“Trùng trùng quân đi như sóng…lớp lớp đoàn quân tiến về…chúng ta đi nghe vui lúc quân thù đầu hàng cờ ngày nào tung bay trên phố…Trùng trùng quân đi như sóng…lấp lánh lưỡi lê sáng ngời…chúng ta đem vinh quang sức dân tộc trở về…cả cuộc đời tươi vui về đây…Năm cửa ô đón mừng đoàn quân tiến về…”
Cách đây hơn nửa thế kỷ, ngày Thủ đô được hoàn toàn giải phóng là một sự kiện trọng đại của lịch sử dân tộc Việt Nam. Thực sự đó là Ngày Khải hoàn, Ngày hội Giải phóng, Ngày Chiến thắng mà chỉ có lời bài hát “Tiến về Hà Nội” của một con người tài hoa, tác giả của Quốc ca, nhạc sĩ Văn Cao mới giúp chúng ta hình dung được.
Ngày 10-10 hàng năm vẫn được gọi là “ngày kỷ niệm Giải phóng Thủ đô”. Nhưng với số đông người dân sống tại Hà Nội năm 1954 đều quen gọi ‘ngày tiếp quản”. Với Hà Nội 1954, được gọi là Ngày tiếp quản bởi lẽ, giờ ấy, ngày ấy quân ta trở về tiếp nhận lại thành phố Thủ đô thân yêu từ trong tay đối phương một cách hòa bình. Không có tiếng súng, mọi cái diễn ra trước sự chứng kiến của một Ủy ban quốc tế kiểm soát đình chiến ở Đông Dương. Tất cả diễn ra giữa thanh thiên bạch nhật, trước sự chứng kiến của những người dân Hà Nội đã qua 8 năm phải sống trong vùng “tạm bị địch chiếm”. Không có chiến trận nhưng cuộc tiếp quản này là sự kết thúc của một cuộc kháng chiến 9 năm trường kỳ và vô cùng gian khổ của cả nước kể từ ngày Nam bộ kháng chiến (23-9-1945), còn với Hà Nội thì kể từ trận đánh kiên cường với tinh thần “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh” của 60 ngày đêm cuối năm 1946 đầu năm 1947 cho tới “Chiến thắng Điện Biên lừng lẫy địa cầu” (7-5-1954).
Sau chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, Hiệp định Giơnevơ được ký kết (7-1954). Ủy ban Liên hợp đình chiến Trung ương làm việc tại Trung Giã (Sóc Sơn), sau nhiều ngày đấu tranh chống sự ngoan cố của quân đội Pháp, đã ký được các Hiệp định về việc chuyển giao Hà Nội vào ngày 30-9-1954 và ngày 2-10-1954. Sau đó, Chính phủ ta đã phái các đội công an, cảnh vệ, hành chính vào Hà Nội để chuẩn bị cho việc tiếp quản.

Quân Pháp rút khỏi Hà Nội, qua cẩu Long Biên, tháng 10-1954.
Trước khi rút, quân đội Pháp tìm mọi cách phá hoại, hòng gây cho ta nhiều khó khăn khi vào tiếp quản. Chúng lấy cắp tài liệu và tài sản công cộng; phá hỏng máy móc hoặc tháo gỡ mang đi những bộ phận quan trọng. Chúng ra sức dụ dỗ, cưỡng ép đồng bào ta di cư vào Nam; cho bọn lưu manh gây rối trong thành phố. Chúng còn tìm cách phá hủy những di tích lịch sử và văn hóa của nhân dân ta. Dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng và Thành ủy Hà Nội, đồng bào Thủ đô, nhất là công nhân đã kiên trì đấu tranh chống lại âm mưu phá hoại của chúng và buộc chúng phải trao lại thành phố cho ta đúng thời hạn.

Cổng chào ở phố Cẩu Gỗ, Hà Nội trong ngày tiếp quản Thủ đô, tháng 10-1954.
Tháng 9-1954, Ủy ban Quân chính thành phố Hà Nội được thành lập do Thiếu tướng Vương Thừa Vũ- Tư lệnh trưởng Đại đoàn Quân tiên phong làm Chủ tịch và bác sĩ Trần Duy Hưng làm Phó Chủ tịch. Sáng ngày 8-10-1954, các đơn vị bộ đội chia nhiều đường tiến vào ngoại thành Hà Nội. Đến chiều thì tiến tới đường Đê La Thành, Vĩnh Tuy, Bạch Mai, Ngã Tư Sở, Ô Cầu Giấy, và Nhật Tân.

