Sau khi được tái cử Tổng thống Mỹ, Ních-xơn leo thang cuộc chiến tranh ở Việt Nam bằng chiến lược mới “ Việt Nam hóa chiến tranh”.
Đầu năm 1971, Mỹ đã tiến hành biện pháp chiến llược” chiến tranh bóp nghẹt” bằng cách đánh ra vòng ngoài với các cuộc tiến công trên chiến trường Lào- Campuchia nhằm triệt phá hành lang vận chuyển và hậu phương chiến lược trực tiếp của ta. Đây cũng là đòn trực tiếp đánh vào con đường tiếp viện chiến trường miền Nam của ta. Quảng Trị trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước có vịm trí chiến lược hết sức quan trọng bởi đây là nơi đầu cầu giới tuyến, có Đường 9 đi sang nước bạn Lào, có tuyến vận tải chiến lược Hồ Chí Minh đi qua. Nhằm đánh phá, cắt đứt tuyến vận tải chiến lược, hủy diệt cơ sở hậu cần, làm cho lực lượng vũ trang của ta bị tiêu hao và suy yếu.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp và lãnh đạo đoàn 559 tại chiến dịch đường 9 Nam Lào
Một kế hoạch tiến công mang mật danh “Hành quân Lam Sơn 719” (năm 1971) được Mỹ và chính quyền Sài Gòn chuẩn bị kỹ càng, đặt nhiều tham vọng, nhằm nhiều mục tiêu.
Về mặt quân sự, Mỹ và chính quyền Sài Gòn muốn thể nghiệm công thức chiến lược của "Việt Nam hóa chiến tranh": Bộ binh Sài Gòn + hỏa lực + hậu cần Mỹ, nhằm thông qua một cuộc hành quân quy mô lớn để thử thách, và nếu thành công, sẽ chứng tỏ quân đội Sài Gòn đủ khả năng thay thế vai trò của quân chiến đấu Mỹ trên chiến trường. Thủ đoạn của chúng trong “Lam Sơn 719” là tiến nhanh, đánh nhanh, đánh chính diện và phối hợp nhiều cánh quân từ hướng Đông theo trục đường 9 là chủ yếu; mặt khác sẽ phối hợp với quân ngụy Lào tiến công từ phía sau theo hướng Tây vào các mục tiêu của ta. Chúng huy động máy bay trực thăng chở quân kết hợp với hành quân bộ. trước khi hành quân, chúng còn tung tin nghi binh chuẩn bị vượt sông Bến Hải để đổ bộ tấn công miền Bắc(Quân khu 4) hòng đánh lừa ta. Để đạt được mục đích và tham vọng trên, Mỹ - ngụy đã huy động một lực lượng rất lớn với sự yểm trợ của không quân, hải quân, pháo binh… của Mỹ. Chúng dự định tiến hành chiến dịch trong khoảng 3 tháng, với 4 giai đoạn và kết thúc trước mùa mưa năm 1971.
Xe ta hành quân trên đường Trường Sơn (phía Tây) mùa khô 1971
Ngày 30-1-1971, Mỹ - Ngụy mở cuộc hành quân “Lam Sơn 719” tấn công lớn ra đường số 9 và Nam Lào nhằm đánh chiếm Sê-pôn, phá tận gốc đường Hồ Chí Minh và thử nghiệm công thức: bộ binh ngụy+ hỏa lực+ hậu cần Mỹ. Lực lượng địch có 15 trung đoàn, lữ đoàn bộ binh, dù, thủy quân lục chiến, 2 lữ đoàn thiết giáp (578 xe tăng, xe bọc thép), 21 tiểu đoàn pháo binh, 1000 máy bay các loại với tổng quân số 55.000 (15.000 quân Mỹ trợ chiến); ngoài ra có hai binh đoàn (GM30, GM33) quân phái hữu Lào phối hợp tác chiến. Chúng hy vọng và tin tưởng sẽ giành thắng lợi để chứng minh cho sự thành công của học thuyết Ních-xơn và chiến llược“ Việt Nam hóa chiến tranh” của hắn.
