Thứ Tư, 26/03/2025
  • Tiếng Việt
  • English
  • French

Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

Vietnam National Museum of History

22/03/2011 14:44 2259
Điểm: 5/5 (1 đánh giá)
Hiện nay tại Huế, hệ thống cổ vật chủ yếu tập trung tại các bảo tàng do nhà nước trực tiếp quản lý, tiêu biểu là Bảo tàng Cổ vật cung đình Huế, Bảo tàng Lịch sử và Cách mạng Thừa Thiên Huế, Bảo tàng Hồ Chí Minh tại Huế, Bảo tàng Văn hóa Dân gian Huế… Cổ vật thuộc về tư nhân thì không thể thống kê được ngoài một số sưu tập tiêu biểu.

Hiện nay tại Huế, hệ thống cổ vật chủ yếu tập trung tại các bảo tàng do nhà nước trực tiếp quản lý, tiêu biểu là Bảo tàng Cổ vật cung đình Huế, Bảo tàng Lịch sử và Cách mạng Thừa Thiên Huế, Bảo tàng Hồ Chí Minh tại Huế, Bảo tàng Văn hóa Dân gian Huế… Cổ vật thuộc về tư nhân thì không thể thống kê được ngoài một số sưu tập tiêu biểu.

Chậu Lá ngọc cành vàng thời Nguyễn

Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế hiện quản lý hơn 11.500 hiện vật, trong đó có 8.800 hiện vật được bảo quản trong kho và trưng bày tại một số điểm (cung An Định, Tả Vu của điện Cần Chánh, Trai Cung thuộc đàn Nam Giao, Thiên Định Cung thuộc lăng Khải Định) và khoảng hơn 2.760 hiện vật được bảo quản, trưng bày tại các khu lăng tẩm và di tích khác. Vấn đề lớn nhất hiện nay là không gian trưng bày và sự an toàn cho các cổ vật. Do điện Long An (điểm trưng bày chính của Bảo tàng từ năm 1923) đang được trùng tu nên các sưu tập tạm thời được đưa qua cung An Định, nhưng do sự hạn chế về không gian nên tại đây chỉ có thể trưng bày hiện vật tại Nhà ngang bên trái (Nhà phụ A) 142 hiện vật, và 103 hiện vật tại tầng 1 của tòa Khải Tường Lâu. Ngay cả khi điện Long An trùng tu xong thì Bảo tàng Cổ vật Huế cũng chỉ có thể trưng bày một số rất nhỏ số hiện vật vốn có (tối đa khoảng 400-500 hiện vật). Chính vì vậy, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế đang đề nghị sớm được tiếp quản khu vực Quốc Tử Giám để hoàn thiện và mở rộng không gian trưng bày, nhằm tăng thêm sự phong phú, hấp dẫn cho di sản văn hóa Huế.
Bảo tàng Lịch sử và Cách mạng Thừa Thiên Huế hiện quản lý trên 22.000 hiện vật, trong đó có không ít cổ vật độc đáo và có giá trị rất cao. Tuy nhiên, do giới hạn của không gian trưng bày và cả sự an toàn (chỉ bó hẹp trong tòa Di Luân Đường và 2 dãy nhà ngang vốn là phòng học của Quốc Tử Giám) nên bảo tàng này cũng không thể trưng bày hết những sưu tập tiêu biểu. Hiện nay, tỉnh đã cấp đất để xây dựng một cơ sở mới cho bảo tàng ở chân núi Ngự Bình nhưng việc xây dựng hầu như chưa được khởi động.


