Thứ Tư, 11/12/2024
  • Tiếng Việt
  • English
  • French

Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

Vietnam National Museum of History

26/03/2013 16:29 4712
Điểm: 4/5 (1 đánh giá)
Trận Điện Biên Phủ là trận đánh lớn trong chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất diễn ra tại lòng chảo Mường Thanh, Điện Biên, tỉnh Lai Châu (nay thuộc thành phố Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên). Đây là chiến sự lớn nhất trong cuộc kháng chiến chống Pháp năm 1945 – 1954 của Việt Nam.

Vào mùa hè năm 1953, chính phủ Pháp triệu hồi tướng Xalăng về nước và cử tướng Nava sang làm chỉ huy các lực lượng quân viễn chinh Pháp ở Đông Dương. Tướng Nava đã vạch ra kế hoạch chiến lược, hi vọng trong vòng 18 tháng phải giành được thắng lợi quyết định về quân sự để làm cơ sở cho một giải pháp chính trị có “danh dự” cho Pháp. Kế hoạch gồm 2 bước: Bước thứ nhất: Giữ thế phòng ngự chiến lược ở miền Bắc và tiến công bình định ở miền Nam, miền Trung Đông Dương, xóa bỏ vùng tự do Liên khu V. Bước thứ 2: Thực hiện chiến lược tiến công ở miền Bắc, giành thắng lợi quân sự, buộc ta phải đàm phán theo những điều kiện có lợi cho chúng.

Phía Pháp: Được sự giúp đỡ của Mỹ, Nava tập trung mọi cố gắng để xây dựng Điện Biên Phủ thành một tập đoàn cứ điểm mạnh nhất Đông Dương với mục đích bảo vệ Thượng Lào, từ đó đánh chiếm các vùng đã mất ở Tây Bắc, tạo điều kiện để đánh tiêu diệt các đơn vị bộ đội chủ lực của ta. Tổng binh lực ở tập đoàn này vào lúc cao nhất là 16.200 người, gồm có 12 tiểu đoàn và 7 đại đội bộ binh, 3 tiểu đoàn pháo binh, 1 tiểu đoàn công binh, 1 đại đội tăng M24, 1 đại đội vận tải, 1 phi đội 12 máy bay thường trực được bố trí thành 3 phân khu, 49 cứ điểm tổ chức thành các cụm cứ điểm đề kháng có khả năng phòng ngự mạnh. Các tướng lĩnh và các chính khách Pháp, Mỹ đã đến tận nơi để kiểm tra đều thống nhất đánh giá tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ là một “pháo đài khổng lồ không thể công phá”.

Phía ta: Lực lượng quân đội ta tham gia chiến dịch gồm có 4 đại đoàn bộ binh (304, 308, 312,316), 1 đại đoàn công pháo 351, các tiểu đoàn công binh, các đơn vị thông tin, vận tải, quân y…Tổng số quân khoảng 55.000 người. Dân công hỏa tuyến gồm 260.000 người với trên 11 triệu ngày công. Phương tiện vận chuyển gồm 268 ô tô, 11.800 thuyền, hơn 20 ngàn xe đạp thồ và hàng ngàn phương tiện vận chuyển thô sơ khác. Hàng chục ngàn tấn vũ khí đạn dược, 27.000 tấn gạo, hơn 1.800 tấn thịt đã được chuyển ra mặt trận. Cả hậu phương đã dốc sức người, sức của và tinh thần cho chiến dịch Điện Biên Phủ.

Đầu tháng 3 năm 1954, công tác chuẩn bị về mọi mặt được kiểm tra kỹ lưỡng và đã hoàn thành.

Ngày 13 tháng 3 năm 1954, quân ta được lệnh mở cuộc đại tấn công vào tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Chiến dịch được chia làm 3 đợt: Đợt 1 bắt đầu từ ngày 13 tháng 3, đợt 2 bắt đầu từ ngày 30 tháng 3, đợt 3 bắt đầu từ ngày 1 tháng 5 và đến ngày 7 tháng 5 thì kết thúc.

