Là một trong số 7 bà vợ của vua Lê Thánh Tông và được chính sử khẳng định là con của Thái úy Nguyễn Đức Trung…, song dân gian vẫn lưu truyền rằng, bà hoàng Trường Lạc mới là con gái của Nguyễn Trãi.
Có thể nói, cuộc đời và số phận của bà hoàng Trường Lạc trong sự lưu truyền của dân gian hết sức bi thảm. Cha bà cùng với 3 họ bị giết oan, bà bị bắt làm nô tì từ năm 2 tuổi. Lớn lên bà được tuyển vào cung vua, được phong quý phi, hoàng hậu, rồi lại bị vua hắt hủi, giam nơi cung cấm. Bà được tấn phong hoàng thái hậu (mẹ vua), thái hoàng thái hậu (bà vua) và cuối cùng, lại bị chính cháu nội sai người giết chết.
Bà hoàng có số phận bi thảm
Sách Tang thương ngẫu lục của Phạm Đình Hổ và Nguyễn Án trong bài Vua Thánh Tông có đoạn: Khoảng đầu niên hiệu Thái Hòa (1443-1453), Tế văn hầu Nguyễn Trãi phải tội, có người con gái bị bắt vào quan, sung vào hàng nữ nhạc. Người con gái ấy tư sắc tuyệt đẹp, ở tuổi 17, 18 nhưng không biết nói, chỉ ngồi gõ phách.
Khi vua bước lên ngự tọa, người con gái bỗng cầm phách hát. Tiếng hát du dương, nỉ non: "Hẹn nhau từ thuở Thiên Đình - Lòng nào nỡ phụ tâm tình thế rủ...", khiến mọi người sửng sốt. Vua thấy vậy, gọi đến gần, trông dung nhan như nàng Ngọc Nữ mà Thái hậu mộng. Vua hỏi quê quán, cha mẹ, người con gái ứa nước mắt kể: "Nàng là con gái Tế Văn hầu Nguyễn Trãi. Vì nỗi nhà oan ức, luôn kìm giữ trong lòng, nói ra không được, đành phải làm câm cho khỏi chịu thêm oan khổ...". Lê Thánh Tôn nghe, cảm thương và cho dẫn cô gái đến chào Thái hậu, rồi kén vào cung, phong làm Trường Lạc Hoàng hậu (trong chính sử chép, Trường Lạc Hoàng hậu là con gái Thái úy Nguyễn Đức Trung, người Thanh Hóa).
 |
Chùa Huy Văn, nơi thờ bà hoàng Trường Lạc tại Hà Nội. Ảnh: ilovehanoi.vn |
Vốn tư sắc tuyệt đẹp, bà Trường Lạc được vua Thánh Tông yêu quý nhất trong số các cung nhân. Vua đã cho điều tra lại vụ án Lệ Chi Viên và xuống chiếu tẩy oan cho Nguyễn Trãi, bổ Anh Vũ, một người anh cùng cha với bà, làm tri huyện (1464). Tuy nhiên, mối tình đằm thắm với vua Thánh Tông không rõ kéo dài bao lâu, nhưng về sau, theo sử sách, bà bị ruồng bỏ, bạc đãi đến nỗi đem lòng thù ghét.
Lại nói chuyện sau khi vua Thánh Tông bằng hà, Hiến Tông (1497-1504), con bà hoàng Trường Lạc, lên nối ngôi. Hiến Tông chết, con thứ ba lên nối ngôi, lấy niên hiệu Túc Tông. Chưa đầy một năm, Túc Tông chết, không có con nối ngôi, bà muốn lập Lã Côi Vương, nhưng bị nội thần Nguyễn Nhữ Vi lập mưu đưa người con thứ hai của Hiến Tông lên làm vua (niên hiệu Uy Mục).
Ngày 22 tháng 3 năm Đoan Khánh thứ nhất (1505), vua Uy Mục sai người hầu ngầm giết Thái hậu Trường Lạc.
Nghi vấn lịch sử
Gia phả họ Nguyễn Nhị Khê cho biết, sau vụ án Lệ Chi Viên, gia quyến Nguyễn Trãi có một số người chạy thoát nạn “tru di tam tộc”. Đó là một người con của ông cùng hai bà vợ thứ tư và thứ năm, đang mang thai… Phải chăng đây chính là cơ sở để người ta cho rằng, chuyện bà hoàng Trường Lạc (huý là Hằng) là con gái của Nguyễn Trãi?
Nói về việc này, người xưa có những ghi chép không giống nhau, trong đó có tài liệu chỉ nhắc đến con trai Anh Vũ may mắn sống sót mà không cho biết Nguyễn Trãi có con gái sống sót. Tuy nhiên, sử gia Trần Huy Liệu (Nguyễn Trãi, Khoa Học, 1966) lại viết rằng: Thế rồi cả gia quyến Nguyễn Trãi bị bắt giam: con gái bị sung làm nô tỳ ở cung vua hay ở các nhà quan, con trai thì chờ ngày ra pháp trường chịu tội tử hình. Như vậy, giả thuyết con gái Nguyễn Trãi sống sót là có.
Mặt khác, chính sử chép rằng Thái hoàng thái hậu Trường Lạc mất năm 1505, thọ 65 tuổi. Theo cách tính tuổi thông thường, cô Hằng sinh năm 1441. Được hai tuổi (1442) thì mồ côi cha. Năm 1460 cô được tuyển vào cung, tuổi vừa tròn 20. Chi tiết này có vẻ khá trùng hợp với các tài liệu nói về Nguyễn Trãi. Tính từ năm ông bị giết (1442) đến năm cô Hằng được tuyển vào cung (1460) được 18 năm. Cô Hằng vào hầu vua Thánh Tông năm cô ít nhất cũng đã được 19 tuổi ta. Và năm Nguyễn Trãi bị giết, cô Hằng được 2 tuổi, Anh Vũ còn nằm trong bụng mẹ. Rất có thể bà Trường Lạc là chị ruột hay ít ra cũng là chị cùng cha khác mẹ của Anh Vũ.
Tiếp đó, tại sao chính sử nói bà Trường Lạc quê ở Gia Miêu (Thanh Hóa), song lại được vua Uy Mục cho làm điện Quang Mỹ ở phường Lệ Viên huyện Quảng Đức (Thăng Long, Hà Nội ngày nay) để thờ tiên tổ của bà. Phải chăng quê quán thực của bà là vùng Quảng Đức, chứ không phải Gia Miêu? Chúng ta cũng được biết rằng Nguyễn Trãi sinh ra tại gia đình nhà mẹ là dinh quan Tư đồ Trần Nguyên Đán ở Thăng Long. Đây là một điều trùng hợp ngẫu nhiên hay cố ý ? Hay là cha đẻ của bà không phải là Nguyễn Đức Trung mà chính là Nguyễn Trãi?
Một số sử gia đương đại cho rằng, việc Nguyễn Trãi có một người con gái sống sót nhưng chính sử lại chép Hoàng thái hậu Trường Lạc (hay Hoàng thái hậu họ Nguyễn) là con gái thứ hai của ông Nguyễn Đức Trung có thể lý giải do Thái úy là người tốt, ông nuôi cô nô tì từ nhỏ và nhận là con. Thêm vào đó là dù triều đình Thánh Tông có biết rõ gốc gác của bà quý phi hay bà hoàng hậu Trường Lạc, thì sử thần đương thời cũng khó mà có thể chép rằng chính triều đình của bố Thánh Tông đã giết oan ba họ nhà bố vợ của vua.