Thứ Hai, 16/09/2024
  • Tiếng Việt
  • English
  • French

Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

Vietnam National Museum of History

07/06/2023 14:29 2060
Điểm: 3/5 (3 đánh giá)
Gốm cổ Bát Tràng - đó là trưng bày chuyên đề được Bảo tàng Lịch sử quốc gia tổ chức khai mạc nhân ngày Quốc tế Bảo tàng (18/5/2023) mới đây. Với cách tiếp cận mới, từ kết quả nghiên cứu lịch sử, khảo cổ học, Bát Tràng là trung tâm sản xuất gốm sứ nổi tiếng, có lịch sử lâu đời, với phạm vi phân bố khá rộng lớn, vượt ra khỏi địa giới hành chính của xã Bát Tràng hiện nay, nằm bên tả ngạn sông Hồng, ở phía Bắc kinh đô Thăng Long xưa. Nơi đây đã từng tạo tác nên nhiều loại hình gốm sứ đặc sắc, quý hiếm, được ưa chuộng, sử dụng phổ biến ở mỗi làng quê cho đến chốn cung đình, từ đồ gia dụng, đồ thờ cúng dân gian đến vật phẩm ngoại giao, được sử sách ghi chép và in sâu đậm trong tâm thức dân gian.

Trưng bày lại là một dịp, tiếp tục giới thiệu tới công chúng những nét đặc sắc của sưu tập hiện vật từ trung tâm Bát Tràng nổi tiếng. Các đồ gốm sứ ấy từ lâu đã trở thành đối tượng được bảo tàng nghiên cứu, sưu tầm qua nhiều thời kỳ thành bộ sưu tập quý giá bậc nhất, nay đang lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia. Công chúng trong và ngoài nước sẽdịp thưởng lãm vẻ đẹp của các hiện vật tiêu biểu được lựa chọn từ bộ sưu tập này, những hiện vật hội tụ đầy đủ những tinh hoa, đặc sắc văn hoá dân tộc, thực sự là những tác phẩm nghệ thuật đỉnh cao, giá trị lịch sử, văn hóa đầy ý nghĩa trong dòng chảy của gốm sứ Việt Nam.

