Làm nên Đại thắng mùa xuân 1975 để thống nhất Tổ quốc, Nam Bắc xum họp một nhà, là một chuỗi các chiến dịch lịch sử được coi là đỉnh cao của nghệ thuật chiến dịch quân sự ở Việt Nam. Nhân kỷ niệm 38 năm miền Nam Việt Nam được hoàn toàn giải phóng, chúng tôi xin giới thiệu tóm tắt những chiến dịch trong Đại thắng mùa Xuân 1975.
Ngày 9-1-1975, Thường trực Quân ủy Trung ương họp đánh giá tương quan lực lượng giữa ta và địch trên chiến trường; đồng thời, đề ra nhiệm vụ quân sự mùa xuân 1975, thực hiện một bước kế hoạch tác chiến chiến lược. Quân ủy Trung ương xác định trong mùa khô 1974-1975, hướng tiến công chủ yếu của ta là Tây Nguyên và bổ sung nhiệm vụ cụ thể của chiến dịch Tây Nguyên là: Phải tiêu diệt 4 đến 5 trung đoàn bộ binh, 1 đến 2 trung đoàn thiết giáp; nhiều tiểu đoàn bảo an, trung đội dân vệ, cố gắng đánh quỵ hoặc tiêu diệt 1 sư đoàn, đánh thiệt hại Quân đoàn 2 của ngụy Sài Gòn. Giải phóng một phần tỉnh Đắc Lắc, Phú Bổn, Quảng Đức gồm 3 thị xã Cheo Reo, Gia Nghĩa, Buôn Ma Thuột. Trọng điểm là tỉnh Đắc Lắc, mục tiêu then chốt là Buôn Ma Thuột, mục tiêu quan trọng là 3 quận lỵ: Đức Lập, Thuần Mẫn, Kiến Đức. Hướng Cheo Reo, Gia Nghĩa là hướng phát triển chủ yếu.
Ngày 5-2, Bộ Chính trị cử Đại tướng Văn Tiến Dũng, Ủy viên Bộ Chính trị, Tổng tham mưu trưởng vào chiến trường Tây Nguyên làm đại diện của Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương và Bộ Tổng tư lệnh bên cạnh Bộ Chỉ huy chiến dịch Tây Nguyên để trực tiếp chỉ đạo chiến dịch. Đồng thời Quyết định thành lập Bộ Tư lệnh Mặt trận Tây Nguyên. Trung tướng Hoàng Minh Thảo được bổ nhiệm Tư lệnh mặt trận; Đại tá Đặng Vũ Hiệp: Chính ủy. Các tỉnh: Gia Lai, Kon Tum, Đắc Lắc huy động mọi khả năng hiện có của địa phương phục vụ mặt trận. Cùng trong tháng 2, Quân ủy Trung ương Bộ Quốc phòng quyết định thành lập Đoàn 232 (tương đương Quân đoàn) tại Nam Bộ. Trong Đoàn 232 gồm có 2 Sư đoàn bộ binh số 3 và số 5, Lữ đoàn pháo binh 232, Trung đoàn công binh 32 và một số đơn vị trực thuộc khác. Đồng chí Nguyễn Minh Châu được bổ nhiệm Tư lệnh; đồng chí Trần Văn Phác được bổ nhiệm Chính ủy.
Tấn công, đánh chiếm trại Mai Hắc Đế, thị xã Ban Mê Thuột trong chiến dịch Tây Nguyên, tháng 3- 1975. (Ảnh tư liệu, Bảo tàng Lịch sử quốc gia)
Chiến dịch Tây Nguyên nhằm tiêu diệt một bộ phận quan trọng sinh lực địch giải phóng các tỉnh Nam Tây Nguyên, tạo thế chia cắt chiến lược thực hiện chiến lược giải phóng miền Nam (1975). Khu vực Nam Tây Nguyên gồm các tỉnh Phú Bổn, Đắc Lắc, Quảng Đức, địch có Sư đoàn bộ binh 23, Lữ đoàn dù 3, Trung đoàn bộ binh 40, 8 liên đoàn biệt động quân, Lữ đoàn tăng thiết giáp số 2, 30 tiểu đoàn bảo an và các đơn vị binh chủng chuyên môn kỹ thuật…
Đánh chiếm sân bay thị xã Buôn mê Thuột (chiến dịch Tây Nguyên 3- 1975). Ảnh tư liệu, Bảo tàng Lịch sử quốc gia)
Về phía lực lượng ta tham gia chiến dịch gồm 5 Sư đoàn (10, 320A, 316, 968, 3) và 4 Trung đoàn bộ binh (25, 271, 95A, 95B), Trung đoàn đặc công 198, Trung đoàn xe tăng - thiết giáp 273 và một số đơn vị binh chủng chuyên môn kỹ thuật. Bộ Tư lệnh chiến dịch gồm: Tư lệnh, Trung tướng Hoàng Minh Thảo; Chính ủy Đặng Vũ Hiệp.
Sau một số trận đánh tạo thế và nghi binh thu hút địch lên hướng Pleiku, từ ngày 4-3, ta bước vào tạo thế cắt đường 19, 21 (chia cắt Tây Nguyên với đồng bằng); cắt đường 14 (chia cắt Bắc với Nam Tây Nguyên), tập kích bằng đặc công và hỏa lực pháo binh vào Kon Tum. Ngày 8-3, ta đánh vào Thuần Mẫu; ngày 10-3 diệt vị trí Đức Lập, cô lập triệt để Buôn Ma Thuột (mục tiêu then chốt chủ yếu). Địch phải đổ bộ đường không xuống Phước An để phản kích; bị Sư đoàn 10, Trung đoàn 25 đánh từ ngày 4 đến 18-3, Sư đoàn 23 (thiếu) và Liên đoàn biệt động quân 21 của địch bị tiêu diệt.
Để bảo toàn lực lượng Quân đoàn 2, địch phải bỏ Bắc Tây Nguyên rút chạy về đồng bằng theo đường số 7 liên tỉnh. Sư đoàn 320 truy kích địch từ ngày 17 đến 23-3, đánh thiệt hại nặng 1 trung đoàn bộ binh, 6 liên đoàn biệt động, 4 thiết đoàn..., giải phóng Cheo Reo, Cung Sơn. Đồng thời từ ngày 18 đến 24-3, Sư đoàn 968, Trung đoàn 95A và Trung đoàn 271 giải phóng thị xã Kon Tum, Pleiku, Gia Nghĩa. Từ ngày 2-3 đến 3-4-1975, bộ đội ta tiếp tục truy kích diệt Lữ đoàn dù số 3, Trung đoàn bộ binh 40, Liên đoàn biệt động quân 24 của địch ở miền Nam Trung bộ; giải phóng Bình Khê, Phú Yên, Nha Trang, Cam Ranh.
Xe vận tải bộ đội ta vào tiếp quản Buôn Mê Thuột (Ảnh tư liệu, Bảo tàng Lịch sử quốc gia)
Kết thúc chiến dịch, ta tiêu diệt và làm tan rã Quân đoàn 2 - Quân khu 2 và một số bộ phận lực lượng cơ động chiến lược của địch, giải phóng Tây Nguyên và các tỉnh miền Nam Trung Bộ; mở ra một bước ngoặt đưa cuộc chiến tranh từ tiến công có ý nghĩa chiến lược đến Tổng tiến công chiến lược trên toàn chiến trường miền Nam.
Minh Vượng (tổng hợp)