Thứ Tư, 26/03/2025
  • Tiếng Việt
  • English
  • French

Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

Vietnam National Museum of History

02/02/2013 22:10 3551
Điểm: 0/5 (0 đánh giá)
Tháng 6/1925 tại Quảng Châu (Trung Quốc) trên cơ sở tổ chức yêu nước của Phan Bội Châu và Tâm Tâm Xã, đồng chí Nguyễn Ái Quốc thành lập tổ chức Việt Nam thanh niên cách mạng đồng chí Hội (VNTHCMĐCH), trong đó hạt nhân là Cộng sản Đoàn.

Lúc đầu có 7 người, cuối năm 1926 đã có 24 người, tiêu biểu như Hồ Tùng Mậu, Lê Hồng Sơn, Lê Hồng Phong… Nhiều lớp huấn luyện chính trị được mở tại Quảng Châu để đào tạo cán bộ tung về nước hoạt động. Tuần báo Thanh niên từ tháng 6/1926 và đặc biệt cuốn “Đường Kách Mệnh” (xuất bản năm 1927) đã đề cập đến những vấn đề chiến lược và sách lược của cách mạng Việt Nam được bí mật đưa về nước góp phần tích cực vào việc truyền bá tư tưởng xã hội chủ nghĩa ở trong nước.

Lãnh tụ Nguyễn Ái Quôc, người sáng lập đảng CSVN

Từ mùa Xuân năm 1928, thực hiện chủ trương vô sản hóa, các hội viên của Việt Nam TNCMĐCH đã vào nhà máy, hầm mỏ, đồn điền để tuyên truyền và tổ chức công nhân. Kết quả là trong năm 1929 có tới 43 cuộc bãi công lớn của công nhân. Phong trào công nhân trên thực tế đã trở thành lực lượng chính trị nòng cốt cho phong trào giải phóng dân tộc. Trong khi đó, phong trào yêu nước và dân chủ của tiểu tư sản sau thời kỳ phát triển bồng bột (như đòi tha cụ Phan Bội Châu tháng 12/1925, đám tang cụ Phan Chu Trinh tháng 3/1926)… đã dần dần thể hiện sự bất lực của tư tưởng tư sản và tiểu tư sản. Phong trào Quốc gia cải lương, tiêu biểu là Đảng Lập Hiến của Bùi Quang Chiêu, Nguyễn Phan Long cũng đã từng bước đi vào con đường phản bội dân tộc, làm tay sai cho đế quốc. Tình hình đó đòi hỏi cấp bách sự lãnh đạo của một đảng kiểu mới của giai cấp công nhân. Đầu năm 1929 đã diễn ra cuộc đấu tranh gay gắt giữa quan điểm vô sản và quan điểm tiểu tư sản xung quanh vấn đề thành lập Đảng cộng sản ở Việt Nam trong nội bộ Việt Nam TNCMĐCH. Tư tưởng vô sản đã chiến thắng. Tháng 3/1929 tại số nhà 5D Hàm Long (Hà Nội), Chi bộ cộng sản đầu tiên ra đời gồm các đồng chí: Ngô Gia Tự, Nguyễn Đức Cảnh, Trần Văn Cung, Trịnh Đình Cửu… Đầu tháng 6/1929, tại số nhà 312 phố Khâm Thiên (Hà Nội), 20 đại biểu cộng sản Bắc Kỳ quyết định thành lập Đông Dương Cộng sản Đảng. Mấy tháng sau, An Nam Cộng sản Đảng ra đời tại Nam Kỳ (10/1929). Dưới ảnh hưởng của những sự kiện ấy, một tổ chức yêu nước, tiến bộ được thành lập ở Trung Kỳ từ những năm 1925 là Tân Việt cách mạng Đảng, sau lại đổi tên là Đông Dương Cộng sản Liên đoàn (1/1930). Cả 3 tổ chức đều tự nhận là cộng sản và đều tìm cách tranh thủ sự thừa nhận của Quốc tế Cộng sản. Trong khi tuyên truyền vận động quần chúng, ba tổ chức không khỏi công kích, tranh giành ảnh hưởng trong quần chúng. Để chấm dứt tình trạng trên đồng thời thực hiện chỉ thị cử BCH Quốc tế cộng sản “…Thành lập một đảng cách mạng có tính chất giai cấp của giai cấp vô sản… Đảng đó phải chỉ có một và là tổ chức cộng sản duy nhất ở Đông Dương”. Thực hiện chỉ thị trên ngày 3/2/1930, đồng chí Nguyễn Ái Quốc (với bí danh là Vương) đã thay mặt Quốc tế cộng sản chủ trì hội nghị thống nhất Đảng tại một ngôi nhà nhỏ xóm lao động thuộc Cửu Long gần Hương Cảng (Trung Quốc) gồm các đồng chí Nguyễn Ái Quốc, Hồ Tùng Mậu, Lê Hồng Sơn, đại biểu Đông Dương Cộng sản Đảng (Nguyễn Đức Cảnh, Trịnh Đình Cửu), đại biểu An Nam Cộng sản Đảng (Châu Văn Liêm, Nguyễn Thiệu), Đông Dương Cộng sản Liên đoàn do mới thành lập nên không kịp cử đại diện tham dự (ngày 24/2/1930 Đông Dương Cộng sản Liên đoàn chính thức gia nhập Đảng Cộng sản Việt Nam). Hội nghị quyết định thành lập một tổ chức cộng sản duy nhất lấy tên là Đảng Cộng sản Việt Nam, ngay sau đó Hội nghị cũng thông qua chính cương và sách lược vắn tắt cùng với điều lệ Điều lệ đảng do đồng chí Nguyễn Ái Quốc soạn thảo. Hội nghị còn cử Ban chấp hành trung ương lâm thời đại diện cho 211 đảng viên của toàn Đảng.