Trong bài viết này, chúng tôi xin giới thiệu khái quát về nội dung trưng bày, cùng theo đó là quá trình hình thành, sự phát triển rực rỡ cùng những thăng trầm của trung tâm sản xuất gốm sứ Bát Tràng trong lịch sử, với sự đa dạng, phong phú về loại hình, với các đặc trưng, đặc sắc, độc đáo về men phủ, hoa văn trang trí, kỹ thuật và nghệ thuật chế tạo.
1. Lịch sử hình thành.
Lịch sử làng nghề Bát Tràng trước đây được biết tới qua truyền thuyết về vị tổ nghề gốm, đó là câu chuyện kể về ba vị đỗ Thái học sinh thời Trần được triều đình cử đi sứ phương Bắc là Hứa Vĩnh Kiều (hay Cảo) người làng Bát Tràng cùng với Đào Trí Tiến người làng Thổ Hà và Lưu Phương Tú người làng Phù Lãng. Sau khi hoàn tất công việc ngoại giao, trên đường về nước qua vùng Triều Châu gặp bão lớn phải dừng trú, nơi đó có xưởng Khai Phong, ba ông đã học được nghề gốm rồi đem về nước, truyền lại cho dân quê mình. Do vậy mà làng Bát Tràng chuyên chế các loại gốm men sắc trắng, làng Thổ Hà chuyên các loại gốm có men sắc đỏ, còn làng Phù Lãng chuyên chế các loại gốm men sắc vàng thẫm (1)
Một truyền thuyết khác liên quan đến quá trình tụ cư, chuyển cư hình thành nên làng gốm Bát Tràng. Theo đó, dân làng Bát Tràng vốn từ làng Bồ Bát (Yên Mô, Ninh Bình) di chuyển ra bắc, định cư bên Tả ngạn sông Hồng, kề cận Thăng Long để thuận tiện cho buôn bán, vận chuyển nguyên liệu, hàng hóa. Họ lập thành phường sản xuất đồ gốm, gọi là Bạch Thổ phường, sau đổi thành Bá Tràng phường và sang thế kỷ 14 đổi thành Bát Tràng (?) (2).
Theo sử liệu thành văn, từ nửa sau thế kỷ 14 đã xuất hiện tên gọi xã Bát Tràng. Sách Đại Việt sử ký toàn thư có ghi chép về vụ lụt lội xảy ra vào tháng 7 năm Nhâm Thìn, niên hiệu Thiệu Phong năm thứ 12 (1352): “nước sông lớn tràn lan, vỡ đê Bát-Khối, lúa má bị ngập… châu Khoái, châu Hồng… hại nhất” (3). Đê Bát-Khối nới ở đây là chỉ đê Bát Tràng và Cự Khối. Vào tháng 12 năm Bính Thìn, niên hiệu Long Khánh năm thứ 4 (1376), sử chép vua Trần Nhân Tông mang 12 vạn quân đi qua bến sông xã Bát. Như vậy, xã Bát đã xuất hiện trong đơn vị hành chính thời Trần. Cho đến giữa thế kỷ 15, thời Lê sơ, Bát Tràng đã được nhắc tới, được ghi nhận là một làng gốm nổi tiếng. Sách Dư địa chí của Nguyễn Trãi soạn năm 1435 cho biết, trong số đồ cống nạp triều nhà Minh ‘làng Bát Tràng phải cung ứng 70 bộ bát đĩa” (4).
Tài liệu khảo cổ học từ các đợt nghiên cứu, khai quật cùng với các truyền thuyết và sử thành văn nêu trên là những minh chứng sinh động, cụ thể về lịch sử của Bát Tràng. Quanh khu vực Bát Tràng hiện nay, tại các địa điểm Lê Xá và Đào Xuyên thuộc xã Đa Tốn trong những năm qua đã phát hiện, thu thập được một số đồ gốm Bát Tràng có niên đại cuối thế kỷ 14 đầu thế kỷ 15 như chậu hoa nâu, đĩa hoa lam, cùng nhiều phế phẩm sống men, các đồ gốm bị cong, méo chứng minh việc sản xuất gốm ở nơi đây.
Trưng bày giới thiệu tới công chúng tư liệu, hình ảnh kết quả khai quật khảo cổ học các năm 2001, 2003 của Bảo tàng Lịch sử Việt Nam, Viện Khảo cổ học và các cơ quan nghiên cứu tại di tích Kim Lan - một xã liền kề phía Nam xã Bát Tràng đã phát hiện di tích, di vật có niên đại kéo dài từ thế kỷ 9 đến thế kỷ 19-20, đặc biệt là các tầng văn hoá có niên đại thế kỷ 9-10 và  thế kỷ 13-14, trong đó, số lượng lớn các di vật là đồ gia dụng như bát, đĩa, âu, ống nhổ... tập trung ở các dòng men đặc trưng thời Trần giống sưu tập gốm men đã biết ở Đa Tốn. Đặc biệt, cũng phát hiện các di vật phản ánh kỹ thuật sản xuất gốm tại chỗ như bao nung, con kê, đồ phế phẩm, cục làm men… chứng minh nơi đây là một vùng sản xuất gốm sứ phạm vi phân bố rộng lớn. Đến những năm 1958, khu vực này mới được chia tách làm hai bởi công trình thuỷ lợi Bắc Hưng Hải. Ngày nay, xã Bát Tràng nằm bên tả ngạn sông Hồng, phía Bắc giáp xã Đông Dư, phía Đông giáp xã Đa Tốn, phía Tây giáp sông Hồng, phía Nam giáp xã Kim Lan và Xuân Quan (5).
 
