Thứ Hai, 28/04/2025
  • Tiếng Việt
  • English
  • French

Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

Vietnam National Museum of History

04/04/2013 14:53 10345
Điểm: 1/5 (1 đánh giá)
Sau hơn một tháng tiến hành Tổng tiến công và nổi dậy, quân và dân ta với hai chiến dịch: chiến dịch Tây Nguyên (từ 4/3 đến 24/3/1975); chiến dịch Huế-Đà Nẵng (từ 21/3 đến 29/3/1975) đã giành thắng lợi to lớn.

Ta tiêu diệt và làm tan rã hai quân đoàn, hai quân khu mạnh của địch (Quân khu - Quân đoàn 1, Quân khu - Quân đoàn 2), giải phóng hơn ½ diện tích và dân số toàn miền Nam, thu giữ một khối lượng lớn cơ sở vật chất, phương tiện chiến tranh, hình thành thế bao vây tiến công địch ở Sài Gòn - Gia Định. Đó là cơ sở để ngày 31 tháng 3 năm 1975, Bộ Chính trị nhận định: “Cuộc chiến tranh cách mạng ở miền Nam không những đã bước vào giai đoạn phát triển nhảy vọt, mà thời cơ để mở tổng tiến công và nổi dậy tại Sài Gòn - Gia Định đã chín muồi. Từ giờ phút này, trận quyết chiến chiến lược của quân và dân ta đã bắt đầu”(*). Bộ Chính trị cũng nhấn mạnh quyết tâm thực hiện tổng công kích, tổng khởi nghĩa trong thời gian sớm nhất (tháng 4-1975). Vào những ngày này, trên cả hai miền Nam, Bắc, cả dân tộc dồn sức cho trận đánh quyết chiến lịch sử nhằm kết thúc thắng lợi sự nghiệp giải phóng miền Nam.

Xuân Lộc là khu vực phòng thủ trọng yếu trong tuyến phòng thủ cơ bản của Sài Gòn (gồm Biên Hòa-Xuân Lộc- Bà Rịa- Vũng Tàu). Xuân Lộc án ngữ phía Đông đường vào Sài Gòn, với những trục giao thông quan trọng như: Quốc lộ số 1, Quốc lộ 20, Quốc lộ 15; là hướng thuận lợi nhất để quân ta tiến thẳng vào nội đô Sài Gòn. Đây là tuyến phòng thủ quan trọng nhất, được xây dựng tốt nhất trong toàn bộ tuyến phòng thủ hướng về Sài Gòn- thủ phủ của chính quyền Ngụy. Nguyễn Văn Thiệu gọi đây là “phòng tuyến thép” và tuyên bố sẽ “tử thủ” Xuân Lộc bằng mọi giá, vì mất Xuân Lộc là mất Sài Gòn. Chính bởi vị trí phòng thủ có ý nghĩa then chốt để bảo vệ Sài Gòn này mà địch bố trí lực lượng quân ở Xuân Lộc khá mạnh; bao gồm: Sư đoàn 18 cùng 9 tiểu đoàn bảo an, 2 tiểu đoàn pháo binh (100 khẩu), 1 trung đoàn thiết giáp (100 xe tăng và xe thiết giáp) và trên 3000 cảnh sát, dân vệ phòng ngự trong công sự kiên cố đặt dưới sự chỉ huy trực tiếp của tướng Mỹ Vây-en – Tham mưu trưởng lục quân Mỹ và tướng Cao Văn Viên – Tham mưu trưởng Quân đội Việt Nam Cộng hòa. Khi bị tiến công, địch còn tăng viện thêm cho Xuân Lộc nhiều đơn vị chủ lực mạnh cùng sự chi viện tối đa hỏa lực pháo binh của Quân đoàn 3 và của không quân từ hai sân bay Biên Hòa và Tân Sơn Nhất.

