Tuy còn sơ khai và manh mún nhưng hoạt động thương mại dưới thời các Vua Hùng đã được hình thành và mang những bản sắc riêng, rất đáng trân trọng.
Tuy còn sơ khai và manh mún nhưng hoạt động thương mại dưới thời các Vua Hùng đã được hình thành và mang những bản sắc riêng, rất đáng trân trọng.
Ngành thương mại thời Hùng Vương được hình thành với việc trao đổi mua bán sản phẩm nông nghiệp (lúa gạo), vật phẩm (vật dụng, vũ khí)… Dấu tích về khu chợ mua bán lúa gạo (chợ Lú) ở Việt Trì, Phú Thọ ngày nay chính là biểu hiện rõ nhất của ngành thương nghiệp. Và đặc biệt hơn, cha ông ta thời Hùng Vương còn đẩy mạnh phát triển thương mại ra bên ngoài, hình thành nên mối giao thương quốc tế.
Với vị trí địa lý thuận lợi, là giao điểm của các luồng văn hóa nên quá trình phát triển của lịch sử, xã hội Việt Nam chịu sự chi phối của các quan hệ giao lưu rộng rãi với bên ngoài trên mọi lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực thương mại. Những dấu tích khảo cổ và cả truyền thuyết đã cho thấy hoạt động thương mại thời Hùng Vương rất phát triển. Theo truyền thuyết, Mai An Tiêm được Vua Hùng mua từ thuyền buôn ngoại quốc đến từ phía Nam. Khi bị đày ra đảo hoang khai phá đất đai, rồi gieo trồng dưa hấu, Mai An Tiêm đã trao đổi sản vật của mình lấy hàng hóa, vật dụng của các thương thuyền đi lại qua vùng biển đảo đó.
 |
Nhân vật truyền thuyết Mai An Tiêm, người đã biết kiếm sống bằng cách trao đổi hàng hóa. |
Về mặt khảo cổ, các nghiên cứu đã chứng minh vào thời Hùng Vương đã có sự phát triển của một nền kinh tế phong phú, đa dạng và đạt trình độ cao về kỹ thuật. Những yếu tố này tạo điều kiện cho hoạt động trao đổi hàng hóa, sản phẩm, nguyên liệu giữa các vùng trong cả nước và với thương nhân nước ngoài. Việc phân bố trống đồng ở miền Đông Nam Á đã cho thấy rõ điều đó. Quê hương của trống đồng là Việt Nam, những trống đồng của văn hóa Đông Sơn được tìm thấy phần lớn tập trung ở lãnh thổ nước ta. Từ địa bàn gốc, trống đồng được chuyển lên phía bắc tới đất Điền (Vân Nam, Trung Quốc), đất Thục (Tứ Xuyên, Trung Quốc) và xuống tận vùng Đông Nam Á. Ở Indonesia, Malaysia, Campuchia, Lào, Thái Lan người ta đã tìm thấy một số trống đồng như vào năm 1964 trên vùng bờ biển phía tây Malaysia đã tìm thấy hai chiếc trống đồng đặt trên một tấm ván (có lẽ là di tích thuyền). Đến năm 1967, ở bờ biển phía đông của nước này người ta lại tìm thấy hai trống đồng nữa có kiểu cách tương tự như trống Hữu Chung (Hải Dương), trống Dak Glao (Kon Tum) ở Việt Nam…
Truyền thuyết của đồng bào Mường kể lại rằng, những trống đồng đầu tiên được đúc vào thời vua Dịt Dàng (vua Việt). Dịt Dàng sai đúc hàng trăm, hàng nghìn trống đồng, trống nào đẹp thì để lại kho, trống nào xấu thì sai “chú Khóa thằng Lồi” mang đi bán.
Chứng tích trống đồng được đem đi các nước đã được khắc họa ngay trên trống đồng, đó là hình ảnh những chiếc thuyền lớn dùng để đi biển chở trống đồng trên sạp. Như vậy, trống đồng sau khi xuất hiện ở nước Văn Lang đã trở thành sản phẩm được ưa chuộng, là thứ hàng hóa phổ biến được đem đi trao đổi. Trong hoạt động giao thương này có thể ngoài trống đồng còn có sự trao đổi các sản phẩm khác nữa như vũ khí, hương liệu. Những dao găm của văn hóa Đông Sơn được tìm thấy ở một số di chỉ tại Quảng Đông, Quảng Tây, Vân Nam (Trung Quốc) đã phần nào chứng tỏ điều đó.
Hoạt động giao thương thời Hùng Vương rất phát triển, là một trong những nhân tố phá vỡ tính đóng kín địa phương, góp phần vào sự định hình một quốc gia, một dân tộc trong lịch sử Việt Nam.
Thái Dũng