Thứ Năm, 12/06/2025
  • Tiếng Việt
  • English
  • French

Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

Vietnam National Museum of History

13/12/2012 21:51 4160
Điểm: 0/5 (0 đánh giá)
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước vĩ đại của dân tộc, cùng với những thắng lợi to lớn của đồng bào và chiến sỹ ta trên chiến trường miền Nam, quân và dân miền Bắc đã vượt qua mọi khó khăn, gian khổ làm tốt nhiệm vụ hậu phương lớn của cả nước, đồng thời đánh bại hai cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân của đế quốc Mỹ

Trong đó, đỉnh cao là đánh bại cuộc tập kích đường không chiến lược chủ yếu bằng máy bay B52 tháng 12 năm 1972, làm nên kỳ tích “Hà Nội – Điện Biên Phủ trên không”, buộc chính phủ Mỹ phải ký hiệp định Pari, chấm dứt chiến tranh lập lại hòa bình ở Việt Nam, góp phần tiến tới giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất tổ quốc.

Năm 1954, chiến thắng Điện Biên Phủ đã buộc thực dân Pháp ký hiệp định Giơnevơ, chấm dứt cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam. Từ đó, nước ta tạm thời chia cắt thành hai miền, miền Bắc tiến lên xây dựng CNXH, miền Nam tiếp tục cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân giải phóng miền nađm thống nhất đất nước. Với bản chất hiếu chiến, xâm lược và phản động, đế quốc Mỹ đã thay chân thực dân Pháp thực hiện âm mưu chia cắt lâu dài đất nước ta, biến miền Nam thành thuộc địa kiểu mới và căn cứ quân sự để đánh phá miền Bắc, chống chủ nghĩa xã hội và phong trào giải phóng dân tộc trên thế giới. Chiến lược “chiến tranh đặc biệt”của Mỹ và chính quyền Sài Gòn đứng trước nguy cơ bị phá sản hoàn toàn. Đầu năm 1965, đế quốc Mỹ chuyển sang chiến lược “chiến tranh cục bộ”, đưa quân Mỹ vào miền Nam Việt Nam và sử dụng không quân và hải quân đánh phá miền Bắc Việt Nam lần thứ nhất. Bị thất bại trên cả hai miền Nam – Bắc, ngày 1/11/1968, tổng thống Mỹ Giôn xơn tuyên bố chấm dứt ném bom - kết thúc cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc lần thứ nhất, đồng thời chuyển sang thực hiện chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh”

