Chủ Nhật, 06/10/2024
  • Tiếng Việt
  • English
  • French

Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

Vietnam National Museum of History

15/10/2013 13:52 27327
Điểm: 4.6/5 (15 đánh giá)
“Lạng Giang, Lạng Sơn, thây chất đầy đường Xương Giang, Bình Than, máu trôi đỏ nước, Ghê gớm thay! Sắc phong vân phải đổi, Thảm đạm thay! Ánh nhật nguyệt phải mờ” (Bình Ngô đại cáo- Nguyễn Trãi).

Đây là những thắng lợi oanh liệt của trận Chi Lăng-Xương Giang mà Đại thần Nguyễn Trãi đã ghi lại trong bài “Bình Ngô đại cáo”. Đó cũng là chiến thắng có ý nghĩa quyết định, kết thúc thắng lợi của cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc do người anh hùng dân tộc Lê Lợi lãnh đạo hồi đầu thế kỷ XV.

Chi Lăng (Lạng Sơn) là một cửa ải xung yếu nhất trên con đường từ Pha Lũy đến Đông Quan, cách Pha Lũy khoảng 60km. Đó là một thung lũng nhỏ, dài khoảng 4 km, rộng gần 1 km. Dọc hai bên thung lũng là những núi đá dựng đứng. Giữa những thung lũng có năm ngọn núi và những cánh đồng lầy lội. Do có vị trí và địa hình hiểm yếu, Chi Lăng là nơi diễn ra những chiến công của dân tộc ta trong các cuộc kháng chiến chống Tống, chống Nguyên trước đây, mà nổi bật là chiến công của nghĩa quân Lam Sơn trong cuộc kháng chiến chống giặc Minh xâm lược. Trận Chi Lăng - Xương Giang là một loạt trận đánh diễn ra từ ngày 8- 10 đến ngày 3-11-1427 giữa lực lượng khởi nghĩa Lam Sơn của nhà Lê và đạo quân viện binh nhà Minh. Nghĩa quân Lam Sơn đã giành được chiến thắng quyết định.

Lược đồ trận Chi Lăng - Xương Giang, tháng 10/1427.

Cuối năm 1426, khi triều đình nhà Minh nhận được cấp báo của Vương Thông xin viện binh ở Đại Việt, địch chỉ còn giữ được một số thành Đông Quan (Hà Nội), Điêu Diên (thị trấn Gia Lâm), Xương Giang (thị xã Bắc Giang), Chí Linh (Phả Lại), Cổ Lộng (Ý yên- Nam Định), Thị Cầu (Bắc Ninh), Tây Đô (Thanh Hóa). Số quân trong các thành đó vẫn còn khá đông, đông nhất là thành Đông Quan với 5 vạn tên, nhưng đều đã bị ta bao vây, địch không dám ra phản kích và hết sức lo lắng, bị động. Sở chỉ huy của Lê Lợi, Nguyễn Trãi đã tiến ra Bồ Đề (Gia Lâm). Lực lượng nghĩa quân đông, khí thế mạnh mẽ, hăng hái, sẵn sàng bước vào cuộc tổng tiến công.

Tháng 10 năm 1427, giặc Minh quyết định điều một đạo viện binh lớn tiến vào nước ta theo 2 ngả: Cánh quân do Liễu Thăng trực tiếp chỉ huy gồm 10 vạn quân, 2 vạn ngựa tiến theo ngả Quảng Tây vào Lạng Sơn, cánh thứ hai gồm 5 vạn quân do Mộc Thạnh chỉ huy tiến theo ngả Vân Nam vào Lào Cai. Theo kế hoạch, hai cánh quân này sẽ hợp vây tiêu diệt lực lượng chủ lực của quân Lam Sơn đóng ở Đông bắc thành Đông Quan, nhằm giải tỏa Đông Quan, tạo bàn đạp tiến về phía Nam.

Ải Chi Lăng, Lạng Sơn.

Trước tình thế cùng một lúc phải đối phó với 2 khối quân lớn sắp tiến vào nước ta, cộng với hơn 10 vạn quân của Vương Thông còn đang đóng ở thành Đông Quan và các thành khác, thì Bộ chỉ huy nghĩa quân Lam Sơn đứng trước ba câu hỏi lớn: Một là, diệt quân địch ở Đông Quan trước, hay diệt quân viện trước? Hai là, cùng lúc diệt quân viện ở cả hai hướng; nếu diệt một hướng thì chọn hướng nào? Ba là, cách triển khai kế hoạch đánh địch ra sao?.

Để trả lời được những câu hỏi đó, Bộ chỉ huy nghĩa quân đã căn cứ vào tương quan so sánh lực lượng, sức mạnh chiến đấu, căn cứ vào mức độ nguy hiểm của từng đối tượng và yêu cầu chiến thuật, nên Bộ chỉ huy nghĩa quân, đứng đầu là Lê Lợi đã quyết định vận dụng lối đánh “vây thành diệt viện, với thuyết quân sự “đánh thành là hạ sách… đợi quân cứu viện tới, khi viện binh bị phá thì thành tất phải hàng”. Ta chủ trương tập trung chủ lực tiêu diệt cánh quân Liễu Thăng, còn cánh quân Mộc Thạch ta kiềm chế, ngăn chặn bằng lực lượng thứ yếu để tạo điều kiện tiêu diệt ở bước tiếp theo, đồng thời dùng một lực lượng tiếp tục vây hãm Vương Thông, không cho chúng hợp quân với các cánh viện binh.

Liễu Thăng trúng tên nghĩa quân Lam Sơn mai phục trong trận Chi Lăng- Xương Giang, 10/1427 (tranh minh họa).

