Chủ Nhật, 08/09/2024
  • Tiếng Việt
  • English
  • French

Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

Vietnam National Museum of History

20/03/2013 22:30 3597
Điểm: 0/5 (0 đánh giá)
Bây giờ thì vị tướng ấy đã đi xa, nhưng với tôi hình ảnh của ông còn đậm mãi, nhất là những dịp được ngồi bên ông, nghe ông kể lại câu chuyện một thời trận mạc mà tên tuổi của ông gắn liền với chiến trường ấy, mảnh đất ấy: Trận mở màn Buôn Ma Thuột trong Chiến dịch Tây Nguyên tháng 3.1975. Ông là Thượng tướng, GS Hoàng Minh Thảo.

Xe tăng quân giải phóng trong Chiến dịch Tây Nguyên. Ảnh tư liệu.

Với tác phong điềm đạm, ân cần, ông kể cho tôi nghe về những năm tháng chiến đấu trên chiến trường Tây Nguyên, một thời gian lao, vất vả nhưng thật hào hùng và oanh liệt. Bài học quân sự với những khái niệm cao siêu qua ông thật dễ hiểu và thấm mãi.

Trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Mùa xuân năm 1975, Buôn Ma Thuột là điểm đột phá chiến lược mở đầu cho chiến cuộc. Buôn Ma Thuột không phải là một vị trí quân sự mạnh như Plei-cu, không phải là đầu não quân sự ở Tây Nguyên, nhưng Buôn Ma Thuột là trung tâm chính trị, văn hóa của Tây Nguyên, có vị trí chiến lược quan trọng; nó yếu hơn Plei-cu, nhưng lại rất hiểm. Mà một nguyên tắc quân sự trong chọn mục tiêu tiến công là yếu và hiểm. Ta có thể nhanh chóng đánh chiếm và khi đã giải phóng được Buôn Ma Thuột thì sẽ làm rung động cả Tây Nguyên, ảnh hưởng trực tiếp đến cả vùng đồng bằng ven biển Nam Trung Bộ và cả phía bắc, tây bắc Sài Gòn...

Trước khi đánh Buôn Ma Thuột, ta phán đoán, dự kiến một số tình huống và có kế hoạch xử lý. Bởi muốn giành được chủ động thì không thể chủ quan, sơ sài. Phải bày tất cả các tình tiết, mâu thuẫn của màn diễn lên bàn, lên bản đồ, phải gạn lọc tình huống, hạn chế, loại trừ mâu thuẫn để đi đến khả năng thực hiện. Về mặt chiến lược, ta có thể hạn chế và loại trừ tình huống địch đưa quân cấp sư đoàn tăng cường cho Tây Nguyên. Để làm được việc đó khi ta định giải phóng Tây Nguyên, phải kìm địch ở Huế - Đà Nẵng và Sài Gòn là hai đầu nam bắc chiến tuyến để bảo đảm cho Tây Nguyên hoạt động thắng lợi.

Để kìm hãm địch ở Huế, ta để Quân đoàn 2 do đồng chí Nguyễn Hữu An chỉ huy ở tây bắc Huế, buộc địch phải để một bộ phận quân dù và thủy quân lục chiến chuẩn bị đối phó với Quân đoàn 2. Địch rất sợ mất Huế - Đà Nẵng vì ta có Quân đoàn 1 đứng sau Quân đoàn 2 phía bắc Vĩ tuyến 17 sẵn sàng tham chiến khi cần thiết. Để kìm hãm địch ở Sài Gòn, ta để Quân đoàn 4 do đồng chí Hoàng Cầm chỉ huy ở Đồng Nai, buộc địch phải để Sư đoàn dù và Sư đoàn thủy quân lục chiến giữ Sài Gòn. Mối lo của địch đối với Sài Gòn, Huế-Đà Nẵng còn nặng hơn Plei-cu và Buôn Ma Thuột. Chính vì thế cho nên địch bị hở ở Tây Nguyên.

