Thế vận hội Olympic cổ đại chủ yếu là một phần của lễ hội tôn giáo tôn vinh Zeus, người đứng đầu các vị thần và nữ thần Hy Lạp. Lễ hội và các trò chơi được tổ chức tại Olympia, một địa điểm nằm ở phía Tây Peloponnesos.
Người chiến thắng đầu tiên được ghi nhận tại Đại hội thể thao Olympic là Coroebus xứ Elis – một đầu bếp. Coroebus đã giành chiến thắng trong môn “stadion” – cuộc chạy đua theo đường thẳng dài gần 200 mét. Coroebus chiến thắng vào năm 776 TCN, nhưng đây có lẽ không phải là năm diễn ra kỳ Olympic đầu tiên.
Một vài nhà văn cổ đại, chẳng hạn như sử gia Aristodemus xứ Elis, tin rằng đã có 27 cuộc thi Olympic trước năm 776 TCN, nhưng kết quả không bao giờ được ghi lại bởi vì con người sống trước thời đó không quan tâm tới việc ghi lại tên tuổi của người chiến thắng.
Đại hội thể thao được tổ chức bốn năm một lần tại Olympia, một địa điểm ở phía Tây Hy Lạp có ngôi đền nổi tiếng thờ thần Zeus. Các trận đấu bắt đầu vào giữa tháng tám và là một phần của lễ hội tôn giáo tôn vinh thần Zeus.
Thi đấu vì vinh quang
Trong thời kỳ đầu của Olympic, chỉ có duy nhất một môn thi đấu diễn ra (stadion) và một nhà vô địch.
Qua nhiều thế kỷ, người xưa đã bổ sung thêm nhiều môn khác, như đua xe ngựa, đấu vật, chạy đường dài và đấm bốc. Hoàng đế La Mã Nero thậm chí còn “tổ chức một cuộc thi âm nhạc tại Olympia”, như nhà viết tiểu sử Suetonius cho chúng ta biết.
Người chiến thắng tại Olympia sẽ giành được một vòng cành oliu dại. Không như ngày nay, người về nhì và về thứ ba không nhận được giải thưởng nào.
Vận động viên Iccus xứ Tarentum, giành chiến thắng trong môn phối hợp năm môn tại kỳ Olympic diễn ra vào năm 476 TCN, đã nói rằng với ông “giải thưởng là vinh quang, được ngưỡng mộ khi còn sống và vinh danh sau khi qua đời”.
Những người tham gia thi đấu tranh giải đa phần là đàn ông, nhưng cũng có một số phụ nữ góp mặt. Cynisca, con gái của Vua Archidamus II xứ Sparta, là người phụ nữ đầu tiên giành chiến thắng Olympic. Cynisca được trao giải thưởng vì những con ngựa mà bà huấn luyện đã chiến thắng trong cuộc đua xe ngựa vào năm 396 TCN.
Tuy nhiên, việc tham gia thi đấu có thể rất nguy hiểm. Triết gia lỗi lạc Lucius Annaeus Seneca đã kể về một người cha mất cả hai người con trai trong “pancration”, một loại hình thể thao chiến đấu kết hợp giữa quyền anh và đấu vật:
Một người đàn ông đào tạo hai người con trai thành đấu sĩ, và đưa họ đi thi đấu tại Thế vận hội Olympic. Họ được ghép cặp để đấu với nhau. Hai chàng trai trẻ đều bị giết cùng nhau và được ban cho danh dự thiêng liêng.
Trong kỳ Olympic cổ đại, các vận động viên nam thường khỏa thân khi thi đấu. Nguồn: olympics.com
Di chuyển tới Thế vận hội
Những người mộ điệu phải du hành rất xa mới được chứng kiến các vận động viên cạnh tranh trong Thế vận hội nổi tiếng này. Nhà tu từ học Menander cho biết “hành trình tới đó rất khó khăn nhưng mọi người vẫn chấp nhận rủi ro”.
Vào năm 44 TCN, chính khách La Mã Cicero (106-43 TCN) đã viết một lá thư cho người bạn Atticus, kể về dự định đi một chuyến tới Hy Lạp để xem Thế vận hội. Thế nhưng, Cicerokhông bao giờ đến xem Thế vận hội được, ông bị những công việc khác quấn thân. Nếu ông mà đi thì sẽ phải trải qua một hành trình gian nan vượt biển từ Ý tới Hy Lạp, và rồi chịu xóc nảy trên xe ngựa tới Olympia. Khi đã tới Olympia, các lữ khách sẽ ở nhà trọ cùng những người du hành khác. Họ sẽ ở cùng với người lạ và làm quen với bạn mới.
