Tinh thần vươn lên đỉnh cao nhất tri thức của nhân loại, không phải ngày nay người Việt mới có. Từ cả ngàn năm trước, thời mà đất nước đang nằm dưới ách đô hộ của phong kiến phương Bắc, đã có những thanh niên Việt Nam thông minh, học giỏi, được sang tận Trung Quốc thi tài và đạt những học vị rất cao, tiếng thơm còn lưu sử sách đến tận hôm nay.
Ngôi đền thờ Trạng nguyên
Ngày nay về thôn Cẩm Cầu, xã Định Thành huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa vẫn còn một ngôi đền, phía ngoài để ba chữ Hán lớn: “Trạng nguyên từ” (đền thờ Trạng nguyên) với 2 tấm bia đá liên quan đến sự tích của đền. Một tấm bia dựng ngày 1 tháng 9 năm Canh Thân, triều Tự Đức (1860), do Đốc học Thanh Hóa cử nhân Nguyễn Công Ban soạn thảo và Tri huyện An Định, cử nhân Mai Quang Nhuận viết chữ.
 |
Đền thờ Trạng nguyên Khương Công Phụ |
Văn bia cho chúng ta biết, ngôi đền thờ vị tướng công họ Khương sống ở thế kỉ thứ 8, thời nước ta còn dưới ách đô hộ của nhà Đường bên Trung Quốc. Đền dựng dưới triều Cảnh Hưng đầu thế kỉ 18, sau đó bị cháy, nên mới được trùng tu lại vào thời Nguyễn. Tấm bia thứ 2 ghi tên những người tiến cúng, trong số đó phần nhiều là các nhà khoa bảng đương thời như Tri phủ Phạm Tư, đỗ cử nhân khoa Quý Mão triều Thiệu Trị (1843), Tri huyện Bùi Văn Huấn đỗ cử nhân năm Nhâm Tý, triều Tự Đức (1852)…
Đến nay đền chỉ còn giữ được hai đạo sắc vua phong. Một đạo đề ngày 13 tháng 2 năm thứ 3 đời Tự Đức (1850). Nội dung viết về việc phong thần cho nhân vật chính thờ trong đền là Khương Công Phụ và một đạo đề ngày 25 tháng 7 năm Khải Định thứ 9 (1924), phong cho Khương Công Phục, là em ruột của ông Phụ. Đây là 2 nhân vật lịch sử của Việt Nam, mà sử sách nước ta và Trung Quốc đều ghi chép.
Người Việt mà đỗ đầu kỳ thi tiến sĩ của Trung Quốc
Thuở đó, vùng đất này gọi là Sơn Ôi, thuộc Quận Cửu Chân, nơi đóng lỵ sở của bọn thống trị Trung Quốc. Bởi thế, chúng đã mở trường ở đây cho con cái học. Bấy giờ ông Khương Công Đĩnh, một gia đình người Việt trong vùng, cũng cho 2 con - Khương Công Phụ và Khương Công Phục đến học. Cả hai học rất giỏi, vượt lên trên bọn học trò người Tàu. Qua kỳ khảo hạch, anh em nhà họ Khương đã được chọn trong số 8 sĩ tử đất An Nam sang kinh đô Tràng An - Trung Quốc để dự kì thi đại khoa.
Khoa thi tiến sĩ này mở dưới thời Đường Đức Tông, niên hiệu Kiến Trung (780-783). Số sĩ tử của Trung Quốc và những nước chư hầu đông tới mấy ngàn. Trong đó có hai anh em họ Khương người Việt cùng chen vai thích cánh đua tài. Kết quả là cả hai đều đỗ đại khoa. Đặc biệt người anh Khương Công Phụ được xếp thứ nhất trong bảng vàng tiến sĩ. Vì thế người đời sau mới gọi ông là trạng nguyên. Vua Đường giữ ông Phụ lại Trung Quốc, bổ làm quan trong triều. Lúc đầu giữ chức Hiệu thư lang, coi việc thảo giấy tờ sổ sách. Sau thăng lên chức Gián nghị đại phu, có quyền can gián vua, rồi lên chức Tể phụ đứng đầu triều đình.
Sự kiện một người Việt Nam, đất nước bị đô hộ đỗ đầu kỳ thi tiến sĩ của Trung Quốc, lại còn được cử giữ chức vụ cao nhất trong bộ máy nhà nước phong kiến Trung Quốc bấy giờ, là một hiện tượng hết sức đặc biệt. Ngày nay đến thăm ngôi đền thờ “Trạng nguyên” sẽ thấy có mấy câu đối ca ngợi Khương Công Phụ, nội dung rất thâm thúy:
“Quế hải nhân văn vân phiến ngọc. Phấn hương tướng chỉ bút song phong.” (Dịch là: “Biển quế (chỉ nước ta) văn chương sáng ngời như phiến ngọc. Quê tướng công có hai ngọn bút chỉ lên trời”).