Chiếc bàn gỗ sơn son thếp vàng mặt bằng sứ nhận lại từ Pháp

Bảo tàng Hồ Chí Minh tại Huế là bảo tàng có cơ sở được xây dựng hiện đại và phù hợp nhất, khai trương ngày 19-5-2000. Hiện nay, Bảo tàng quản lý trên 10.000 hiện vật, tư liệu gắn liền với cuộc đời hoạt động của lãnh tụ Hồ Chí Minh. Ngoài cơ sở chính (số 6 Lê Lợi), Bảo tàng còn quản lý các nhà trưng bày ở số 112 Mai Thúc Loan, làng Dương Nổ...
Còn Bảo tàng Văn hóa Dân gian Huế, dù đã được thành lập từ năm 1989 và hiện có hơn 5.000 hiện vật sưu tầm được nhưng đến nay bảo tàng này vẫn chưa có trụ sở chính thức! Thỉnh thoảng nhân các sự kiện quan trọng của tỉnh, thành phố hay trong dịp tổ chức Festival Nghề truyền thống (vào các năm lẻ), Bảo tàng Văn hóa Dân gian Huế mới tổ chức trưng bày một vài bộ sưu tập tại “không gian mượn” ở trụ sở Phòng Văn hóa Thông tin thành phố Huế (số 4 - Hoàng Hoa Thám)!
Ngoài các bảo tàng chính nói trên, bộ sưu tập hiện vật tại phòng trưng bày Dân tộc học thuộc khoa Lịch sử, Trường đại học Khoa học Huế cũng là một sưu tập rất đáng chú ý, trong đó có một số cổ vật Chămpa vốn được đưa về từ tháp Linh Thái bên cạnh cửa Tư Hiền.
Cổ vật trong các sưu tập tư nhân tại Huế và vùng phụ cận cũng rất phong phú. Có rất nhiều cổ vật có nguồn gốc cung đình do chủ nhân đã may mắn hoặc dày công sưu tầm mà có được. Sưu tập gồm hơn 30 bộ trang phục cung đình của ông Nguyễn Hữu Hoàng trong đó có cả long bào của hoàng đế thuộc loại hiếm có ở Việt Nam. Sưu tập gốm Chămpa của nhà nghiên cứu Hồ Tấn Phan cũng thuộc loại đặc biệt phong phú và rất hấp hẫn đối với nhiều người. Sưu tập tiền cổ của hai nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Cường - Nguyễn Anh Huy thì được đánh giá là có giá trị nhất của Việt Nam hiện nay và thuộc loại lớn trên thế giới…
Tuy nhiên, như đã nói, vấn đề không gian trưng bày và sự đảm bảo an toàn cho các cổ vật là vấn đề đang đặt ra rất cấp thiết hiện nay. Để tăng thêm sức hấp dẫn cho các di tích, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế đã chỉ đạo cho Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế nghiên cứu và mở rộng không gian trưng bày tại các điểm di tích (ngoài điện Long An). Tuy nhiên, do không gian các di tích rất rộng, trải dài ở nhiều vùng khác nhau, lực lượng bảo vệ mỏng, hệ thống camera và các thiết bị an ninh chưa được lắp đặt đầy đủ nên việc bảo quản cổ vật rất khó khăn. Mặt khác, hiện nay du khách đến tham quan các điểm di tích ngày càng đông hơn (năm 2010 có gần 2 triệu lượt khách đến các điểm di tích - Thống kê của Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế, tính đến ngày 15/12/2010) nên việc bảo vệ, giữ gìn các cổ vật càng thêm khó khăn. Đêm 01/12/2010, kẻ gian đã bẻ khóa, đột nhập vào điện Khải Thành - lăng Khải Định lấy đi 10 hiện vật (chủ yếu bằng đồng và bằng bạc) là những cổ vật bang giao thời Khải Định. Trước đó, vào tháng 3/2010, kẻ gian cũng đã bẻ khóa đột nhập nhà trưng bày của Bảo tàng Lịch sử và Cách Mạng Thừa Thiên Huế lấy đi một số hiện vật thời kháng chiến…Những mất mát trên đã ảnh hưởng rất lớn uy tín của các đơn vị quản lý, gây bức xúc trong dư luận và đặt ra những vấn đề cấp thiết cho tình hình an ninh trật tự ở các khu di sản.
Như vậy, đối với cổ vật Huế hiện nay cần phải có những kế hoạch dài hạn và những giải pháp cụ thể để nhằm: 1- Cố gắng đưa về Huế những gì có thể, nhất là các cổ vật cung đình vốn gắn bó với các công trình kiến trúc như cung điện, đền miếu, lăng tẩm...; 2 -Mở rộng không gian trưng bày tại các khu bảo tàng, di tích và đưa cổ vật Huế đi trưng bày ở bên ngoài trong các chương trình triển lãm, giao lưu; 3 - Đảm bảo an toàn cho các cổ vật.
Để thực hiện được những mục tiêu này đòi hỏi phải có sự đầu tư rất lớn của nhà nước, sự phối hợp của các ban ngành liên quan và đặc biệt là sự hưởng ứng của cộng đồng.


