Chủ Nhật, 08/09/2024
  • Tiếng Việt
  • English
  • French

Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

Vietnam National Museum of History

30/03/2013 22:16 3558
Điểm: 0/5 (0 đánh giá)
Đợt tấn công thứ hai từ ngày 30 tháng 3 đến ngày 30 tháng 4 năm 1954. Phương án tác chiến của ta là đánh chiếm các ngọn đồi phía Đông, đánh chiếm sân bay, triệt đường tiếp tế và tiếp viện, thắt chặt vòng vây, từng bước thu hẹp phạm vi chiếm đóng và không phận của phân khu trung tâm.

Đợt này quan trọng nhất của chiến dịch, dài nhất và ác liệt nhất. Bởi vì phân khu trung tâm là phân khu rất mạnh. Vị trí của phân khu lại nằm giữa cánh đồng Mường Thanh và ken chặt với nhau trên cánh đồng hai bên bờ sông Nậm Rốm, có một hệ thống cao điểm rất lợi hại ở phía Đông bảo vệ. Phân khu trung tâm gồm 5 trung tâm đề kháng, trên 30 cứ điểm do 7 tiểu đoàn Âu-Phi và một tiểu đoàn ngụy binh phòng giữ, trong đó có một số tiểu đoàn dù cơ động.

Công việc chuẩn bị của ta là xây dựng hệ thống trận địa tấn công và bao vây, gồm những đường giao thông hào trục chạy xung quanh phân khu Mường Thanh, cắt đứt phân khu trung tâm và phân khu Nam, nhiều tuyến giao thông hào có công sự chiến đấu tỏa ra từ các triền núi xung quanh tiến sát trận địa của địch. Ở những vị trí nhất định phải cấu trúc các công sự cho hỏa lực, xây dựng hầm đạn, hầm ngủ, hầm cứu thương v.v…Cuối tháng 3 năm 1954, trận địa của ta đã được hoàn thành.

Ảnh1: Bộ đội ta đang đào trận địa dưới làn bom đạn của phi cơ và pháo binh của địch.(Ảnh tư liệu, BTLSQG)

Chủ trương của Đảng ủy mặt trận trong đợt 2 là tập trung ưu thế hỏa lực đánh chiếm các cao điểm phía Đông, trong đó có 5 cao điểm quan trọng là: E, D1 thuộc trung tâm đề kháng Đôminich và các cao điểm C1, C2, A1 thuộc trung tâm đề kháng Eliane.

Đại đoàn 312 nhiệm vụ tiêu diệt các cao điểm E, D1, D2 thuộc trung tâm đề kháng Đôminich, đại đoàn 316 nhiệm vụ tiêu diệt các cao diểm A1, C1, C2 thuộc trung tâm đề kháng Eliane, đại đoàn 308 có nhiệm vụ dùng hỏa lực kiềm chế pháo binh địch ở Tây Mường Thanh, trung đoàn 57 của đại đoàn 304 phối hợp tiểu đoàn 88 (đại đoàn 316) có nhiệm vụ kiềm chế các trận địa pháo binh địch ở Hồng Cúm, chặn quân tiếp viện từ Hồng Cúm lên Mường Thanh, đại đoàn 351 yểm hộ bộ binh tiến công các cứ điểm.

18 giờ ngày 30 tháng 3 năm 1954, cuộc tấn công vào các ngọn đồi phía Đông bắt đầu. Đây là cuộc chiến đấu phức tạp vì nó bao gồm cả một loạt trận công kiên, tiêu diệt nhiều vị trí của địch. Cuộc chiến đấu lúc đầu khá thuận lợi, toàn bộ một đại đội 140 tên địch thuộc tiểu đoàn 1 trung đoàn 4 Ma rốc bị tiêu diệt và bắt sống. Quân ta tiêu diệt gọn quân địch và đánh chiếm đồi C1. Tiểu đội trưởng mũi nhọn Nguyễn Thiện Cải cắm lá cờ quyết chiến quyết thắng lên nóc sở chỉ huy của địch.

