Theo quyết định số 51/QĐ-QP, ngày 4-2-1971, thành lập Bộ tư lệnh Mặt trận Đường 9 - Nam Lào của Bộ Quốc phòng: Thiếu tướng Lê Trọng Tấn, Phó tổng Tham mưu trưởng làm Tư lệnh.
Thiếu tướng Lê Quang Đạo, Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị làm Chính ủy - Bí thư Đảng ủy. Đại tá Cao Văn Khánh làm Phó tư lệnh. Đại tá Phạm Hồng Sơn làm Phó tư lệnh - Tham mưu trưởng. Đại tá Hoàng Phương làm Phó chính ủy. Thượng tướng Văn Tiến Dũng, Ủy viên dự khuyết Bộ Chính trị, Phó bí thư Quân ủy Trung ương, Tổng Tham mưu trưởng được cử làm đại diện của Quân ủy Trung ương và Bộ Tổng tư lệnh, trực tiếp chỉ đạo Mặt trận Đường 9. Chiến dịch Đường 9-Nam Lào giành thắng lợi có ý nghĩa chiến lược, tác động mạnh đến cục diện chiến trường, giáng đòn nặng vào chiến lược Việt Nam hóa chiến tranh của Mỹ, đánh dấu bước phát triển mới của nghệ thuật chiến dịch Việt Nam.
Niềm vui chiến thắng Khe Sanh
Chiến thắng Đường 9 - Nam Lào 1971 tác động mạnh đến cục diện chiến trường, giáng một đòn nặng vào chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” của đế quốc Mỹ. Chiến thắng lịch sử đó thực sự đánh dấu bước trưởng thành mới của Quân đội ta, đặc biệt là nghệ thuật quân sự của ta. Đây là lần đầu trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, quân đội ta đã thực hiện thắng lợi một chiến dịch phản công quy mô lớn bằng các lực lượng binh chủng hợp thành, đánh tiêu diệt quân chủ lực Ngụy được quân Mỹ chi viện hỏa lực và cơ động. Chiến thắng lịch sử này có nghĩa chiến lược to lớn. Ảnh hưởng của nó vượt xa cả về không gian và thời gian. Chiến thắng này đã tác động vào cục diện chung của cuộc kháng chiến không chỉ của nhân dân Việt Nam mà cả nhân dân 3 nước Đông Dương. Với chiến thắng này, ta đã đưa nghệ thuật tác chiến phản công lên một trình độ cao và hoàn thiện: đó là nghệ thuật lập thế ta, phá thế địch; nghệ thuật phối hợp ăn ý và hiệu quả cao về tác chiến chiến dịch giữa lực lượng cơ động và lực lượng tại chỗ, trên địa bàn rừng núi thưa dân.
Chiến thắng Đường 9 - Nam Lào còn là thành quả của nghệ thuật phối hợp giữa quân đội anh em hai nước Việt - Lào trong phạm vi chiến dịch; nghệ thuật kết hợp nhịp nhàng giữa các hướng của chiến dịch và cuối cùng là nghệ thuật chủ động kết thúc chiến dịch đúng lúc, đúng thời điểm.
Phút thư thái sau chiến dịch Đường 9
Trong chiến dịch này, ta đã kết hợp phòng ngự với tiến công, bao vây đột phá tiêu diệt các cụm lực lượng có xe tăng, xe thiết giáp, kết hợp chốt chặn đánh địch đổ bộ đường không với cơ động tiêu diệt địch trên điểm cao; lùng sục vây quét với truy kích đánh địch rút chạy. Thành công lớn nhất của quân ta trong chiến dịch phản công Đường 9 - Nam Lào là ta đã đánh thắng những thủ đoạn chiến thuật chủ yếu của địch như chốt điểm cao, đột phá bằng xe tăng thiết giáp, căn cứ hỏa lực, đặc biệt là chiến thuật cơ động bằng máy bay lên thẳng của chúng.
Quan trọng hơn, chiến thắng của quân và dân hai nước Việt Nam – Lào trong chiến dịch Đường 9- Nam Lào đánh bại cuộc hành quân Lam Sơn 719 của Mỹ và Ngụy đã thể hiện tình đoàn kết gắn bó keo sơn giữa quân và dân hai nước cũng như sự đoàn kết và liên minh chiến đấu đặc biệt giữa Việt Nam và Lào. Đã 42 năm trôi qua, nhưng chiến thắng lịch sử Đường 9 – Nam Lào mùa xuân năm 1971 mãi đi vào lịch sử như một minh chứng cho mối quan hệ đăc biệt giữa hai nước Việt - Lào anh em. Thiếu Tướng Nguyễn Văn Chót, nguyên Phó Tư lệnh Quân khu 4, người trực tiếp tham gia chiến dịch phản công Đường 9 - Nam Lào nhớ lại: “Trong chiến dịch, tình quân và dân hai nước Việt Nam – Lào thật gắn bó. Chúng tôi được quân và dân Lào, đặc biệt là du kích và bộ đội địa phương của bạn Lào ở Sê Pôn, Mường Phìn giúp ta nhiệt tình; dẫn đường cho bộ đội, cấp cứu thương binh, gùi đạn, tải lương tiếp tế cho bộ đội ta. Nhiều du kích, bộ đội Lào với anh em quân tình nguyện Việt Nam đã anh dũng hy sinh khiến tôi không sao quên được…”
Liên minh đoàn kết chiến đấu giữa ba nước Đông Dương Việt - Lào - Cam-pu-chia trong những năm tháng kháng chiến chống kẻ thù chung là thực dân Pháp, đế quốc Mỹ xâm lược, là di sản lịch sử quý báu góp phần quan trọng vào việc hình thành, củng cố và phát triển quan hệ hữu nghị đặc biệt trong sáng, thủy chung giữa ba dân tộc. Ngày nay, trên cơ sở quán triệt sâu sắc đường lối, chính sách đối ngoại của Đảng và Nhà nước, chúng ta phải tiếp tục gìn giữ, vun đắp và phát triển mối quan hệ đoàn kết quốc tế đó lên tầm cao mới, vì sự nghiệp cách mạng của mỗi nước và sự trường tồn của mỗi dân tộc trên Bán đảo Đông Dương.
Tượng đài bộ độ Pathet Lào và bộ đội Việt Nam tại Đường 9
Ý nghĩa lịch sử của chiến thắng Đường 9 – Nam Lào năm 1971 vẫn còn nguyên giá trị trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc XHCN hiện nay. Là lực lượng nòng cốt trong thực hiện nhiệm vụ chiến lược này, Quân đội ta phải luôn nắm chắc, dự báo chính xác, đánh giá đúng tình hình, nhất là những diễn biến phức tạp liên quan, tác động đến QP-AN của đất nước. Trên cơ sở đó, chủ động tham mưu, đề xuất với Đảng, Nhà nước trong việc hoạch định đường lối, chiến lược bảo vệ Tổ quốc; đồng thời, có biện pháp đối phó hiệu quả với mọi tình huống xảy ra, không để bị động, bất ngờ, bảo đảm giữ vững môi trường hòa bình ổn định để phát triển toàn diện đất nước./.
Minh Vượng (tổng hợp)