Thứ Ba, 03/12/2024
  • Tiếng Việt
  • English
  • French

Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

Vietnam National Museum of History

16/09/2013 21:39 26443
Điểm: 4.33/5 (3 đánh giá)
Trận Đà Nẵng (1858-1859) hay Liên quân Pháp - Tây Ban Nha tấn công Đà Nẵng lần thứ nhất là trận đánh mở đầu cho cuộc chiến tranh Pháp - Việt 1858-1884 trong lịch sử Việt Nam. Đây là cuộc chiến kéo dài nhiều ngày, khởi sự từ ngày 31 tháng 8 năm 1858 và kết thúc vào ngày 2 tháng 2 năm 1859, để chuyển sang một giai đoạn khác.

Giữa thế kỷ 19, sự phát triển mạnh mẽ về kinh tế đã thúc đẩy các nước tư bản phương Tây mở những cuộc chiến tranh giành giật thuộc địa. Các quốc gia phương Đông nói chung, Việt Nam nói riêng đã trở thành nạn nhân trực tiếp của cuộc chiến tranh đó. Lợi dụng các mối quan hệ đã có từ thời chúa Nguyễn Ánh, và sự suy yếu của chế độ phong kiến Việt Nam,Pháp và Tây Ban Nha đã viện cớ nhà Nguyễn cấm đạo Thiên Chúa, bắt bớ và giết hại nhiều giáo sĩ, giáo dân; để tiến hành cuộc chiếm cứ nước Việt.

Liên quân Pháp - Tây Ban Nha tấn công Đà Nẵng năm 1858

Từ chiều ngày 31 tháng 8 năm 1858, liên quân Pháp - Tây Ban Nha đã kéo tới dàn trận tại cửa biển Đà Nẵng (Quảng Nam). Kế hoạch của địch là đánh nhanh thắng nhanh để chiếm lấy Đà Nẵng làm căn cứ bàn đạp, từ đó đánh vào nội địa, vượt đèo Hải Vân, rồi tấn công Huế tiêu diệt sinh lực của triều đình nhà Nguyễn tại đây; đó chính là con đường ngắn nhất, nhanh chóng nhất, ít hao tốn tiền của và nhân lực nhất để thực hiện được ý đồ của Pháp và Tây Ban Nha.

Thực dân Pháp chọn Đà Nẵng làm địa điểm tấn công đầu tiên vì Đà Nẵng có một vị trí quân sự quan trọng, hải cảng rộng và sâu, thuận tiện cho tàu chiến vào ra, lại nằm trên trục đường Bắc - Nam, có thể sang Lào, Campuchia và chỉ cách kinh đô Huế khoảng 100km, rất thuận lợi cho việc “đánh nhanh thắng nhanh” của liên quân Pháp - Tây Ban Nha (gọi tắt là liên quân). Ngoài ra, Đà Nẵng còn có cánh đồngNam - Ngãi để nuôi quân, còn có nhiều giáo sĩ và giáo dân thân Pháp.

Lực lượng liên quân có khoảng 3.000 quân do Phó Đô đốc Rigault de Genouilly chỉ huy, được bố trí trên 14 tàu chiến. Ngoài ra trên mặt trận Đà Nẵng còn có 500 quân Tây Ban Nha do Đại tá Landarot chỉ huy. Quân Tây Ban Nha có mặt trong cuộc chiến tranh xâm lược vì họ bị kích động “trả thù” cho các giáo sĩ dòng Đa Minh của họ bị vua Tự Đức sát hại. Các tàu chiến của Pháp - Tây Ban Nha đều được trang bị vũ khí hiện đại. Có những chiến hạm như tàu Némésis được trang bị tới 50 khẩu đại bác. Phần lớn những trang thiết bị và vũ khí của Pháp lúc đó đều thuộc loại hiện đại nhất. Các đại bác của tàu địch đều là những loại có sức công phá lớn và khả năng sát thương cao.

Lực lượng quân nhà Nguyễn ở Đà Nẵng có khoảng 2.070 lính chính quy dưới quyền chỉ huy của Tổng đốc Nam Ngãi Trần Hoàng, khi trận chiến nổ ra được chi viện thêm 2.000 người nữa, do Hữu quân đô thống Lê Đình Lý chỉ huy từ Huế vào. Ở các pháo đài, có nhiều đại bác và vũ khí các loại.

Nắm một lực lượng tương đối mạnh trong tay, mờ sáng ngày 1/9/1858, Rigault de Genouilly cho người chuyển tối hậu thư tới quan trấn phủ Đà Nẵng là Trần Hoàng đòi quân ta phải đầu hàng và nộp toàn bộ khí giới, đồn lũy trong vòng 48 giờ.

Ngay sau khi người đem thư trở về tàu, không đợi đến 2 ngày như đã hẹn, Rigault de Genouilly ra lệnh cho tàu chiến bắn đại bác vào cửa sông Đà Nẵng và các đồn ở bán đảo Sơn Trà.


