Chủ Nhật, 08/09/2024
  • Tiếng Việt
  • English
  • French

Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

Vietnam National Museum of History

29/03/2013 17:06 4151
Điểm: 0/5 (0 đánh giá)
Sau thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, ngày 21/7/1954, Hiệp định Giơ ne vơ về Đông Dương đã được ký kết. Song đế quốc Mỹ với dã tâm xâm chiếm Đông Dương đã có từ lâu, nhân cơ hội này liền nhảy vào miền Nam thế chân Pháp, dựng lên chính quyền tay sai Ngô Đình Diệm, thẳng tay đàn áp phong trào cách mạng ở miền Nam.

Giữa lúc cách mạng miền Nam đang ở thế vô cùng khó khăn, Nghị quyết Hội nghị lần thứ 15 Ban Chấp hành Trung ương Đảng được truyền đạt đến các Đảng bộ miền Nam đã đáp ứng được nhu cầu bức thiết của lịch sử, làm xoay chuyển tình thế, thổi bùng ngọn lửa đấu tranh của nhân dân miền Nam. Phong trào Đồng Khởi đã làm tan rã hệ thống chính quyền cơ sở của địch ở nhiều vùng nông thôn rộng lớn ở miền Nam, hình thành vùng giải phóng trên phạm vi rộng lớn, nối liền từ Tây Nguyên đến miền Tây Nam Bộ và đồng bằng Liên khu V, tạo ra bước phát triển nhảy vọt của phong trào cách mạng miền Nam. Từ thắng lợi của phong trào Đồng Khởi, Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam ra đời, tập hợp quần chúng nhân dân, đoàn kết đấu tranh chống đế quốc Mỹ và tay sai, xây dựng một miền Nam độc lập, dân chủ, hòa bình, trung lập tiến tới hòa bình thống nhất nước nhà.

Những tên lính mỹ cuối cùng rút khỏi Việt Nam ngày 29/3/1973.

Thất bại trong “Chiến tranh đơn phương” đế quốc Mỹ chuyển sang “Chiến tranh đặc biệt”, tăng cường viện trợ quân sự, can thiệp sâu hơn vào miền Nam, hòng đè bẹp phong trào cách mạng miền Nam đang phát triển như vũ bão, chiếm lại những địa bàn đã mất. Để đối phó với chiến lược chiến tranh mới của Mỹ, các hội nghị Bộ Chính trị tháng 1/1961 và tháng 2/ 1962 quyết định chuyển cách mạng miền Nam từ khởi nghĩa từng phần thành chiến tranh cách mạng. Quán triệt tư tưởng tiến công cách mạng, quân và dân miền Nam, tiếp tục giáng cho Mỹ- ngụy những đòn sấm sét ở Ấp Bắc, Bình Giã, Đồng Xoài, Ba Gia…Chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” bị đánh bại, đế quốc Mỹ ngoan cố chuyển sang chiến lược “Chiến tranh cục bộ”, ồ ạt đưa quân viễn chinh Mỹ và quân một số nước phụ thuộc vào miền Nam và tiến hành chiến tranh phá hoại khốc liệt bằng hải quân và không quân đối với miền Bắc.

Với ý chí “Không có gì quý hơn độc lập, tự do” và lòng tin sắt đá, quân và dân cả nước, Nam- Bắc một lòng quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược, giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc. Quân và dân miền Nam kiên quyết chủ động tiến công quân viễn chinh Mỹ với những trận đầu vô cùng ác liệt ở núi Thành, Vạn Tường, Plâyme, Bầu Bàng, Đất Cuốc… Trải qua 2 mùa khô (1965- 1966 và 1966- 1967), liên tiếp đánh bại hai cuộc phản công quy mô lớn của Mỹ, mở ra triển vọng to lớn cho cách mạng miền Nam, đẩy quân Mỹ vào “đường hầm không có lối thoát”.

Hòa nhịp với chiến trường miền Nam, quân và dân miền Bắc ra sức xây dựng hậu phương lớn về mọi mặt, đập tan mọi hành động leo thang chiến tranh, bắn rơi hàng ngàn máy bay, bắn cháy hàng trăm tàu chiến, bắt sống nhiều phi công của đế quốc Mỹ, tổ chức tốt công tác phòng cháy, sơ tán, bảo đảm giao thông vận tải thông suốt. Với tinh thần “Tất cả vì miền Nam ruột thịt”, vượt qua mưa bom, bão đạn, miền Bắc đã kiên cường trụ vững làm tròn nhiệm vụ của hậu phương lớn đối với tiền tuyến lớn miền Nam.

Thắng lợi của quân và dân ta trên cả hai miền Nam- Bắc, đặc biệt là thắng lợi của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân năm 1968 đã làm phá sản chiến lược “Chiến tranh cục bộ”, giáng một đòn bất ngờ ,làm đảo lộn thế chiến lược, buộc Mỹ phải xuống thang, hạn chế rồi chấm dứt chiến tranh phá hoại miền Bắc, ngồi vào bàn đàm phán với ta tại Hội nghị Pari. Quân và dân miền Nam với sự chi viện to lớn của miền Bắc, kiên trì xây dựng và phát triển lực lượng, tiến công địch trên cả ba vùng chiến lược, đánh bại từng bước chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh”, giáng cho chúng những đòn sấm sét, đặc biệt là trong cuộc tiến công chiến lược Xuân Hè năm 1972, đánh vào ba tuyến phòng ngự mạnh nhất của địch tại Đường 9- Trị Thiên, Tây Nguyên và Đông Nam Bộ.