Ba mũi xung kích của 3 tiểu đoàn 11, 130, 428 (Trung đoàn 209, Đại đoàn 312) nổ súng tấn công cụm cứ điểm Him Lam, ngày 13/3/1954

Đợt 1: Bộ chỉ huy Mặt trận quyết định nhổ những trung tâm đề kháng Him-Lam, Độc Lập và Bản Kéo án ngữ hai con đường từ Sơn La và Lai Châu vào Điện Biên Phủ. Trận đánh mở màn chính là trận công kiên lớn tiêu diệt trung tâm đề kháng Him-Lam.

Trung tâm đề kháng Him-Lam là một trung tâm phòng ngự kiên cố nhất của địch là “pháo đài bất khả xâm phạm” Điện Biên Phủ. Binh lực đóng ở đây là tiểu đoàn dù lê dương, tiểu đoàn gồm 4 đại đội tinh nhuệ rất thạo về môn phòng ngự. Chung quanh cụm cứ điểm địch bố trí công sự rất dày đặc. Trong từng cứ điểm có nhiều tầng chiến hào nối liền với các lô-cốt, với các ụ súng. Hỏa lực của cứ điểm khá mạnh.

Đơn vị được giao trận đầu này là Đại đoàn Bến Tre (Đại đoàn 312). Nhiệm vụ “ phải chuẩn bị chu đáo, tiêu diệt gọn, nhanh…đảm bảo mở xong cửa lúc trời còn sáng, đánh tung thâm ban đêm và kết thúc trận đánh trước 24 giờ”.

17 giờ ngày 13 tháng 3 năm 1954, quân ta nổ súng tấn công trung tâm đề kháng Him-Lam. 40 khẩu pháo cỡ 75 đến 120mm đồng loạt nhả đạn, 1 viên đạn pháo rơi trúng sở chỉ huy Him-Lam, giết chết thiếu tá chỉ huy trưởng Paul Pesgot cùng với 3 sĩ quan khác và cả chiếc điện đài. Him-Lam mất liên lạc với Mường Thanh ngay giờ đầu trận đánh, 1 kho xăng bốc cháy. Pháo binh của địch lúc đầu bị tê liệt, dần dần hoạt động trở lại khá mạnh. Bộ binh và pháo binh của ta phối hợp khá chặt chẽ, sau 1 giờ chiến đấu quân ta tiêu diệt hoàn toàn cứ điểm đầu tiên, sau 2 giờ tiêu diệt cứ điểm thứ hai, cuộc chiến đấu ở cứ điểm thứ ba về phía Tây Bắc diễn ra gay go. Nhưng đến 22 giờ quân ta đã tiêu diệt hoàn toàn trung tâm đề kháng Him Lam, tiêu diệt gần 300 địch, bắt sống 200 tù binh. Chiến thắng Him Lam là chiến thắng đầu tiên của chiến dịch Điện Biên Phủ. Trận chiến này có một tác dụng lớn đối với sự phát triển của chiến dịch.

Bộ đội ta đánh chiếm đồi Độc lập, ngày 15/3/1954

Hôm sau, lúc 14 giờ 45, ngày 14 tháng 3 năm 1954, Tướng Cogny đáp ứng yêu cầu của Castries là tăng cường ngay cho Điện Biên Phủ một tiểu đoàn dù để duy trì số lực lượng của tập đoàn cứ điểm như trước. Trong khi đó phía quân ta (2 trung đoàn Đại đoàn Việt Bắc (308) và 312) cũng triển khai bước tiếp theo, mở cuộc tấn công vào trung tâm đề kháng đồi Độc Lập. 17 giờ, trọng pháo của ta bắt đầu bắn vào khu chỉ huy của địch ở Mường Thanh, vào các trận địa, pháo binh và sân bay của chúng, đồng thời bắn phá hủy các công sự của đồi Độc-Lập. Cuộc đấu bằng hỏa lực diễn ra ác liệt. Vì các đơn vị sơn pháo chuyển đến chậm (đêm đó trời mưa to), nên đến 2 giờ sáng ngày 15 tháng 3 năm 1954 mới bắt đầu. Lúc 3 giờ 30 ngày 15 tháng 3 năm 1954, chỉ huy trưởng trận đánh hạ lệnh tấn công, cả lựu pháo và sơn pháo lại lên tiếng. Một trái đại bác rơi trúng hầm chỉ huy cứ điểm Độc Lập. Chỉ huy Mecquenem may mắn thoát chết, thiếu tá Edouard Kah bị thương nặng. Cuộc chiến đấu kéo dài đến mờ sáng, đến 6 giờ 30 thì quân ta tiêu diệt hoàn toàn trung tâm đề kháng đồi Độc-Lập. Tiểu đoàn 5, trung đoàn bộ binh số 7 (V/7e RTA) bị xóa sổ, Kah, Mecquenem và những sĩ quan sống sót bị bắt làm tù binh. Quân đội nhân dân Việt Nam đã cắm cờ quyết thắng trên đỉnh đồi Độc Lập.

