Thứ Sáu, 13/09/2024
  • Tiếng Việt
  • English
  • French

Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

Vietnam National Museum of History

08/03/2011 16:07 1783
Điểm: 0/5 (0 đánh giá)
Như đã đề cập ở phần trước, sau khi cuộc khai quật kết thúc, khoảng 240.000 hiện vật đã được đưa lên khỏi lòng biển từ con tàu cổ Cù Lao Chàm.

Như đã đề cập ở phần trước, sau khi cuộc khai quật kết thúc, khoảng 240.000 hiện vật đã được đưa lên khỏi lòng biển từ con tàu cổ Cù Lao Chàm. Phần lớn hiện vật còn trong tình trạng khá nguyên vẹn, phong phú về loại hình, đa dạng về kiểu dáng, hoa văn trang trí, thực sự là một kho tư liệu gốm sứ hoàn hảo mà chúng ta được chứng kiến tính đến nay.

Sau khi tiến hành xử lý, phân loại hiện vật, ngoài số hiện vật độc bản, trước khi cùng các bên đối tác mang đi bán đấu giá, Chính phủ Việt Nam đã quyết định giữ lại 10% số hiện vật trên (24.000 hiện vật) giao cho 5 bảo tàng, đó là: Bảo tàng Lịch sử Việt Nam – Hà Nội; Bảo tàng Lịch sử Việt Nam – thành phố Hồ Chí Minh; Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam; Bảo tàng Hải Dương và Bảo tàng Quảng Nam, mỗi bảo tàng 4.362 hiện vật.

Số hiện vật được chia cho các bảo tàng Việt Nam, tuy không đầy đủ các loại hình, nhưng về cơ bản đã đại diện cho sưu tập hiện vật được khai quật từ con tàu đắm cổ Cù Lao Chàm, tập trung vào các loại hình chính sau:

1. Đĩa: Là một trong những loại hình có số lượng nhiều (khoảng 1000 chiếc), đa dạng kích thước; phong phú kiểu loại. Nhìn chung, đĩa thường có miệng loe, gờ miệng tròn hoặc cắt khấc, thành cong hoặc cong vát, một số bổ múi hình cánh hoa, lòng rộng, đế thấp rộng, phần lớn đáy lõm tô màu. Men phủ màu trắng, một số màu xanh xám, trang trí vẽ lam, vẽ nhiều màu hoặc kết hợp vẽ lam và nhiều màu. Đề tài trang trí phong phú: hoa lá, mây, người, phong cảnh, các con vật... Dù có nhiều kích cỡ, song kiểu dáng tương đối đồng nhất. Đề tài trang trí phong phú, đa dạng nhất so vưới các loại hình khác.


Đĩa, hoa lam kết hợp trang trí vàng kim
2. Bát: có số lượng nhiều nhất (khoảng 8.000 chiếc). Bát thường có miệng loe thẳng hoặc loe ngang. Thành cong vát, lòng nông hoặc sâu tùy thuộc kích cỡ, chân đế thấp nhỏ, một số có chân cao, đáy bát lõm, tô son nâu. Men phủ màu trắng, một số ít có màu xanh ngọc. Trang trí vẽ lam chàm hoặc xanh đen, vẽ nhiều màu hoặc kết hợp giữa vẽ lam và nhiều màu. Trang trí khá đơn giản, thường là ngoài vẽ băng cánh sen, hoa dây. Trong lòng vẽ cúc hoặc chữ Hán nếu là bát có dấu ve lòng. Còn đối với bát không có dấu ve lòng thường vẽ một bông hoa ở giữa, thành vẽ hoa dây, gờ miệng vẽ dải lá, băng chữ “Tỉnh” hoặc băng hồi văn chữ S đầu vuông.

Lọ, hoa lam

3. Lọ: số lượng nhiều (khoảng 6.200 chiếc), kích thước nhỏ và tương đối đồng đều. Căn cứ vào kiểu dáng, chia thành nhiều loại, mỗi loại gồm nhiều nhóm nhỏ, mỗi nhóm có nhiều kiểu khác nhau, như: lọ hai bầu, lọ thân tròn hình trứng, lọ thân bổ múi, lọ thân hình quả đào... Mau phủ màu trắng vẽ màu xanh lam, nhiều màu, một số phủ màu trắng, xanh tím không trang trí. Đề tài trang trí đơn giản, mang tính đại trà, chủ yếu là hoa lá, chuồn chuồn, ong, bướm, chim, thú. Có thể nói, lọ là loại hình có kiểu dáng đa dạng nhất trong sưu tập.

Hộp, hoa lam

4. Hộp: khoảng 7.000 chiếc, thường có ngăn giữa. Kiểu dáng khác phong phú: hộp thân tròn, hộp thân tròn bổ múi, hộp hình ống tròn, hộp hình con voi, hộp hình con cua.... Men phủ đa dạng hơn: men trắng, men lam tím, men xanh ngọc, men nâu đen sẫm. Trang trí vẽ lam, vẽ nhiều màu hoặc kết hợp vẽ lam và nhiều màu. Đề tài trang trí tập trung như: hoa cúc, hoa sen, phong cảnh kiến trúc, núi non, chim thú, mây... Hộp là loại hình có kiểu dáng đa dạng, hoa văn trang trí sinh động và đẹp mắt.