Để hiểu sâu các vấn đề trên, công tác tham mưu chiến lược bao gồm việc xác định ý định chiến lược, trong đó có mục tiêu định đánh, việc phối hợp, nghi binh lừa địch, việc chia cắt chiến lược... Trong tiến công chiến lược phải xác định chiến trường chủ yếu, chiến trường phối hợp, chiến trường kìm hãm, đó là triển khai chiến lược.

Vào năm 1975, trên cơ sở tình hình các chiến trường Quảng Trị, Tây Nguyên, miền Đông Nam Bộ, ta nên mở đầu bằng chiến dịch nào? Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương đã thảo luận và cuối cùng xác định Tây Nguyên là chính, các chiến trường khác phối hợp. Sau khi xác định mục tiêu, thì việc đầu tiên của mưu kế là nghi binh, lừa địch, kìm hãm địch, tạo điều kiện cho chiến trường chính phát động và tiến công thuận lợi. Đó là mưu kế chiến lược. Vì sao ta làm được việc này? Ông đặt câu hỏi và khẳng định: Vì chiến tranh nhân dân của chúng ta phát triển cao ta mới có chỗ đứng chân xen kẽ da báo với địch. Và như vậy, ta đã tạo thế chiến lược cho Tây Nguyên có sơ hở. Tiếp đó, để chắc thắng, Bộ Tổng tư lệnh đột ngột tăng cường cho Tây Nguyên Sư đoàn 316 do đồng chí Đàm Văn Ngụy chỉ huy và Sư đoàn 968 do đồng chí Thanh Sơn chỉ huy từ Hạ Lào sang. Như vậy từ chỗ chỉ có hai sư đoàn và một số trung đoàn độc lập, ở Tây Nguyên ta có 4 sư đoàn và một số trung đoàn độc lập. Lúc này, Tây Nguyên mạnh hơn một quân đoàn và do đó hình thành một tập đoàn chiến lược.

Vì sao Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương và Bộ Tổng tư lệnh chọn Buôn Ma Thuột làm điểm đánh trận mở đầu và cũng là một trận then chốt quyết định của chiến dịch? Trước đó, do những điều kiện cụ thể của chiến trường, ta đã cân nhắc lợi hại giữa Buôn Ma Thuột và Kon Tum, xem chọn thị xã nào làm điểm tiến công.

Tuy nhiên, căn cứ vào những hoạt động của ta và địch trên chiến trường, với nhiều ý kiến phân tích khách quan, khoa học, Bộ Chính trị đã quyết định chọn thị xã Buôn Ma Thuột làm điểm tiến công.

Thị xã Buôn Ma Thuột nằm sâu trong vùng kiểm soát của địch; là trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa quan trọng của Tây Nguyên và cũng là nơi tập trung bọn đầu sỏ phản động trong vùng. Về mặt quân sự, thị xã này có vị trí rất cơ động, đứng ngay ở ngã ba đường chiến lược 21 nối liền với Nha Trang và đường số 14, phía bắc đi Cheo Reo và Plei-cu, phía nam đi Gia Nghĩa và miền Đông Nam Bộ. Do nằm sâu trong vùng kiểm soát của địch nên quân chiếm đóng của chúng ở đây không bị đối mặt trực tiếp với quân ta như ở Kon Tum, việc bố phòng cũng không chặt chẽ bằng Kon Tum. Đánh Buôn Ma Thuột, ta sẽ có khó khăn trong việc trinh sát nắm địch, nắm địa hình, vận chuyển vật chất hậu cần và cơ động tập kết, triển khai lực lượng. Mọi hoạt động chuẩn bị phải rất công phu và phải tuyệt đối giữ bí mật, kết hợp với hoạt động nghi binh thu hút sự chú ý và đối phó của địch về hướng khác thì mới loại bỏ được khả năng địch tăng cường dự phòng. Quyết tâm chọn Buôn Ma Thuột làm trận đánh then chốt, trận đánh mở đầu là rất chính xác, làm một đòn đánh hiểm, nhằm vào chỗ sơ hở, điểm yếu của địch.