Lưới lửa phòng không tầm thấp bảo vệ bầu trời hà Nội 1972

Đầu năm 1972, cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta bước vào giai đoạn quyết định . Trên cả ba lĩnh vực: quân sự, chính trị, ngoại giao ta đều giành thắng lợi to lớn. Chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” của đế quốc Mỹ có nguy cơ sụp đổ hoàn toàn. Để cứu vãn tình thế, ngày 6/4/1972, tổng thống Mỹ Ních xơn vội vã ra lệnh tiến hành cuộc chiến tranh phá hoại lần thứ hai đối với miền Bắc với quy mô lớn hơn, tính chất ác liệt hơn nhiều so với cuộc chiến tranh phá hoại lần thứ nhất. Mỹ sử dụng máy bay chiến lược B52 đánh phá các tỉnh: Quảng Bình, Nghệ An, Thanh Hóa... Quân và dân ta đã chiến đấu kiên cường, dũng cảm, đánh bại các cuộc tập kích đường không của địch. Thắng lợi này làm cho cục diện chiến tranh chuyển hướng có lợi cho ta, trong khi Mỹ không đạt được mục tiêu đề ra của cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc lần thứ hai. Chiến tranh càng kéo dài, càng khoét sâu thêm những mâu thuẫn nội bộ và khó khăn về kinh tế, chính trị, xã hội của nước Mỹ. Cuộc bầu cử tổng thống Mỹ đang đến gần, sức ép của cử tri, của phong trào phản đối chiến tranh xâm lược Việt Nam và các lực lượng chính trị ở Mỹ tác động mạnh mẽ đến tổng thống Nich xơn. Hội nghị đàm phán bốn bên tại Pari kéo dài 4 năm mà Mỹ vẫn chưa tìm được lối thoát. Đến đầu tháng 10 năm 1972, ta đưa ra dự thảo Hiệp định “Về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam”; Mỹ buộc phải chấp nhận dự thảo này. Sau khi Ních xơn tái đắc cử tổng thống nhiệm kỳ hai, đế quốc Mỹ đã trắng trợn lật lọng, xóa bỏ bản dự thảo hiệp định đã thỏa thuận với ta, đòi ta phải sửa 126 điểm mà trước đó phía Mỹ đã hoàn toàn nhất trí. Kít xinh giơ tuyên bố ngừng đàm phán vô thời hạn với ta. Ngày 17/12/1972, tổng thống Ních xơn chính thức ra lệnh tiến hành cuộc tập kích đường không chiến lược vào miền Bắc nước ta với tên gọi Chiến dịch “Lai nơ bếch cơ II”. Đế quốc Mỹ tiến hành cuộc tập kích đường không chiến lược bằng B52 nhằm gây sức ép buộc ta phải chấp nhận ký hiệp định Pari theo các điều khoản sửa đổi của chúng; đánh phá, hủy diệt tiềm lực kinh tế - quốc phòng của miền Bắc, hạn chế sự chi viện cho cách mạng miền Nam; làm tê liệt ý chí chiến đấu, quyết chiến, quyết thắng của dân tộc ta; đe đọa phong trào đấu tranh của nhân dân thế giới. Thực hiện âm mưu này, đế quốc Mỹ đã huy động số lượng lớn máy bay, tàu chiến và các loại vũ khí vào chiến dịch. Trong đó máy bay chiến lược B52 là 193/400 chiếc hiện có của quân đội Mỹ; máy bay không quân chiến thuật: 1.077/ trên tổng số 3.043 chiếc (có biên đội máy bay F111 khoảng 50 chiếc); tàu sân bay: 6/24 chiếc; hơn 50 máy bay tiếp dầu trên không và một số loại máy bay phục vụ khác như: máy bay gây nhiễu từ xa, máy bay trinh sát chiến lược, chiến thuật, máy bay chỉ huy, liên lạc, dẫn đường, cấp cứu; cùng 60 tàu chiến các loại của Hạm đội 7 ở Thái Bình Dương. Máy bay chiến lược B.52, còn được gọi là “Siêu pháo đài bay B.52”, là máy bay chiến đấu hiện đại nhất của không lực Hoa Kỳ vào thời điểm đó, có trọng tải 18- 30 tấn, có thể mang 12 – 20 quả tên lửa hành trình ALEM hoặc 8 tên lửa hành trình (tàng hình) ACM, 4 pháo 20mm hoặc 1 pháo 20mm6 nòng (gấp 10 lần so với máy bay cường kích); bay ở độ cao tối đa 16.765m, thông thường 10.000 – 13.000m; tầm bay xa 12.000 – 16.000km; có thể bay liên tục 9 giờ không cần tiếp dầu. Cuộc tập kích đường không chiến lược của đế quốc Mỹ vào miền Bắc nước ta cuối tháng 12 năm 1972 là một cuộc ném bom hủy diệt vô cùng man rợ. Trong 12 ngày đêm, đế quốc Mỹ đã sử dụng 663 lần/chiếc B.52 và 3.920 lần/ chiếc máy bay chiến thuật ném xuống Hà Nội, Hải Phòng và khu vực lân cận hơn 100.000 tấn bom. Riêng ở Hà Nội, địch sử dụng 441 lần/chiếc B.52 cùng nhiều máy bay chiến thuật ném hàng ngàn tấn bom xuống các khu phố, sân bay, nhà ga, bệnh viện, trường học... Chúng đã hủy diệt nhiều phố xá, làng mạc, phá sập 5.480 ngôi nhà trong đó có gần 100 nhà máy, xí nghiệp, trường học, bệnh viện, nhà ga, giết chết 2.368 người dân thường.