Tiếp quản Phủ Toàn quyền Hà Nội, tháng 10-1954.
6 giờ sáng ngày 9-10-1954, bộ đội lại theo nhiều đường từ ngoại thành tiến vào nội thành và chia làm nhiều cánh tỏa đi các nơi, lần lượt tiếp quản nhà ga, Phủ Toàn quyền, khu Đồn Thủy, khu Bờ Hồ, Phủ Thống sứ. Đến 16 giờ những lính Pháp cuối cùng rút qua cầu Long Biên sang phía Gia Lâm. Vào lúc 16 giờ 30, bộ đội ta đã hoàn toàn kiểm soát thành phố, gọn gàng và trật tự. Bộ đội ta tiến đến đâu, nhân dân Hà Nội đổ ra hai bên đường, phất cờ tung hoa, reo mừng không ngớt. Cổng chào, khẩu hiệu dựng lên khắp các đường phố, cờ đỏ sao vàng rực rỡ trên khắp các tầng nhà.
Ngày 10-10-1954, đại quân vào nội thành. Từ sáng sớm, nhân dân Thủ đô mang cờ, hoa, ảnh Bác Hồ kéo tới những con đường đã được thông báo trước là bộ đội hành quân qua.

Nhân dân phố Hàng Đào, Hà Nội, chào đón bộ đội trong ngày tiếp quản, tháng 10-1954.
8 giờ: cánh quân phía Tây xuất phát từ Quần Ngựa (nay là trường Thể Thao Hà Nội). Đó là những chiến sĩ bộ binh của Trung đoàn Thủ đô. Đoàn qua Kim Mã, Nguyễn Thái Học, Cửa Nam, Hàng Bông, Hàng Đào, Hàng Ngang…Đến 9 giờ 45 tiến vào Cửa Đông.
8 giờ 45: cánh quân phía Nam thuộc hai Trung đoàn 88 và 36 xuất phát từ Việt Nam học xá (nay thuộc trường Đại học Bách khoa) tiến qua Bạch Mai, phố Huế, vòng quanh Hồ Gươm rồi vòng lại vào đóng ở khu vực Đồn Thủy (nay là bệnh viện Quân y 108) và khu Đấu Xảo (nay là Cung Văn hóa Hữu nghị). Đoàn Chỉ huy tiếp quản gồm cơ giới và pháo binh do Chủ tịch Ủy ban quân quản Vương Thừa Vũ và Phó Chủ tịch Trần Duy Hưng dẫn đầu lúc 9 giờ 30 từ sân bay Bạch Mai đến Ngã tư Vọng, sang Ngã tư Trung Hiền rồi theo đường Bạch Mai lên Phố Huế, Hàng Bài, Bờ Hồ, Hàng Đào, Đồng Xuân, vào Cửa Bắc.

Đoàn bộ đội hành quân trên đướng phố Hàng Gai, Hà Nội, tháng 10- 1954.
15 giờ ngày 10-10: còi Nhà Hát Lớn thành phố nổi một hồi dài. Hàng vạn nhân dân Hà Nội đã trang nghiêm dự lễ chào cờ do Ủy ban Quân chính thành phố tổ chức, đứng đầu là Thiếu tướng Vương Thừa Vũ và Phó Chủ tịch Trần Duy Hưng tại sân vận động Cột Cờ cùng sự tham gia của các đơn vị quân đội. Sau lễ chào cờ, Tướng Vương Thừa Vũ trân trọng đọc Lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi đồng bảo Thủ đô nhân ngày Giải phóng.

Thiếu tướng Vương Thừa Vũ và bác sĩ Trần Duy Hưng cùng toàn quân nghiêm trang làm Lễ chào cờ tại sân Cột Cờ, Hà Nội, tháng 10-1954.
Thủ đô lại trở về với Tổ quốc độc lập, tự do, kết thúc một chặng đường lịch sử đầy hy sinh, gian khổ nhưng rất oanh liệt vẻ vang của nhân dân Hà Nội và nhân dân cả nước.Nhân dân cả nước hân hoan, vui mừng cùng nhân dân Hà Nội. Cuộc tiếp quản Hà Nội đã hoàn thành tốt đẹp, các tầng lớp nhân dân Thủ đô phấn khởi bước vào thời kỳ mới. Đó cũng là mốc son thắm đỏ trên trang sử vẻ vang của Thăng Long- Đông Đô- Hà Nội ngàn năm Văn hiến và Anh hùng.
Chu Lộc- Phương Thảo (tổng hợp)
Nguồn tư liệu:
- Hà Nội ngày tiếp quản. Ủy ban Nhân dân Thành phố Hà Nội; Hội Sử học Việt Nam; Bảo tàng Cách mạng Việt Nam. Xưa Nay 2004.
- Nguyễn Vinh Phúc. 1000 năm Thăng Long Hà Nội. Nxb Trẻ.
- Hồ Chí Minh toàn tập, tập 9 (1954-1955). Nxb Chính trị Quốc gia- Sự thật, Hà Nội 2011.
- Bách khoa thư Hà Nội, tập 1. Nxb Văn hóa thông tin. Viện Nghiên cứu và phổ biến kiến thức bách khoa.