Ảnh2: Quân ta đánh địch phản kích tại khu đồi C. ( Ảnh tư liệu, BTLSQG)

Tiếp đó đánh chiếm đồi E là cao điểm ở về phía Bắc, 19 giờ 45 phút trung đoàn trưởng Quang Tuyến báo cáo hoàn thành nhiệm vụ tiêu diệt đồi E. 20 giờ trung đoàn trưởng Hoàng Cầm báo cáo hoàn thành nhiệm vụ tiêu diệt đồi D1. Thừa thắng, đại đoàn trưởng Lê Trọng Tấn ra lệnh cho lực lượng dự bị của 209, tiểu đoàn 130 đánh xuống cao điểm D2. Quân ta lại tiêu diệt toàn bộ một tiểu đoàn địch, đánh chiếm đồi D2. Gần sáng quân địch cho lực lượng phản kích nhưng đều bị quân ta đánh lui.

Ảnh3: Chiến đấu dưới giao thông hào.(Ảnh tư liệu, BTLSQG)

Đặc biệt trên đồi A1 là cao điểm quan trọng nhất trong 5 ngọn đồi, cuộc chiến diễn ra hết sức gay go. Đên 30 tháng 3 năm 1954, Pháp dùng tất cả các hỏa lực đại bác và súng cối vào A1 mong cứu vãn tình hình, ta và địch giành nhau từng ụ súng, từng ngách hào, quá nửa đêm mỗi bên giữ được một nửa đồi. Mờ sáng ngày 31 tháng 3, Đờ Cát họp với Lănggơle, Padit và Bigia bàn cách đối phó với tình hình, toàn bộ lực lượng pháo cũng như xe tăng của tập đoàn cứ điểm sẽ được huy động vào cuộc phản kích. Những cuộc phản kích của địch ngày 31 tháng 3 đã hoàn toàn thất bại. 10 giờ tối Lănggơle gọi điện cho Bigia, hỏi có thể giữ được những gì còn lại của Elian trong đêm nay không? Bigia trả lời: “thưa đại tá chừng nào còn một người sống sót, tôi sẽ không bỏ Elian” vì lúc này Elian là thành lũy cuối cùng của tập đoàn cứ điểm. Đêm 31 tháng 3 quân ta tấn công lần thứ 2, cuộc chiến đấu kéo dài đến sáng ngày 1 tháng 4 kết quả ta chiếm lại 2/3 vị trí, địch phản kích lại nhiều lần chiếm lại một phần trận địa đã mất. Quân ta lợi dụng các chiến hào đã đào sát đến vị trí của địch, áp dụng chiến thuật đánh lấn dần. Đêm ngày 1 tháng 4 năm 1954, cứ điểm 106 bảo vệ sân bay về phía Tây, quân ta đột nhập bất thần, địch không kịp trở tay bị ta tiêu diệt gọn. Ngày 2 tháng 4 năm 1954, địch đã dùng gần 250 chuyến bay oanh tạc song sự cố gắng của địch không thu lại kết quả như mong muốn. Sau 5 ngày chiến đấu ở phía Đông ta đã chiếm được 4 ngọn đồi hiểm yếu, làm chủ một phần điểm cao then chốt A1, nhưng chưa hoàn thành các mục tiêu đề ra đặc biệt là chưa chiếm được hoàn toàn đồi A1.

Ảnh4: Đại tướng Võ Nguyên Giáp cùng cán bộ đang quan sát trên đồi A1 (1954) (Ảnh tư liệu, BTLSQG)

Nhận thấy sân bay Mường Thanh có nguy cơ bị cắt làm đôi và Huyghet 6 ở đầu Bắc sân bay sắp bị tiêu diệt, Đờ Cát ra lệnh tiến hành giải tỏa sân bay, tiếp tế cho Huyghet 6.