Máy bay B52 bị bắn rơi trên đường Hoàng Hoa Thám - Hà Nội, 1972

Trước cuộc tập kích bằng không quân của Mỹ vào miền Bắc nước ta cuối tháng 12 năm 1972, ngay từ năm 1962, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dự báo tình hình và chỉ đạo Bộ tư lệnh Phòng không phải thường xuyên theo dõi chặt chẽ, nghiên cứu về nguyên lý hoạt động và cách đánh Máy bay B52. Sau “sự kiện Vịnh Bắc Bộ” tháng 8/1964, Người khẳng định: “Nhân dân ta rất yêu chuộng hòa bình nhưng nếu đế quốc Mỹ và tay sai xâm phạm đến miền Bắc nước ta thì toàn dân ta nhất định sẽ đánh bại chúng”. Ngày 18/6/1965, lần đầu tiên đế quốc Mỹ đưa máy bay B52 ném bom rải thảm khu vực khu vực Bến Cát (Tây Bắc Sài Gòn) và một số căn cứ của ta ở miền Nam. Ngày 12/4/1966 chúng tiếp tục sử dụng B.52 đánh ra khu vực Đèo Mụ Giạ (Quảng Bình). Chủ tịch Hồ Chí Minh và Quân ủy Trung ương, Bộ Tổng tư lệnh đã chỉ thị Quân chủng Phòng không không quân phải tìm cách đánh cho được máy bay B.52. Đầu năm 1968, Bác Hồ triệu tập đồng chí Phùng Thế Tài - Phó tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam và đồng chí Đặng Tính - Chính ủy kiêm Tư lệnh Quân chủng Phòng không - Không quân. Sau khi nghe báo cáo tình hình, Bác nhận định rằng: “Sớm muộn rồi đế quốc Mỹ cũng sẽ đưa B.52 ra đánh Hà Nội rồi có thua nó mới chịu thua. Phải dự kiến trước tình huống này càng sớm càng tốt, để có thời gian mà suy nghĩ, chuẩn bị. Nhớ là trước khi thua ở Triều Tiên, đế quốc Mỹ đã hủy diệt Bình Nhưỡng. Ở Việt Nam, Mỹ sẽ nhất định thua, nhưng nó chỉ thua sau khi thua trên bầu trời Hà Nội”. Nhận rõ bản chất ngoan cố, lật lọng của đế quốc Mỹ, ngay từ cuối tháng 10/1972, Trung ương Đảng đã chỉ đạo quân và dân miền Bắc, đặc biệt là các lực lượng vũ trang, đề cao cảnh giác, sẵn sàng chiến đấu. Cuối tháng 11/1972, trong cuộc họp của Quân ủy Trung ương, Đại tướng Võ Nguyên Giáp khẳng định: Thủ đô Hà Nội được xác định sẽ là mục tiêu đánh phá quan trọng trong âm mưu đánh phá ra miền Bắc của đế quốc Mỹ. Hà Nội là linh hồn của cuộc kháng chiến, chúng muốn hủy diệt Hà Nội nhằm gây sức ép cuối cùng buộc ta phải nhân nhượng. Vì vậy chúng ta phải kiên quyết đánh thắng chúng trên bầu trời Thủ đô. Đầu tháng 12/1972 sau khi nghe báo cáo của Bộ Tư lệnh Phòng không – Không quân về Kế hoạch đánh B.52, Đồng chí Lê Duẩn – Tổng Bí thư Ban chấp hành Trung ương Đảng nhấn mạnh: Để gây sức ép với ta, trước sau Mỹ cũng sẽ đưa B.52 ném bom Hà Nội, quân dân ta, mà nòng cốt là Quân chủng Phòng không- Không quân,phải kiên quyết làm thất bại âm mưu của chúng”. Thực hiện các chỉ thị và kế hoạch trên, Hà Nội cùng các địa phương miền Bắc đã huy động lực lượng trong thế trận chiến tranh nhân dân rộng khắp, xây dựng lực lượng phòng không ba thứ quân vững mạnh phù hợp với tình hình mới, tổ chức tập huấn, diễn tập khẩn trương, lấy Quân chủng Phòng không – Không quân làm nòng cốt, tất cả được đặt trong trạng thái sẵn sàng chiến đấu.

