Thứ Năm, 12/06/2025
  • Tiếng Việt
  • English
  • French

Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

Vietnam National Museum of History

19/12/2012 23:06 4124
Điểm: 0/5 (0 đánh giá)
Trong 12 ngày đêm đánh trả cuộc tập kích bằng không quân chiến lược của đế quốc Mỹ tháng 12-1972, bằng tên lửa SAM-2, bộ đội tên lửa của binh chủng Phòng không - Không quân Việt Nam đã bắn rơi 29 “Siêu pháo đài bay” B.52 (trong tổng số 193 chiếc tham chiến), đánh sập uy thế của không lực Hoa Kỳ ngay trên bầu trời Hà Nội.

SAM-2 (Tên lửa đất đối không kiểu 2) là tên gọi cho loại tên lửa S75 DVINA do Liên Xô (cũ) chế tạo và viện trợ cho Việt Nam. Đây là tổ hợp tên lửa đất đối không tầm cao, được điều khiển bằng hệ thống ra-đa ba tác dụng. Đạn tên lửa dùng trong hệ thống SAM-2 là V-750. Tháng 4/1965, các chuyên gia quân sự thuộc Binh chủng Tên lửa phòng không của Liên Xô đã tới Việt Nam để huấn luyện kỹ thuật cho bộ đội tên lửa Việt Nam. Nội dung huấn luyện gồm: Cấu tạo, tính năng, cách vận hành, bảo dưỡng, sửa chữa tên lửa SAM-2; huấn luyện trắc thủ, tổ chức khẩu đội chiến đấu.

Tên lửa Sam-2 trên bầu trời Hà Nội tháng 12-1972

Đầu tháng 7-1965, sau khi tiếp nhận đầy đủ vũ khí, khí tài tên lửa và được huấn luyện thành thục, hai tiểu đoàn 63 và 64 thuộc Trung đoàn tên lửa phòng không 236 (Trung đoàn tên lửa phòng không đầu tiên của quân đội ta) đã đủ điều kiện để sẵn sàng chiến đấu. Tiếp theo, các chuyên gia quân sự Liên Xô tiếp tục giúp ta huấn luyện Trung đoàn Tên lửa phòng không 238, 285, 263. Các chuyên gia về lĩnh vực ra-đa còn giúp bộ đội tên lửa Việt Nam nghiên cứu, đưa ra những biện pháp nâng cao hiệu quả tác chiến của tên lửa trong điều kiện địch sử dụng các biện pháp gây nhiễu mới. Được sự giúp đỡ tận tình của các chuyên gia Liên Xô, bộ đội tên lửa Việt Nam nhanh chóng làm chủ vũ khí, khí tài phòng không hiện đại. Tên lửa SAM-2 nhanh chóng được đưa vào chiến đấu đạt hiệu quả cao. Bộ đội tên lửa với vũ khí SAM-2 đã trở thành một trong những lực lượng nòng cốt bảo vệ bầu trời miền Bắc. Ngay trong trận đầu ra quân (ngày 24/7/1965), tiểu đoàn 63 và 64 thuộc Trung đoàn tên lửa phòng không 236 đã phóng hai quả đạn bắn rơi tại chỗ một máy bay F.4C.

Tên lửa SAM-2 của tiểu đoàn 77 (Trung đoàn Tên lửa 257) cơ động chiếm lĩnh trận địa

Kể từ đó trong hai cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc bằng không quân của đế quốc Mỹ (từ 1965-1968 và năm 1972), các đơn vị tên lửa SAM-2 của ta đã đánh tổng cộng hơn 3500 trận (trong đó có 588 trận đánh đêm), phóng hơn 5.800 quả đạn, bắn rơi 788 máy bay Mỹ (có 366 rơi tại chỗ), trong đó có 43 máy bay B.52. Một yếu tố quan trọng nữa góp phần giúp bộ đội tên lửa bắn rơi máy bay B.52 là chúng ta đã tìm ra phương pháp để “hóa giải” hệ thống máy gây nhiễu của máy bay B.52 và các máy bay hộ tống (riêng máy bay B.52 trang bị 15 máy gây nhiễu) nhằm che mắt ra- đa phát hiện mục tiêu. Theo như lời chia sẻ của Trung tướng Nguyễn Văn Phiệt (Anh hùng LLVTND, nguyên tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn tên lửa 57- Trung đoàn Cổ Loa 261- Nguyên Phó tư lệnh chính trị Binh chủng Phòng không- Không quân) “Đã nhiễu, khoảng cách giữa các máy bay lại xa thành thử tên lửa cứ bắn lên trời là đi lọt vào giữa hai máy bay. Điển hình là ngày 18/12/1972, phát hiện máy bay địch, chúng tôi bắn 11 quả đạn mà không quả nào trúng mục tiêu…” nhưng sau này với cách đánh mới “Chỉ đánh vào 1/3 dải nhiễu là trúng đích; còn bay từng tốp thì cứ bám vào 1 chiếc và áp dụng cách đánh đó là “ăn” và “đã bắt được nó đi như con nhộng trên màn hình thì bắn quả nào trúng quả ý”. Để bắt được B.52, lực lượng phòng không cũng phải nâng công suất cho 3 loại máy phát và 6 loại máy thu.

