Cách đây 47 năm, vào mùa khô năm 1965-1966, Quảng Ngãi khi đó là một trong 3 hướng phản công của Mỹ, Ngụy ở chiến trường Khu 5.
Đội hình hành quân “tìm và diệt” của địch là sự kết hợp giữa quân Mỹ, Ngụy và chư hầu, nhưng chủ yếu là lính Mỹ. Quán triệt và thực hiện Nghị quyết 12 của Trung ương Đảng và Chỉ thị của Bộ Tư lệnh Miền, tháng 1 năm 1966, Bộ Tư lệnh Quân khu 5 quyết định mở chiến dịch Tây Sơn Tịnh nhằm thu hút lực lượng quân Mỹ ra hướng bắc Quảng Ngãi để kìm giữ và tiêu diệt địch, buộc địch phải phân tán lực lượng ở hướng chính, tạo điều kiện cho sư đoàn 3 của Quân khu giành thắng lợi. Đồng thời sử dụng Sư đoàn bộ binh 2 cùng lực lượng vũ trang địa phương tham gia chiến dịch.
Trong lúc quân và dân huyện Đức Phổ đang ra sức tấn công quân địch giành thắng lợi ở chiến trường phía nam tỉnh Quảng Ngãi, thì chiến trường phía bắc tỉnh Quảng Ngãi, sư đoàn 2 Quân khu 5 cùng bộ đội tỉnh Quảng Ngãi và huyện Bình Sơn thực hiện chủ trương của Bộ Tư lệnh Quân khu mở chiến dịch Tây Sơn Tịnh để chia lửa cùng quân dân chiến trường nam Quảng Ngãi.
Giai đoạn 1 của chiến dịch Tây Sơn Tịnh là giai đoạn khơi ngòi, lôi kéo, kèm chân và tiêu diệt một bộ phận lực lượng cơ động của địch, buộc chúng phải đưa quân đi càn quét lớn và khu vực tây huyện Sơn Tịnh, tạo điều kiện cho sư đoàn 2 bộ binh Quân khu tiêu diệt 1 bộ phận quan trọng sinh lực của địch. Hoạt động mạnh hướng này nhằm phối hợp chung trên chiến trường, góp phần đánh bại cuộc phản công chiến lược mùa khô lần thứ nhất của liên quân Mĩ - ngụy - chư hầu trên chiến trường Khu 5. Đồng thời hỗ trợ cho các huyện Tư Nghĩa, Sơn Tịnh, Bình Sơn, Trà Bồng… mở đất giành dân, củng cố vùng giải phóng, phát triển phong trào du kích chiến tranh.

Tượng đài chiến thắng Ba Gia – Sơn Tịnh
Chỉ tiêu diệt địch trong đợt 1 là: Tổ chức được nhiều trận đánh từ 3 đến 5 ngày, tiêu diệt cho được 1 tiểu đoàn, đánh thiệt hại 1 tiểu đoàn khác của địch, tạo điều kiện thuận lợi cho sư đoàn 2 Quân khu phát triển chiến dịch.
Để lãnh đạo và thực hiện thắng lợi chiến dịch Tây Sơn Tịnh, bộ Tư lệnh Quân khu quyết định thành lập Bộ Tư lệnh chiến dịch do đồng chí Nguyễn Năng (Quê Khánh Hòa, Tư lệnh Sư đoàn 2 Quân khu) làm Tư lệnh chiến dịch. Đồng chí Nguyễn Minh Đạo, Chính ủy; Các đồng chí Lê Hữu Trữ (Phó Tư lệnh sư đoàn 2), Đinh Xuân Thưởng (Bí thư tỉnh ủy Quảng Ngãi) và Nguyễn Huy Chương (Thường vụ Tỉnh ủy, chính trị viên tỉnh đội đội Quảng Ngãi), làm phó Tư lệnh chiến dịch. Sau khi thành lập, Sở chỉ huy chiến dịch đứng chân tại xã Sơn Nam (tức là Tịnh Minh). Tôi được bộ chỉ huy chiến dịch phân công chịu trách nhiệm chỉ huy sở tiền phương của tỉnh đong tại xã Sơn Châu (tức Tịnh Bình) chỉ đạo lực lượng vũ trang các địa phương phối hợp tân công các căn cứ, cứ điểm, khơi ngòi căn kéo quân địch để cho trung đoàn 21 quân giải phóng chuyển quân bố trí trận địa trên địa bàn Tây Sơn Tịnh.
