Hội nghị Pari về Việt Nam là cuộc đấu tranh cực kỳ quyết liệt và gay go với khoảng thời gian dài chưa từng thấy trong lịch sử đàm phán.
Trong cuộc đàm phán ngoại giao này, sự nghiệp chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta đã tỏa sáng trường phái ngoại giao cách mạng. Chúng ta đã có sự kết hợp giữa đấu tranh ngoại giao, với đấu tranh quân sự và đấu tranh chính trị; kết hợp chặt chẽ giữa “đánh và đàm” trong tư thế chủ động tấn công. Trên diễn đàn công khai. Trong đàm phán trực tiếp, các nhà ngoại giao Việt Nam đã thể hiện tác phong ngoại giao lịch thiệp, kiên định, bản lĩnh khiến phía Mỹ phải từng bước xuống thang và chấp nhận ký kết Hiệp định Pari (1973). Đây là thắng lợi ngoại giao mang tính quyết định Độc lập - Tự do cho Việt Nam, là kết quả của quá trình ngoại giao bền bỉ và không khoan nhượng.
Quang cảnh ngày khai mạc Hội nghị Quốc tế về Việt Nam tại thủ đô Paris, Pháp. (Ảnh tư liệu. Bảo tàng Lịch sử quốc gia)
Hoàn cảnh lịch sử
Trong giai đoạn Chiến tranh lạnh, và Học thuyết Domino đã dần dẫn tới việc Mỹ can thiệp vào chiến tranh và chia cắt đất nước Việt Nam. Trong suốt năm tháng quyết liệt nhất của cuộc chiến, Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn nêu cao khẩu hiệu: “Không có gì quý hơn Độc lập - Tự do”, động viên toàn dân, toàn quân chiến đấu thống nhất đất nước. Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân năm 1968, Mỹ đã phải chấp nhận đàm phán và chấm dứt chiến tranh. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề ra phương châm chiến lược: “Vì Độc lập, vì Tự do, đánh cho Mỹ cút, đánh cho Ngụy nhào”. Quyền Độc lập - Tự do đang là xu thế được thế giới ủng hộ, lợi thế cho cuộc chiến đấu thống nhất của Việt Nam. Đây chính là nền tảng cơ sở cho đoàn ngoại giao Việt Nam trên bàn đàm phán tại Hội nghị Pari.
Hội nghị Pari và bản lĩnh trường phái ngoại giao cách mạng của Việt Nam
Cố vấn đặc biệt Lê Đức Thọ và Bộ trưởng Xuân Thủy trước khi vào dự phiên đàm phán ở Hội nghị Pari (Ảnh tư liệu. Bảo tàng Lịch sử quốc gia)
Việt Nam với nền ngoại giao cách mạng đối đầu với Mỹ - nền ngoại giao ỷ lại vào sức mạnh quân sự và kinh tế. Trong suốt giai đoạn đàm phán, Mỹ đã sử dụng một bộ máy khổng lồ các nhà ngoại giao nhà nghề như: Harriman, Kissinger, Cabot Lodge…Nhưng, phía Việt Nam: Bộ trưởng Xuân Thủy, Nguyễn Thị Bình, cố vấn Lê Đức Thọ…đã thể hiện bản lĩnh ngoại giao xuất sắc và giành thế chủ động trên bàn đàm phán:
1.Kết hợp ngoại giao với đấu tranh quân sự, chính trị, đàm phán với chiến trường: Trong Hội nghị Pari, phía ta đã đạt được tầm cao và hiệu quả trong áp dụng phương pháp “vừa đánh vừa đàm”. Phối hợp đàm phán với chiến tranh chiến trường, ta dần giảm sự so sánh về tương quan lực lượng quân sự, khiến phía Mỹ từng bước xuống thang. Đàm phán giúp chiến trường giành chiến thắng, tiêu biểu như: Đánh bại kế hoạch “Việt Nam hóa chiến tranh”, khiến Mỹ buộc phải rút quân về nước….
2. Kiên định quan điểm độc lập, tự chủ của Đảng, bảo đảm cơ bản cho thắng lợi ngoại giao.
3. Đàm phán để tranh thủ dư luận, tập hợp lực lượng quốc tế, tác động vào nội bộ đối phương:
Trên diễn đàn công khai, Bộ trưởng Xuân Thủy, Nguyễn Thị Bình với phong cách ngoại giao lịch lãm, kiên định, đề cao lập trường chính nghĩa, giải pháp hợp tình, hợp lý, tranh thủ dư luận quốc tế, phong trào phản chiến tại Mỹ…đã khiến phía Mỹ dần bị cô lập và từng bước xuống thang.
