Chiến dịch Quảng Trị năm 1972, trên dòng sông Thạch Hãn, mặc dù trong điều kiện địch đánh phá ác liệt, nhưng bộ đội công binh vẫn dũng cảm vượt qua bom đạn, ngày đêm bám cầu, bám bến bảo đảm cho các đơn vị “thần tốc” tiến về giải phóng miền Nam. Trong khó khăn, gian khổ đã xuất hiện nhiều câu chuyện cảm động và chân thực nói lên lòng dũng cảm, trí thông minh của người chiến sĩ công binh - những người luôn “đi trước, về sau” viết nên truyền thống “Mở đường thắng lợi”.
|
Thiếu tướng Nguyễn Ích (thứ 2 từ phải sang) tại chiến trường Quảng Trị năm 1972. Ảnh tư liệu |
Tháng 4.1972, với ý đồ kiên quyết ngăn chặn quân ta vượt sông Thạch Hãn, Mỹ, ngụy đã tập trung lực lượng không quân, pháo binh phong tỏa lực lượng của ta. Theo kế hoạch của Bộ tư lệnh chiến dịch Quảng Trị, đêm 23.4, bộ đội công binh tổ chức bảo đảm vượt sông cho các quân chủng, binh chủng tại bến Phương Thúy trên thượng nguồn sông Thạch Hãn. Phương tiện bảo đảm vượt sông khi ấy chủ yếu là xe lội nước PTS và thuyền TPP. Tuy nhiên khi phát hiện ý đồ của ta, địch đã sử dụng máy bay B-52 ném bom, kết hợp pháo binh mặt đất, pháo hạm trên biển đánh phá gây tổn thất nặng nề cho lực lượng công binh các đơn vị 249, 229, 219. Những trận B-52 của đế quốc Mỹ khiến những chiếc PTS trúng bom nằm ngổn ngang; một vài chiếc thuyền TPP bị bom hất văng từ dưới nước lên bờ; số cán bộ, chiến sĩ bị thương và hy sinh ngày càng nhiều.
Trong 3 ngày liền, bộ đội ta không thể vượt sông được, làm cho lực lượng, phương tiện của các đơn vị dồn ứ phải di chuyển vào những khu rừng gần đó tránh trú bom đạn của kẻ thù. Trước tình thế khó khăn ấy, tối 30.4.1972, đồng chí Lê Trọng Tấn, Tư lệnh Chiến dịch Quảng Trị tổ chức cuộc họp gấp ngay tại Bến Quang (Vĩnh Linh, Quảng Trị) với lực lượng công binh mặt trận để bàn biện pháp bảo đảm vượt sông.
Cuộc họp hôm đó diễn ra khá căng thẳng, nhiều ý kiến đề xuất phương án bảo đảm vượt sông được đưa ra thảo luận. Tuy vậy, sau gần 2 giờ đồng hồ bàn thảo nhưng hội nghị không đưa ra được phương án nào khả thi; thậm chí một số ý kiến còn mâu thuẫn với nhau. Như để làm dịu tình hình, đồng chí Lê Quang Đạo, Chính ủy Chiến dịch Quảng Trị nhẹ nhàng nói:
- Trong lúc khó khăn thế này tôi đề nghị các đồng chí phải hết sức bình tĩnh, nhưng cũng phải hết sức khẩn trương để tìm biện pháp giải quyết. Nếu chúng ta cứ ngồi đây để tranh luận, thời gian chỉ cần chậm một giây, một phút là có tội với bộ đội, với nhân dân.
Đồng chí Lê Quang Đạo yêu cầu lực lượng công binh mặt trận sớm nghiên cứu, tìm ra phương án, báo cáo Bộ tư lệnh chiến dịch sớm nhất. Trước khi ra về, tôi thay mặt lực lượng công binh hứa:
- Báo cáo Thủ trưởng, dù gian khổ đến đâu, thậm chí phải hy sinh tính mạng của mình, chúng tôi cũng quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ.
