Thứ Sáu, 20/09/2024
  • Tiếng Việt
  • English
  • French

Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

Vietnam National Museum of History

01/04/2013 09:15 3159
Điểm: 0/5 (0 đánh giá)
Sau khi thất thủ Buôn Ma Thuột, ngày 14.3.1975, Tổng thống chính quyền Sài Gòn Nguyễn Văn Thiệu lệnh rút quân khỏi Kon Tum, Gia Lai về Nha Trang-Cam Ranh, nhằm tăng cường lực lượng trấn giữ vùng đồng bằng ven biển Khu 5.

Chiến dịch Tây Nguyên mở đầu cho cuộc Tổng tấn công mùa Xuân năm 1975. Buôn Mê Thuột được giải phóng ngày 10.3. (Ảnh: TL)

Theo dõi chặt chẽ và sớm dự đoán tình huống địch rút khỏi Tây Nguyên khi bị ta đánh mạnh, Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương và Bộ Tổng tư lệnh chỉ thị cho Bộ tư lệnh chiến dịch tập trung lực lượng mở cuộc truy kích lớn đánh tiêu diệt toàn bộ quân địch rút chạy, tạo điều kiện cho các chiến trường đẩy mạnh tiến công, giành thắng lợi lớn.

Trận đánh quân địch rút chạy trên Đường số 7 diễn ra từ ngày 17 đến 24.3.1975 thể hiện trình độ về nghệ thuật nắm thời cơ, sử dụng lực lượng và cách đánh trong Chiến dịch Tây Nguyên.

Trước hết là nắm chắc tình hình địch để hạ quyết tâm đánh tiêu diệt. Sau khi ta giải phóng Buôn Ma Thuột và bao vây chia cắt trên hai Đường số 21 và 19, trước nguy cơ bị tiêu diệt, địch rút chạy từ Tây Nguyên theo Đường số 7 về đồng bằng Khu 5. Đêm 16.3.1975, Bộ tư lệnh chiến dịch họp bàn và xác định: Đúng như dự kiến của ta, địch rút chạy khỏi Tây Nguyên là thời cơ rất thuận lợi để ta mở cuộc truy kích tiêu diệt toàn bộ lực lượng địch, vì khi rút chạy, đội hình của chúng lộn xộn, chỉ huy rối loạn, tinh thần quân lính hoang mang, sức chiến đấu giảm sút.

Bộ tư lệnh chiến dịch quyết định sử dụng Sư đoàn 320A được tăng cường Trung đoàn Bộ binh 95B, Tiểu đoàn 1 xe tăng thuộc Trung đoàn 273, Trung đoàn Cao xạ 593, Trung đoàn Pháo binh 675 gấp rút triển khai lực lượng truy kích đánh địch rút chạy. Để hiệp đồng với đòn tiến công tiêu diệt quân địch rút chạy, các đơn vị của Sư đoàn 320A cùng lực lượng tăng cường trên các hướng và LLVT địa phương các tỉnh Đắc Lắc, Phú Yên tiếp tục đẩy mạnh tiến công địch ở các khu vực được giao.

Căn cứ vào phương án tiến công Cheo Reo đã chuẩn bị, Sư đoàn 320A chọn khu vực chủ yếu để tiêu diệt địch trên Đường số 7 là đoạn Mỹ Trạch - cầu Ia Nu và khu vực quyết chiến ở thị xã Cheo Reo. Cách đánh được xác định là nhanh chóng cơ động lực lượng chốt kịp thời ngăn chặn địch, tập trung binh hỏa lực, hiệp đồng chặt chẽ trên các hướng, các lực lượng; thường xuyên bám sát, liên tục tiến công tiêu diệt từng bộ phận, tiến tới tiêu diệt toàn bộ quân địch rút chạy. Theo phương án tác chiến, Sư đoàn 320A cơ động triển khai lực lượng chiếm lĩnh trận địa, chuẩn bị chiến đấu.