Ngày 8 tháng 10, cánh quân do Liễu Thăng cầm đầu tiến vào nước ta. Quân ta do tướng Trần Lựu, Lê Bôi chỉ huy đã thực hiện kế hoạch vừa đánh vừa rút để nhử địch vào trận địa mai phục ta đã bố trí sẵn ở Chi Lăng. Ngày 10- 10, Liễu Thăng đích thân dẫn đội kỵ binh vượt qua cửa ải phía Bắc, tiến đến chân núi Mã Yên. Quanh chân núi là cánh đồng lầy lội. Lúc đó, phục binh của ta từ bốn phía xông ra lao thẳng vào đội hình địch, chia cắt, bao vây và dồn chúng vào cánh đồng lầy. Tên thuốc độc, đạn đá, phi tiêu, mũi lao tới tấp phóng vào quân giặc. Bị đánh bất ngờ, quân địch hoảng hốt, đội hình bị rối loạn. Tổng binh Liễu Thăng cố tìm cách chạy thoát, liền bị quân ta phóng lao đâm chết ở sườn núi Mã Yên. Quân ta thừa thắng tiến công liên tục, tiêu diệt được hơn một vạn tên. Phó tướng Lương Minh vội chấn chỉnh đội ngũ, kéo quân về phía Đông Quan. Ngày 15- 10, quân địch lại bị chặn đánh quyết liệt ở Cần Trạm ( Bắc Giang). Trong trận này, Lương Minh bị giết cùng với nhiều binh lính địch. Đô đốc Thôi Tụ và thượng thư Lý Khánh lên thay, cố gượng tiến về thành Xương Giang (Bắc Giang), với hy vọng sẽ phối hợp với quân trong thành, rồi liên hệ với thành Đông Quan và Chí Linh cứu vãn tình thế.

Tượng đài kỷ niệm chiến thắng Chi Lăng tại khu di tích lịch sử Chi Lăng, Lạng Sơn.

Khi địch tiến gần đến thành Xương Giang mới biết rằng thành này đã bị quân ta hạ 10 ngày trước khi chúng kéo vào biên giới (ngày 28- 9) và biến nơi đây thành một pháo đài kiên cố. Lúc này, địch buộc phải hạ trại đóng quân trên cánh đồng Xương Giang, nơi ta đã bố trí sẵn một lực lượng vây hãm từ bốn phía. Ngày 3- 11, quân ta được lệnh tổng công kích. Sau một ngày chiến đấu, ta đã giành được thắng lợi giòn giã: diệt và bắt hơn 6 vạn tên địch, bao gồm toàn bộ tướng chỉ huy của chúng. Mộc Thạnh ở phía Tây, nhận được tin thất bại của Liễu Thăng, vội vàng cho quân rút chạy. Quân ta dưới sự chỉ huy của Phạm Văn Xào, Trịnh Khả đã truy kích tiêu diệt và bắt sống hơn 2 vạn tên, làm tan rã hoàn toàn cánh quân này tại biên giới. Chỉ trong vòng một tháng, toàn bộ hai đạo viện binh địch vừa vượt qua biên giới đã bị tiêu diệt và đánh tan. Vương Thông bị vây ở thành Đông Quan phải đầu hàng và chấp nhận rút quân về nước.

Lễ hội kỷ niệm chiến thắng Xương Giang (Bắc Giang).

Như vậy là sau 27 ngày chiến đấu (từ 8-10 đến 3-11- 1427), quân dân ta đã tiêu diệt 10 vạn viện binh của Liễu Thăng, đánh tan tác 5 vạn viện binh của Mộc Thạch. Chiến thăng Chi Lăng- Xương Giang là thắng lợi oanh liệt của trận quyết chiến chiến lược có ý nghĩa định đoạt của cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc.

Trận Chi Lăng – Xương Giang đã đi vào lịch sử đấu tranh chống giặc ngoại xâm của dân tộc Việt Nam. Với chiến công hiển hách này đã kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến gian khổ chống giặc Minh xâm lược, giành lại độc lập, tự do cho đất nước. Trận chiến này đã cống hiến xuất sắc những kinh nghiệm thực tiễn về nghệ thuật quân sự của nghĩa quân Lam Sơn, mãi mãi là niềm tự hào to lớn cho chúng ta, mãi mãi là những kinh nghiệm và bài học có giá trị, giúp chúng ta có cơ sở để nghiên cứu, phát triển, vận dụng sáng tạo, hiệu quả vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ngày nay.

Nguyễn Thúy (tổng hợp)

Nguồn tư liệu:

1. Nghĩa quân Lam Sơn thắng trận Chi Lăng- Xương Giang. Tạp chí Sự kiện và Nhân chứng. Số 154, tháng 10- 2006.

2. 580 năm chiến thắng Chi Lăng- Xương Giang (10- 1427). Tạp chí Sự kiện và Nhân chứng. Số 165, tháng 9- 2007.

Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

Chia sẻ:

Bài nổi bật

Đồng chí Xuân Thủy với báo Suối Reo và báo Cứu Quốc

Đồng chí Xuân Thủy với báo Suối Reo và báo Cứu Quốc

  • 18/06/2019 10:06
  • 4862

* Làm báo Suối Reo trong nhà tù Sơn La

Bài viết khác

Kỷ niệm 57 năm - Ngày truyền thống Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam (15/10/1956 – 15/10/2013)

Kỷ niệm 57 năm - Ngày truyền thống Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam (15/10/1956 – 15/10/2013)

  • 15/10/2013 11:26
  • 5613

Sau khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, theo chỉ thị của Chủ tịch Hồ Chí Minh, dưới sự lãnh đạo của Đảng, các tổ chức đoàn kết, tập hợp thanh niên do Đoàn Thanh niên làm nòng cốt đã hoạt động liên tục và phát triển mạnh mẽ từ đó tới nay…