Khai quật di tích Kim Lan, năm 2003
 
Di tích Kim Lan, năm 2003
2. Gốm Bát Tràng thế kỷ 14
Thông qua nghiên cứu, khai quật khảo cổ học, xác định từ thế kỷ 9-10 khu vực Bát Tràng đã là nơi tụ cư đông đúc và sang thế kỷ 14, Bát Tràng đã là trung tâm sản xuất gốm sứ có phạm vi phân bố khá rộng lớn, với các dòng men và loại hình mang đặc trưng thời Trần. Trưng bày giới thiệu một số hiện vật như: bát, đĩa, âu gốm men trắng, men ngọc, men nâu; thạp, chậu, chân đèn gốm hoa nâu
 
Bát gốm men tiền lam, thế kỷ 14
 
Thạp gốm men trắng hoa nâu, thế kỷ 14
 
Phần dưới chân đèn men trắng hoa nâu thế kỷ 14
 
Bản vẽ thạp hoa nâu và  bản vẽ hình rồng đắp nổi trên chân đèn
Từ nửa sau thế kỷ 14, xuất hiện một dòng sản phẩm gốm sử dụng kỹ thuật vẽ màu lam bằng bút lông dưới lớp men màu trắng bóng, hoa văn chủ yếu là đường chỉ, hoa lá được vẽ hết sức thô phác, còn mờ nhạt với bố cục chưa định hình rõ nét. Đây là loại gốm "tiền lam", đánh dấu sự ra đời của dòng gốm men trắng hoa lam nhanh chóng đạt đến trình độ xuất sắc, hoàn thiện về công nghệ, kỹ thuật trong thế kỷ tiếp theo, đưa Việt Nam trở thành một cường quốc sản xuất, xuất khẩu gốm sứ đương thời ở thời kỳ sau. Ảnh hưởng của kỹ thuật trang trí gốm hoa lam, dòng gốm hoa nâu cũng có sự chuyển biến về kỹ thuật với lối vẽ bằng bút lông dưới men. Bát Tràng được ghi nhận là một trong những trung tâm sản xuất gốm sớm thành thạo và sử dụng những kỹ thuật “tiên tiến” nhất lúc bấy giờ trong sản xuất gốm sứ với phạm vi và quy mô lớn.
 
Bản vẽ họa tiết trang trí trên gốm vẽ hoa nâu và hoa lam thế kỷ 14
3. Gốm Bát Tràng thế kỷ 15-18
Đây là thời kỳ phát triển mạnh mẽ mối quan hệ giao lưu thương mại giữa Việt Nam với nhiều nước trong khu vực và trên thế giới. Đồ gốm là mặt hàng xuất khẩu quan trọng, tạo điều kiện cho nghề sản xuất gốm ở Việt Nam, trong đó có Bát Tràng phát triển vượt bậc cả về số lượng chất lượng, trở thành trung tâm sản xuất mang tính chuyên môn hoá với nhiều chủng loại đồ gốm đạt đến trình độ kỹ thuật và mỹ thuật cao. Trưng bày giới thiệu các đồ gốm Bát Tràng với các sản phẩm nổi tiếng: gốm hoa lam, gốm chạm, đắp nổi, gốm men nhiều màu, gốm men rạn... phục vụ rộng rãi cho nhu cầu trong nước và xuất khẩu.
- Thế kỷ 15-16 là giai đoạn phát triển cực thịnh của gốm hoa lam Việt Nam. Thời kỳ này chắc hẳn, Bát Tràng phát triển mạnh mẽ hơn, là trung tâm sản xuất mang tính chuyên môn hoá với nhiều sản phẩm đạt đến trình độ kỹ thuật, mỹ thuật cao, thực sự là những tác phẩm nghệ thuật, được tiêu thụ rộng rãi trong nước và xuất khẩu. Thông qua các hiện vật trưng bày, ta thấy bên cạnh điểm tương đồng với các loại hình gốm hoa lam được sản xuất tại các trung tâm sản xuất gốm khác ở khu vực kinh thành Thăng Long và các lò gốm ở Hải Dương, gốm hoa lam Bát Tràng có những nét riêng về kiểu dáng và hoạ tiết trang trí với lối vẽ phóng bút, màu men có sắc xanh đen; men lam thường được dùng để vẽ hoạ tiết mây kết hợp với trang trí hình rồng nổi để mộc, vẽ băng đường diềm, cánh sen, hoa dây...
 