Tranh vẽ Hội nghị thành lập đảng

Đảng ta ra đời là kết quả tất yếu của sự kết hợp chủ nghĩa Mác-Lênin với phong trào công nhân và phong trào yêu nước của dân tộc vào cuối nhừng năm 20 của thế kỉ này. Đảng ta ra đời là một bước ngoặt vĩ đại trong lịch sử cách mạng Việt Nam. Đảng ta ra đời là sự chuẩn bị đầu tiên cho thời kì vùng dậy oanh liệt nhất và bước nhảy vọt vĩ đại nhất trong lịch sử tiến hóa của dân tộc Việt Nam.

Tháng 10-1930, tại hội nghị Ban chấp hành Trung ương lần thứ nhất, cùng với việc thông qua Luận cương Chính trị do đồng chí Trần Phú, Tổng bí thư đầu tiên của Đảng khởi thảo, Đảng ta mang tên mới là Đảng Cộng sản Đông Dương. Ngay lúc đó, Đảng ta đã lãnh đạo cao trào mà đỉnh cao là Xô-Viết Nghệ Tĩnh.

Tháng 3-1935, sau cuộc khủng bố trắng của thực dân Pháp, tại Ma Cao (tô giới Bồ Đào Nha trên đất Trung Quốc) Đại hội lần thứ nhất của Đảng đã họp để chuẩn bị cho một cao trào mới.

Tháng 8-1945 chỉ với 5.000 đảng viên, Đảng ta đã lãnh đạo Cách mạng tháng Tám thành công, mở ra kỷ nguyên độc lập, tự do ở nước ta. Đó là kết quả vĩ đại của cả quá trình 15 năm đấu tranh kể từ khi Đảng ta ra đời (1930-1945)

Nhân dân Hà Nội nổi dậy đánh chiếm Bắc Bộ Phủ, ngày 19-8-1945

Tiếp đó, Đảng ta lại lãnh đạo thành công cuộc kháng chiến thần thánh chống thực dân Pháp xâm lược (1946-1954). Đảng ta ngày càng lớn mạnh cả về số lượng và chất lượng. Tháng 2-1951, tại khu rừng thuộc xã Vinh Quang,huyện Chiêm Hóa (Tuyên Quang), Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ hai của Đảng đã họp, nhằm đưa công cuộc Kháng chiến - Kiến quốc đến thắng lợi. Ngày 3-3-1951, Đảng ta ra hoạt động công khai với tên mới là Đảng lao động Việt Nam, tổng số Đảng viên đã lên đến 76 vạn đồng chí.