4. Giành thế chủ động trong đàm phán, kiên trì mục tiêu đấu tranh
Trên bàn đàm phán trực tiếp, Cố vấn Lê Đức Thọ nắm thế chủ động, đấu tranh quyết liệt,…khiến ông Kissinger phải thừa nhận với ông Thọ: “Ông quả thật là đối thủ đáng nể”. Ta giành được thế chủ động trong đàm phán vì chủ động trong điều hành cục diện cuộc chiến, phát động và kết thúc đấu tranh theo mưu lược của ta. Mặt khác, trên bàn đàm phán, ta có nắm chắc chiến trường, nội bộ Mỹ và xu thế quốc tế để tính toán các bước đi trong quá trình thương lượng.
5. Nắm vững thời cơ, giành thắng lợi từng bước, đi tới thắng lợi quyết định
Hiệp định Pari là thắng lợi một bước: Buộc Mỹ chấm dứt chiến tranh, rút hết quân. Nhưng thắng lợi của Hiệp định là thắng lợi tổng hợp của ba mặt trận: Quân sự, chính trị, ngoại giao, là thắng lợi có ý nghĩa quyết định với chiều hướng và kết quả chiến tranh, mở đường cho Đại thắng mùa Xuân 1975.
Dấu ấn đặc biệt của một số nhà ngoại giao Việt Nam tại Hiệp định Pari
Bộ trưởng Xuân Thủy với hình ảnh điềm tĩnh, tự tin, với các bài thơ giàu chất trữ tình, lạc quan cách mạng. Ông là nhà ngoại giao tài ba, nhà thương thuyết mưu lược. Ông là “nhà ngoại giao nhân dân” nổi tiếng với lời lẽ tinh tế, nhẹ nhàng, nụ cười đôn hậu “nụ cười Xuân Thủy”.
Cố vấn đặc biệt Lê Đức Thọ: Đối đầu với Kissinger (nhà ngoại giao kì cựu) trên bàn đàm phán, ông đã khiến Kissinger phải nể và bị thuyết phục bởi ứng xử linh hoat, trí tuệ trong tìm ra giải pháp đúng với lợi ích của mình. Ông là “nhà ngoại giao chiến lược tài ba”. Năm 1973, ông và Kissinger được đồng trao giải Nobel vì Hòa bình, nhưng ông đã từ chối với lý do hòa bình chưa thực sự lập lại trên nước Việt Nam.
Bà Nguyễn Thị Bình - Bộ trưởng Ngoại giao Chính phủ lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam ký Hiệp định Pari, 27/1/1973 (Ảnh tư liệu. Bảo tàng Lịch sử quốc gia)
Bộ trưởng Nguyễn Thị Bình, người phụ nữ duy nhất trên bàn đàm phán. Bà có những đề nghị cứng rắn, phong cách ngoại giao sắc sảo. Hình ảnh nụ cười của bà từng được gọi là “Nụ cười chiến thắng”…
Đồng chí Nguyễn Duy Trinh - Bộ trưởng Ngoại giao nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ký Hiệp định Pari, 27/1/1973 (Ảnh tư liệu. Bảo tàng Lịch sử quốc gia)
Hội nghị Pari diễn ra cách đây 40 năm, là dấu son thắng lợi, có ý nghĩa quan trọng trong lịch sử Việt Nam. Chính sách ngoại giao cách mạng của Việt nam đã thể hiện được bản lĩnh và sự xuất sắc của mình. Hội nghị Pari cũng là nơi ghi dấu ấn của những nhà ngoại giao tài ba của Việt Nam. Có thể khẳng định, Hiệp định Pari được ký kết, thắng lợi của ngoại giao trên bàn đàm phán chính là bài học về ý chí bảo vệ độc lập chủ quyền dân tộc và tinh thần đoàn kết quốc tế.
Trần Thị Phương Thảo (Tổng hợp)
Tài liệu tham khảo:
1.Chân dung năm cố Bộ trưởng ngoại giao/Bộ ngoại giao. [H] -Nxb Chính trị quốc gia, 2005.
2. Lê Đức Thọ - Người cộng sản kiên cường- Người lãnh đạo tài năng.[H]- Nxb Chính trị quốc gia, 2011.
3. Các web: http://www.langson.gov.vn; http://dantri.com.vn; http://diendankienthuc.net