Ấn Triều đình lập tín

Đối với mục tiêu thứ nhất, rõ ràng là đòi hỏi phải có sự đầu tư lớn của Chính phủ và chính quyền địa phương để tìm kiếm và đưa về Huế những cổ vật vốn ra đi từ đây. Nhưng bên cạnh đó, Huế cần chứng minh được vị thế và khả năng của mình trong việc bảo quản, gìn giữ và tôn vinh giá trị của những cổ vật đó nếu chúng được đưa về. Trong ít năm trở lại đây, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế đã từng tiếp nhận một số cổ vật hiến tặng đưa về từ Pháp(9) và 60 cổ vật khác do các nguồn hiến tặng trong nước. Những cổ vật này hiện đang được trưng bày và phát huy giá trị tại Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế. Đó là một trong những kinh nghiệm tốt trong lĩnh vực này. Mặt khác, Nhà nước cũng cần có chính sách phù hợp để “điều tiết” một phần các cổ vật của Huế nay đang thuộc về Bảo tàng Lịch sử Việt Nam tại Hà Nội và Hồ Chí Minh “trở về” với Cố đô, bởi Huế vốn là chủ sở hữu của các cổ vật này. Thật khó chấp nhận với cảm giác đến Huế nhưng lại không được nhìn thấy những cổ vật quý nhất của Huế! Cần phải khẳng định rằng, hiện nay Thừa Thiên Huế đang được Nhà nước đầu tư để xây dựng thành một trong những trung tâm văn hóa lớn của đất nước và khu vực, vì thế cần phải trả lại những gì mà nó vốn có, đặc biệt là các di sản văn hóa!
Đối với mục tiêu thứ hai, thì càng cần có sự đầu tư kịp thời để hoàn thiện các thiết chế văn hóa liên quan như bảo tàng, phòng trưng bày triển lãm... cho Huế. Trong thời gian trước mắt cần gấp rút khởi công xây dựng Bảo tàng Lịch sử và Cách mạng Thừa Thiên Huế, Bảo tàng Văn hóa Dân gian Huế; đầu tư để trùng tu hoàn thiện toàn bộ khu vực Quốc Tử Giám - điện Long An và giao cho Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế quản lý, tổ chức trưng bày; đầu tư cho các không gian trưng bày trong các di tích gắn liền với việc trùng tu công trình kiến trúc. Bên cạnh đó, cần tăng cường việc giao lưu, quảng bá và trao đổi văn hóa thông qua các hoạt động triển lãm cổ vật ở bên ngoài Thừa Thiên Huế. Từ năm 2003 đến nay, Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế đã tổ chức được một số triển lãm cổ vật rất thành công tại Áo và Bỉ (9-2003 - 10-2004), Nhật Bản (9-2005), Hà Nội (11-2008), Hoa Kỳ (8-2009 - 5-2010) và nay đang tổ chức triển lãm tại Hàn Quốc (11-2010 - 5-2011). Những hoạt động triển lãm này là cơ hội rất tốt để quảng bá hình ảnh văn hóa Huế ra bên ngoài, góp phần quan trọng vào việc nâng cao vị thế của vùng đất Huế và thu hút khách du lịch, các nhà nghiên cứu đến với Cố đô. Đây là những thành công rất đáng ghi nhận và cần tích cực phát huy trong thời gian tới.


