Thứ Hai, 17/03/2025
  • Tiếng Việt
  • English
  • French

Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

Vietnam National Museum of History

21/03/2011 11:17 2098
Điểm: 0/5 (0 đánh giá)
Trên cương vị là người đứng đầu Chính phủ cách mạng lâm thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh xem đói nghèo cũng là một thứ giặc nguy hiểm như giặc dốt và giặc ngoại xâm.
Trên cương vị là người đứng đầu Chính phủ cách mạng lâm thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh xem đói nghèo cũng là một thứ giặc nguy hiểm như giặc dốt và giặc ngoại xâm.

Theo Người: “Nước nhà đã giành được độc lập tự do mà dân vẫn còn đói nghèo cực khổ thì độc lập tự do không có ích gì”. Trước tình hình này, Chính phủ đã đưa ra chủ trương phải diệt “giặc đói” và đã có nhiều sáng kiến được thực hiện. Nhờ đó, nguy cơ “giặc đói” đã được giảm dần, song để xoá bỏ nạn đói từ gốc, điều cơ bản là phải phát triển sản xuất.

Trong phiên họp đầu tiên của Chính phủ ngày 03/9/1945, Người đã nêu sáu vấn đề cấp bách trong đó cứu đói là một trong sáu nhiệm vụ khẩn cấp hàng đầu. Người nói: “Nhân dân đang đói… Hơn hai triệu đồng bào chúng ta đã chết đói … Những người thoát chết đói nay cũng bị đói. Chúng ta phải làm thế nào cho họ sống”.

Người đã nêu ra biện pháp khắc phục: “Tôi đề nghị với Chính phủ là phát động một chiến dịch tăng gia sản xuất…”. Trong bài viết “Gửi nông gia Việt Nam” in trên báo “Tấc đất” (12/1945) (Một tờ báo ra đời nhằm tuyên truyền, vận động, hướng dẫn nhân dân tăng gia sản xuất), Bác nói: “Thực túc thì binh cường. Cấy nhiều thì khỏi đói. Chúng ta thực hiện tấc đất tấc vàng thì chúng ta quyết thắng lợi trong hai việc đó. Tăng gia sản xuất! Tăng gia sản xuất ngay! Tăng gia sản xuất nữa! Đó là khẩu hiệu của ta ngày nay. Đó là cách thiết thực của chúng ta để giữ vững quyền tự do độc lập”.

Để tăng gia sức sản xuất nông sản, cuối năm 1945, Bộ trưởng bộ Quốc dân kinh tế đã ra một loạt các bản Nghị định, Thông tư, Thông cáo về vấn đề này, đó là Thông tư về phương pháp khẩn cấp chấn hưng nông nghiệp(26/10/1945), Nghị định số 41 BKT bắt buộc các điền chủ có ruộng đất giồng mầu phải khai với Uỷ ban Nhân dân hàng xã (15/11/1945), Thông tư số 577 BKT về phương pháp cấp tốc khuyếch trương mọi việc giồng màu (21/11/1945), Thông cáo về việc hô hào các nhà tư bản đem tiền gửi vào các Nông phố Ngân quỹ, Nghị định liên bộ số 103 (Nội vụ và Canh nông) thiết lập một tiểu ban canh nông tại mỗi tỉnh, phủ, huyện, châu, xã (20/11/1945).

Dưới đây là các văn bản được đề cập:

Nguồn: Việt Nam Dân quốc công báo, năm 1945, Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I.

Các văn bản đã tập trung vào những vấn đề lớn cần giải quyết nhằm chấn hưng nông nghiệp, đó là: tình thế hiện thời, cảnh quẫn bách của nông dân, những ruộng hoặc đồn điền vô chủ và vấn đề di dân.

Về tình thế hiện thời, Chính phủ xác định: một nạn đói thảm khốc vừa qua, một nạn đói khác lại đang sắp hoàn hành, tám tỉnh Bắc bộ bị lụt, “làm thiệt hại ước chừng 27 vạn 4 nghìn tấn thóc chiêm, tiếp theo nạn hạn - nạn hán đã kéo dài từ hai tháng nay, vụ mùa sắp tới đây, tại Bắc bộ, rất đáng lo ngại: 60 phần trăm mùa màng chắc chắn bị hỏng, vì lẽ thiếu nước, hay côn trùng cắn hại bông lúa.”(1) “còn trong Nam Bộ vì giá gạo năm ngoái quá rẻ, nên ít nhiều điền chủ không chịu cày cấy. Và hiện nay đồng bào ta đang kháng chiến với bọn thực dân Pháp nên số thóc gạo sản xuất sẽ lại hao hụt nhiều. Việc tiếp tế cho Trung và Bắc Bộ sẽ gặp nhiều sự khó khăn hoặc có thể bị gián đoạn.”(2)

Dân quê nghèo thì yên chí rằng số thóc gạo của nhà giầu (điền chủ Pháp kiều hoặc Việt Nam) sẽ đem chia cho dân cày cấy.

