Thứ Hai, 09/12/2024
  • Tiếng Việt
  • English
  • French

Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

Vietnam National Museum of History

29/09/2023 22:30 1588
Điểm: 5/5 (7 đánh giá)
Ở Việt Nam, tết Trung thu là một lễ tết có lịch sử hàng nghìn năm. Là người Việt, nhắc đến trung thu, hẳn ai cũng có những ký ức của riêng mình. Khi còn bé, mỗi khi chuẩn bị đến Trung thu là tôi háo hức lắm, háo hức được tham gia tập văn nghệ cùng trẻ con trong xóm, được bố mẹ mua đồ chơi trung thu. Cái không khí tấp nập, rộn ràng của những ngày chuẩn bị cho các hoạt động vui trung thu khiến cho tôi nhớ mãi đến tận giờ.

Giờ đây, giữa nhịp sống hối hả, cứ mỗi dịp trung thu, nghe thấy đâu đó những âm thanh quen thuộc vang lên “Chiếc đèn ông sao sao năm cánh tươi màu/ Cán cây rất dài, cán cao qua đầu/ Em cầm đèn sao em hát vang vang/ Đèn sao tươi màu của đêm rằm trung thu…” là cả một bầu trời ký ức của tôi lại ùa về với hình ảnh những món đồ chơi trung thu truyền thống như đèn lồng, đèn ông sao, đèn kéo quân, đầu sư tử, mặt nạ, trống,…- Những món đồ rất đơn giản, được làm từ giấy màu, keo dán nhưng vô cùng bắt mắt và nhiều màu sắc, khiến cho những đứa trẻ như tôi háo hức, ngóng chờ đến lúc được thắp đèn đi chơi, khoe với bạn bè.

Ngày xưa, trung thu đơn thuần chỉ là ngày tết của trẻ con. Ngày Tết Trung thu, trẻ em được người lớn tặng cho các loại đèn ông sao, đèn cù, đèn thỏ, đèn kéo quân và các loại đồ chơi trung thu. Và để hiểu hơn về sự khác biệt giữa đồ chơi trung thu truyền thống xưa và nay, hãy cùng chúng tôi ngược thời gian đến với không gian của “khu phố kéo tay”- khu phố cổ Hà Nội - nơi sản xuất những mặt hàng thủ công truyền thống trong đó có đồ chơi trung thu qua những trang tài liệu, tư liệu, hình ảnh xưa cũ.

 

Cửa hàng bán đồ chơi rằm tháng 8 phố Hàng Gai./Viện KHXH

Mỗi dịp trung thu về, những khu phố Hàng ở Hà Nội như được khoác chiếc áo mới sinh động và tươi tắn với khu “đồ chơi tháng Tám”. Quang cảnh những con phố “trung thu” xưa được tái hiện qua:

Mô tả của tác giả Hoàng Đạo Thúy trong cuốn “Phố phường Hà Nội”: “Từ mồng một tháng Tám là cả phố nhộn nhịp. Tất cả các bà mẹ và trẻ con Hà Nội đều đến phố Hàng Gai. Tất cả các hàng trong phố đều đã biến thành những cửa hiệu bán đồ chơi Trung thu bằng giấy. Voi giấy, ngựa giấy, đèn con thỏ, con thiềm thừ, cá hóa rồng, đầu sư tử, đèn kéo quân…”;

Qua con mắt đầy cảm mến của người Pháp: “Các gian hàng rực rỡ của phố Hàng Gai với các tượng sư, kiệu nhỏ làm bằng giấy mầu, các chùm bóng bay hình con vật,…tạo nên một bức tranh tuyệt hảo, đầy màu sắc nghệ thuật...”[1]

Chính sự khéo léo, tài tình của người thợ thủ công bản xứ đã khiến người Pháp đặc biệt quan tâm đến tết trung thu truyền thống: “Hãy cho người bản xứ biết rằng chúng ta rất quan tâm đến ngày tết Trung thu của họ!”[2]

Và để bảo tồn, khuyến khích, động viên thợ thủ công, một người Pháp có tên là George Bois đã trình dự án tổ chức thi làm đồ chơi bằng giấy vào dịp tết Trung thu hàng năm ở Hà Nội ngay từ năm 1904[3].