Chiến thắng Điện Biên Phủ (1954)

Giai đoạn 1954- 1975, Đảng ta tiếp tục lãnh đạo dân tộc Việt Nam trong cuộc chiến đấu đầy gian khổ nhưng vô cùng oanh liệt chống Mỹ, cứu nước. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân ta đã đồng thời dương cao hai ngọn cờ Độc lập dân tộc và Chủ nghĩa xã hội. Qua cuộc đấu tranh vĩ đại ấy, lực lượng của Đảng lớn mạnh hơn bao giờ hết, vượt qua mọi thử thách hi sinh, thực sự là lực lượng tiên phong của cách mạng.

Tháng 9-1960, tai thủ đô Hà Nội, Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ ba, đại hội xây dựng chủ nghĩa xã hội và đấu tranh thống nhất nước nhà đã khai mạc trọng thể. Đại hội đã nhất trí thông qua đường lối đấu tranh giải phóng miền Nam thống nhất đất nước và xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc.

Giải phóng miền Nam thống nhất đất nước

Sau khi cuộc kháng chiến chống Mĩ, cứu nước vĩ đại thành công, tháng 12-1976, trong không khí phấn khởi của đất nước vừa thống nhất, Đại hội Đảng lần thứ IV đã họp, nhằm vạch ra con đường đưa cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội. Với đội ngũ trùng điệp 1 triệu 5 vạn đảng viên, Đảng ta trở lại với cái tên bước đầu của mình là Đảng Cộng sản Việt Nam, đội tiên phong quang vinh của giai cấp và dân tộc, chuẩn bị đưa Tổ quốc ta đi tới những thắng lợi huy hoàng hơn nữa. Và thực tế đã chứng minh công cuộc đổi mới do Đảng khởi xướng gần được 30 năm (1986) đã đạt được những thành tựu to lớn và có ý nghĩa lịch sử. Đất nước ta thực sự bước vào đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, ra khỏi tình trạng kém phát triển, bộ mặt của đất nước và đời sống của nhân dân có nhiều thay đổi, sức mạnh về mọi mặt được tăng cường, tạo tiền đề để nước ta tiếp tục phát triển mạnh mẽ hơn trong giai đoạn cách mạng mới.

Xây dựng đất nước trong thời kỳ đổi mới

Chu Văn Lộc-Hoàng Ngọc Chính (Tổng hợp)

baotanglichsuquocgia

Chia sẻ:

Bài nổi bật

Đồng chí Xuân Thủy với báo Suối Reo và báo Cứu Quốc

Đồng chí Xuân Thủy với báo Suối Reo và báo Cứu Quốc

  • 18/06/2019 10:06
  • 5394

* Làm báo Suối Reo trong nhà tù Sơn La

Bài viết khác

42 năm chiến thắng Đường 9 - Nam Lào (từ 31-1 đến 23-3-1971). Phần 1: Âm mưu của địch trong Cuộc hành quân “Lam Sơn 719” và thế trận của ta tại Đường 9 – Nam Lào

42 năm chiến thắng Đường 9 - Nam Lào (từ 31-1 đến 23-3-1971). Phần 1: Âm mưu của địch trong Cuộc hành quân “Lam Sơn 719” và thế trận của ta tại Đường 9 – Nam Lào

  • 30/01/2013 15:28
  • 4511

Sau khi được tái cử Tổng thống Mỹ, Ních-xơn leo thang cuộc chiến tranh ở Việt Nam bằng chiến lược mới “ Việt Nam hóa chiến tranh”.