Bộ đội ta tấn công vào Xuân Lộc 1975 (Ảnh tư liệu)

Đối với ta, Xuân Lộc trở thành một trong những mục tiêu quan trọng trên đường tiến vào giải phóng Sài Gòn. Ta đã quyết định sử dụng một bộ phận lực lượng của Quân đoàn 4 (gồm các Sư đoàn 6,7 và 341) phối hợp với bộ đội địa phương và nhân dân tỉnh Long Khánh mở chiến dịch tiến công Xuân Lộc. Quân ủy Trung ương đã chỉ thị cho các lực lượng vũ trang Quân giải phóng miền Nam nhanh chóng đập tan các tuyến phòng thủ vòng ngoài của địch, chiếm lĩnh những địa bàn quan trọng, tạo thế trận và bàn đạp cho các lực lượng chủ lực cơ động tiến công vào nội đô. Điện khẩn ngày 2 tháng 4 năm 1975 của Quân ủy Trung ương gửi Quân ủy Miền chỉ rõ: “Cần có kế hoạch tức khắc tập trung pháo lớn, phần nào xe tăng và bộ binh, nhân lúc địch hoang mang, diệt bọn bại binh mới chạy về, tiêu diệt một bộ phận Sư đoàn 18, đánh chiếm Xuân Lộc, áp sát Biên Hòa. Khống chế được sân bay Biên Hòa thì không quân (địch) mất tác dụng, địch ở Sài Gòn sẽ hoang mang to”(**)

Ngày 2-4-1975, Bộ tư lệnh Miền, trực tiếp là đồng chí Trần Văn Trà - Tư lệnh Bộ chỉ huy Miền đã trực tiếp giao nhiệm vụ cho Quân đoàn 4. Chấp hành mệnh lệnh được giao, Đảng ủy và Bộ tư lệnh Quân đoàn đã họp thông qua kế hoạch tác chiến; cách đánh chiến dịch được xác định là: tập trung lực lượng, sử dụng bộ binh, xe tăng, pháo binh mở các đòn tiến công trực diện vào các vị trí phòng ngự kiên cố của địch; thực hành bao vây, chia cắt, diệt viện nhằm giải phóng khu vực thị xã. Các đơn vị chủ lực của Quân đoàn 4 (Sư đoàn 7, Sư đoàn 341, Sư đoàn 6 cùng một số đơn vị khác đã phối hợp tiến công vào những vị trí then chốt trọng yếu, đánh chiếm các mục tiêu quan trọng, đập tan các cuộc phản kích của địch ở Xuân Lộc. 5giờ 40 phút ngày 9-4-1975, chiến dịch Xuân Lộc bắt đầu. Trong ba ngày đầu chiến dịch (từ ngày 9 đến 11-4), ta tổ chức lực lượng, tiến công các cứ điểm phòng ngự của địch theo kế hoạch tác chiến đã xác định. Tuy nhiên, diễn biến thực tế của chiến dịch cho thấy: Trong lúc ta chưa tạo được ưu thế về lực lượng, về binh khí - kỹ thuật, hỏa lực, lại phải chiến đấu trên địa hình bất lợi đánh vào khu vực công sự kiên cố thì cách đánh như vậy là chưa phù hợp. Sau đòn choáng váng ban đầu, địch tập trung lực lượng phản kích dữ dội. Hỏa lực không quân, pháo binh địch dồn dập dội xuống các vị trí tập kết và đội hình tiến công của ta, gây nhiều khó khăn và tổn thất cho ta. Từ thực tế trên, Bộ tư lệnh chiến dịch chỉ đạo các cơ quan khẩn trương xây dựng kế hoạch tác chiến, đồng thời ra lệnh cho các đơn vị triển khai đội hình tiến công theo cách đánh mới.

