Với chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ (7/5/1954), kết thúc cuộc kháng chiến trường kỳ 9 năm gian khổ nhưng đầy vinh quang, chúng ta đã buộc thực dân Pháp ngồi vào bàn ký kết Hiệp định Giơ-ne-vơ ngày 20/7/1954.
Dưới sự chứng kiến của các phái đoàn nước ngoài tham dự như: Anh, Hoa Kỳ, Liên Xô, Trung Quốc…Hội nghị Giơ-ne-vơ chấp nhận Hiệp định đình chiến tại Đông Dương trong đó có hai điểm chính về Việt Nam:
- Công nhận độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam, qui định tổng tuyển cử tự do trong cả nước vào tháng 7-1956 để thống nhất đất nước.
- Trong khi chờ đợi tổng tuyển cử hòa bình thống nhất đất nước, hai bên ngừng bắn, chuyển quân tập kết về hai miền Bắc và Nam, lấy vĩ tuyến 17 làm giới tuyến tạm thời.
Chấp hành Hiệp định, phía ta đã chuyển quân tập kết ra Bắc, giao miền Nam cho quân Pháp quản lý. Nhưng đế quốc Mỹ hất chân Pháp, đưa Ngô Đình Diệm về thay Bảo Đại âm mưu thôn tính miền Nam. Được sự viện trợ của Mỹ, chính quyền Ngô Đình Diệm không thi hành Hiệp định Giơ-ne-vơ, thẳng tay đàn áp nhân dân, bắt bớ, giết hại, giam cầm những người kháng chiến cũ. Cả miền Nam ngập trong đau thương, căm hờn. Rõ ràng Mỹ - Diệm đã trở thành “hòn đá” ngăn chặn Tổ quốc thống nhất mà còn định nghiền nát phong trào quần chúng ở miền Nam đấu tranh đòi dân sinh, dân chủ, đòi thi hành Hiệp định Giơ-ne-vơ. Nhân dân miền Nam nhất định không lùi bước, kiên quyết đấu tranh khắp các đô thị, làng xóm, rừng núi chống lại kẻ thù.
Trước yêu cầu cấp bách của nhân dân, trước sứ mệnh lịch sử của dân tộc, những người yêu nước ở miền Nam quyết định tập hợp lực lượng, giương cao ngọn cờ độc lập dân tộc nhằm giải phóng miền Nam. Ngày 20/12/1960 tại khu vực Trảng Chiêng, xã Tân Lập, huyện Châu Thành, tỉnh Tây Ninh, những người yêu nước đại diện cho các giai cấp, dân tộc, tôn giáo, đảng phái… đã họp Đại hội thành lập Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam (MTDTGPMNVN). Ngày 15/12/1961(mồng 1 Tết Tân Sửu), tại vùng giải phóng Tây Ninh, mặt trận đã làm lễ kết nạp Lực lượng vũ trang giải phóng là thành viên chính thức. Tại buổi lễ này, ban tổ chức đã giới thiệu đoàn chủ tịch (cũng là bộ phận lâm thời công khai của mặt trận) gồm các vị:
- Bác sĩ Phùng Văn Cung thay mặt giới trí thức Sài Gòn
- Ông Nguyễn Văn Linh thay mặt Đảng nhân dân cách mạng Việt Nam
- Ông Ung Ngọc Ky thay mặt Đảng Dân chủ miền Nam Việt Nam
- Ông Nguyễn Văn Hiếu thay mặt Đảng xã hội cấp tiến miền Nam Việt Nam
- Ông Lê Thanh thay mặt lực lượng quân giải phóng.

Luật sư Nguyễn Hữu Thọ, Chủ tịch Ủy ban TƯ MTDTGPMNVN báo cáo tình hình trước Hội nghị Trung ương mở rông, năm 1961(Ảnh Tư liệu - BTLSQG)
Ngày 16/2/1962 tại khu vực Xóm Giữa- Lò Gò, huyện Tân Biên, Tây Ninh đã tiến hành Đại hội Mặt trận DTGPMNVN lần thứ nhất. Khoảng 80 đại biểu, tôn giáo, dân tộc, trí thức, lực lượng vũ trang về dự. Đại hội nhất trí cử 50 đại biểu (trong đó có 20 đại biểu còn hoạt động bí mật) vào Ủy ban Trung ương mặt trận. Luật sư Nguyễn Hữu Thọ được bầu làm Chủ tịch và các ông Huỳnh Tấn Phát, Phùng Văn Cung, Võ Chí Công, Ibít Alêo làm Phó chủ tịch.

BCH TƯ chính thức MTDTGPMNVN tuyên thệ trước Đại hội Đại biểu MTDTGPMNVN lần thứ I, ngày 16/2/1962(Ảnh Tư liệu - BTLSQG)
Sau khi chính quyền Ngô Đình Diệm bị lật đổ (11/1963), tình hình miền Nam xáo trộn có nhiều chuyển biến mới. Mặt trận chủ trương phát động cuộc đấu tranh với mức độ cao độ hơn để đánh gục kẻ thù. Mặt trận đề ra tuyên ngôn và chương trình hành động mười điều với nội dung: “Phải hòa bình. Phải độc lập. Phải dân chủ. Phải cơm no áo ấm. Phải hòa bình thống nhất Tổ quốc”. Mặt trận đã ra lời kêu gọi “Tất cả hãy đứng lên. Tất cả hãy đoàn kết lại. Hãy siết chặt hàng ngũ để chiến đấu dưới ngọn cờ của MTDTGP đánh đổ ách thông trị của đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai”. Mặt trận quyết định lấy lá cờ nửa đỏ, nửa xanh có ngôi sao vàng năm cánh và bài hát “ Giải phóng miền Nam” của tác gải Lưu Hữu Phước (Huỳnh Minh Siêng) làm cờ và bài hát chính thức của mặt trận”

Đồng bào tỉnh Bến Tre họp mít tinh chào mừng MTDTGPMNVN ra đời (Ảnh Tư liệu - BTLSQG)
Kể từ đó MTDTGPMNVN cùng Liên minh các lực lượng dân tộc, dân chủ và hòa bình và Chính phủ cách mạng lâm thời cộng hòa miền Nam Việt Nam đã lãnh đạo cuộc đấu tranh của nhân dân miền Nam đi tới ngày đại thắng 30/4/1975.

Chủ tịch Đoàn Chủ tịch UB TƯ MTDTGPMNVN duyệt một đơn vị vũ trang quân giải phóng miền Nam Việt Nam (Ảnh Tư liệu - BTLSQG)
Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam là người đại diện chân chính duy nhất của nhân dân miền Nam Việt Nam trong thời kỳ 1960-1975. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, sau hơn một thập kỷ, Mặt trận đã hoàn thành vai trò lịch sử của mình. Năm 1976, MTDTGPMNVN đã hợp nhất với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
Chu Văn Lộc- Hoàng Ngọc Chính (Tổng hợp)