Chén cao chân, hoa lam

5. Chén: khoảng 1.200 chiếc, loại hình khá nghèo nàn về kiểu dáng và hoa văn trang trí, loại có dáng hình nửa quả đào, thành đắp hình con vẹt, số còn lại có chung đặc điểm: miệng loe, thành cong vát hoặc miệng loe cắt khấc, thành bổ múi cánh hoa. Phần lớn phủ men trắng vẽ lam. Đề tài trang trí đơn giản: hoa, chữ Hán..

6. Ấm: khoảng 80 chiếc, khá nhiều kích cỡ, kiểu dáng đa dạng: ấm hai bầu, ấm dáng tỳ bà, ấm hình uyên ương, ấm hình gà. Phần lớn ấm phủ men trắng vẽ lam, đề tài trang trí: hoa lá, mây, ít thấy chim thú. Ngoài hình thức trang trí vẽ lam hay vẽ nhiều màu trên nền men trắng, còn kết hợp kỹ thuật trang trí đắp nổi. Điểm đáng chú ý ở loại hình này là kỹ thuật tạo dáng chứ không phải là trang trí.

7. Âu: số lượng không nhiều (khoảng 40 chiếc), có 2 kiểu dáng chính: một loại thường có gờ miệng vê tròn, cổ rụt, thân tròn đều, không chân đế, có nắp đậy. Một loại khác miệng hơi loe hoặc khum, thành cao hơi cong, chân đế thấp. Men trắng vẽ lam và men trắng vẽ nhiều màu. Trang trí sử dụng lối vẽ tỉ mỉ trên loại âu thân tròn với các đề tài hoa lá, mây, chim, thú; còn trên âu có thành đứng lại vẽ rất đơn giản hoặc không trang trí.


Ang, hoa lam

8. Liễn: khoảng 240 chiếc, trong đó loại nhỏ chiếm phần lớn. Đặc điểm chung của loại hình này có miệng rộng, thân thấp hơn âu, loại to thường có nắp đậy, thành thấp cong đều, đế thấp rộng, đáy lõm và thường tô son nâu. Men phủ màu trắng, xanh lam hoặc nhiều màu. Trang trí công phu trên loại liễn lớn song đề tài không đa dạng. Loại liễn nhỏ trang trí đơn giản hơn nhưng khá đẹp mắt. Nhìn chung, liễn được tạo dáng tương đối đồng nhất, giống như loại hình âu trang trí đơn giản.

Bình tỳ bà, hoa lam

9. Bình: có khoảng 150 chiếc. Nhìn chung, loại bình này có dáng tỳ bà, miệng loe cổ eo, thân phình, chân đế thấp, đáy lõm, một số to son nâu. Sử dụng men trắng vẽ lam hoặc men trắng vẽ nhiều màu, men xanh xám và xanh tím. Đề tài trang trí theo lối chia ô, nhiều tầng hoa văn. Một số kết hợp giữa vẽ và trang trí đắp nổi hay trổ thủng. Đây là loại hình có kiểu dáng, hình thức trang trí phong phú.


Chậu, hoa lam

10. Các loại khác: gần 100 chiếc, gồm: chậu, nậm, tước, tượng, kendy, hũ, bình vôi... Trong số hiện vật trên, loại kendy và hũ có đề tài trang trí đẹp mắt, những loại khác trang trí đơn giản, chủ yếu là hoa lá giữa những đường chỉ chìm.

Có thể thấy rằng, sưu tập gốm sứ tàu cổ Cù Lao Chàm thực sự là một kho báu, rất cần được các bảo tàng bảo quản tốt và giới thiệu rộng rãi để công chúng có dịp thưởng ngoạn.

Ban biên tập

Bảo tàng Lịch sử Việt Nam

Chia sẻ:

Bài nổi bật

Khát vọng giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước di nguyện cuối cùng của Chủ tịch Hồ Chí Minh trước lúc Người “đi xa” (Phần 2 và hết)

Khát vọng giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước di nguyện cuối cùng của Chủ tịch Hồ Chí Minh trước lúc Người “đi xa” (Phần 2 và hết)

  • 12/07/2019 08:46
  • 6388

Nền độc lập dân tộc tồn tại không được bao lâu, thực dân Pháp quay trở lại xâm lược nước ta một lần nữa. Ngày 23 tháng 9 năm 1945, chúng nổ súng đánh chiếm Nam Bộ sau đó mở rộng ra cả nước. Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng Trung ương Đảng quyết định phát động cuộc kháng chiến toàn quốc.

Bài viết khác

Thăm bảo tàng xe tăng lớn nhất thế giới

Thăm bảo tàng xe tăng lớn nhất thế giới

  • 08/03/2011 09:12
  • 1829

Bảo tàng xe tăng ở Latrun, cách thủ đô Jerusalem của Israel 30 km về phía Tây được xem như một trong những nơi sở hữu nhiều loại xe bọc thép nhất thế giới. Nơi đây quy tụ tới hơn 150 chiếc xe tăng khác nhau và được sản xuất từ nhiều nước.