Mạc Mậu Hợp mưu giết bề tôi để cướp vợ; vua Hàm Nghi hai lần làm lễ lên ngôi; Giản Định Đế bị bắt làm Thái thượng hoàng... là những chuyện lạ của các vị vua Việt Nam kỳ này
Mạc Mậu Hợp mưu giết bề tôi để cướp vợ
Ở ngôi 30 năm (1562-1592), Mạc Mậu Hợp là người làm vua lâu nhất trong số các vua Mạc thời hưng thịnh. Tuy nhiên cũng chính ông vua này khiến cho cơ nghiệp của họ Mạc suy vong. Và một trong các nguyên nhân chính là thói hoang dâm hiếu sắc của ông.
Nếu như trong lịch sử Trung Quốc có không ít chuyện các hôn quân, bạo chúa cướp vợ của thần dân, con em hoàng tộc hoặc bề tôi của mình để thỏa mãn dục vọng thì lịch sử Việt Nam chỉ duy nhất có vua Mạc Mậu Hợp là dám làm chuyện như vậy. Ông đã lập kế định giết một danh tướng trong triều để cướp vợ khiến cho một bộ phận binh lực nhà Mạc đã theo viên tướng này về quy phục vua Lê làm cho thế lực của Mạc Mậu Hợp ngày càng suy yếu. Sự việc này xảy ra vào cuối năm Nhâm Thìn (1592). Sách Lê triều thông sử viết: “Vợ viên trấn thủ Nam đạo Sơn quận công Bùi Văn Khuê là Nguyễn Thị Niên, tức con gái Nguyễn Quyện. Chị gái của Thị Niên là hoàng hậu của Mậu Hợp vì thế Thị Niên thường được ra vào trong cung. Mậu Hợp thấy Thị Niên, đem lòng yêu mến bèn ngầm tính kế giết Văn Khuê để cướp vợ y”.
Khâm định Việt sử thông giám cương mục cho biết rõ hơn: “Chúa Mạc là Mậu Hợp ngày ngày say đắm tửu sắc. Nguyễn thị là con gái của Nguyễn Quyện và là vợ Bùi Văn Khuê, nhân có em gái là vợ của Mạc Mậu Hợp, nên thường ra vào trong cấm cung. Mậu Hợp ưng ý Nguyễn thị vì nàng có nhan sắc, nên muốn giết Văn Khuê để chiếm lấy nàng. Văn Khuê biết chuyện, bèn đem quân bản bộ tự ý rút về Gia Viễn, đóng binh một chỗ, không chịu vào chầu. Mậu Hợp sai quân đến bức bách để bắt Văn Khuê sai con trai là Văn Nguyên chạy vào Thanh Hoa, dâng lễ đầu hàng và xin cứu viện. Trịnh Tùng ưng nhận cho hàng và mừng rỡ nói: Văn Khuê đầu hàng, thế là trời giúp cho ta được chóng thành công. Đất đai bản triều có thể hẹn ngày khôi phục được”.
Vua Hàm Nghi hai lần làm lễ lên ngôi
Hàm Nghi là vị vua yêu nước thời Nguyễn, ông tên thật là Nguyễn Phúc Ưng Lịch được triều thần đứng đầu là Tôn Thất Thuyết đưa lên ngôi sau khi anh trai của ông là vua Kiến Phúc đột ngột qua đời đầy bí ẩn.
 |
Vua Hàm Nghi |
Lễ đăng quang của vua Hàm Nghi diễn ra vào ngày 02/8/1884, triều đình Huế không thông báo sự kiện này cho phía Pháp như theo thỏa luận trong Hòa ước Giáp Thân (06.6.1884), do đó đại diện Pháp là Khâm sứ Trung kỳ Rheinart không thừa nhận. Để gây sức ép buộc triều đình Huế phải tổ chức lễ đăng quang lại với sự có mặt của đại diện Pháp, ngày 16/8/1884, Tổng chỉ huy lực lượng viễn chinh Pháp lúc đó là tướng Millot đã sai đại tá Guerrier đem 600 lính và 2 cỗ pháo đến uy hiếp và hạn sau 12 tiếng đồng hồ phải tổ chức lại lễ đăng quang.
Dù phải nhượng bộ nhưng phải đến 9 giờ sáng 18/8/1884 triều đình Huế mới tổ chức lại lễ lên ngôi cho Ưng Lịch với sự hiện diện của Rheinart, Guerrier, 25 sĩ quan và 160 lính Pháp. Thay mặt Chính phủ Pháp, Guerrier đọc diễn văn (do Rheinart soạn sáng sớm hôm đó) công nhận Ưng Lịch là hoàng đế của nước Đại Nam.
Giản Định Đế bị bắt làm Thái thượng hoàng
Thái thượng hoàng là ngôi vị mang nghĩa "vua bề trên". Danh hiệu này được dùng từ khi người đó nhường ngôi vua cho con trai, cháu trai, hoặc em trai, cho đến khi qua đời. Tuy nhiên trong lịch sử nước ta, cũng có một số trường hợp tuy không làm vua nhưng vẫn được tôn làm Thái thượng hoàng như Sùng Hiền Hầu thời Lý, Trần Thừa thời Trần… Chế độ Thái thường hoàng có từ thời Lý, trải qua các triều Trần, Hồ, Hậu Trần, Mạc, Lê Trung Hưng có tổng cộng 17 người ở trên ngôi vị này, trong số đó có duy nhất trường hợp của Giản Định Đế là bị bắt phải làm Thái thượng hoàng.