Du kích đang chở bộ đội chủ lực qua sông Quảng Trị 1971
Về phía ta, ngay từ mùa hè 1970, Bộ Chính trị đã nhận định về khả năng địch có thể tiến công tuyến hành lang vận chuyển chiến lược của ta ở Trung- Hạ Nam Lào, Đông Bắc Cam pu chia. Bộ Tổng Tham mưu đã vạch kế hoạch tác chiến, điều động lực lượng chủ động chuẩn bị cho chiến trường ở khu vực Đường 9- Nam Lào. Bám sát diễn biến chiến trường, nắm chắc âm mưu của địch, Bộ Tổng tham mưu đã sớm nhận định tình hình, nhất là về địch, phán đoán đúng ý đồ hành động của chúng, kịp thời xác định biện pháp đối phó. Cuối tháng 1-1971, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương đồng ý với nhận định của Bộ Tổng tham mưu: Cuộc hành quân ra Đường 9 - Nam Lào, với lực lượng và phương tiện chiến tranh hiện đại, nhằm cắt đứt tuyến vận tải chiến lược Bắc - Nam của ta là một bước phiêu lưu quân sự cực kỳ nghiêm trọng của đế quốc Mỹ và ngụy quyền Sài Gòn. Hành động trên của địch sẽ gây cho ta nhiều khó khăn, nhưng lại tạo cho ta cơ hội và thời cơ thuận lợi để ta tranh thủ tiêu diệt địch. Đồng thời, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương nhấn mạnh: Trong bất cứ tình huống nào cũng phải đánh bại cuộc hành quân của địch, tiêu diệt cho được một bộ phận quan trọng lực lượng cơ động chiến lược của chúng, bảo vệ cho kỳ được kho tàng và bảo đảm công tác vận tải chi viện cho các chiến trường. Nhằm thực hiện quyết tâm đã xác định, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương quyết định mở chiến dịch phản công tiêu diệt lớn quân địch. Bộ Quốc phòng chỉ đạo các cơ quan triển khai xây dựng kế hoạch tác chiến, tổ chức lực lượng, chuẩn bị chiến trường chu đáo, chính xác, tạo thế trận phản công địch. Đặc biệt, về mặt lực lượng, chúng ta hình thành B70, tiếp đó là B702 - Mặt trận Đường 9 - Nam Lào (tương đương quân khu), bao gồm: 5 sư đoàn bộ binh (308, 304, 320, 324, 2); 8 trung đoàn pháo binh; 6 trung đoàn pháo cao xạ; 3 trung đoàn công binh; 3 tiểu đoàn xe tăng, thiết giáp, 8 tiểu đoàn đặc công cùng với lực lượng tại chỗ của các mặt trận: B5 (Đường 9 - Bắc Quảng Trị), B4 (Quân khu Trị - Thiên), Đoàn 559; Chỉ huy chiến dịch là những cán bộ dày dạn kinh nghiệm(5). Ngày 31-1-1971, Trung ương Đảng ra lời kêu gọi toàn thể cán bộ, chiến sĩ Mặt trận đường 9 Nam Lào: “Trận này là một trận có ý nghĩa quyết định về chiến lược không những để giữ vững tuyến vận chuyển chiến lược mà còn nhằm tiêu diệt nhiều đơn vị dự bị chiến lược của địch, tạo điều kiện đánh bại một bước quan trọng âm mưu “Việt Nam hóa chiến tranh”. Quân đội ta nhất định phải đánh thắng trận này”.
Quân Ngụy hung hăng mở đường trên Trường Sơn trong cuộc hành quân Lam Sơn 719
Minh Vượng (tổng hợp)
Phần 2: Diễn biến chiến dịch Đường 9 – Nam Lào và ý nghĩa thắng lợi của chiến dịch