Bộ đội ta tiến vào giải phóng thị xã Xuân Lộc, 4/1975

Từ ngày 15-4-1975, thực hiện bước chuyển hóa thế trận, bộ đội ta từ chỗ tập trung lực lượng tiến công những mục tiêu then chốt trong thị xã Xuân Lộc, chuyển sang tiến công những đơn vị địch đến phản kích đứng chân chưa vững ở vòng ngoài (đặc biệt là khu vực ngã ba Dầu Giây), những vị trí chưa có công sự và thiếu sự hiệp đồng chặt chẽ với nhau; đồng thời dùng pháo tầm xa bắn phá và khống chế liên tục sân bay Biên Hòa không cho máy bay địch cất cánh, nhằm cô lập hoàn toàn Xuân Lộc với hậu phương duy nhất của chúng (Biên Hòa). Cùng với việc thay đổi cách đánh, trên các hướng chiến dịch, ở mỗi mũi tiến công, đều có sự phối hợp nhịp nhàng, chặt chẽ giữa các đơn vị trong quá trình chiến đấu. Bộ đội ta đã tổ chức tiến công tiêu hao, tiêu diệt được nhiều sinh lực địch, bẻ gãy các đợt phản kích của chúng, đồng thời bao vây, chia cắt, khống chế mọi ngả đường chi viện, tiếp tế, làm cho địch ở Xuân Lộc bị cô lập hoàn toàn. Về phía địch, trong tuyệt vọng, chúng dồn sức chống trả hòng ngăn chặn bước tiến của quân ta. Thực tế cuộc chiến tại Xuân Lộc khi đó diễn ra vô cùng ác liệt. Nhưng bằng ý chí và nghị lực kiên cường, các lực lượng tham gia chiến dịch đã vượt qua những thử thách, hy sinh to lớn, chiến đấu dũng cảm, mưu trí, sáng tạo, thực hiện thắng lợi mục tiêu của chiến dịch. Trước những đòn tiến công mạnh mẽ của quân ta, lực lượng còn lại của địch buộc phải tháo chạy khỏi Xuân Lộc. Ngày 21 tháng 4 năm 1975, thị xã Xuân Lộc và tỉnh Long Khánh được giải phóng hoàn toàn.

Bản đồ chiến dịch Xuân Lộc

Sau 12 ngày đêm chiến đấu liên tục của ta, địch buộc phải rút khỏi Xuân Lộc. Thất bại tại Xuân Lộc đã đẩy chính quyền và quân đội Sài Gòn vào tình trạng hoang mang, dao động mạnh. Trên thực tế, sau khi Xuân Lộc được giải phóng, tối ngày hôm đó (21-4-1975), Nguyễn Văn Thiệu đành phải từ chức Tổng thống Việt Nam cộng hòa, Trần Văn Hương lên thay trong bối cảnh khắp Sài Gòn đang ngày càng trở nên hoảng loạn bởi chiến dịch di tản của người Mỹ được xúc tiến với nhịp độ rất khẩn trương. Ngày hôm sau, Bộ tư lệnh Chiến dịch Hồ Chí Minh chính thức thông qua kế hoạch tiến công giải phóng Sài Gòn - Gia Định. Bên kia bờ đại dương, Tổng thống Mỹ Giê-rôn Pho tuyên bố, cuộc chiến Việt Nam đã chấm dứt đối với nước Mỹ.

Chiến thắng Xuân Lộc đã mở toang “cánh cửa thép”, tạo thế và tiếp tục tạo thời cơ lớn đưa các lực lượng quân ta ở hướng Đông, cùng các hướng khác tiến vào giải phóng Sài Gòn - Gia Định./.

Minh Vượng (t/h)

(*) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, tập 36, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2004, tr. 95.

(**) Đại tướng Võ Nguyên Giáp: Tổng hành dinh trong mùa Xuân toàn thắng, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, tr.267.

baotanglichsuquocgia

Chia sẻ:

Bài nổi bật

Đồng chí Xuân Thủy với báo Suối Reo và báo Cứu Quốc

Đồng chí Xuân Thủy với báo Suối Reo và báo Cứu Quốc

  • 18/06/2019 10:06
  • 5553

* Làm báo Suối Reo trong nhà tù Sơn La

Bài viết khác

Kỷ niệm 38 năm Chiến dịch Tây Nguyên toàn thắng (3.1975-3.2013): Linh hoạt, sáng tạo truy kích địch rút chạy.

Kỷ niệm 38 năm Chiến dịch Tây Nguyên toàn thắng (3.1975-3.2013): Linh hoạt, sáng tạo truy kích địch rút chạy.

  • 01/04/2013 09:15
  • 3565

Sau khi thất thủ Buôn Ma Thuột, ngày 14.3.1975, Tổng thống chính quyền Sài Gòn Nguyễn Văn Thiệu lệnh rút quân khỏi Kon Tum, Gia Lai về Nha Trang-Cam Ranh, nhằm tăng cường lực lượng trấn giữ vùng đồng bằng ven biển Khu 5.