Trung tâm đề kháng thứ ba về phái Tây Bắc, tức là vị trí Bản Kéo trở lên cô lập, bị quân ta uy hiếp mạnh (Đại đoàn 308 làm chủ công). 15 giờ ngày 17 tháng 3 năm 1954, pháo binh của ta bắn 20 phát vào Bản Kéo. Bọn chỉ huy người Pháp ra sức khống chế ngụy binh, nhưng binh lính người Thái đã lợi dụng lúc bọn chỉ huy chui xuống hầm ẩn nấp, mang cả vũ khí kéo ra hàng, địch cho xe tăng đuổi theo toán ngụy quân; pháo binh của ta bắn chặn để yểm hộ cho số hàng binh, buộc xe tăng của địch phải lùi lại.

Bộ đội Trung đoàn 36 (Đại đoàn 308) tiếp nhận binh lính cứ điểm Bản Kéo ra hàng, ngày 17/3/1954.

Kết thúc đợt một Toàn bộ phân khu Bắc của địch đã bị tiêu diệt. Phòng tuyến ngoại vi của địch về phía Bắc, Đông Bắc và Tây Bắc bị phá vỡ, quân địch ở phân khu trung tâm ở vào tình thế khó khăn hơn.

Đây cũng là những trận công kiên chiến có tính chất trận địa đầu tiên của quân ta, tiêu diệt những trung tâm đề kháng kiên cố của địch nằm trong một tập đoàn cứ điểm rất mạnh. Bộ đội ta đã tiến bộ một bước dài về cách đánh công kiên tương đối chính quy, có trọng pháo và cao xạ pháo phối hợp. Thắng lợi này rất quan trọng, vì nó mở đường cho thắng lợi của cả chiến dịch và đặt cơ sở cho nhiều thắng lợi lớn về sau.

Huệ - Chính (tổng hợp)

Đợt II: Chiến dịch Điện Biên Phủ: Xiết chặt vòng vây

baotanglichsuquocgia

Chia sẻ:

Bài nổi bật

Đồng chí Xuân Thủy với báo Suối Reo và báo Cứu Quốc

Đồng chí Xuân Thủy với báo Suối Reo và báo Cứu Quốc

  • 18/06/2019 10:06
  • 5047

* Làm báo Suối Reo trong nhà tù Sơn La

Bài viết khác

“Mở đường’’ dưới lòng sông Thạch Hãn

“Mở đường’’ dưới lòng sông Thạch Hãn

  • 26/03/2013 15:27
  • 3715

Chiến dịch Quảng Trị năm 1972, trên dòng sông Thạch Hãn, mặc dù trong điều kiện địch đánh phá ác liệt, nhưng bộ đội công binh vẫn dũng cảm vượt qua bom đạn, ngày đêm bám cầu, bám bến bảo đảm cho các đơn vị “thần tốc” tiến về giải phóng miền Nam. Trong khó khăn, gian khổ đã xuất hiện nhiều câu chuyện cảm động và chân thực nói lên lòng dũng cảm, trí thông minh của người chiến sĩ công binh - những người luôn “đi trước, về sau” viết nên truyền thống “Mở đường thắng lợi”.