Thất bại nặng nề trên chiến trường miền Nam, đế quốc Mỹ điên cuồng dùng không quân và hải quân đánh phá ác liệt trở lại miền Bắc, tiến hành cuộc tập kích đường không chiến lược, có tính hủy diệt bằng B52 vào Hà Nội, Hải Phòng trong suốt 12 ngày đêm cuối năm 1972 hòng hạn chế thắng lợi của ta, buộc ta chấp nhận điều kiện của chúng trên bàn đàm phán, đi đến kết thúc chiến tranh có lợi cho Mỹ. Bằng tài năng, sáng tạo ,quân và dân ta đã kiên cường đánh trả bắn rơi nhiều máy bay hiện đại, bắt sống nhiều giặc lái, buộc đế quốc Mỹ phải xuống thang chiến tranh, trở lại bàn Hội nghị, ký Hiệp định Pari, cam kết chấm dứt chiến tranh, công nhận độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, rút quân về nước.

Ngày 29/3/1973, tại sân bay Tây Sơn Nhất Bộ Tư lệnh quân viễn chinh Mỹ làm lễ cuốn cờ rút khỏi miền Nam Việt Nam.

Thi hành Hiệp định Pari về Việt Nam, trưa ngày 29/3/1973, Bộ chỉ huy quân sự Mỹ ở miền Nam Việt Nam (MACV) đã làm lễ cuốn cờ tại căn cứ Tân Sơn Nhất. Toàn bộ buổi lễ kéo dài chưa đầy 15 phút, nhưng vẫn có đầy đủ “tiết mục” duyệt binh và diễu binh. Vẻn vẹn 42 quân nhân đại diện cho 4 quân chủng hải, lục, không quân và lính thủy đánh bộ đến dự lễ. Bài hành khúc được phát đi từ một băng ghi âm (vì toàn bộ đội quân nhạc của Mỹ đã rút về nước từ tuần trước). Tổng Tư lệnh quân đội Mỹ tướng Phrêđêrich Uâyen nói mấy lời ngắn gọn và buổi lễ kết thúc. Chiếc máy bay DC mang ký hiệu MAC 40619 của Bộ Tư lệnh không quân Mỹ đã sẵn sàng trên đường băng Tân Sơn Nhất. Lính Mỹ từ ba chiếc ô tô bus Nhật Bản bước xuống xếp thành hàng lần lượt đi qua quãng đường 50m, bước lên cầu thang máy bay. Các sĩ quan của ta trong Ban Liên hiệp Quân sự bốn bên đến tận nơi thực hiện đúng chức năng giám sát và kiểm soát. Bắt đầu từ đây, chính thức chấm dứt cuộc can thiệp trực tiếp bằng quân sự của Mỹ vào Nam Việt Nam, một cuộc chiến tranh “kéo dài nhất, đẫm máu nhất và tốn kém nhất trong lịch sử nước Mỹ”.

Hàng trăm ống kính máy ảnh, máy quay phim tranh thủ ghi lấy giây phút lịch sử này, vậy là, sau khi đã huy động tối đa những con chủ bài của không lực, quân lực Hoa Kỳ hòng “tiêu diệt Việt cộng” từ trong mùa khô 1965- 1966 và 1966- 1967, “đưa miền Bắc Việt Nam về thời kỳ đồ đá”, đến bây giờ, Mỹ mới chịu thừa nhận một điều: Không thể áp đặt “sức mạnh sen đầm quốc tế” lên một dân tộc đã có truyền thống mấy ngàn năm võ công- văn hiến đánh bại tất cả bọn xâm lược./.

Chu Lộc- Phương Thảo (tổng hợp)

baotanglichsuquocgia

Chia sẻ:

Bài nổi bật

Đồng chí Xuân Thủy với báo Suối Reo và báo Cứu Quốc

Đồng chí Xuân Thủy với báo Suối Reo và báo Cứu Quốc

  • 18/06/2019 10:06
  • 4796

* Làm báo Suối Reo trong nhà tù Sơn La

Bài viết khác

Trận quyết chiến chiến lược – Tiêu diệt tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ (13/3- 7/5/1954). Đợt I. Chiến dịch Điện Biên Phủ: Đòn phủ đầu

Trận quyết chiến chiến lược – Tiêu diệt tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ (13/3- 7/5/1954). Đợt I. Chiến dịch Điện Biên Phủ: Đòn phủ đầu

  • 26/03/2013 16:29
  • 4574

Trận Điện Biên Phủ là trận đánh lớn trong chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất diễn ra tại lòng chảo Mường Thanh, Điện Biên, tỉnh Lai Châu (nay thuộc thành phố Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên). Đây là chiến sự lớn nhất trong cuộc kháng chiến chống Pháp năm 1945 – 1954 của Việt Nam.