Bản vẽ hình rồng đắp trên gốm hoa lam thế kỷ 15-16
 
Hình phượng vẽ, chạm nổi trên đồ gốm thế kỷ 16
 
Hoa văn chạm nổi trên gốm thế kỷ 16 - 17
Bên cạnh đồ gốm gia dụng còn có các loại đồ gốm cao cấp thể hiện qua chất liệu, hoa văn trang trí, minh văn... Gốm Bát Tràng không chỉ phục vụ tiêu dùng cho Kinh đô Thăng Long mà còn tham gia thị trường xuất khẩu sôi động đương thời, nhiều tiêu bản gốm Bát Tràng đã được tìm thấy ở châu Âu, Trung Đông, Nhật Bản, Indonesia, Philippines.
 
Bát gốm men trắng vẽ lam thế kỷ 15-16
 
Chân đèn men trắng vẽ lam, có minh văn thế kỷ 16
- Thế kỷ 17-18, trước những biến động lịch sử khiến nhiều trung tâm sản xuất gốm dần bị lụi tàn, Bát Tràng cũng bị ảnh hưởng nhưng vẫn giữ được sức sống bền bỉ nhờ có thị trường tiêu thụ rộng rãi trong nước với những đồ gia dụng, đồ thờ cúng và vật liệu trang trí kiến trúc rất thiết yếu cho mọi tầng lớp xã hội.
Trưng bày giới thiệu các hiện vật gốm Bát Tràng có minh văn là các dòng chữ Hán-Nôm sử dụng kỹ thuật khắc lõm, đắp nổi hay viết, vẽ lam trên các đồ gốm rất độc đáo và quý hiếm. Minh văn chủ yếu thấy xuất hiện trên đồ gốm thờ cúng, được đặt hàng làm để cung tiến vào các đình, đền, chùa, quán. Minh văn trên đồ gốm không chỉ cung cấp tài liệu cho lĩnh vực nghiên cứu kinh tế hàng hoá thủ công nghiệp mà còn soi sáng nhiều vấn đề lịch sử xã hội. Đặc biệt, là những thông tin quan trọng cho biết niên đại tuyệt đối của hiện vật, họ tên, quê quán của tác giả chế tạo cùng họ tên, chức tước, của người đặt hàng... Nổi bật là cặp chân đèn do Đỗ Phủ tạo tác có minh văn ghi rõ niên hiệu Hoằng Định đời vua Lê Kính Tông; cặp bình niên hiệu Cảnh Trị, đời vua Lê Huyền Tông; lư hương hoa sen, chân nến đế nghê niên hiệu Vĩnh Thịnh đời vua Lê Dụ Tông; đỉnh gốm niên hiệu Vĩnh Hựu đời vua Lê Ý Tông (6). Đây là thang chuẩn, rất có ý nghĩa trong nghiên cứu, đối sánh gốm Bát Tràng trong diễn biến chung của gốm sứ giai đoạn này.
Trưng bày giới thiệu dòng gốm men rạn Bát Tràng là một loại men độc đáo, làm nên thương hiệu Bát Tràng. Kỹ thuật rạn trên men được tạo ra do sự chênh lệch về độ co giữa xương gốm và men. Có loại rạn do thời gian, có loại rạn do sai sót kỹ thuật trong quá trình sản xuất. Tuy nhiên, gốm men rạn Bát Tràng được chủ động tạo ra và khống chế độ rạn, hình dáng vết rạn thích hợp theo ý đồ mang tới một vẻ đẹp cổ kính, độc đáo cho sản phẩm. Các tài liệu gốm men cổ ở Việt Nam xác nhận men rạn chỉ được sản xuất tại lò gốm Bát Tràng từ cuối thế kỷ 16 và kéo dài tới cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20. Đồ gốm men rạn Bát Tràng có thể là men rạn độc sắc, men rạn kết hợp với đắp nổi, khắc chìm để mộc hoặc men rạn kết hợp với trang trí vẽ lam. Trưng bày giới thiệu bát gốm men rạn vẽ lam, nung đơn chiếc, với minh văn ghi dưới đáy Quang Trung niên tạo, có nghĩa được chế tạo trong khoảng niên hiệu Quang Trung (1788-1792) (7).
 
