Thứ Bảy, 09/12/2023
  • Tiếng Việt
  • English
  • French

Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

Vietnam National Museum of History

05/03/2013 15:01 4946
Điểm: 0/5 (0 đánh giá)
Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công, nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa ra đời. Nhà nước Cộng hòa non trẻ đã lập tức phải đối diện với những khó khăn, thử thách.

Tưởng Giới Thạch đã hoàn thành kế hoạch “Hoa quân nhập Việt”. Lúc này, quân đội Tưởng Giới Thạch rất ô hợp (chúng kéo theo cả gia đình vì đói), thường xuyên cướp bóc, gây rối, bày mưu cho bọn tay sai chống phá chính quyền của ta. Trong khi đó, bọn thực dân Pháp cũng chuẩn bị đưa quân ra Bắc. Tuy nhiên, thực dân Pháp với lực lượng hiện có, chưa bình định xong Nam Bộ, nếu đưa quân ra Bắc, chúng sẽ không thể đạt được mục đích, và phải đối đầu với lực lượng kháng chiến lớn mạnh hơn. Thực dân Pháp đã sử dụng thủ đoạn chính trị: điều đình với quân Tưởng để quân Tưởng chiếm đóng miền Bắc. Chính vì vậy, Tưởng và Pháp đã ký kết bản Hiệp ước Hoa - Pháp để trao đổi quyền lợi. Bản Hiệp ước này đã buộc Chính phủ của ta phải chọn một trong hai con đường: hoặc là chúng ta sẽ chống Pháp ngay khi chúng ra Bắc, hoặc, ta chủ động đàm phán với Pháp, tạm hòa với chúng để nhanh chóng gạt quân Tưởng về nước, đồng thời tranh thủ thời gian chuẩn bị lực lượng. Chính phủ ta đã chọn giải pháp thứ hai và Hiệp định Sơ bộ ngày 6/3/1946 đã ra đời.

Biên bản cuộc họp đặc biệt sáng 6/3/1946, có chữ ký của Trưởng ban Thường trực Quốc hội Nguyễn Văn Tố cùng các thành viên Chính phủ và Ủy ban kháng chiến, tán thành ký Hiệp định Sơ bộ 6/3/1946; Quốc hội ủy quyền cho phái đoàn Việt Nam Chủ tịch Hồ Chí Minh dẫn đầu ký với đại diện Chính phủ Pháp bản Hiệp định này (Ảnh tư liệu. BTLSQG).

Ngày 3/3/1946, Ban Thường vụ Trung ương Đảng họp, ngày 5/3/1946, Ban Chấp hành Trung ương Đảng họp mở rộng phân tích tình hình và thông qua chủ trương tạm thời hòa hoãn với Pháp. Đây là một chủ trương đúng đắn và sáng suốt. Theo như chủ trương này, cách mạng đã loại trừ được một kẻ thù hung hãn là Tưởng Giới Thạch, và bè lũ tay sai do đế quốc Mỹ điều khiển, đồng thời tranh thủ được thời gian củng cố, chấn chỉnh đội ngũ cách mạng, bổ sung, bồi dưỡng cán bộ và củng cố phong trào. Thực hiện chủ trương trên, Hồ Chủ tịch đã ký bản Hiệp định Sơ bộ - bản hiệp định quốc tế đầu tiên của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa với nước ngoài - đại diện Chính phủ Pháp tại ngôi nhà số 38, phố Lý Thái Tổ, Hoàn Kiếm, Hà Nội (nay là Cung văn hóa thiếu nhi Hà Nội). Nội dung tóm tắt của Hiệp định như sau:

Pháp công nhận nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa là một nước tự do, có chính phủ, nghị viện, quân đội, tài chính của mình ở trong Liên bang Đông Dương, khối Liên hiệp Pháp.

Pháp cam đoan sẽ thừa nhận kết quả của việc trưng cầu ý dân về thống nhất ba kỳ.

Việt Nam thuận để 15.000 quân Pháp vào Bắc Việt Nam thay quân Tưởng, và rút đi sau một thời gian quy định.

Đình chiến để đàm phán chính thức.

Chủ tịch Hồ Chí Minh và G.Xanhtơni (đứng giữa) đại diện Chính phủ Pháp cùng đại diện các nước Đồng minh nghe đọc văn bản Hiệp định sơ bộ ngày 6/3/1946 trước khi ký kết (Hà Nội, 1946) (Ảnh tư liệu. BTLSQG)

Hiệp định đã đem lại kết quả tốt cho tình hình chiến sự đương thời. Nhờ có Hiệp định, mà “gần một năm hòa bình đã cho chúng ta thời giờ để xây dựng lực lượng căn bản” (Báo cáo tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần II, tháng 2 năm 1951).

Kể từ ngày ký Hiệp định Sơ bộ 6/3/1946, đã trải qua 67 năm, thắng lợi hết sức to lớn mà Hiệp định mang lại mãi là một dấu son trong lịch sử dân tộc Việt Nam, cũng là mốc son chói lọi của nền ngoại giao cách mạng. Trên ý nghĩa ấy, những kinh nghiệm lịch sử từ việc ký Hiệp định Sơ bộ 6/3/1946 vẫn soi rọi con đường đưa đất nước đi tới phồn vinh.

Chủ tịch Hồ Chí Minh và các đại diện của Chính phủ Pháp sau lễ ký Hiệp định Sơ bộ 6/3/1946 tại trụ sở Câu lạc bộ Cercle de l’Union, nay là Cung văn hóa thiếu nhi Hà Nội (Ảnh tư liệu. BTLSQG)

Chu Văn Lộc - Phương Thảo (tổng hợp)

baotanglichsuquocgia

Chia sẻ:

Bài nổi bật

Đồng chí Xuân Thủy với báo Suối Reo và báo Cứu Quốc

Đồng chí Xuân Thủy với báo Suối Reo và báo Cứu Quốc

  • 18/06/2019 10:06
  • 4051

* Làm báo Suối Reo trong nhà tù Sơn La

Bài viết khác

Kỷ niệm 47 năm Chiến thắng Tây Sơn Tịnh (20-2 đến 20-4-1966). Phần 2: Diễn biến của chiến dịch Tây Sơn Tịnh.

Kỷ niệm 47 năm Chiến thắng Tây Sơn Tịnh (20-2 đến 20-4-1966). Phần 2: Diễn biến của chiến dịch Tây Sơn Tịnh.

  • 20/02/2013 16:56
  • 2973

Từ ngày 20-2-1966, ta tổ chức hoạt động đánh phá giao thông trên quốc lộ 1 để kéo địch ra ngoài. Từ ngày 4-3 đến 5-3-1966, ta tập trung đánh địch ở điểm cao 62.