Với mục đích tập hợp các đoàn thể, tôn giáo, đảng phái, các cá nhân yêu nước nhằm kết chặt khối đại đoàn kết toàn dân để kháng chiến kiến quốc, Đại hội toàn quốc thống nhất Việt Minh - Liên Việt được tổ chức từ ngày 3 đến 7-3-1951 tại xã Vinh Quang (nay là xã Kim Bình) huyện Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang.
Toàn cảnh Đại hội toàn quốc thống nhất Việt Minh- Liên Việt. (Ảnh tư liệu, Bảo tàng Lịch sử quốc gia)
Ngoài số đại biểu dự Đại hội toàn quốc lần thứ II của Đảng, tham dự Đại hội toàn quốc thống nhất Việt Minh - Liên Việt còn có nhiều nhân sĩ trí thức, thượng tọa, linh mục thuộc các tổ chức xã hội đến dự: Thượng tọa Thích Trí Độ, Linh mục Phạm Bá Trực (Ủy viên Ủy ban Thường trực Quốc hội), Linh mục Vũ Xuân Kỷ (người đem ruộng nhà thờ chia cho nông dân), ông Phan Tử Nghĩa và Nguyễn Xiển (Đảng Xã hội), ông Dương Đức Hiền và Trần Đăng Khoa (Đảng Dân chủ), cụ Thy Sơn (tham gia Đông Kinh nghĩa thục), ông Nguyễn Nam và Vũ Quang (Hội Thanh niên Cứu quốc), bà lê Thị Xuyến (Hội Phụ nữ), ông Trần Danh Tuyên (Công đoàn), ông Hồ Viết Thắng (Ủy ban liên lạc Nông dân toàn quốc)… Đoàn quân đội có ông Võ Nguyên Giáp, Nguyễn Chí Thanh, đoàn đại biểu Đại đoàn Quân Tiên Phong và đoàn đại biểu du kích Hải Phòng (là những đơn vị chiến đấu được Tổng bộ Việt Minh và Ủy ban Trung ương Mặt trận Liên Việt đỡ đầu), bà Bảo Loan, Nguyễn Thị Tư, Nguyễn Thị Thanh là những người đã tận tụy giúp đỡ các chiến sĩ cách mạng nước ta thời kỳ hoạt động bí mật và đang hăng hái tham gia kháng chiến. Khách quốc tế có ông Xu-pha-nu-vông Chủ tịch Mặt trận dân tộc Lào và đại biểu đại diện Mặt trận đoàn kết Cao Miên.
Chủ tịch Hồ Chí Minh và các đại biểu dự Đại hội toàn quốc thống nhất Việt Minh- Liên Việt viếng Đài liệt sĩ. (Ảnh tư liệu, Bảo tàng Lịch sử quốc gia)
Trước buổi khai mạc Đại hội hai ngày, hơn 200 trăm đại biểu chia tổ thảo luận về dự thảo các văn kiện của Đại hội. Các đoàn đại biểu đi viếng Đài liệt sĩ, tham quan Phòng triển lãm trưng bày ảnh về Chiến thắng Biên giới; ảnh cuộc đấu tranh của học sinh sinh viên Sài Gòn; bức tranh vẽ bằng máu của họa sĩ Diệp Minh Châu; huyết thư của thanh niên Nam Bộ kính gửi Chủ tịch Hồ Chí Minh; tài liệu hoạt động yêu nước của đồng bào giáo dân Liên khu III; bức khăn thêu của những nữ tù chính trị bị địch giam trong khám lớn Sài Gòn…
Đại hội chính thức khai mạc chiều ngày 3-3-1951. Chủ tịch Hồ Chí Minh, cụ Tôn Đức Thắng (Phó Trưởng ban Thường trực Quốc hội), ông Hoàng Quốc Việt (Ủy viên Thường vụ Trung ương Đảng phụ trách công tác mặt trận và dân vận) tham gia Đoàn Chủ tịch điều khiển Đại hội.
Thay mặt Ban Chấp hành Trung ương, Tổng Bí thư Trường Chinh trình bày với Đại hội về việc thành lập Đảng Lao động Việt Nam, quyết định của Đảng gia nhập Mặt trận Liên Việt và khái quát trình bày nội dung Chính cương và chính sách Mặt trận dân tộc thống nhất của Đảng.
Chủ tịch Hồ Chí Minh và Phó Trưởng ban Thường trực Quốc hội Tôn Đức Thắng chụp ảnh kỷ niệm với các đại biểu dự Đại hội trước cửa hội trường. (Ảnh tư liệu, Bảo tàng Lịch sử quốc gia)
Đại hội quyết định thống nhất Việt Minh và Liên Việt thành Mặt trận Liên hiệp quốc dân Việt Nam (gọi tắt là Mặt trận Liên Việt). Mặt trận bao gồm các đoàn thể, tôn giáo, đảng phái, nhân sĩ yêu nước đoàn kết đấu tranh vì mục đích chung là đánh bại thực dân Pháp và can thiệp Mỹ, trừng trị Việt gian, củng cố và phát triển chế độ dân chủ nhân dân, xây dựng nước Việt Nam độc lập, thống nhất, dân chủ, tự do, phú cường, góp sức bảo vệ hòa bình thế giới.
Đại hội thông qua Chính cương, Điều lệ, Tuyên ngôn của Mặt trận. Đại hội nhất trí việc xây dựng và bảo vệ khối đoàn kết giữa nhân dân ba nước Việt Nam – Lào - Cao Miên chống kẻ thù chung. Đại hội thảo luận Nghị quyết của Hội đồng hòa bình thế giới, nhiệt liệt hưởng ứng kiến nghị đòi ký Công ước hòa bình. Đại hội cử ra Ủy ban toàn quốc của Mặt trận gồm có 53 thành viên, cụ Tôn Đức Thắng làm Chủ tịch. Đại hội suy tôn Chủ tịch Hồ Chí Minh làm Chủ tịch danh dự Mặt trận Liên Việt.
Phát biểu tại Đại hội, Chủ tịch Hồ Chí Minh nói: là người cùng nhân dân đấu tranh cho khối đại đoàn kết toàn dân, nay “thấy rừng cây đại đoàn kết ấy đã nở hoa kết quả và gốc rễ nó đang ăn sâu lan rộng khắp toàn dân, và nó có một cái tương lai “trường xuân bất lão”…, lòng tôi sung sướng vô cùng”.
Các đ/c Ủy viên Ủy ban Liên Việt toàn quốc chụp ảnh kỷ niệm với các đại biểu dự Đại hội trước cửa hội trường. (Ảnh tư liệu, Bảo tàng Lịch sử quốc gia)
Thắng lợi của Đại hội là thắng lợi chính trị to lớn của nhân dân ta. Nó củng cố và tăng cường sự đoàn kết nhất trí toàn dân, góp phần đẩy mạnh sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc của dân tộc. Kế tục sự nghiệp vẻ vang của Mặt trận Việt Minh, Mặt trận Liên Việt đã góp phần quan trọng động viên toàn quân, toàn dân làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ, buộc thực dân Pháp và bè lũ tay sai phải ký kết Hiệp định Giơ-ne-vơ năm 1954 công nhận chủ quyền, thống nhất, và toàn vẹn lãnh thổ Việt Nam./.
Chu Lộc-Phương Thảo (tổng hợp)
Bảo tàng Lịch sử quốc gia
Bảo tàng Lịch sử Quốc gia.