Cặp chân đèn, men rạn
 
Lư hương gốm men rạn
 
Mô hình nhà gốm vẽ nhiều màu thế kỷ 17
 
Hình hổ phù, long mã chạm nổi trên gốm thế kỷ 18
4. Gốm Bát Tràng thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20
Sang thế kỷ 19, bối cảnh khu vực và quốc tế có nhiều biến động, quan hệ ngoại thương của Việt Nam giảm sút, việc xuất khẩu đồ gốm suy giảm khiến cho các trung tâm gốm xuất khẩu đã từng rất phát đạt trong các thế kỷ trước dần tàn lụi. Theo đó, Bát Tràng cũng bị ảnh hưởng, thị trường gốm xuất khẩu không còn, song, với truyền thống và kinh nghiệm của một trung tâm sản xuất gốm sứ lớn Bát Tràng vẫn được duy trì nhờ có thị trường tiêu thụ rộng rãi trong nước với những đồ gia dụng, đồ thờ, đồ trang trí, đồ đặt hàng thiết yếu phù hợp nhu cầu và thị hiếu của mọi tầng lớp xã hội. Lúc này, có lẽ thị hiếu của giới thượng lưu chuyển sang đồ gốm sứ Trung Quốc, do vậy, đồ gốm Bát Tràng thời kỳ này, bên cạnh các đề tài truyền thống, còn thấy xuất hiện các đề tài mới, du nhập từ bên ngoài theo các điển tích Trung Hoa như “Ngư ông đắc lợi”, “Tô Vũ chăn dê”, “Tam quốc chí”, “Bát tiên quá hải”, “Hà Đồ-Lạc Thư”… Tuy nhiên, việc thể hiện các đề tài theo các thủ pháp truyền thống, bằng sự sáng tạo của mình, những người thợ gốm Bát Tràng đã đạt được hiệu quả riêng biệt, các sản phẩm thể hiện sự giao lưu, thích ứng, song vẫn mang những đặc trưng riêng có để dẽ dàng nhận diện đó là đồ gốm Bát Tràng. Trên các vật phẩm như lộc bình, chóe, ấm, đồ thờ, đồ gia dụng vẫn thể hiện sự tiếp nối kỹ thuật và hoa văn trang trí, men rạn kết hợp vẽ lam đề tài phong cảnh, chim bên hoa cúc, chim đậu cành trúc, bướm với hoa hồng, chim với hoa sen.
 