Các chủ ấp, chủ đồn điền thì hồi hộp e sợ, không biết cày cấy có được gặt không, bỏ vốn ra khai khẩn có được thu lợi không. Đến những người có ít ruộng cũng có những mối lo ngại như vậy...”(3)

Chừng ấy khó khăn đã đẩy chúng ta vào tình thế: “nếu ta không tìm ngay phương sách cấp cứu đem ra thi hành cấp tốc, thì e rằng nạn đói sẽ không tránh khỏi và sẽ khủng khiếp hơn là nạn xâm lăng hiện thời của bọn thực dân Pháp tại Nam Bộ.”

Chính phủ đã chỉ đạo Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân tỉnh, huyện, xã kế hoạch giải quyết: “là tăng gia sức sản xuất nông sản bằng kế hoạch chấn hưng nông nghiệp”.(4)

Về tâm lý bấp bênh của nông dân cũng như của các chủ ấp, chủ đồn điền làm cho họ chưa thực sự muốn bắt tay vào cày cấy thì Chính phủ đưa ra những quyết sách rất rõ ràng để trấn an như sau:

“ Những điền sản và hoa lợi không bị đem chia. Ai cày cấy sẽ được gặt, ai giồng giọt sẽ được thu hoa lợi;

Nông dân phải bình tĩnh nghĩ đến nạn đói rét sắp tới mà cố làm ăn, không nên vì thời cuộc mà sao nhãng việc cày cấy, giồng giọt...

Uỷ ban Nhân dân cần phải để ý, bài trừ những tin đồn nhảm phản đối chính sách khuyến nông của Chính phủ; và hết sức tuyên truyền cổ động để nông dân từ nghèo đến giầu ai cũng yên lòng làm ăn, tin ở Chính phủ và nhiệt tâm hợp tác với các cơ quan của nha Nông Mục Thuỷ Lâm.”(5)

Về cảnh quẫn bách của nông dân, Bộ trưởng bộ Quốc dân kinh tế đưa ra phương án giải quyết là “khuyến khích” và “giúp đỡ”:

“Khuyến khích dân quê và thành thị nên ra sức giồng giọt, không nên bỏ một tấc đất nào… Thứ gì ăn được nên cố sức giồng… Phải làm cho dân hiểu rằng từ nay đến tháng tư, tháng năm… nhiều tỉnh đồng bào thiếu ăn nhiều lắm. Một mảnh đất giồng bột, giồng sắn… cũng sẽ cứu được bao mạng người.”

“Giúp đỡ nông - dân bằng mọi phương - diện.Để giúp vốn cho nông dân, các nông phố, ngân hàng và bình dân ngân quỹ đã được lệnh cho nông dân vay dễ dàng và nhanh chóng hơn trước… Uỷ ban Nhân dân nên cổ động để các nhà tư bản đem gửi tiền vào bình dân ngân quỹ, vì đó là một cách gián tiếp giúp nông dân có vốn cày cấy.”(6)

“Dùng tiền như thế, các nhà tư bản sẽ vừa làm trọn nghĩa vụ của mình đối với đồng bào, lại vừa có lời nữa, là vì đến kì hạn thu lại vốn, người gửi tiền sẽ được hưởng một số lãi tính như sau này…”(7)

“… Chính phủ có thể khuyến khích các nhà giầu có sẵn giống cho nhà nghèo vay, hoặc khuyên các điền chủ nên gieo nhiều mạ chiêm để sau này bán cho nơi thiếu. Ở một vài nơi khó khăn, Chính phủ có thể đảm nhận công việc vay ở những nơi thừa rồi cho vay lại những nơi thiếu… Để ngăn ngừa nạn dịch trâu bò, sở thú y đã tìm cách cấp tốc chế thuốc tiêm trừ dịch. Nhưng ta cũng nên phái ngay những nhân viên chuyên môn đi các nơi truyền bá những môn vệ sinh thường thức để phòng bệnh đó hoặc để ngăn ngừa các bệnh đó đỡ bành trướng.”(8)

Để khẩn cấp đẩy lùi nạn đói, một trong những việc làm được coi trọng trước mắt nữa là “cấp tốc khuyếch trương mọi việc giồng mầu”: “…giồng màu…quốc dân có thêm thực phẩm thay thóc gạo để ăn và sống qua được mấy tháng giêng, hai, ba, tư là những tháng giáp hạt đáng lo ngại nhất.”(9)