Câu đối này gợi nhớ bài phú của tiến sĩ họ Khương có tiêu đề “Bạch vân chiếu xuân hải” (Mây trắng rọi xuống biển xuân) rất nổi tiếng, hiện còn chép trong các sách Trung Quốc và Việt Nam được nhiều thế hệ đánh giá là một tuyệt tác. Câu đối cũng mô ta quê hương ông - thôn Cẩm Cầu, xã Định Thành có ngọn núi Sơn và ngọn núi Chúa mọc cao vút lên tựa hai chiếc bút lông, tượng trưng cho vùng đất sinh thành người tài.
Một nho gia Trung Quốc là Hứa Thiện Thắng, đầu thế kỷ 14 đã đánh giá cao về Khương Công Phụ như sau: “Khương Công Phụ sinh tại đất Việt mà làm quan ở đời Đường, đậu cao tài giỏi, là một nhân vật xuất sắc nhất trong các hiền sĩ đời ấy (Lê Tắc – An Nam chí lược – NXB Thuận Hóa 2001, tr 41).
Một câu đối nữa của cử nhân Đốc học Miễn Am Lê Văn Thạc (1782-1876), người xứ Thanh có nội dung như sau: “Phong vũ dĩ tồi công chúa tháp. Hải vân trường chiếu trạng nguyên từ” (dịch là: “Tháp công chúa gió mưa chốc đổ. Đền trạng nguyên mây trắng mãi soi.”
Dựa và các sự kiện được sử sách Trung Quốc ghi chép, tác giả câu đối trên đã nêu bật nét tính cách đặc trưng của Khương Công Phụ là tài cao và đức trọng. Chuyện kể, thời đó dưới đời Đường Đức Tông, nước Trung Hoa có nội loạn. Vua Đường phải bỏ cung thành trốn tránh. Trên đường lánh nạn người con đầu lòng của vua là công chúa Đường An bị bệnh mất. Vua liền ra lệnh xuất tiền bạc xây ngay mộ tháp nguy nga đồ sộ, chi phí rất tốn kém. Với tư cách người gián nghị đại phu, có trách nhiệm khuyên can vua, Khương Công Phụ đã tâu vua nên tiết kiệm vì đang chạy loạn, đợi khi trở lại kinh rồi hẵng xây cất lớn vẫn chưa muộn. Vua Đường không nghe, nổi giận, lại chỉ trích những điều Khương Công Phụ tâu trình trước đó về việc dùng người, rồi biếm chức và đầy ông ra vùng Tuyền Châu tỉnh Phúc Kiến bây giờ và ông đã mất ở đó.
Tháp mộ công chúa thì đã đổ nát, còn tấm gương trung thực, cương nghị, biết bảo vệ lẽ phải không sợ thế lực cường quyền của Khương Công Phụ và thực tài của ông thể hiện trong bài phú “Mây trắng rọi biển xanh” vẫn tồn tại mãi, đã chinh phục các nho sĩ nước ta trong suốt nhiều thời đại. Đó cũng là phẩm chất của kẻ sĩ Việt Nam được xã hội đề cao.
Một thày giáo mẫu mực cũng quê hương xứ Thanh, đỗ cử nhân, từng giữ chức Đốc học là Nhữ Bá Sĩ (1788-1867) đã sáng tác bài thơ về Khương Công Phụ như sau:
Nguyên văn chứ Hán nôm dịch là:
“Người giỏi trời cao mở cõi Giao
Ái Châu kỳ tú xứng nho hào
Đứng đầu Nam Hải công khai phá
Tung cánh Trung Hoa thỏa chí cao.
Trực gián gác vàng ghi tiết mạnh.
Hùng văn mây trắng biển xuân cao
Lời can sớm biết người khôn tỉnh
Sông Mã bèo xanh đủ chống sào”.
(Hồng Phi dịch)
Ngày nay, thời mở cửa, người Việt Nam ta đã xuất dương qua các nước Âu Mỹ để học tập. Nhiều người đã đỗ đạt, giành được các học vị cao trở về phục vụ cống hiến cho đất nước. Một số khác, do điều kiện cụ thể nào đó đã ở lại và bằng tài năng của mình có người đã được cử giữ các chức vụ trong bộ máy nhà nước của một số quốc gia tiên tiến trên thế giới. Có thể nói Khương Công Phụ là người Việt Nam tiên phong trong việc vươn ra "biển lớn" để so tài với nhân loại. Nhân cách và sự nghiệp của ông đáng để hậu thế chúng ta tự hào và suy ngẫm.
(Theo "Những chuyện lạ trong thi cử thời xưa ở VN", Quốc Chấn, NXB Thanh Hóa)