Lúc này, chiến hào của quân đội ta từ bốn phía luồn vào bên trong hàng rào dây thép gai của cứ điểm 105, 15 ụ súng ở tiền duyên bị ĐKZ ta bắn sập. Huyghets 1 cũng bị trung đoàn 36 của ta bao vây bằng trận địa chiến hào. 22 giờ đêm ngày 22 tháng 4 trung đoàn cho lệnh dùng những phân đội nhỏ đánh vào cứ điểm chiếm một số lô cốt đầu cầu. Trận đánh cứ điểm 206 (bảo vệ phía Tây sân bay) đã hoàn thành và thực sự khẳng định thành công chiến thuật là “đánh lấn” của quân đội ta.

7 giờ 30 sáng ngày 23 tháng 4, vài tên lính lê dương chạy thoát về tới Mường Thanh, báo tin Huyghet 1 đã bị thất thủ. Sau giây phút sững sờ, Đờ Cát đưa ra ý kiến cần phải phản kích giành lại vị trí đã mất.

Từ sau đợt tiến công khu Đông, ta dự kiến địch thể nào cũng phản công quyết liệt, nên cần phải có một hỏa lực đủ mạnh để đập tan những đợt phản kích. Đại đoàn 308 và 312 đã được tổ chức thành lực lượng hỏa lực thống nhất dưới sự chỉ huy chung. Bộ chỉ huy hỏa lực gồm các đồng chí Vương Thừa Vũ (308), Đàm Quang Trung (312), Nguyễn Thước (351) đặt tại sở chỉ huy đại đoàn 308.

Các chiến sĩ đại đội 312 chờ quân địch tới thật gần mới nổ súng, hàng loạt quân địch đổ gục trước chiến hào.

Sau trận phản kích ở sân bay Mường Thanh, ngày 23 tháng 4, các tiểu đoàn dù lê dương số 1 và số 2 lừng danh đã bị xóa sổ.

Ảnh: Quân ta trung kích đồi A1 Điện Biên Phủ 1954 (Ảnh tư liệu, BTLSQG).

Trong những ngày cuối tháng 4, trời mưa đã biến chiến hào thành những bãi lầy, cuộc sống chui rúc, ngoi ngóp của hàng vạn binh lính Pháp trong bùn lầy, bom đạn, mưa gió dầm dề suốt ngày đêm, đã nhanh chóng tiêu hao thể lực và làm suy sụp tinh thần chiến đấu của chúng.

Tinh thần quyết chiến quyết thắng của quân ta, với một khí thế mạnh mẽ, tất cả các đơn vị đều cố gắng tiến lên, tích cực chuẩn bị cho đợt tấn công sắp tới, ra sức tạo mọi điều kiện để chuyển sang tổng công kích.

Huệ - Chính (tổng hợp)

baotanglichsuquocgia

Chia sẻ:

Bài nổi bật

Đồng chí Xuân Thủy với báo Suối Reo và báo Cứu Quốc

Đồng chí Xuân Thủy với báo Suối Reo và báo Cứu Quốc

  • 18/06/2019 10:06
  • 4796

* Làm báo Suối Reo trong nhà tù Sơn La

Bài viết khác

Kỷ niệm 40 năm người lính Mỹ cuối cùng rút khỏi miền Nam Việt Nam (29/3/1973 29/3/1913)

Kỷ niệm 40 năm người lính Mỹ cuối cùng rút khỏi miền Nam Việt Nam (29/3/1973 29/3/1913)

  • 29/03/2013 17:06
  • 4151

Sau thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, ngày 21/7/1954, Hiệp định Giơ ne vơ về Đông Dương đã được ký kết. Song đế quốc Mỹ với dã tâm xâm chiếm Đông Dương đã có từ lâu, nhân cơ hội này liền nhảy vào miền Nam thế chân Pháp, dựng lên chính quyền tay sai Ngô Đình Diệm, thẳng tay đàn áp phong trào cách mạng ở miền Nam.