Ngay từ ngày 2-9-1945, trong lúc hàng chục vạn đồng bào Sài Gòn Chợ Lớn họp mít tinh mừng Độc lập thì một số tên Pháp phản động nổ súng khiêu khích làm một số người chết và bị thương. Lập tức tự vệ của ta bắn trả và bắt giam một số. Vu cáo ta không giữ được trật tự trong thành phố, phái bộ Anh sai bọn lính Nhật tước vũ khí và đòi ta giải tán các đơn vị tự vị, cấm đồng bào ta biểu tình…
Ngày 20-9, bọn Anh thả tù binh Pháp (bọn Pháp này bị quân đội Nhật bắt giam từ ngày đảo chính mùng 9-3-1945) và đóng cửa tất cả báo chí ở Sài Gòn. Ngày 21-9, quân đội Anh chiếm đóng trụ sở cảnh sát Quận 3, thả tù binh Pháp và trang bị vũ khí cho chúng. Đồng thời quân Anh ban bố lệnh thiết quân luật, cấm đồng bào ta không được biểu tình, hội họp, không được đem theo vũ khí và không được đi lại ban đêm. Tối 22-9, sau khi chiếm Đài vô tuyến điện, quân Anh làm ngơ để quân Pháp đánh úp Sài Gòn.

Quân và dân Nam Bộ với gậy tầm vông đứng lên chiến đấu khi thực dân Pháp xâm lược nước ta lần thứ hai, tháng 9/1945.
Lực lượng quân Pháp có 6.000 tên, gồm 2 trung đoàn bộ binh thuộc địa số 5 và số 11 quân viễn chinh, những tù binh Pháp mới được Nhật thả ra và một số thường dân Pháp được quân Anh trang bị vũ khí. Thực dân Pháp đã dựa vào hơn một vạn quân Anh và bốn vạn quân Nhật mưu toan đánh chiếm và bình định Nam Bộ trong bốn tuần lễ, rồi dùng Nam Bộ làm bàn đạp đánh chiếm cả Việt Nam và Đông Dương. Thế là, chỉ ba tuần lễ sau khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, đế quốc Pháp, kẻ đã đầu hàng nhục nhã phát xít Nhật ở Đông Dương trước đây, nay lại len lỏi dưới bóng cờ của quân đội Anh, quay trở lại xâm lược nước ta một lần nữa.
Ngay buổi sáng ngày 23-9-1945, Xứ ủy Nam Bộ và Ủy ban Nhân dân Nam Bộ đã cấp tốc họp ở phố Cây Mai (Chợ Lớn), chủ trương kiên quyết kháng chiến. Hội nghị quyết định: Triệt để tổng đình công, không hợp tác với giặc Pháp, đánh du kích, phá hoại đường giao thông tiếp tế, bao vây, tiêu hao, tiêu diệt địch. Chiều ngày 23-9, Sài Gòn triệt để tổng đình công, không hợp tác. Công sở, xí nghiệp, cửa hàng đều đóng cửa, chợ không họp, xe ngừng chạy. Khắp phố phường vật chướng ngại mọc lên. Các đơn vị xung phong, Công đoàn và Thanh niên tiền phong lập tức chiếm lĩnh vị trí chiến đấu đánh trả quân địch. Ngay trong những ngày đầu, nhân dân Sài Gòn đã lập được nhiều chiến công xuất sắc.

Bộ đội và công nhân phục kích quân Pháp tại mặt trận Sài Gòn, cuối tháng 9/1945.

Bộ đội ta chiến đấu ở ga Bình Triệu (Sài Gòn), tháng 10/1945.
Một loạt nhà máy, kho tàng của địch bị đánh phá. Điện, nước bị cắt. Quân và dân Sài Gòn đã tiêu hao sinh lực địch, phá hủy một phần cơ sở vật chất của chúng. Tiếng súng kháng chiến anh dũng của nhân dân Sài Gòn vang dội khắp cả nước. Cả nước sôi sục căm thù, quyết tâm kháng chiến. Cả nước hướng về Nam Bộ anh hùng. Các đội quân Nam Tiến từ khắp các địa phương ở Bắc Bộ và Trung Bộ đã lên đường vào Nam đánh giặc, cứu nước.

Nhân dân Hà Nội mít tinh phản đối phái bộ Anh dùng vũ lực chiếm đóng Nam Bộ tại Quảng trương Nhà hát Lớn, ngày 24/9/1945.
Ngày 26-9-1945, qua Đài phát thanh tiếng nói Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi thư cho đồng bào Nam Bộ, khẳng định quyết tâm kháng chiến của Trung ương Đảng, Chính phủ và nhân dân cả nước ta: “Tôi chắc và đồng bào cả nước đều chắc vào lòng kiên quyết ái quốc của đồng bào Nam Bộ…Tôi chắc và đồng bào Nam Bộ cũng chắc rằng Chính phủ và toàn quốc đồng bào sẽ hết sức giúp những chiến sĩ và nhân dân hiện đang hi sinh tranh đấu để giữ vững nền độc lập của nước nhà”.

Một đơn vị Nam tiến tại ga Hàng Cỏ, Hà Nội trước khi lên đường vào Nam chi viện cho mặt trận Nam Bộ, ngày 1/10/1945.
Trước sự chống trả quyết liệt của quân và dân ta, giặc Pháp bị kìm chân ở nội ô Sài Gòn hơn một tháng, mãi đến cuối tháng 10-1945, mới bắt đầu nống ra toàn Nam Bộ. Kết quả hơn bốn tháng anh dũng đánh địch (từ ngày 23-9-1945 đến ngày 9-2-1946) quân dân Nam Bộ đã tiêu diệt 630 tên xâm lược, làm bị thương 1.037 tên, thu nhiều súng đạn, phá hủy nhiểu phương tiện chiến tranh, làm thất bại kế hoạch đánh nhanh, thắng nhanh của chúng.
Dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, cuộc chiến đấu của nhân dân Sài Gòn nói riêng và nhân dân Nam Bộ nói chung đã mở đầu cuộc kháng chiến thần thánh của nhân dân ta chống thực dân Pháp xâm lược. Cuộc chiến đấu anh dũng ấy đã nêu gương chói lọi về tinh thần kiên cường, bất khuất, “thà chết tự do còn hơn sống nô lệ”. Nó đem lại cho nhân dân ta những bài học kinh nghiệm quý báu về lòng yêu nước, tinh thần sáng tạo, tổ chức và phát động một cuộc kháng chiến lâu dài để bảo vệ Tổ quốc.
Chu Lộc- Phương Thảo (tổng hợp)
Nguồn tư liệu:
- Hồ Chí Minh toàn tập, tập 4. Nxb Chính trị Quốc gia. Hà Nội, 2011.
- Lịch sử Quân đội Nhân dân Việt Nam (1944- 1975). Nxb Quân đội Nhân dân. Hà Nội, 2005.
- Việt Nam những sự kiện 1945-1986. Nxb Khoa học xã hội. Hà Nội, 1990.
- Những vấn đề chính yếu trong Lịch sử Nam Bộ kháng chiến, 1945-1975. Nxb Chính trị Quốc gia. Hà Nội, 2011.