 
 

Thư của một người Pháp tên là George Bois gửi Thống sứ Bắc Kỳ ngày12/10/1904 trình bày dự án tổ chức thi làm những đồ chơi bằng giấy trong tết Trung thu hàng năm ở Hà Nội nhằm bảo tồn, khuyến khích và động viên sự khéo léo, tài tình của người bản xứ./TTLTQGI

Cuộc thi đã được tổ chức lần đầu tiên vào Trung thu năm 1905 và đã rất thành công và được duy trì vào nhiều năm tiếp theo[4]

 
 

Công văn số 169 ngày 05/02/1914 của Thanh tra Dạy nghề Đông Dương gửi Thống sứ Bắc Kỳ xin được ủng hộ dự án tổ chức thi làm đồ chơi của người bản xứ vào dịp tết Trung thu năm 1914./TTLTQGI

Đồ chơi trung thu truyền thống của người thợ Annam không chỉ được mang dự thi hàng năm vào dịp tết trung thu ở Hà Nội mà còn được trưng ở Bảo tàng Trocadero-Paris (Pháp) được cái báo Pháp rất hoan nghênh. Báo Le Temps là tờ báo rất có giá trị ở Pháp, có đăng một bài khen ngợi thợ thuyền Annam có tài đặc biệt, và khuyên những người thợ Pháp, trong lúc “nghề làm đồ chơi nước Pháp” cần phải chấn hưng: nên bắt chước cái lối của bọn thợ thiếc Annam mà làm các đồ chơi cho trẻ[5].

 

Tết Trung thu - Đèn lồng hình con thỏ./Viện KHXH

Bàn tay, trí óc của người thợ thủ công Annam đã được báo chí Pháp tỏ lòng nể phục và muốn người thợ Pháp bắt chước cái lối làm đơn sơ, giản tiện mà có ý vị của thợ Annam để làm đồ chơi với giá bán rẻ hơn mới có thể cạnh tranh với đồ chơi của Đức và Nhật đang tràn lan trên thị trường: “Người thợ Annam chẳng đủ vốn, đủ khí cụ, vật liệu mà hòng ra “mẫu” cho bọn thợ nước người. Nhưng ai cũng phải công nhận mấy người thợ thiếc, thợ mã tháng Tám, là những tay rất lành nghề. Hai bàn tay thay máy móc, hai con mắt là cái thước đo. Chỉ một miếng sắt tây ở thùng dầu, một cái kéo, ít thiếc hàn, một tị sơn, người thợ thiếc đã cắt xén, gõ gắn thành ra một quả táo khép mở trên một nàng tiên, hay một con bướm dương hai cánh, phật phè như hai cánh quạt. Chỉ một ít nan, ít giấy, mấy cành que, cùng vài ba sợi tóc, người thợ mã tháng tám đã dựng nổi chiếc đèn kéo quân. Những đồ chơi tự tay bọn thợ đó làm ra, dẫu nó chẳng cầu kỳ như chiếc ô tô nhỏ, chiếc xe đạp của bọn thợ châu Âu làm nhưng nó có một thứ máy móc đơn sơ, giản tiện, đủ cho chiếc đồ chơi có vẻ hoạt động, có tinh thần. Những đồ chơi đó có một đặc điểm ít nơi có được đó là rẻ tiền...”[6]

Trên tờ “Cứu quốc”, số ra ngày 28/8/1946trong mục “Đời sống mới” có bài “Một nghề mới để anh em thợ vàng mã làm ngay: Làm đồ chơi trẻ em vào dịp tết Trung thu” đã đăng lời khuyên của Trưởng ban Tiểu công nghệ gửi thợ làm đồ vàng ở Hà Nội hưởng ứng phong trào bài trừ mê tín dị đoan, chuyển sang sản xuất đồ chơi trung thu:

“Phong trào bài trừ mê tín dị đoan và nhất là tục đốt vàng mã đang được quốc dân đồng bào hưởng ứng…Cố tâm duy trì những hủ tục và cố bám lấy cái nghề làm đồ vàng mã là đi ngược với trào lưu…Vậy anh em vàng mã nên hăng hái bước sang nghề khác mà anh em chắc chắn sẽ thi thố được tài năng. Chúng tôi xin hiến anh em một cơ hội rất tốt để có cách sinh nhai tạm thời rồi sửa soạn bước sang nghề thủ công khác: ấy là việc chế tạo những đồ chơi cho trẻ em trong dịp tết trung thu này…Cần phải làm sao cho các đồ chơi chế tạo ra phải có tính cách nâng cao tinh thần yêu nước. Đồ chơi phải mỹ thuật, đơn giản, đặc biệt là khoa học, không nên giữ những kiểu đồ chơi cũ rich, các em bé chơi không có nghĩa lý gì. Phải sáng chế ra những thứ mới và cách mạng những thứ cũ…Hỡi các bạn làm vàng mã, bạn nào mạnh bạo xung phong trong việc chế tạo đồ chơi cho trẻ em chắc sẽ đạt được kết quả tốt tươi và chắc nhân dân sẽ hết sức ủng hộ...”[7]

Ngày nay, trước sự xuất hiện ồ ạt của đồ chơi trung thu ngoại nhập với chủng loại phong phú, hiện đại hơn, đắt tiền hơn, đồ chơi trung thu truyền thống vẫn có chỗ đứng nhất định trong lòng người Hà Nội. Tết Trung thu ngày nay đã khác xưa, nhưng những âm thanh trong trẻo hồn hiên, những sắc màu rực rỡ nhuộm cả phố phường vẫn luôn có một vai trò và vị trí quan trọng bởi đó không chỉ là ngày hội của trẻ thơ mà còn là nơi để những ký ức của người lớn được trở về.

 

Tài liệu tham khảo:


[1]TTLTQGI/RST/11279;

[2] Nt;[3] Nt;[4] Nt; [6] Nt;

[5] TVQG/”Đông Pháp”, ngày 29/8/1936;

[7] TVQG/”Cứu quốc”, ngày 28/8/1946.

Nguyễn Hằng

 

https://archives.org.vn

Chia sẻ:

Bài nổi bật

Khát vọng giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước di nguyện cuối cùng của Chủ tịch Hồ Chí Minh trước lúc Người “đi xa” (Phần 2 và hết)

Khát vọng giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước di nguyện cuối cùng của Chủ tịch Hồ Chí Minh trước lúc Người “đi xa” (Phần 2 và hết)

  • 12/07/2019 08:46
  • 6662

Nền độc lập dân tộc tồn tại không được bao lâu, thực dân Pháp quay trở lại xâm lược nước ta một lần nữa. Ngày 23 tháng 9 năm 1945, chúng nổ súng đánh chiếm Nam Bộ sau đó mở rộng ra cả nước. Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng Trung ương Đảng quyết định phát động cuộc kháng chiến toàn quốc.

Bài viết khác

Từ Kết quả khai quật khảo cổ đến công tác bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị chùa Ngũ Đài

Từ Kết quả khai quật khảo cổ đến công tác bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị chùa Ngũ Đài

  • 07/09/2023 14:37
  • 1742

1. Nằm ở chân núi Đống Thóc, thuộc khu vực Ngũ Đài Sơn (phường Hoàng Tiến, thành phố Chí Linh, tỉnh Hải Dương), chùa Ngũ Đài - Kim Quang tự, là một di tích danh thắng rất nổi tiếng. Theo Lý lịch di tích, chùa được xây dựng dưới triều vua Trần Minh Tông, năm 1320 và trùng tu vào các thời Lê, Nguyễn. Trải qua thời gian cùng bao biến động lịch sử, chùa đã bị hư hại nặng nề. Năm 2003, nhân dân và những nhà hảo tâm đã góp công, góp sức dựng lại ngôi chùa với kiểu thức hình chữ Đinh (T) gồm 5 gian Tiền đường, 2 gian Hậu cung, cùng các gian nhà thờ Mẫu Liễu Hạnh, Mẫu Thoải, Mẫu Thượng Ngàn, Nhà thờ Tổ ...