Ngoài ra, Chính phủ chỉ thị cho các huyện lỵ, phủ lỵ hay tỉnh lỵ nên “thành lập một hoặc nhiều khu giồng màu công cộng, mục đích để thu hoa lợi dùng vào việc tiếp tế hoặc cứu tế”.(10)

Đối với những ruộng hoặc đồn điền vô chủ, Uỷ ban Nhân dân sẽ giảm cho họ 25% số thóc thu được giữ lại làm của công dưới sự kiểm soát của một “Uỷ ban điều tra về đồn điền và đất hoang” sẽ lập ra sau này… “Còn số thóc tá điền được hưởng, Uỷ ban nhân dân có nhiệm vụ ra lệnh cho người khác phải trọng quyền lợi của họ. Vì rằng nếu tá điền không được hưởng số thóc đó thì họ sẽ không trông nom và vụ sau khó có người cày cấy”

“… Các ruộng đất có thể cấy vụ chiêm này hoặc giồng màu nhưng hiện nay hãy còn bỏ hoang vì chủ ruộng đã xiêu bạt phương xa hoặc đã chết rồi thì Chính phủ cho các nông dân còn ở lại mà có sẵn vốn để làm ăn, được phép cày cấy giồng giọt. Chính phủ coi họ như đã mua mầu những ruộng đó trong hạn một năm nhưng không phải trả tiền chỉ phải khai trước với Uỷ ban Nhân dân địa phương.

… Các đồn - điền giồng cây lâu năm như chè, trầu, cao su… nếu có những đồn - điền hạng này vô chủ thì phải có những phương pháp bảo thủ không nên để cho dân chúng phá hoại. Uỷ ban Nhân dân nên giải thích cho dân hiểu rằng những nông sản này là những tài nguyên của nước mình. Giữ được, nước ta sẽ có hàng bán ra nước ngoài để mua hàng khác, dân ta sẽ có công việc làm…”(11)

Đối với vấn đề di dân, Chính phủ yêu cầu: “Muốn cứu những miền đói, ta có thể vận tiền, vận thóc ở các nơi khác đến tiếp tế cho họ. Nhưng ta cũng có thể đem dân đói đến những nơi có đồn điền bỏ hoang. Số thóc hoặc hoa lợi U.B.N.D thu được từ trước hoặc sắp thu được sẽ đem cứu tế hoặc cho vay để làm vốn lúc đầu. Ruộng bãi, thì đã có sẵn để họ có thể sinh nghiệp được ít nhất là một năm. Nhà ở, họ cũng có thể có sẵn ở các ấp hoặc các đồn - điền ấy. Vậy chỉ cần cấp cho họ ít lương ăn đường và ít nông - cụ.

Như vậy ta sẽ giúp cho dân nghèo có công ăn việc làm trong lúc đói kém và khiến cho ruộng nương đồi bãi bớt hoang phế trong lúc chờ đợi.”(12)

Thông tư về phương pháp khẩn cấp chấn hưng nông nghiệp; Nghị định số 41 BKT bắt buộc các điền chủ có ruộng đất giồng mầu phải khai với Uỷ ban Nhân dân hàng xã; Thông tư số 577 BKT về phương pháp cấp tốc khuyếch trương mọi việc giồng màu; Thông cáo về việc hô hào các nhà tư bản đem tiền gửi vào các Nông phố Ngân quỹ, Nghị định liên bộ số 103 (Nội vụ và Canh nông) thiết lập một tiểu ban canh nông tại mỗi tỉnh, phủ, huyện, châu, xãthực sự có ý nghĩa hết sức to lớn trong bối cảnh lúc bấy giờ. Các văn bản trên cơ sở phân tích thấu đáo, đánh giá sâu sắc tình hình thực tiễn đã vạch ra được những biện pháp tháo gỡ khó khăn. Nhờ đó trở thành kim chỉ nam định hướng cho các tỉnh, huyện, xã trong khôi phục nông nghiệp, cải thiện đời sống nông dân, đẩy lùi nguy cơ một nạn đói mới đang đến gần.

