Thứ Năm, 12/06/2025
  • Tiếng Việt
  • English
  • French

Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

Vietnam National Museum of History

19/12/2012 11:02 4367
Điểm: 0/5 (0 đánh giá)
“Sống chết với Thủ đô”, “Hà Nội, Stalingrát của Việt Nam”- Đây là những khẩu hiệu được chiến sĩ ta tự tay viết lên vách chiến lũy, vách tường thể hiện sức mạnh của người Hà Nội trong 60 ngày đêm chiến đấu giữa lòng Thủ đô.

“Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, không chịu làm nô lệ… Ai có súng dùng súng, ai có gươm dùng gươm, không có gươm thì dùng cuốc, thuổng, gậy gộc, ai cũng phải ra sức chống thực dân Pháp cứu nước”. Ngày 19/12/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra lời kêu gọi cả nước kháng chiến. Quyết định lịch sử này được truyền đạt tới Khu ủy Khu XI (tháng 11/1946, TƯ Đảng chia cả nước thành 12 chiến khu, Hà Nội là chiến khu thứ XI). Đúng 20h30’ ngày 19/12, nhà máy điện Yên Phụ ngừng hoạt động, đèn trong thành phố đồng loạt phụt tắt. Từ các pháo đài Láng, Xuân Tảo, Xuân Canh, pháo binh ta nã đạn vào những nơi giặc Pháp đóng quân trong thành Hoàng Diệu, cùng một lúc các đơn vị phối thuộc của công an, tự vệ đồng loạt tấn công các vị trí địch đóng quân trong thành phố.

Chiến sĩ cảm tử quân với bom ba càng tại mặt trận Hà Nội năm 1946

Tại Hà Nội, lực lượng ta có 5 tiểu đoàn Vệ quốc đoàn (101,77,212,145 và 523), 1 đại đội cảnh vệ cảnh vệ, 4 trung đội pháo, 300 tự vệ chiến đấu, 8.500 tự vệ thành…phía Pháp có 6.500 quân gồm một trung đoàn bộ binh, một trung đoàn tăng - thiết giáp, một tiểu đoàn pháo, một số đơn vị biệt kích, lính dù, không quân. Ngoài ra có 7000 kiều dân Pháp, trong đó nhiều người được trang bị vũ khí và tham gia chiến đấu. Mặt trận Hà Nội được tổ chức thành trung tâm đề kháng ở Liên khu 1 (Bắc và trung tâm thành phố); lực lượng thuộc Liên khu 2 và 3 (Tây và Nam thành phố) giãn ra các cửa ô, tạo thế trong ngoài cùng đánh (ta có khoảng 20.000 du kích ở ngoại thành). Ta vừa đánh vừa phát triển lực lượng. Tiểu đoàn 101 phát triển thành Trung đoàn Thủ đô, các tiểu đoàn 77, 145, 523 thành Trung đoàn Thăng Long.

Nhân dân Hà Nội xây dựng chiến lũy tại phố Mai Hắc Đế,12-1946

Trong 60 ngày đêm (từ 19/12/1946 đến 17/2/1947), quân và dân Hà Nội với tinh thần “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh” đã chiến đấu giành giật với địch từng mái nhà, góc phố với nhiều trận đánh đã đi vào lịch sử như:

-Trận Bắc Bộ Phủ (19-20/1946) của một đại đội thuộc tiểu đoàn 101 đánh trả 300 quân Pháp có xe tăng, thiết giáp yểm trợ, ta gây tổn thất lớn cho địch: 150 tên chết, bị thương, phá hủy 4 xe tăng, thiết giáp. Tấm gương hy sinh của chính trị viên Lê Giản Định sống mãi.

Pháo đài Láng, nơi bắn phát đạn đầu tiên vào thành Hà Nội, mở đầu ngày toàn quốc kháng chiến, 19-12-1946

-Trận nhà Sô- va (6/2/1947) của một đại đội thuộc Trung đoàn Thủ đô tại trụ sở công ty vận tải thủy Sô- va (phố Trần Quang Khải hiện nay) chống lại một đại đội Lê dương Pháp có xe tăng, thiết giáp. Ta loại khỏi vòng chiến đấu 40 tên địch, bắn cháy 1 xe tăng, 1 thiết giáp.

Quân và dân Hà Nội chiến đấu giành giật với địch từng mái nhà, góc phố, 12-1946

-Trận chợ Đồng Xuân (14/2/1947) của tiểu đoàn 101 Trung đoàn Thủ đô với 1 tiểu đoàn lính Lê dương, loại khỏi vòng chiến đấu 200 tên địch, bắn cháy 5 xe tăng. Đây là trận đánh lớn nhất ở Liên khu 1, giúp bộ đội ta rút ra nhiều bài học về phòng ngự ở đô thị.

Quân và dân Hà Nội chiến đấu giành giật với địch từng mái nhà, góc phố, 12-1946

Tổng cộng trong hai tháng, quân và dân Hà Nội đã tiêu diệt trên 2000 tên địch, phá hủy 53 xe quân sự trong đó có 22 xe tăng và xe thiết giáp, bắn rơi 7 máy bay, bắn cháy 2 ca nô… hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trên giao, đánh bại âm mưu tiêu diệt cơ quan đầu não, đánh chiếm, làm chủ thành phố trong 24 giờ của thực dân Pháp. Ngày 15/2/1947, cấp trên chỉ thị cho các lực lượng chiến đấu tại Liên khu 1 được rút khỏi Hà Nội ra ngoài hậu phương, chuẩn bị những bước mới cho cuộc kháng chiến lâu dài với giặc Pháp. Đêm 17/2/1947, lực lượng của Trung đoàn Thủ đô cùng với đồng bào Liên khu 1 lặng lẽ vượt sông Hồng, sông Đuống, bí mật vượt qua vòng vây dày đặc của địch ra vùng tự do an toàn.

Chuẩn bị chiến đấu tại chợ Đồng Xuân, 2-1947

Mặt trận Hà Nội từ đêm 19/12/1946 cho đến cuộc rút lui an toàn là cuộc chiến đấu mang ý nghĩa chiến lược, giáng mạnh vào đạo quân xâm lược, dạy cho chúng bài học về lòng quả cảm Việt Nam, về sức mạnh vô địch của trận địa lòng dân Hà Nội, mở đầu cho chiến thắng thực dân Pháp của quân và dân ta sau này.

Hoàng Ngọc Chính – Chu Văn Lộc (Tổng hợp)

baotanglichsuquocgia

Chia sẻ:

Bài nổi bật

Đồng chí Xuân Thủy với báo Suối Reo và báo Cứu Quốc

Đồng chí Xuân Thủy với báo Suối Reo và báo Cứu Quốc

  • 18/06/2019 10:06
  • 5807

* Làm báo Suối Reo trong nhà tù Sơn La

Bài viết khác

40 năm nhìn lại chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”

40 năm nhìn lại chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”

  • 13/12/2012 21:51
  • 4160

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước vĩ đại của dân tộc, cùng với những thắng lợi to lớn của đồng bào và chiến sỹ ta trên chiến trường miền Nam, quân và dân miền Bắc đã vượt qua mọi khó khăn, gian khổ làm tốt nhiệm vụ hậu phương lớn của cả nước, đồng thời đánh bại hai cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân của đế quốc Mỹ