Pháo đài bay B.52 và khối vũ khí được mang theo.

Với sức mạnh cùng với các giải pháp tối ưu nhằm bắn rơi B.52, trong 12 ngày đêm cuối tháng 12/1972 các đơn vị tên lửa SAM-2 bảo vệ Hà Nội, Hải Phòng và một số tỉnh phía Bắc đã phóng 334 quả đạn tên lửa, bắn rơi 29 máy bay B.52 trên tổng số 34 chiếc bị tiêu diệt, đạt hiệu suất trên 85%( bộ đội Không quân bắn rơi 2 chiếc, bộ đội pháo phòng không 100mm bắn rơi 3 chiếc). Trong “quán quân” về thành tích bắn rơi B.52 có Trung đoàn tên lửa 261 với thành tích hạ gục 12 chiếc (7 chiếc rơi tại chỗ). Tuy nhiên, quán quân bắn hạ B.52 rơi tại chỗ lại thuộc về Trung đoàn tên lửa 257 với thành tích 11 lần hạ gục B.52 (có 8 chiếc rơi tại chỗ). Ở cấp tiểu đoàn thì Tiểu đoàn 77 (Trung đoàn 257) và Tiểu đoàn 57 (Trung đoàn 261) cùng chia sẻ vị trí “quán quân”: Cùng bắn rơi 4 chiếc B.52, trong đó cùng bắn rơi tại chỗ 3 chiếc. Nhận định về thành tích này, một tờ báo nước ngoài (tờ Dailly Mirro - Tấm gương Chủ nhật, ngày 24/12/1972) nhận xét: “… Với mức độ B.52 rơi như hiện nay thì hơn 200 ngày nữa là miền Bắc Việt Nam sẽ bắn rơi hết”.

Siêu pháo đài bay B.52 bị bắn rơi xuống hồ Hữu Tiệp, làng hoa Ngọc Hà đêm 27-12-1972

Các thông số kỹ thuật của SAM-2:

- Hệ thống tên lửa đất đối không: S75 ( SAM-2) DVINA

- Dài: 10,6m

- Trọng lượng: 2.287 kg

- Độ cao bắn: 27 km

- Tốc độ bay đạt Mach 3

Tên lửa SAM-2 của bộ đội Phòng không- Không quân Việt Nam luôn sẵn sàng chiến đấu

Một tiểu đoàn S75 DVINA gồm: Đài Radar điều khiển hỏa lực SNR 75 và 6 bệ phóng tên lửa cùng các thành phần hỗ trợ khác. SNR có cự ly hoạt động 60-120 km, theo dõi đồng thời 6 mục tiêu cùng một lúc.

Hoàng Ngọc Chính- Chu Văn Lộc (Tổng hợp)

baotanglichsuquocgia

Chia sẻ:

Bài nổi bật

Đồng chí Xuân Thủy với báo Suối Reo và báo Cứu Quốc

Đồng chí Xuân Thủy với báo Suối Reo và báo Cứu Quốc

  • 18/06/2019 10:06
  • 5807

* Làm báo Suối Reo trong nhà tù Sơn La

Bài viết khác

40 năm nhìn lại chiến thắng “ Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”. Kỳ II: Trận quyết chiến chiến lược, làm nên chiến thắng “Hà Nội – Điện Biên Phủ trên không” cuối tháng 12/1972.

  • 19/12/2012 11:18
  • 3353

Ngày 10/12/1972 Ních Xơn phê chuẩn Kế hoạch mở cuộc tập kích bằng không quân vào Hà Nội, Hải Phòng và một số thành phố, thị xã miền Bắc Việt Nam với “con Át chủ bài B.52”, kế hoạch mang tên Liner Baker II.