Thành Điện Hải sau những đợt oanh tạc bằng đại bác vào sáng 1/9/1858

Theo kế hoạch, liên quân gồm hai bộ phận: Bộ phận thứ nhất gồm ba tàu chiến, tập trung hỏa lực bắn vào các đồn ở Sơn Trà; Bộ phận thứ hai, dưới làn đạn yểm trợ của bộ phận thứ nhất, sẽ nhanh chóng tiến gần vào cửa sông Đà Nẵng, để bắn vào đồn Đông và đồn Tây đang án ngữ. Và ngay hôm đó, đồn Đông bị vỡ.

Sáng 2/9, liên quân tiếp tục nã đại bác, chiếm lấy đồn Tây, rồi đổ bộ lên bán đảo Sơn Trà, chiếm đồn An Hải và đồn Điện Hải chỉ nội một ngày. Trước vũ khí mạnh hơn, quân Việt vừa đánh vừa lui dần ra sau, lập phòng tuyến Liêu Trì trước huyện Hòa Vang để ngăn liên quân vào nội địa.

Nhận được tin liên quân đánh Đà Nẵng, vua Tư Đức liền sai Chưởng vệ Đào Trí vào để hợp cùng Tổng đốc Nam Ngãi Trần Hoàng chống ngăn, nhưng khi ông Đào Trí đến nơi thì hai đồn trên đã mất. Nhà vua lại sai Hữu quân đô thống Lê Đình Lý và Tham tri bộ Hộ Phạm Khắc Thân đem 2.000 quân vào ứng cứu, cử Tham tri nội các Nguyễn Duy giữ chức chỉ huy quân thứ ở Quảng Nam.

Vua Tự Đức lập tức xuống chiếu cách chức Tổng đốc Trần Hoàng và Hồ Đức Tú, cử danh tướng Nguyễn Tri Phương làm Tổng đốc Quảng Nam cùng Chu Phúc Minh ra Đà Nẵng chặn giặc.

Tổng đốc Nguyễn Tri Phương.

Nguyễn Tri Phương không chủ trương đánh chính diện để tránh sức mạnh hỏa lực của đối phương, mà cho phục kích, thực hiện “vườn không, nhà trống” (để cô lập và triệt đường tiếp tế), bao vây quân giặc bằng cách xây dựng một tuyến phòng thủ từ Hải Châu (đèo Hải Vân) tới Thạch Giản dài hơn 4 km, nhằm vây chặt quân Pháp không cho chúng đánh rộng ra. Chiến thuật đó tuy không độc đáo nhưng cũng làm cho quân Pháp bị giam chân trong 5 tháng liền.

Suốt 5 tháng bị cầm chân, cái đói, bị dịch bệnh, cái nóng bức... đã khiến liên quân mệt mỏi và hao mòn (200 tên chết trong vòng một tháng), khả năng được tiếp ứng từ đất liền hoàn toàn không có.

Trong tình trạng khó xử ấy, ngày 2 tháng 2 năm 1859, R. Genouilly quyết định chuyển hướng, chỉ để lại một lực lượng nhỏ ở bán đảo Sơn Trà, còn đại quân sẽ chuyển vào Nam Kỳ, mở mặt trận mới ở Gia Đinh.

Những diễn biến cho thấy đối phương không thể phát huy được sức mạnh của binh khí kỹ thuật để tấn công ồ ạt, mà đã bị chặn ngay ở cửa biển Đà Nẵng. Đây là kết quả của khối đoàn kết toàn dân. Ngoài quân chủ lực, còn có sự tham gia của biền binh và dân binh sở tại... Có thể coi đây là thắng lợi lớn và duy nhất ở mặt trận Đà Nẵng trong hơn một phần tư thế kỷ chống xâm lược của quân và dân ta, từ 1858 đến 1884.

Lê Khiêm (tổng hợp)

Nguồn: Nguyễn Quang Ngọc, “Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp (1858-1884)”, Tiến trình lịch sử Việt Nam, H.: Giáo dục, 2005, tr. 208-210.

Chia sẻ:

Bài nổi bật

Đồng chí Xuân Thủy với báo Suối Reo và báo Cứu Quốc

Đồng chí Xuân Thủy với báo Suối Reo và báo Cứu Quốc

  • 18/06/2019 10:06
  • 5030

* Làm báo Suối Reo trong nhà tù Sơn La

Bài viết khác

67 năm ký kết Tạm ước Việt - Pháp ( 14/9/1946- 14/9/2013)

67 năm ký kết Tạm ước Việt - Pháp ( 14/9/1946- 14/9/2013)

  • 15/09/2013 09:37
  • 13835

Tạm ước Việt- Pháp là một ký kết tạm thời, được ký ngày 14-9-1946, giữa đại diện Cộng hòa Pháp là Marius Moutet và đại diện Việt Nam Dân chủ Cộng hòa là Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tạm ước này có thể coi là thành quả mà hai bên Pháp và Việt Nam đạt được tại Hội nghị Fontainebleau tuy hội nghị chính không mang lại thỏa thuận nào.