Nhờ đó, chúng ta đã thu được kết quả lớn chỉ sau một thời gian ngắn. Nhiều quãng đê bị vỡ đã được gia cố lại, đắp thêm một số đê mới. Cho đến đầu năm 1946, công tác đê điều đã hoàn thành.Vụ thu lúa chiêm năm 1946 ở Bắc Bộ đã tăng hơn vụ chiêm năm 1945 khoảng 100.000 tấn. Vụ mùa năm 1946 ở Bắc Bộ đã sản xuất trên một diện tích 890.000 ha với sản lượng 1.155.000 tấn lúa. Nạn đói bị đẩy lùi, đời sống nhân dân dần dần được ổn định. Đây “thực là một kì công của chế độ dân chủ”.(13)

Thật vậy, với tay người Việt Nam, sỏi đá đã thành cơm, rừng rậm thành vườn… (14)

Thấm nhuần tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về tầm quan trọng của mặt trận nông nghiệp. Những năm gần đây,trên con đường hội nhập và phát triển, đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, vấn đề an ninh lương thực vẫn luôn được Đảng và Nhà nước ta đặc biệt quan tâm. Nhờ đó, nông nghiệp, nông thôn nước ta đã đạt được thành tựu khá toàn diện và to lớn: kinh tế nông nghiệp phát triển, đời sống nông dân được cải thiện, diện mạo nông thôn thay đổi rõ rệt./.

Th.S Nguyễn Hồng Nhung-Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I

Chú thích

1.Thông tư 577 BKT về phương pháp cấp tốc khuyếch trương mọi việc giồng màu, Việt Nam Dân quốc công báo, năm 1945, tr. 147.

2.Thông tư về phương pháp khẩn cấp chấn hưng nông nghiệp, Việt Nam Dân quốc công báo, năm 1945, tr. 115.

3.Thông tư về phương pháp khẩn cấp chấn hưng nông nghiệp, Việt Nam Dân quốc công báo, năm 1945, tr. 115.

4.Thông tư 577 BKT về phương pháp cấp tốc khuyếch trương mọi việc giồng màu, Việt Nam Dân quốc công báo, năm 1945, tr. 147.

5. Thông tư về phương pháp khẩn cấp chấn hưng nông nghiệp, Việt Nam Dân quốc công báo, năm 1945, tr. 115

6.Thông tư về phương pháp khẩn cấp chấn hưng nông nghiệp, Việt Nam Dân quốc công báo, năm 1945, tr. 115

7.Thông cáo của bộ Quốc dân Kinh tế về việc hô hào các nhà tư bản đem tiền gửi vào các Nông phố Ngân quỹ. Việt Nam Dân quốc công báo, năm 1945, tr. 148.

8.Thông tư về phương pháp khẩn cấp chấn hưng nông nghiệp, Việt Nam Dân quốc công báo, năm 1945, tr. 115 – 116.

9.Thông tư 577 BKT về phương pháp cấp tốc khuyếch trương mọi việc giồng màu, Việt Nam Dân quốc công báo, năm 1945, tr. 147.

10.Thông tư 577 BKT về phương pháp cấp tốc khuyếch trương mọi việc giồng màu, Việt Nam Dân quốc công báo, năm 1945, tr. 147.

11.Thông tư về phương pháp khẩn cấp chấn hưng nông nghiệp, Việt Nam Dân quốc công báo, năm 1945, tr. 116.

12.Thông tư về phương pháp khẩn cấp chấn hưng nông nghiệp, Việt Nam Dân quốc công báo, năm 1945, tr. 116.

13.Võ Nguyên Giáp, Báo Cứu quốc, ngày 5/9/1946, dẫn theo Lê Mậu Hãn, Đại cương Lịch sử Việt Nam, tập III, NXB Giáo dục, 2005, tr. 30.

14.Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, Giáo sư Nhà giáo Nhân dân Trần văn Giàu, NXB Giáo dục, 1996, tr.300.

luutruvn.gov.vn

Chia sẻ:

Bài nổi bật

Khát vọng giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước di nguyện cuối cùng của Chủ tịch Hồ Chí Minh trước lúc Người “đi xa” (Phần 2 và hết)

Khát vọng giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước di nguyện cuối cùng của Chủ tịch Hồ Chí Minh trước lúc Người “đi xa” (Phần 2 và hết)

  • 12/07/2019 08:46
  • 7171

Nền độc lập dân tộc tồn tại không được bao lâu, thực dân Pháp quay trở lại xâm lược nước ta một lần nữa. Ngày 23 tháng 9 năm 1945, chúng nổ súng đánh chiếm Nam Bộ sau đó mở rộng ra cả nước. Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng Trung ương Đảng quyết định phát động cuộc kháng chiến toàn quốc.

Bài viết khác

Những cuộc hôn nhân 'kì cục' triều Trần

Những cuộc hôn nhân 'kì cục' triều Trần

  • 21/03/2011 09:45
  • 6816

Theo tập quán dân gian và quan niệm Nho giáo, giữa những người trong cùng họ đều không được kết hôn với nhau nhưng nhà Trần lại khuyến khích hôn nhân nội tộc nhằm bảo đảm tính thuần nhất của dòng họ và củng cố sự vững chắc của vương triều, ngăn ngừa để lọt ngôi vua vào tay dòng họ khác.