán. Để xây dựng lòng tin, quyết tâm và xác định những nội dung mấu chốt nhất về cách đánh, làm cơ sở cho công việc chuẩn bị. Ông nói với các tướng của mình: “Hoằng Thao là đứa trẻ khờ dại, đem quân từ xa đến, quân lính còn mỏi mệt, lại nghe Công Tiễn đã chết, không có người làm nội ứng, đã mất vía trước rồi. Quân ta lấy sức còn khỏe địch với quân mỏi mệt, tất phá được. Nhưng bọn chúng có lợi ở chiến thuyền, ta không phòng bị trước thì thế được thua chưa biết ra sao. Nếu sai người đem cọc lớn vạt nhọn đầu bịt sắt đóng ngầm ở trước cửa biển, thuyền của bọn chúng theo nước triều lên vào trong hàng cọc thì sau đó ta dễ bề chế ngự, không cho chiếc nào ra thoát”.
Kế hoạch và việc lựa chọn chiến trường cho trận "quyết chiến chiến lược" đã được quyết định. Tướng sĩ ai cũng vui mừng, tin rằng chắc thắng. Sau đó, Ngô Quyền và bộ chỉ huy tạm rời thành Đại La, kéo quân về vùng biển đông bắc chuẩn bị chiến trường đón đánh thủy quân Nam Hán.
Theo lệnh Ngô Quyền, quân dân ta đã đóng cọc gỗ đầu bịt sắt nhọn ngang sông Bạch Đằng, nơi hiểm yếu gần cửa biển thành một trận địa ngầm. Quân thủy, bộ của ta mai phục ở phía trong.

Dấu tích bãi cọc Bạch Đằng tại huyện Yên Hưng, Quảng Ninh.
Cuối tháng 11 năm 938 (trong Đại Việt sử ký toàn thư có chép sự kiện này xảy ra vào "Mùa đông tháng mười", tính theo lịch dương vào khoảng tháng 11), đoàn thuyền Nam Hán vượt biển Quảng Châu, tiến dần tới cửa sông Bạch Đằng. Chúng đi khá nhanh vì thuận gió, lại không bị lực lượng nào ngăn cản, Hoằng Thao bắt đầu chủ quan, thì lập tức phải trả giá ngay bằng một trận phục kích phủ đầu quyết liệt và hiệu quả của quân ta ở khu vực giữa đảo Cát Bà và đảo Công do Nguyễn Tất Tố chỉ huy. Bị đòn bất ngờ, quân địch rối loạn, làm cả đội hình đang hành quân nhanh, phải khựng lại. Tuy nhiên, cậy có quân đông, thuyền lớn, bất chấp thương vong, nên địch lại lướt lên, lăn xả vào quân ta mà giáp chiến. Nguyễn Tất Tố ở thế bất lợi phải rút lui, rồi lại mai phục sau những hòn đảo khác. Cứ như thế, thoắt ẩn, thoắt hiện, đánh phía trước, thọc bên sườn, khiến địch không thể đi nhanh, nhưng lại càng say «mồi». Đến khi nước triều đã lên cao, thuyền địch dễ dàng đi qua trên bãi cọc, cửa sông Bạch Đằng mênh mông. Nguyễn Tất Tố mới «thật sự» tỏ ra đuối sức, rút chạy vào trong sông. Hoằng Thao cũng hoàn toàn yên tâm rằng thủy quân Ngô Quyền chỉ có thế và chớp thời cơ ngay, thúc thuyền truy đuổi. Thuận nước triều lên, lại thêm gió mùa đông bắc, thuyền địch chạy băng băng, chỉ chốc lát đã vào hết trong bãi cọc. Lúc ấy, Nguyễn Tất Tố mới quay thuyền đánh quật lại. Lực lượng chặn đầu ở phía sau sông Chanh cũng cơ động ra đánh vỗ mặt.

Trận Bạch Đằng năm 938 (Ảnh minh họa).
Khi nước triều xuống, bãi cọc gần nhô lên, bấy giờ lực lượng tả ngạn do Dương Tam Kha chỉ huy mới nhất loạt xạ kích, rồi xông ra tiến công mãnh liệt vào sườn phải, đẩy một số thuyền địch đâm vào cọc ngầm và bị mắc cạn. Tiếp đến, lực lượng ở hữu ngạn sông Bạch Đằng, hữu ngạn sông Cấm do Nguyễn Cảnh Thạc, Ngô Xương Ngập chỉ huy cũng nhất tề xông ra đánh vào sườn trái quân địch. Những đội thuyền nhẹ của dân binh theo các con kênh từ hai bên bờ sông Bạch Đằng, cũng xông ra cận chiến, phối hợp cùng lực lượng chủ lực băm nát đội quân chủ lực của Lưu Hoằng Thao. Đội hình địch tan tác, nhiều thuyền bị vỡ, bị đắm, tướng sĩ hoảng loạn, phần bị giết, phần chết đuối, phần lớn quân Nam Hán bị tiêu diệt trong đó có cả chủ tướng Hoằng Thao. Vua Nam Hán là Lưu Cung đang điều quân tiếp viện cho con rể Hoằng Thao nhận được tin thất trận, ý chí xâm lược tan rã, chỉ còn biết «thương, khóc, thu nhặt quân lính còn sót, rút về».
Trong điều kiện lực lượng giữa ta địch còn chênh lệch lớn, Ngô Quyền đã lợi dụng được cả thời tiết, địa hình có lợi cho ta, tạo lên thế mạnh giáng cho quân xâm lược vừa mới thò mặt tới một đòn trời giáng, giành thắng lợi quyết định bằng một trận mai phục thủy chiến trên sông.

Đền thờ anh hùng dân tộc Ngô Quyền tại huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng.
Trận chiến Bạch Đằng (938) là một trận quyết chiến chiến lược lớn trong lịch sử chiến tranh Việt Nam, một bước phát triển rực rỡ của nghệ thuật quân sự Việt Nam. Chỉ trong một trận đã đánh tan, tiêu diệt phần lớn đạo quân xâm lược kể cả tên tổng chỉ huy, kết thúc thắng lợi cuộc chiến tranh chống ngoại xâm. Chiến thắng Bạch Đằng đã kết thúc hơn 1000 năm đô hộ của phong kiến phương Bắc, mở ra thời kỳ phát triển quốc gia phong kiến độc lập. Bạch Đằng, một địa danh lần đầu tiên xuất hiện ngời sáng trong lịch sử giữ nước của dân tộc ta.
Nguyễn Thúy (tổng hợp)
Nguồn tư liệu:
1. Mùa xuân mở đầu kỷ nguyên độc lập. Tạp chí Sự kiện và nhân chứng. Số 110, tháng 2-2013, trang 50.
2. Bách khoa tri thức Quốc phòng toàn dân.
3. Danh Nhân Đất Việt.