Mặt khác, đây là đòn mở đầu nên ta quyết tâm phải thắng lợi mới tạo thuận lợi cho việc tiếp tục phát triển... Nguyễn Trãi từng nói: "Bỏ chỗ mạnh đánh chỗ yếu, tránh chỗ vững đánh chỗ núng, thì dùng sức một nửa mà thành công gấp bội". Ta cũng học cách đánh này của cha ông ta. Muốn đánh Buôn Ma Thuột thắng nhanh, phải nghi binh đánh Plei-cu để Buôn Ma Thuột vẫn yếu như cũ. Và ta đã tổ chức nghi binh cho Plei-cu.

Bắt đầu, từ cuối tháng 2.1975, ta cho Sư đoàn 968 đánh thật, nghi binh vào các vị trí địch ở tây nam Plei-cu và Kon Tum, sử dụng lực lượng với quy mô thích hợp cho từng mục tiêu và vận dụng các cách đánh bài bản để tiến công địch. Cùng thời gian, sư đoàn đã đánh các cứ điểm địch ở ngoại vi quận lỵ Thanh An, bức rút đồn Tầm, đánh chiếm dãy cao điểm Chư Cara, Chư Gôi, 605, uy hiếp mạnh Thanh Bình, Thanh An tây nam Plei-cu, đồng thời kết hợp đánh nhỏ ở tây Plei-cu, bắc Kon Tum, làm trận địa pháo và huy động dân công, bộ đội mở đường 220 nối Võ Định, bắc Kon Tum với đường 19, đoạn phía đông Plei-cu 40km và rầm rộ làm các con đường dẫn vào hai thị xã Plei-cu và Kon Tum. Ta cũng tung tin sẽ tiến công Kon Tum nhưng bí mật đưa Sư đoàn 968 vào hoạt động ở khu vực Plei-cu và điều Sư đoàn 10, Sư đoàn 320 đang hoạt động ở khu vực này xuống nam Tây Nguyên.

Việc bảo đảm bí mật sự di chuyển hai sư đoàn cùng các đơn vị binh chủng kỹ thuật vào nam Tây Nguyên là công việc hết sức khó khăn. Ta phải cho các sư đoàn này di chuyển như “đèn cù” nhiều lần rồi mới di chuyển chính thức. Đồng thời khi di chuyển chính thức, toàn bộ điện đài và nhân viên báo vụ của hai sư đoàn trên vẫn để lại vị trí cũ hoạt động như thường lệ, truyền đi các báo cáo và mệnh lệnh giả để đánh lừa địch mà chỉ dùng điện thoại của Bộ Tư lệnh Trường Sơn để thông tin cho nhau. Địch cho rằng ta vẫn không hề có dấu hiệu chuyển quân. Trong khi đó Sư đoàn 10 và Sư đoàn 320 đã chuyển từ Plei-cu và Kon Tum về hướng Buôn Ma Thuột rồi.

Theo QĐND

(còn nữa)

(*) Đại tá, TS NGUYỄN THÀNH HỮU - Lược ghi theo lời kể của cố Thượng tướng, GS Hoàng Minh Thảo.

baobinhdinh.com.vn

Chia sẻ:

Bài nổi bật

Đồng chí Xuân Thủy với báo Suối Reo và báo Cứu Quốc

Đồng chí Xuân Thủy với báo Suối Reo và báo Cứu Quốc

  • 18/06/2019 10:06
  • 4796

* Làm báo Suối Reo trong nhà tù Sơn La

Bài viết khác

42 năm chiến thắng Đường 9 – Nam Lào (từ 31-1 đến 23-3-1971). Phần 3: Ý nghĩa to lớn của Chiến thắng Đường 9 – Nam Lào 1971

42 năm chiến thắng Đường 9 – Nam Lào (từ 31-1 đến 23-3-1971). Phần 3: Ý nghĩa to lớn của Chiến thắng Đường 9 – Nam Lào 1971

  • 16/03/2013 21:26
  • 3774

Theo quyết định số 51/QĐ-QP, ngày 4-2-1971, thành lập Bộ tư lệnh Mặt trận Đường 9 - Nam Lào của Bộ Quốc phòng: Thiếu tướng Lê Trọng Tấn, Phó tổng Tham mưu trưởng làm Tư lệnh.