Ngay sau khi kết thúc cuộc họp, mặc dù đêm tối, phải qua nhiều trọng điểm đánh phá ác liệt của địch nhưng tôi và đồng chí Nguyễn Văn Nhạn (Tư lệnh công binh mặt trận) vẫn gấp rút hành quân vào khu vực bến Phương Thúy cách nơi diễn ra cuộc họp ngót 50km trực tiếp chỉ đạo bộ đội tổ chức các phương án bảo đảm vượt sông. Đêm hôm đó các đồng chí trong Bộ tư lệnh Công binh mặt trận không sao chợp mắt được vì lo lắng cho nhiệm vụ. Mờ sáng hôm sau, trong cuộc họp giao ban, các đồng chí trong bộ phận trinh sát, tác chiến đề xuất phương án khá táo bạo: Không tổ chức bảo đảm vượt sông bằng phương án truyền thống là dùng thuyền, phà mà tiến hành làm ngầm tại bến Phương Thúy. Sau một hồi thảo luận, chúng tôi nhất trí phương án này và nhanh chóng báo cáo, xin ý kiến chỉ đạo của Bộ tư lệnh chiến dịch. Phương án làm ngầm tại bến Phương Thúy được Bộ tư lệnh chiến dịch chấp nhận. Phương án này có điểm mạnh là bảo đảm được yếu tố bí mật. Bởi theo tính toán của chúng tôi, ngầm sẽ nằm thấp hơn mặt nước khoảng 30 đến 40cm, vì thế ban ngày địch khó phát hiện. Tuy nhiên cũng nảy sinh khó khăn là nguồn vật liệu và phương tiện vận chuyển. Bởi theo tính toán, độ sâu của lòng sông giao động từ 1 đến 6m, chiều rộng lòng sông hơn 100m, tính ra phải hết khoảng 500 đến 700 khối đá; chưa kể đến khó khăn trong thi công do lưu tốc dòng chảy gây ra.
Giải quyết khó khăn trên, chúng tôi quyết định chỉ đạo các đơn vị thực hiện phương án làm ngầm bằng vật liệu và cát sỏi tại chỗ. Để hạn chế tình trạng nước cuốn trôi, Lữ đoàn 249 đã nghĩ ra cách tận dụng bao tải của địch bỏ lại tại trận địa, sau đó nhồi cát, sỏi, đưa vào các rọ sắt rồi liên kết lại với nhau. Quá trình thi công được tiến hành từ hai bờ sông. Khi thi công đến giai đoạn hàn khẩu lại gặp rắc rối, do dòng nước chảy mạnh, các lực lượng không hàn được. Khắc phục khó khăn này, Trung tá Nguyễn Thuận, Tham mưu trưởng công binh mặt trận đã nghĩ ra sáng kiến, dùng các khoang thuyền TPP chở đầy bao cát, di chuyển từ thượng nguồn vào đúng vị trí hàn khẩu để hạn chế lưu tốc dòng chảy, giúp các lực lượng tổ chức thi công. Quá trình thi công do suốt đêm phải dầm mình dưới nước, sinh hoạt thiếu thốn, nên rất nhiều đồng chí bị sốt, mẩn ngứa... nhưng ai nấy đều quyết tâm hoàn thành con ngầm trong thời gian ngắn nhất. Ngoài ra, các đơn vị công binh còn cho làm các bến giả để đánh lừa máy bay trinh sát 0V10 của địch.
Với cách làm như vậy, chỉ sau hai ngày con ngầm dài hơn 100m được hoàn thành, vượt tiến độ hai ngày so với dự kiến. Đêm đầu tiên, bộ đội công binh đã bảo đảm cho 200 xe tăng, pháo, ô tô vượt sông an toàn. Đêm đó, khi ký vào bức điện báo cáo Bộ tư lệnh chiến dịch với nội dung ngắn gọn: “Ngầm đã thông, bảo đảm một đêm khoảng 200 xe các loại”, mà tôi không sao kìm được nước mắt.
Mấy ngày sau, tôi trở lại Bộ tư lệnh chiến dịch để báo cáo kết quả một cách kỹ càng hơn. Tôi vừa đến sở chỉ huy thì đã được đồng chí Lê Trọng Tấn và đồng chí Lê Quang Đạo đứng đợi. Tôi đứng nghiêm, làm động tác chào, rồi dõng dạc báo cáo:
- Báo cáo thủ trưởng tôi đã về!
Lặng một chút, đồng chí Lê Trọng Tấn ôm choàng lấy tôi, rồi xúc động nói:
- Tớ cứ tưởng cậu không về được nữa.
Còn đồng chí Lê Quang Đạo thì vỗ vào vai tôi:
- Chiến công của các đồng chí công binh thật là vẻ vang.
Hơn 40 năm đã trôi qua, giờ đây khi hồi tưởng về những năm tháng chiến đấu hào hùng tại Quảng Trị, trong lòng tôi vẫn luôn trào dâng biết bao kỷ niệm. Tôi viết lại đôi dòng này như nén tâm nhang tưởng nhớ những đồng đội của mình đã mãi mãi nằm lại ở các bến phà trên con sông huyền thoại.
Theo Thiếu tướng NGUYỄN ÍCH, nguyên Chính ủy Công binh Chiến dịch Quảng Trị.