Tây Sơn Tịnh là vùng bán sơn địa, có đồi 62 (còn gọi là cao điểm 62) nằm giữa thôn Bình Bắc xã Sơn Châu, bên nào kiểm soát được đồi 62, bên đó khống chế được hoạt động của 5 xã: xã Sơn Châu (ở giữa), Sơn Kim (phía đông), Sơn Phương (phía tây), Sơn Lộc (phía nam), Sơn Trà (phía bắc), uy hiếp huyện Bình Sơn và căn cứ Chu Lai.

Bản đồ chiến dịch Tây Sơn Tịnh
Theo kế hoạch tác chiến của đợt 1, trung đoàn 21 lênh cho tiểu đoàn 33 kết hợp với du kích Sơn Kim, Sơn Châu và bộ đội địa phương huyện Sơn Tịnh áp sát quốc lộ (đoạn Thế Lợi - Duyên Phước) tấn công tiêu diệt trung đội biệt kích, và đại đội bảo an đóng chốt ở núi Tròn, phá hoại cầu đường, cắt giao thông, buộc địch phải đưa quân phản kích và giải tỏa lớn hơn vào xã Sơn Châu, Sơn Kim, để 2 tiểu đoàn 11 và 22 của trung đoàn 21 tổ chức trận địa phục kích tại khu vực Trường Thọ - Nam Đình, Quang Thọ - Chợ Đình, tập trung tiêu diệt từ 1 đại đội đến 1 tiểu đoàn Mĩ hoặc ngụy lên phản kích, lọt đúng vào ý đồ chiến thuật của ta.
Qua bước 2 của chiến dịch Tây Sơn Tịnh, trung đoàn 21 tiến hành chốt giữ một số cao điểm chủ yếu của đồi 62: Gồm mỏm đất Chùa, mỏm đồi Rang, mom đồi Đá, mỏm núi Bé, mỏm Gò Đồn… thực hành đánh quân đổ bộ đường không, kết hợp với sư đoàn thực hành vận động tấn công tiêu diệt quân địch trong khu chiến, đánh bại cuộc càn quét giải tỏa của liên quân Mĩ - ngụy. Đội hình trung đoàn 21 đứng chân ở 2 xã Sơn Châu và Sơn Kim. Theo phân công, tiểu đoàn 11 phụ trách khu vực mỏm núi Dê, mỏm gò Đồi, mỏm đông đồi Rang. Tiểu đoàn 22 đánh địch đổ bộ khu vực mỏm đồi Dân Vệ, mỏm đồi Đá và mỏm tây đồi Rang. Tiểu đoàn 33, đánh địch đổ bộ đường không lên cao điểm 62 đồi Chùa. Các tinh huống khác cũng được sư đoàn đề ra: trường hợp nếu địch phát triển chiếm mỏm đá đồi Rang, thì tiểu đoàn 22 dùng 1 mũi từ phía tây đánh sang để phối hợp với tiểu đoàn 11. Trường hợp địch phản kích lớn, kết hợp đổ bộ đường không, với tiến công quân sự trên nhiều hướng, nhiều lực lượng, thì sư đoàn sẽ trực tiếp chỉ huy và hợp đồng chiến đấu.
Minh Vượng (tổng hợp)
Phần 2: Diễn biến của chiến dịch Tây Sơn Tịnh