Giản Định đế tên húy là Trần Ngỗi, còn có tên khác là Trần Quỹ, vị vua đầu tiên của nhà Hậu Trần, được dựng lên trong thời kỳ đầu chống ách đô hộ của giặc Minh xâm lược. Vì vua giết oan trung thần nên con Nguyễn Cảnh Chân là Nguyễn Cảnh Dị, con Đặng Tất là Đặng Dung đều căm giận mới đem quân về Thanh Hóa rước cháu của Giản Định đế là Trần Quý Khoáng đến Nghệ An lập làm vua, lấy niên hiệu là Trùng Quang. Để thống nhất lực lượng kháng chiến, vua Trùng Quang sai Thái phó Nguyễn Súy đem quân đánh thành Ngự Thiên (nay thuộc Hưng Nhân, Thái Bình) bắt được Giản Định đế đưa về Nghệ An vào ngày 20 tháng 4 năm Kỷ Sửu (1409), “tôn lên làm Thượng hoàng, cùng chung sức đánh giặc” (Đại Việt sử ký toàn thư). Sự kiện này cũng được sách sử phương Bắc chép, sách Nguyên sử viết: “Bấy giờ bọn Nguyễn Súy suy tôn Giản Định làm Thái Thượng hoàng, lập riêng Trần Quý Khoáng làm vua, đặt niên hiệu là Trùng Quang”.
Mặc dù bị bắt làm Thái thượng hoàng nhưng Giản Định đế cũng không có phản ứng gì tiêu cực mà vẫn hăng hái đánh giặc cho đến khi bị chúng bắt được vào tháng 7 năm Kỷ Sửu (1409) đưa về phương Bắc giết hại. Giản Định đế là vị Thái Thượng hoàng duy nhất của thời Hậu Trần và ở ngôi ngắn nhất tronng lịch sử (gần 4 tháng).
Lê Thế Tông xuất ngoại qua biên giới hội đàm
Quan hệ ngoại giao giữa các vương triều nước ta và các triều đại phong kiến phương Bắc hầu hết đều thông qua các sứ thần, các đoàn sứ bộ, thế nhưng có một trường hợp đặc biệt xảy ra thời Lê Thế Tông. Vị vua thứ 15 của nhà Hậu Lê này đã đích thân xuất ngoại qua ải Nam Quan sang đất Trung Quốc hội đàm.
Khi ấy, tàn dư họ Mạc dựa thế của nhà Minh vẫn quấy rối, cát cứ ở đất Cao Bằng. Một mặt nhằm hạn chế sự ủng hộ của nhà Minh với lực lượng của Mạc Kính Dụng, mặt khác muốn nhà Minh phải thừa nhận danh nghĩa chính thống của nhà Lê nên vua Lê Thế Tông đã thực hiện chuyến đi ngoại giao hiếm có trong lịch sử vào năm Đinh Dậu (1597). Sách Lê triều thông sử cho biết: “Ngày 10 tháng 4, vua qua cửa trấn Nam Quan, cùng với quan đạo Tả Giang và quan các phủ Tư Minh, Thái Bình thuộc Quảng Tây nhà Minh hội kiến, biện minh các lẽ rõ ràng, làm tờ kết ước. Rồi vua sai Phùng Khắc Khoan, Nguyễn Nhân Thiệm làm sứ giả đi Yên Kinh dâng sản vật địa phương…”.
Đời vua Tự Đức từng có đại diện ngoại giao của Tây Ban Nha
Thời Nguyễn, quan hệ ngoại giao của nước ta không chỉ bó hẹp với các quốc gia láng giềng phương Đông mà với các quốc gia Tây phương quan hệ cũng được mở rộng hơn so với thời Lê Trung Hưng.
Đã có những tiếp xúc giữa Đại Nam với các quốc gia Mỹ, Anh… nhưng do những lý do khác nhau, quan hệ ngoại giao chưa được xác lập chính thức. Tuy nhiên có một đại diện ngoại giao chính thức của phương Tây đã được đặt ở nước ta, đó là đại diện của Tây Ban Nha. Ngày 9 tháng 7 năm 1881, Don Tiburcio Rodriguez đặt chân đến thành Gia Định (Sài Gòn) với cương vị Đại sứ Toàn quyền của Tây Ban Nha ở Đại Thanh (Trung Quốc), Xiêm La (Thái Lan) và Đại Nam (Việt Nam).
Bấy giờ quân Pháp đang đẩy mạnh chiến tranh xâm lược nước ta, nhiều vùng đất ở miền Đông và miền Tây Nam bộ lần lượt bị giặc chiếm đóng, vì vậy một mặt quân Pháp ở Gia Định uy hiếp đại diện ngoại giao của Tây Ban Nha, mặt khác chính phủ Pháp phản đối quyết liệt việc Tây Ban Nha thiết lập quan hệ ngoại giao với nước Đại Nam ở cấp đại sứ, cuối cùng Tây Ban Nha buộc phải bãi bỏ cơ quan đại diện ở nước ta. Mối quan hệ ngắn ngủi giữa Đại Nam và Tây Ban Nha thời vua Tự Đức đã kết thúc nhanh chóng như vậy.
Lê Thái Dũng