Thứ Ba, 03/12/2024
  • Tiếng Việt
  • English
  • French

Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

Vietnam National Museum of History

17/09/2013 12:39 37709
Điểm: 4.46/5 (28 đánh giá)
Ngay sau khi nổ súng xâm lược nước ta, thực dân Pháp đã vấp phải sự phản kháng của các tầng lớp nhân dân Việt Nam, nhất là giai đoạn nửa sau thế kỷ XIX, trong đó Nguyễn Trung Trực là một trong những người yêu nước tiêu biểu và đặc biệt. Ông đã tham gia chống Pháp từ những năm đầu tiên Pháp tiến hành xâm lược Việt Nam với hai chiến công lừng lẫy : đốt cháy tàu L’ Espérance- tàu Hy Vọng của Pháp trên sông Nhật Tảo và trận đánh tiêu diệt đồn Rạch Giá, Kiên Giang.

Nguyễn Trung Trực sinh năm 1837? Thuở nhỏ có tên là Chơn, năm Kỷ Mùi 1859 đổi tên là Nguyễn Văn Lịch, vì tên là Chơn cộng với tính ngay thẳng, nên thầy dạy học đặt tên hiệu là Trung Trực. Ông quê gốc ở xã Vĩnh Hội, Phù Cát, tỉnh Bình Định. Sau khi Pháp tấn công vùng duyên hải Trung Bộ, gia đình ông phiêu dạt vào Nam, định cư tại làng Bình Nhật, tổng Cửu Cư Hạ, huyện Cửu An, phủ Tân An (nay thuộc ngaoij ô thị xã Tân An, Long An) sinh sống bằng nghề làm nghề chài lưới vùng hạ lưu sông Vàm Cỏ.

Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực (1837?-1868)

Năm 1859 thực dân pháp tấn công vào thành Gia Định, ông đã tham gia vào đội nghĩa binh kháng chiến và được cử về hoạt động chống Pháp trên địa bàn phủ Tân An và phối hợp tác chiến với Trương Định. Năm 1861, ông chiêu mộ một số đông nông dân nổi dậy đánh phá các đồn Pháp ở các vùng thuộc phủ Tân An, nhờ lập được nhiều công lao, ông được triều đình Nguyễn phong chức Quản cơ nên còn gọi là Quản Chơn, hay Quản Lịch.

Được sự giúp đỡ của hương chức làng Nhật Tảo, ông đã bố trí một kế hoạch để đánh tàu Hi Vọng (pháo hạm LEspérance) của quân xâm lược Pháp đang hoạt động trên Nhật Tảo (pháo hạm LEspérance là tàu gỗ được bọc đồng chạy bằng hơi nước có thể ra vào những luồng lạch cạn, được trang bị một đại bác và nhiều vũ khí đa năng, là một trong những tàu thuộc hạng bậc nhất của hải quân Pháp lúc bấy giờ).

Tham gia trong trận chiến này có Nguyễn Trung Trực và các Phó quản binh Hoàng Khắc Nhượng, Võ Văn Quang, quản toán Nguyễn Học, lương thần Hồ Quang cùng 59 nghĩa quân cảm tử.

Nguyễn Trung Trực cùng nghĩa quân đốt cháy tàu LEspérance trên sông Nhật Tảo, ngày 10/12/1861 (Tranh minh họa)

Sáng ngày 10 tháng 12 năm 1861, sau khi bố trí lực lượng phục kích trên bờ, nghĩa quân phân tán lên các thuyền nhỏ giả làm thuyền buôn tiến sát pháo hạm LEspérance của địch và bất thần nhảy lên tiêu diệt địch. Sau khi làm chủ được chiến trường, nghĩa quân lấy búa phá tàu giặc nhưng không phá được nên đổ dầu, châm lửa đốt cháy tàu. Không kịp trở tay toàn bộ lính Pháp bị tiêu diệt. chiếc tàu dần chìm xuống đáy sông. Sau trận đốt cháy pháo hạm LEspérance của thực dân Pháp, triều đình Huế đã phong Nguyễn Trung Trực chức Quản cơ và hậu thưởng cho nghĩa quân.