Đĩa gốm thế kỷ 19
 
Bình gốm thế kỷ 19
Sang đầu thế kỷ 20, nghề gốm Bát Tràng do nhiều tác động khách quan do bối cảnh xã hội và cơ cấu lao động thay đổi, nguồn nguyên liệu dần cạn kiệt đã không còn cơ hội phát triển. Đã bắt đầu xuất hiện các xí nghiệp gốm sứ và hàng ngoại nhập cạnh tranh. Thực trạng đó được nhà Địa lý học người Pháp Pierre Gourou cho biết qua cảm nhận của ông về làng gồm Bát Tràng vào năm 1936: “Bát Tràng chắc chắn là làng gây ấn tượng mạnh mẽ nhất vùng châu thổ sông Hồng về mặt tổ chức công nghiệp, với những cái lò đồ sộ, dài 12m, cao 2,6m, rộng 3,6m, những ngôi nhà chen chúc nhau, ở đó không thấy trâu hay nông cụ, với những đống củi cao lù lù từ 7 tới 8,3m. Nhưng ngôi làng hầu như hoàn toàn công nghiệp này, gần như không có đất trồng trọt, đang ở buổi suy tàn; hiện chỉ còn lại bốn năm lò hoạt động, dân chúng quy sự suy tàn này cho tình trạng khó khăn về tìm đất và giá cả quá cao mà họ phải trả. Một số đi làm gạch ở bên ngoài và phụ nữ Bát Tràng buôn cau khô và nước mắm…” (8).
Tóm lại, với gần 40 hiện vật được lựa chọn từ sưu tập gốm Bát Tràng đang được lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia cùng một số tư liệu, hình ảnh kết quả nghiên cứu, khai quật khảo cổ học, thông qua trưng bày Gốm cổ Bát Tràng cho thấy lịch sử lâu đời, quá trình hình thành và phát triển, sự kế thừa truyền thống tạo nên những đặc sắc riêng , trung tâm sản xuất gốm sứ Bát Tràng đã tồn tại qua bao thăng trầm lịch sử đến ngày nay, trở thành bảo tàng sống động về gốm sứ nói riêng và lịch sử văn hóa Việt Nam nói chung.

Tường Long

Tài liệu dẫn 
1. Đỗ Thị Hảo. Quê gốm Bát Tràng. Nxb. Hà Nội 1989, tr. 51-53.
2. Ngô Sĩ Liên. Đại Việt sử ký toàn thư, tập 2. Nxb. KHXH, Hà Nội 1972.
3, 7. Phan Huy Lê, Nguyễn Đình Chiến và Nguyễn Quang Ngọc. Gốm Bát Tràng, thế kỷ 15-19. Nxb. Thế giới, Hà Nội 1995.
4. Nguyễn Trãi. Dư địa chí. Nxb. KHXH, Hà Nội 1960, tr. 33.
5. Ngô Thế Phong, Nguyễn Văn Đoàn. Báo cáo kết quả khai quật di tích Kim Lan (Gia Lâm, Hà Nội). Tư liệu Bảo tàng Lịch sử Việt Nam. Hà Nội 2003.
6. Nguyễn Đình Chiến. Cẩm nang đồ gốm Việt Nam có minh văn thế kỷ 15-19. Nxb. Thế giới, Hà Nội 1999.
8. Pierre Gourou. Người nông dân châu thổ Bắc kỳ. Nxb. Trẻ, 1996, tr. 452.
Bảo tàng Lịch sử quốc gia

Chia sẻ:

Bài nổi bật

Khát vọng giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước di nguyện cuối cùng của Chủ tịch Hồ Chí Minh trước lúc Người “đi xa” (Phần 2 và hết)

Khát vọng giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước di nguyện cuối cùng của Chủ tịch Hồ Chí Minh trước lúc Người “đi xa” (Phần 2 và hết)

  • 12/07/2019 08:46
  • 6400

Nền độc lập dân tộc tồn tại không được bao lâu, thực dân Pháp quay trở lại xâm lược nước ta một lần nữa. Ngày 23 tháng 9 năm 1945, chúng nổ súng đánh chiếm Nam Bộ sau đó mở rộng ra cả nước. Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng Trung ương Đảng quyết định phát động cuộc kháng chiến toàn quốc.

Bài viết khác

Gốm Bát Tràng - 7 thế kỷ thăng trầm

Gốm Bát Tràng - 7 thế kỷ thăng trầm

  • 26/05/2023 10:17
  • 1756

Khai mạc tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia giữa tuần trước, trưng bày Gốm cổ Bát Tràng là thước phim tua lại dòng lịch sử của gốm Bát Tràng từ thế kỷ XIV - khoảng thời gian vùng đất này xuất hiện sớm nhất trong sử liệu với cái tên xã Bát trong Đại Việt sử ký toàn thư. Trưng bày sẽ còn kéo dài tới tháng 9 năm nay.