Ngày 15/3/1967, máy bay B.52 xuất hiện ở Vĩnh Linh, lần đầu tiên Trung đoàn Tên lửa 238 tổ chức trận đánh tập trung tiêu diệt B.52 nhưng không thành. Đến ngày 17/9/1967, sau một thời gian dày công nghiên cứu, kíp chiến đấu thuộc Tiểu đoàn 84 – Trung đoàn 238 đã bắn rơi chiếc “Siêu pháo đài bay – B.52” đầu tiên của đế quốc Mỹ trên bầu trời Việt Nam. Chiến công này có ý nghĩa vô cùng quan trọng, khẳng định khả năng đánh thắng, củng cố lòng tin và tinh thần quyết chiến, quyết thắng của quân và dân ta. Với sự chủ động về chiến lược, chiến dịch và sự chuẩn bị chu đáo về mọi mặt cùng đường lối chiến tranh nhân dân đúng đắn tạo thành sức mạnh tổng hợp với các lực lượng chủ yếu là Bộ đội Rada, Bộ đội Tên lửa Phòng không, Bộ đội Pháo phòng không, Bộ đội Không quân tiêm kích, lực lượng Phòng không của Bộ đội địa phương, công an nhân dân và dân quân tự vệ trong các nhà máy, xí nghiệp... Các lực lượng được huy động tối đa tham gia giúp đỡ nhân dân sơ tán, giữ gìn, đảm bảo an ninh, san lấp, sửa chữa sân bay, làm trận địa Tên lửa, cao xạ pháo, ra đa, ngụy trang cất giữ và vận chuyển cung cấp vũ khí, khí tài, báo động địch tấn công, tuyên truyền chiến thắng, động viên, khích lệ kịp thời cán bộ chiến sỹ và các lực lượng tham gia bảo vệ bầu trời.

Ths. Nguyễn Thị Hữu (tổng hợp)

Kỳ II: Trận quyết chiến chiến lược, làm nên chiến thắng “Hà Nội – Điện Biên Phủ trên không” cuối tháng 12/1972.

baotanglichsuquocgia

Chia sẻ:

Bài nổi bật

Đồng chí Xuân Thủy với báo Suối Reo và báo Cứu Quốc

Đồng chí Xuân Thủy với báo Suối Reo và báo Cứu Quốc

  • 18/06/2019 10:06
  • 5807

* Làm báo Suối Reo trong nhà tù Sơn La

Bài viết khác

Kỷ niệm 72 năm khởi nghĩa Nam Kỳ (23/11/1940-23/11/2012): Trường bắn Ngã Ba Giồng – Khúc tráng ca của những người anh hùng bất tử.

Kỷ niệm 72 năm khởi nghĩa Nam Kỳ (23/11/1940-23/11/2012): Trường bắn Ngã Ba Giồng – Khúc tráng ca của những người anh hùng bất tử.

  • 22/11/2012 17:05
  • 6931

Ngã Ba Giồng là một khu đất gò có diện tích hơn 10ha ở làng Xuân Thới Tây, nay là xã Xuân Thới Thượng, huyện Hóc Môn, T/p Hồ Chí Minh.