Sau đó, Nguyễn Trung Trực cùng nghĩa quân vẫn tiếp tục chiến đấu trên địa bàn Gia Định, Biên Hòa. Khi Hòa ước Nhâm Tuất (1862) đã ký, 3 tỉnh miền Đông rơi vào tay thực dân Pháp, Nguyễn Trung Trực rút quân về hoạt động ở 3 tỉnh miền Tây.

Năm 1867, ông về lập căn cứ chống Pháp ở Hòn Chông, Rạch Giá (nay thuộc xã Bình An, Huyện Kiên Lương, tỉnh Kiên Giang). Ở đó sau khi nắm được tình hình của đối phương và tập trung xong lực lượng (trong đó có cả hương chức, nhân dân Việt – Hoa – Khơ me cùng tham gia).

Đêm ngày 16 tháng 6 năm 1868, Nguyễn Trung Trực dẫn quân từ Tà Niên (nay là xã Vĩnh Hòa Hiệp, huyện Châu Thành, tỉnh Kiên Giang) đi đánh úp đồn Kiên Giang (Rạch Giá) do trung úy Sauterne chỉ huy. Kết thúc trận đánh, nghĩa quân chiếm được đồn, tiêu diệt 5 viên sĩ quan Pháp, 67 lính, thu được nhiều vũ khí, đạn dược, làm chủ Rạch Giá. Đây là lần đầu tiên lực lượng nghĩa quân đánh đối phương ngay tại trung tâm đầu não của tỉnh. Ngày 21 tháng 6 năm 1868, Pháp phản công, Nguyễn Trung Trực đành phải lui quân về Hòn Chông, rồi ra đảo Phú Quốc lập căn cứ tại Cửa Cạn nhằm chống Pháp lâu dài.

Tháng 9 năm 1868, Nguyễn Trung Trực bị thực dân Pháp bắt ở Phú Quốc rồi bị đem về Sài Gòn, chúng dụ dỗ ông đầu hàng nhưng vô hiệu. Ngày 27 tháng 10 năm 1868, thực dân Pháp đưa Nguyễn Trung Trực về Rạch Giá và xử tử ông tại dây. Trước khi chết Nguyễn Trung Trực đã dõng dạc nói với quân Pháp “Bao giờ nước Nam hết cỏ, thì mới hết người Nam đánh Tây”.

Tượng Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực tại khu di tích Vàm Nhật Tảo, xã Nhật Tân, huyện Tân Trụ, tỉnh Long An.

Những lời bất hủ của ông còn mãi lưu truyền, mãi kích động lòng người dân Nam Bộ và nhân dân cả nước trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.

Huệ-Chính (tổng hợp)

Việt Nam những sự kiện Lịch sử ( 1858 – 1918) của Dương Kinh Quốc, NXB Giáo dục, tr 28; 29. Lược sử Việt Nam của Trần Hồng Đức, NXB Văn hóa Thông tin

Chia sẻ:

Bài nổi bật

Đồng chí Xuân Thủy với báo Suối Reo và báo Cứu Quốc

Đồng chí Xuân Thủy với báo Suối Reo và báo Cứu Quốc

  • 18/06/2019 10:06
  • 5030

* Làm báo Suối Reo trong nhà tù Sơn La

Bài viết khác

Liên quân Pháp - Tây Ban Nha nổ súng đánh thành Đà Nẵng mở đầu cuộc xâm lược Việt Nam lần thứ nhất 9/1858.

Liên quân Pháp - Tây Ban Nha nổ súng đánh thành Đà Nẵng mở đầu cuộc xâm lược Việt Nam lần thứ nhất 9/1858.

  • 16/09/2013 21:39
  • 26443

Trận Đà Nẵng (1858-1859) hay Liên quân Pháp - Tây Ban Nha tấn công Đà Nẵng lần thứ nhất là trận đánh mở đầu cho cuộc chiến tranh Pháp - Việt 1858-1884 trong lịch sử Việt Nam. Đây là cuộc chiến kéo dài nhiều ngày, khởi sự từ ngày 31 tháng 8 năm 1858 và kết thúc vào ngày 2 tháng 2 năm 1859, để chuyển sang một giai đoạn khác.