Phan Bội Châu nhà yêu nước, nhà cách mạng dân tộc dân chủ lớn nhất ở Việt Nam đầu thế kỷ XX. Nhân vật trung tâm của phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc Việt Nam 25 năm đầu thế kỷ XX đã sớm tìm được con đường yêu nước theo khuynh hướng làm cách mạng dân tộc dân chủ.
Phan Bội Châu là người đã khởi xướng phong trào Đông Du, đồng thời chính ông là người mở đầu cho mối quan hệ Việt Nam - Nhật Bản, trong những thập niên đầu của thế kỷ XX. Mục đích của phong trào Đông Du là lựa chọn “những thanh niên học sinh thông minh, hiếu học, chịu đựng gian khổ, quen khó nhọc, quyết chí bền gan, không bao giờ thay đổi chí hướng”. Để thực hiện cho ý định này, tháng 7/1905 Phan Bội Châu đã đến Nhật Bản để thu xếp cho những thanh niên ưu tú, yêu nước của Việt Nam sang học tập tại Tokyo, nhằm đào tạo nhân tài cho đất nước, tiến kịp với văn minh trên thế giới. Bên cạnh đó Phan Bội Châu còn sáng tác thơ văn yêu nước gửi về nước tuyên truyền chống Pháp như: “Việt Nam vong quốc sử”; “Khuyến quốc dân tư trợ du học văn”; “Kêu gọi Nam Kỳ phụ lão”…

Chí sĩ yêu nước Phan Bội Châu (1867-1940)
Lời kêu gọi của Phan Bội Châu đã thu hút được rất nhiều sự quan tâm của các thanh niên trẻ. Tính tới năm 1908, số thanh niên Việt Nam sang Nhật du học đã lên đến 200 người. Nhưng cũng vào cuối năm này, chính phủ Nhật Bản đã thỏa thuận với thực dân Pháp, trục xuất lưu học sinh và giải tán tổ chức Đông Du, Phan Bội Châu và Cường Để cũng phải rời khỏi đất nước Phù Tang.
Trong quá trình hoạt động tại Nhật Bản, Phan Bội Châu đã kết thân với một số người Nhật. Song đậm sâu và nhiều ân tình nhất là đối với bác sĩ Asaba Sakitaro (Thiện Vũ).

Bác sĩ Asaba Sakitaro (1867-1910)
Khi phong trào Đông Du gặp khó khăn. Bất đắc dĩ cụ Phan đã phải viết thư cho Nguyễn Thái Bạt cầm đến nhà Asaba Sakitaro để xin tiền. Thư đi buổi sáng, buổi chiều đã có ngân phiếu đưa đến với số tiền là 1700 Yên Nhật. Kèm theo còn có bức thư viết cho Phan Bội Châu “Hiện nay tôi vơ vét trong nhà chỉ sẵn bấy nhiêu, chờ sau tôi có kiếm được số bạc, như các ngài cần dùng thì đánh giấy lại mau”. Chính nhờ số tiền đó, cụ Phan đã có thể lo được các việc như ngoại giao, in sách và đi lại để tiếp tục công cuộc cứu nước. Trước khi rời Nhật Bản vì mưu sự không thành, cụ Phan Bội Châu đã đến gặp Asaba Sakitaro và được đón tiếp rất nồng hậu. Asaba Sakitaro là một bác sĩ, ông mở phòng mạch riêng khám bệnh cho người nghèo, ông không tham gia chính trị nhưng hiểu rõ chính giới Nhật Bản thời bấy giờ và khuyên Phan Bội Châu chớ nên tin vào họ.
10 năm sau, khi trở lại Nhật biết tin bác sĩ Asaba Sakitaro đã mất. Ghi nhận tấm lòng của người đã giúp mình trong lúc khó khăn, cụ Phan đã làm một bức văn bia tưởng niệm với nội dung như sau.
“Chúng tôi vì nạn nước chạy sang Nhật Bản, tiên sinh thương đến khổ tâm, giúp chúng tôi trong lúc cùng khốn, rõ là một người kỳ hiệp. Nay chúng tôi sang thì tiên sinh đã tạ thế, tứ bề hiu quạnh trông không thấy ai, trời biển mênh mông, lòng này ai tỏ, bèn ghi mối cảm lên viên đá. Ghi rằng: Hào suốt xưa nay, nghĩa trùm trong ngoài, Ông giúp như trời, tôi chịu như biển. Chí tôi chưa thỏa, ông không chờ đợi. Thăm thẳm lòng này, trải muôn ngàn đời. Việt Nam Quang Phục Hội đồng nhân ghi”.
Tấm bia tưởng nhớ bác sĩ Asaba Sakitaro hiện nay ược đặt tại chùa Joujinji (Thường Lâm Tự), thuộc thành phố Shizuoka, Nhật Bản. Tấm bia đã cho chúng ta thấy được lòng nhiệt tình của bác sĩ Asaba Sakitaro dành cho Phan Bội Châu nói riêng và đất nước Việt Nam nói chung. Đây cũng là bằng chứng biểu hiện cho tình bạn thân thiết của cụ Phan Bội Châu với bác sĩ Asaba Sakitaro nói riêng.

Chí sĩ Phan Bội Châu (ngồi hàng đầu thứ hai từ phải sang) chụp ảnh trong ngày dựng bia cho ân nhân- bác sĩ Asaba Sakitaro tại Nhật Bản năm 1918.
Đầu thế kỷ XX, thời kỳ mà những nhà yêu nước Việt Nam trăn trở tìm đường đi cho phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc. Tính đến thời điểm phong trào Đông Du tan rã thì cách mạng Việt Nam vẫn chưa tìm được con đường đấu tranh đúng đắn. Song dù vậy thì hành động của cụ Phan và những nhà yêu nước cùng thời rất đáng trân trọng. Họ đã để lại cho ngày nay rất nhiều di sản, trong đó mối quan hệ tốt đẹp giữa Việt Nam và Nhật Bản.
Thu Nhuần
“Phong trào Đông Du và Phan Bội Châu”, NXB Nghệ An – Trung tâm văn hóa ngôn ngữ Đông Tây, 2005.