Thứ Năm, 12/09/2024
  • Tiếng Việt
  • English
  • French

Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

Vietnam National Museum of History

11/03/2013 15:07 4710
Điểm: 0/5 (0 đánh giá)
Đêm 9/3/1945, trong lúc tiếng súng Nhật đảo chính Pháp mới nổ ra, Ban Thường vụ T.Ư Đảng họp mở rộng quyết định phương hướng phát triển của Cách mạng Việt Nam.

Ngày 12/3/1945, Ban Thường vụ T.Ư Đảng ra chỉ thị: “Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta”, thổi bùng lên cao trào kháng Nhật, cứu nước trên toàn quốc. Cùng với cả nước, tiếp nối Cứu quốc quân, Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân ở Cao - Bắc - Lạng, các đội du kích tập trung đã ra đời ở Quảng Ngãi, ở hai chiến khu Quang Trung và Trần Hưng Đạo…, làm nòng cốt, cùng toàn dân tiến hành khởi nghĩa.

Đội du kích Ba Tơ tuyên thệ tại căn cứ địa, tháng 3/1945. (Ảnh tư liệu, Bảo tàng Lịch sử quốc gia)

Quảng Ngãi là một trong những tỉnh có phong trào cách mạng phát triển mạnh tại Nam Trung Bộ. Chớp thời cơ Nhật đảo chính Pháp, Tỉnh ủy lâm thời quyết định tiến hành khởi nghĩa ở châu Ba Tơ làm ngòi nổ cho phong trào toàn tỉnh. Ba Tơ là một huyện miền núi của vùng tây Quảng Ngãi, nơi có một đồn binh của thực dân Pháp. Đồn này do lính khố xanh đóng giữ dưới quyền chỉ huy của sĩ quan người Pháp. Vào thời kỳ 1940 - 1945, thực dân Pháp đã dùng Ba Tơ làm nơi “an trí” những người tình nghi cách mạng hoặc những người tù cách mạng đã mãn hạn. Lập “căng an trí” Ba Tơ, thực dân Pháp nhằm dùng rừng núi hiểm trở để trói buộc và tiêu hao dần lực lượng cách mạng. Cuối năm 1941, tại “căng an trí” Ba Tơ, một chi bộ Đảng Cộng sản Đông Dương đã được thành lập. Không bao lâu, chi bộ Ba Tơ đã gây được cơ sở ở khắp 6 phủ huyện vùng trung du, trong binh lính và trong đồng bào Thượng. Sau đó chi bộ Ba Tơ đã trở thành Tỉnh ủy lâm thời của tỉnh Quảng Ngãi.

Đội du kích Ba Tơ họp bàn kế hoạch chuẩn bị vũ trang khởi nghĩa tại khu căn cứ địa, tháng 3/1945. (Ảnh tư liệu, Bảo tàng Lịch sử quốc gia)

