“…Từ dáng đứng của anh giữa đường băng Tân Sơn Nhất, Tổ Quốc bay lên bát ngát mùa Xuân…” Hai câu thơ nổi tiếng trên, nằm trong bài thơ “Dáng đứng Việt Nam” của nhà thơ Lê Anh Xuân (Ca Lê Hiến), được sáng tác sau khi ông tham gia Tổng tiến công đợt 1 (Tết Mậu Thân).
Bài thơ lấy cảm xúc từ hình ảnh chiến đấu anh dũng của người chiến sĩ quân giải phóng trên đường băng Tân Sơn Nhất, và hi sinh trong tư thế đứng bắn vào quân thù… Cuộc Tổng tiến công Mậu Thân 1968 đã diễn ra 45 năm, nhưng chiến công oanh liệt ấy vẫn mãi âm vang như một dấu son trong lịch sử quân sự Việt Nam. Ngày 28/12/1967, tại Phủ Chủ tịch, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Bộ Chính trị (Khóa III) đã quyết định một chủ trương hết sức quan trọng: Mở cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân năm 1968, nhằm giáng một đòn quyết liệt vào ý chí xâm lược của Đế quốc Mỹ như “Một cú đập lớn để tung tóe ra các khả năng chính trị” ( Lê Duẩn). Thời điểm năm 1967, Mỹ đã sa lầy vào cuộc chiến tranh ở Việ Nam, quân đội Mỹ được đưa vào Việt Nam có số lượng lớn chưa từng có ( 48.000 quân Mỹ và hơn 68.000 quân các nước phụ thuộc), lượng Mỹ kim phải phục vụ chiến tranh tăng nhanh chóng ( hơn 30 tỷ USD). Lúc này, tương quan lực lượng giữa quân ta và quân địch có sự chênh lệch lớn. Xác định rằng không thể thắng lợi bằng cách đánh thông thường, Bộ Chính trị quyết định dựa trên đề xuất giải pháp của đ.c Lê Duẩn: đánh thẳng vào sào huyệt của địch trong các thành phố thị xã. Bộ Chính trị quyết định thực hiện trên ba chiến trường trọng điểm là Sài Gòn- Gia Định, Đà Nẵng, Huế. Các công tác chuẩn bị đều diễn ra chu đáo và hết sức bí mật. Đặc biệt, để phân tán, kiềm chế và tiêu diệt một bộ phận quân Mỹ, ngày 20/1/1968 quân Giải phóng mở Chiến dịch Đường 9- Khe Sanh, buộc địch dồn lực lượng và sự chú ý sang phía bắc, tạo thời cơ cho cuộc tổng tiến công và nổi dậy trên toàn miền Nam.
Quân giải phóng tiến công tại mặt trận Sài Gòn những ngày đầu xuân 1968. (Ảnh tư liệu BTLSQG)
Đêm giao thừa Tết Mậu Thân (tức đêm 30, rạng ngày 31/1/1968), cuộc tổng tiến công và nổi dậy diễn ra đồng loạt ở 36 trong 44 tỉnh của miền Nam Việt Nam; tiến công vào 64 thành phố, thị xã (khoảng ¼ trong số 248 quận lỵ); tiến công hoặc tập kích hỏa lực vào 49 sân bay (trong đó có 13/14 sân bay cấp 1 và cấp 2), hàng trăm kho tàng và hầu hết các hệ thống giao thông thủy bộ quan trọng. Tại Sài Gòn- Chợ Lớn, quân Giải phóng và biệt động thành tiến công Tòa đại sứ Mỹ, Dinh Độc Lập, Bộ Tổng tham mưu Ngụy, Đài phát thanh Sài Gòn, sân bay Tân Sơn Nhất, Biệt kho Thủ đô, Tổng nha cảnh sát, các sở chỉ huy sư đoàn bộ binh Mỹ số 1,9,25,101. Hàng chục vạn quần chúng đã nổi dậy giành quyền làm chủ dài ngày ở nhiều khu phố. Tại Huế, từ ngày 31/1/1968, quân ta chiếm lĩnh và làm chủ thành phố trong 25 ngày (địch chỉ còn cố thủ ở đồng Mang Cá, Tam Thai, Nam Giao).
Quân giải phóng chiến đấu trên mặt trận Huế năm 1968(.(Ảnh tư liệu BTLSQG)
Chính quyền cách mạng thành lập ở nhiều khu vực. Trong 45 ngày của cuộc tiến công Mậu Thân năm 1968, quân và dân miền Nam đã loại khỏi vòng chiến đấu 147.000 quân địch (trên 40.000 quân Mỹ); bắn rơi và phá hủy hàng trăm máy bay, phá hủy và thu được hàng triệu tấn vật tư chiến tranh, bắn cháy trên 1000 xe quân sự, trên 300 khẩu pháo, 230 tàu xuồng các loại; bức rút 700 đồn bót, giải phóng 1000 thôn ấp và 1,2 triệu dân. Đây là thắng lợi lớn của phương châm đánh địch trên ba vùng chiến lược Huế, Đà Nẵng, Sài Gòn.
Bộ trưởng Xuân Thủy họp báo công bố việc Mỹ phải chấp nhận chấm dứt hoàn toàn vô điều kiện các cuộc ném bom trên lãnh thổ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và mở Hội nghị đàm phán bốn bên tại Pari, ngày 2/11/1968 .(Ảnh tư liệu BTLSQG)
Mặc dù còn nhiều hạn chế, nhưng cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1968 đã giáng một đòn mạnh vào mưu lược “chiến tranh cục bộ” của đế quốc Mỹ. Mở ra bước ngoặt của cuộc kháng chiến chống Mỹ, làm lung lay ý chí xâm lược của quân viễn chinh Mỹ, buộc chúng phải tuyên bố : Phi Mỹ hóa chiến tranh, chấm dứt vô điều kiện chiến tranh phá hoại miền Bắc, chịu đến bàn Hội nghị Paris để bàn về chấm dứt chiến tranh xâm lược Việt Nam.
Trần Thị Phương Thảo ( st)