Chúng ta không thể biết rõ thực tế đã có bao nhiêu người tới xem các Thế vận hội cổ đại vào mỗi lần tổ chức. Một số học giả hiện đại ước tính con số có thể lên tới 50.000 khán giả trong một số năm.
Xem thi đấu
Trong tiểu thuyết Callirhoe, nhà văn Hy Lạp Chariton đã viết các vận động viên cũng phải trải qua một hành trình dài mới tới được Thế vận hội, và họ “được những người ủng hộ hộ tống” đến Olympia.
Các vận động viên hoàn toàn không mặc gì trên người, có hai câu chuyện liên quan tới vấn đề này. Một câu chuyện kể rằng một vận động viên điền kinh từ Megara, Orsippos hoặc Orrhippos, vào năm 720 TCN là người chạy khỏa thân đầu tiên trong cuộc đua vì bị... tuột mất quần đùi. Một phiên bản khác là người Sparta đã đưa quy tắc này vào Thế vận hội vào thế kỷ VIII TCN vì đây là truyền thống của họ. Không rõ Coroebus – người chiến thắng đầu tiên được ghi nhận, có mặc quần không. Nhưng dường như rõ ràng là vào cuối thế kỷ VIII, khỏa thân là một điều phổ biến với các vận động viên nam.
Và phụ nữ thường không được phép xem các trận đấu. Tuy nhiên, có một số ngoại lệ đặc biệt. Chẳng hạn, một phụ nữ tên Pherenice được phép làm khán giả tại Thế vận hội. Bà đã diễn thuyết trước công chúng và cho biết mình có người cha và ba anh em trai từng giành chiến thắng tại Olympic, và bà đang đưa con trai là vận động viên thi đấu tới đây. Bà đã thuyết phục được hội đồng và được cho tham dự lễ hội Olympic.
Vì cuộc thi được tổ chức vào giữa mùa hè nên thời tiết thường vô cùng nóng bức. Theo Claudius Aelian, một số người cho rằng xem Thế vận hội dưới “cái nóng như thiêu như đốt của mặt trời” là “hình phạt khổ cực hơn nhiều” so với đi lao động tay chân như xay ngũ cốc.
Địa điểm tại Olympiacũng có nhiều vấn đề với nguồn cung nước ngọt. Theo nhà văn Lucian xứ Samosata, nhiều du khách tới xem Thế vận hội đôi khi đã tử vong vì khát. Vấn đề này chỉ được khắc phục khi Herodes Atticus xây dựng một đường dẫn nước đến địa điểm này vào giữa thế kỷ thứ II SCN.
Nhưng bầu không khí của đám đông thì vô cùng sôi động. Vị tướng và chính trị gia người Athens Themistocles đã nói rằng khoảnh khắc thú vị nhất đời ông là “nhìn thấy đám đông ở Olympia quay lại nhìn tôi khi tôi bước vào sân vận động”. Họ hết lời tán dương khi ông tới xem các trận đấu tại Olympia, bởi vì gần lúc đó ông đã chiến thắng người Ba Tư tại trận Salamis.
Khi các trận đấu kết thúc, những vận động viên sẽ quay về nhà và được hoan nghênh như người hùng. Theo Claudius Aelian, khi vận động viên Dioxippus quay lại Athens sau khi giành chiến thắng trong pancration tại Olympia thì “đám đông từ bốn phương tám hướng” trong thành phố đổ dồn về chúc mừng ông.
Kết thúc Thế vận hội cổ đại
Nghiên cứu hiện nay cho thấy Thế vận hội cổ đại có thể đã kết thúc dưới thời cai trị của Hoàng đế La Mã Theodosius II. Có một số lý do dẫn tới cái kết đáng buồn này, nhưng một số nguồn tài liệu cổ nêu rõ nguyên nhân là do vụ hỏa hoạn đã phá hủy đền thờ thần Zeus tại Olympia dưới thời trị vì của Theodosius II:
Sau khi đền thờ thần Zeus tại Olympia bị thiêu rụi, lễ hội Eleans và cuộc thi Olympic đã bị hủy bỏ.
Sau này, mãi tới năm 1896 thì Thế vận hội mới được hồi sinh – đây là năm diễn ra Thế vận hội hiện đại đầu tiên.
Nguồn: Theconversation, Penn museum
Phương Anh tổng hợp