Đêm 9/3/1945, phát xít Nhật đảo chính thực dân Pháp. Ở Quảng Ngãi, sau mấy giờ chống cự yếu ớt, tất cả người Pháp đều bị bắt, đầu hàng hoặc trốn chạy. Trước tình hình biến chuyển đột ngột, Tỉnh ủy lâm thời đã họp và quyết định khởi nghĩa đánh chiếm đồn Ba Tơ để lấy súng đạn, lương thực và gây ảnh hưởng, đồng thời phân công nhau về hoạt động gấp ở trung châu, đẩy mạnh phong trào công khai giành chính quyền ở hương thôn. Theo kế hoạch đã định, đêm 11/3/1945, Ủy ban bạo động chỉ huy hơn 30 chiến sĩ cách mạng tiến vào đồn Ba Tơ. Quân ta vừa nổ súng, vừa kêu gọi binh lính. Địch ở trong đồn bắn ra lẻ tẻ, nhưng trước khí thế hùng mạnh của cách mạng và áp lực của quần chúng, bọn chúng đã phải đầu hàng. Chỉ trong vòng 30 phút, quân ta chiếm được đồn Ba Tơ, lá cờ đỏ sao vàng đã tung bay trong sương mờ của đêm hôm ấy. Đến sáng, dưới trời xuân tươi đẹp, đồng bào Kinh, Thượng kẻ gươm, người giáo đứng chật ních trước sân vận động và các ngả đường Ba Tơ, nghiêm trang làm lễ chào cờ. Ủy ban bạo động đứng lên tuyên bố thành lập chính quyền cách mạng, ban bố các quyền tự do dân chủ, bãi bỏ các thứ thuế và nợ nần trong thời kỳ đế quốc phong kiến. Trải qua 80 năm mất nước, đây là lần đầu tiên đồng bào Kinh, Thượng được hưởng những giờ phút tự do, sung sướng. Sau khi chính quyền cách mạng Ba Tơ được thành lập, đội quân cách mạng đã chuyển thành đội quân du kích Ba Tơ. Ngày 14/3/1945 lễ thành lập và tuyên thệ của Đội du kích Ba Tơ được tổ chức trang nghiêm tại Hang Én dưới chân núi Cao Muôn, trước một thác nước chảy mạnh. Từng chiến sĩ cách mạng đã nhìn thẳng vào lá quốc kỳ, nét mặt kiên quyết và dũng cảm, nghiêm trang tuyên thệ “Hy sinh vì Tổ quốc”. Năm tiếng thiêng liêng ấy chính là sức mạnh thần kỳ động viên các chiến sĩ trong những giờ phút cam go, gian khổ. Trung đội du kích Ba Tơ được thành lập với 28 người, 24 khẩu súng trường do đồng chí Phạm Kiệt chỉ huy, có 3 tiểu đội: tiểu đội trinh sát, tiểu đội tuyên truyền và tiểu đội dân vận. Ở đâu đội cũng tranh thủ luyện tập quân sự. Hầu hết các đội viên đều biết các động tác cơ bản về bắn súng trường, hiểu được tính năng của vũ khí. Công tác tuyển mộ vào và ra của Đội du kích được tiến hành theo nguyên tắc đảm bảo bí mật. Kỷ luật của đội rất nghiêm minh. Khẩu hiệu “Không lấy một cái kim sợi chỉ của nhân dân” lúc đó đã được đề ra. Công tác tuyên truyền và vận động nhân dân là một công tác được đội hết sức chú ý. Đội đã dùng mọi hình thức như: chích máu ăn thề, kết nghĩa anh em, cùng ăn ở với đồng bảo để tuyên truyền vận động cách mạng gây cơ sở. Đến cuối tháng 7/1945, lực lượng vũ trang của Đội du kích Ba Tơ đã phát triển mạnh mẽ. Tất cả đã sẵn sàng chờ lệnh khởi nghĩa, 15h chiều ngày 13/8/1945, cuộc khởi nghĩa ở Quảng Ngãi bùng nổ. Đội du kích Ba Tơ được lệnh phải chiếm được các đồn thượng du của phát xít Nhật và tay sai. Trong mấy ngày, quân du kích đã chiếm được các đồn. Bộ chỉ huy của Đội du kích Ba Tơ đã ra thông cáo: “Quân du kích ta đã cướp được các đồn Ba Tơ, Gi Lăng, Sơn Hà, Minh Long, Trà Bồng, Nghĩa Hành”.

Cuộc mít tinh biểu tình của nhân dân Ba Tơ trong Cách mạng tháng Tám năm 1945. (Ảnh tư liệu, Bảo tàng Lịch sử quốc gia)

Cuộc khởi nghĩa Ba Tơ và Tổng khởi nghĩa tháng Tám ở Quảng Ngãi đã thắng lợi rực rỡ và làm vẻ vang thêm lịch sử truyền thống anh hùng của Quân đội nhân dân Việt Nam. Cuộc khởi nghĩa Ba Tơ là một dẫn chứng hùng hồn của tinh thần chủ động, linh hoạt, sáng tạo của tổ chức cơ sở Đảng và tinh thần cách mạng triệt để của nhân dân ta. Đã 68 năm trôi qua, Khởi nghĩa Ba Tơ, Đội du kích Ba Tơ đã trở thành dấu ấn trong lịch sử đấu tranh anh dũng của dân tộc ta./.

Đội du kích Ba Tơ tiến về thị xã Quảng Ngãi, cùng nhân dân giành lại chính quyền, tháng Tám năm 1945. (Ảnh tư liệu, Bảo tàng Lịch sử quốc gia)

Chu Văn Lộc – Phương Thảo (tổng hợp)

baotanglichsuquocgia

Chia sẻ:

Bài nổi bật

Đồng chí Xuân Thủy với báo Suối Reo và báo Cứu Quốc

Đồng chí Xuân Thủy với báo Suối Reo và báo Cứu Quốc

  • 18/06/2019 10:06
  • 4808

* Làm báo Suối Reo trong nhà tù Sơn La

Bài viết khác

67 năm ký hiệp định Sơ bộ (6/3/1946 – 6/3/2013)

67 năm ký hiệp định Sơ bộ (6/3/1946 – 6/3/2013)

  • 05/03/2013 15:01
  • 5604

Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công, nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa ra đời. Nhà nước Cộng hòa non trẻ đã lập tức phải đối diện với những khó khăn, thử thách.