Kim ấn Hoàng đế chi bảo

Việc mở rộng không gian trưng bày trong tương lai cũng cần hướng đến việc tạo ra sự gắn kết giữa hệ thống bảo tàng nhà nước với các bảo tàng, các chủ sở hữu của các bộ sưu tập cổ vật thuộc về tư nhân, và các loại tổ chức khác (bao gồm cả nhà thờ Thiên Chúa giáo, chùa chiền...). Điều này sẽ góp phần làm cho di sản văn hóa Huế thêm phong phú, hấp dẫn. Nhà nước cần có những cơ chế phù hợp để thúc đẩy việc xây dựng mạng lưới này. Đó cũng là hoạt động thiết thực để xã hội hóa công tác bảo tàng.
Đối với mục tiêu thứ ba, ngoài việc tăng cường công tác an ninh cho các bảo tàng, các điểm di tích (tăng cường bảo vệ, lắp đặt hệ thống camera an ninh...) thì việc tuyên truyền giác ngộ và xây dựng một hệ thống an ninh trong quần chúng nhân dân là điều hết sức quan trọng và mới có tính bền vững cao. Bởi lực lượng bảo vệ tại các bảo tàng, di tích dẫu có được tăng cường bao nhiêu chăng nữa cũng khó mà gìn giữ toàn vẹn các di tích và cổ vật. Cũng cần có những chính sách thiết thực nhằm động viên kịp thời cho những cá nhân, tổ chức có công phát hiện, trình báo về cổ vật hay bảo vệ cổ vật trước tình trạng trộm cắp đang xảy ra ngày càng phức tạp hơn hiện nay. Rõ ràng, việc để mất một số cổ vật vừa qua tại Huế là bài học sâu sắc cho các nhà quản lý, nhưng nếu không có những chính sách phù hợp, không có sự phối hợp chặt chẽ giữa các ban ngành, mà đặc biệt là sự ủng hộ của nhân dân thì rất khó giữ được sự an toàn cho các cổ vật nói riêng và các di sản văn hóa ở Huế nói chung.

Yên Chi

hueworldheritage.org.vn

Chia sẻ:

Bài nổi bật

Khát vọng giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước di nguyện cuối cùng của Chủ tịch Hồ Chí Minh trước lúc Người “đi xa” (Phần 2 và hết)

Khát vọng giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước di nguyện cuối cùng của Chủ tịch Hồ Chí Minh trước lúc Người “đi xa” (Phần 2 và hết)

  • 12/07/2019 08:46
  • 7266

Nền độc lập dân tộc tồn tại không được bao lâu, thực dân Pháp quay trở lại xâm lược nước ta một lần nữa. Ngày 23 tháng 9 năm 1945, chúng nổ súng đánh chiếm Nam Bộ sau đó mở rộng ra cả nước. Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng Trung ương Đảng quyết định phát động cuộc kháng chiến toàn quốc.

Bài viết khác

Ai tìm ra hầm mộ Tần Thủy Hoàng?

Ai tìm ra hầm mộ Tần Thủy Hoàng?

  • 22/03/2011 13:49
  • 2090

Chỉ một thời gian ngắn sau khi được phát hiện, binh mã dõng trong hầm mộ Tần Thủy Hoàng trở nên nổi tiếng không những ở Trung Quốc mà cả thế giới. Tổng thống Pháp Sarkozy trong một lần tới thăm phải thốt lên: “Thế giới có 7 kỳ quan, hầm mộ Tần Thủy Hoàng xứng đáng được gọi là kỳ quan thứ 8”.