Sau khi hình thành thế bao vây, tổ chức lực lượng chốt chặn nhiều tầng trên Đường số 7 và đẩy lùi các đợt phản kích của địch, ngày 18.3.1975, ta sử dụng pháo binh và các loại hỏa lực bắn chế áp chi viện cho bộ binh Trung đoàn 48 tiến công các vị trí địch. Một ngày sau, ta đánh chiếm thị xã Cheo Reo, trong khi đó, Trung đoàn 9 tiến công đánh chiếm Phú Thiện và phối hợp với Trung đoàn 48 tiêu diệt một bộ phận lực lượng địch rút chạy xuống phía Nam Cheo Reo. Tiếp đó, Bộ tư lệnh chiến dịch tập trung lực lượng chủ lực hình thành thế bao vây chặt, tiến công mãnh liệt từ bên sườn và phía sau đội hình rút chạy của địch trên Đường số 7. Trên đường truy kích, ta tiến công giải phóng quận lỵ Phú Túc và tiêu diệt địch ở Ca Lúi. Phát hiện địch rút chạy đang co cụm lớn ở quận lỵ Củng Sơn (Phú Yên), Bộ tư lệnh chiến dịch ra lệnh cho Sư đoàn 320A phối hợp với Tiểu đoàn 96 bộ đội địa phương tỉnh Phú Yên đánh chia cắt quân địch rút chạy.

Trong quá trình chiến đấu, bộ đội ta thay đổi kịp thời phương pháp tiến công, vận dụng linh hoạt các hình thức chiến thuật, thủ đoạn chiến đấu, dùng hỏa lực pháo binh bắn phá mãnh liệt vào các vị trí địch. Mặc dù địch tập trung hỏa lực của không quân, pháo binh đánh phá ngăn chặn và bộ binh phản kích quyết liệt cũng không cản được sức tiến công của ta. Nắm chắc thời cơ đánh địch, ngày 24.3, ta gấp rút đưa một đại đội vượt sông chốt chặn địch, đồng thời từ hai hướng tây và tây bắc, bộ đội ta tiến công dồn dập đánh chiếm Tịnh Sơn, Hòn Một rồi phát triển đánh chiếm quận lỵ Hòn Ngang và các mục tiêu khác, tiêu diệt toàn bộ quân địch co cụm ở Củng Sơn, kết thúc thắng lợi trận truy kích quân địch rút chạy trên Đường số 7.

Trận đánh thắng lợi đánh dấu sự trưởng thành về trình độ nghệ thuật nắm thời cơ, kịp thời tổ chức sử dụng lực lượng, hình thành thế trận đánh địch, đồng thời thể hiện trình độ tổ chức, chỉ huy và tinh thần chấp hành nghiêm mệnh lệnh của cán bộ, chiến sĩ ta. Khi nắm được ý định địch rút quân, ta đã tổ chức lực lượng bao vây, chia cắt, thay đổi phương pháp tiến công, vận dụng linh hoạt các hình thức chiến thuật, hiệp đồng chặt chẽ giữa các lực lượng và sử dụng hỏa lực hợp lý, tiêu diệt từng bộ phận, tiến tới tiêu diệt toàn bộ quân địch rút chạy. Thắng lợi của trận đánh tiêu diệt địch rút chạy trên Đường số 7 từ Cheo Reo đến Củng Sơn là trận đánh then chốt thứ 3 và cũng là trận then chốt kết thúc Chiến dịch Tây Nguyên. Đây là thắng lợi có ý nghĩa to lớn, đập tan ý định rời bỏ Tây Nguyên về co cụm ở vùng đồng bằng Khu 5, làm thay đổi cơ bản so sánh lực lượng và thế chiến lược giữa ta và địch, tạo bước ngoặt quyết định cho quân và dân ta phát triển cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuâm 1975, đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

. Theo Đại tá, TS DƯƠNG ĐÌNH LẬP/QĐNDO

baobinhdinh.com.vn

Chia sẻ:

Bài nổi bật

Đồng chí Xuân Thủy với báo Suối Reo và báo Cứu Quốc

Đồng chí Xuân Thủy với báo Suối Reo và báo Cứu Quốc

  • 18/06/2019 10:06
  • 4829

* Làm báo Suối Reo trong nhà tù Sơn La

Bài viết khác

Trận quyết chiến chiến lược – Tiêu diệt tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ (13/3-7/5/1954). Đợt II: Siết chặt vòng vây.

Trận quyết chiến chiến lược – Tiêu diệt tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ (13/3-7/5/1954). Đợt II: Siết chặt vòng vây.

  • 30/03/2013 22:16
  • 3572

Đợt tấn công thứ hai từ ngày 30 tháng 3 đến ngày 30 tháng 4 năm 1954. Phương án tác chiến của ta là đánh chiếm các ngọn đồi phía Đông, đánh chiếm sân bay, triệt đường tiếp tế và tiếp viện, thắt chặt vòng vây, từng bước thu hẹp phạm vi chiếm đóng và không phận của phân khu trung tâm.