Thứ Bảy, 07/09/2024
  • Tiếng Việt
  • English
  • French

Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

Vietnam National Museum of History

09/02/2023 13:55 1572
Điểm: 0/5 (0 đánh giá)
Bản Đề cương Văn hóa Việt Nam 1943 do Tổng Bí thư Trường Chinh chấp bút là đường hướng chỉ đạo cho một cuộc cách mạng văn hóa theo quan niệm Macxit. Tám mươi năm đồng hành với những giai đoạn khác nhau của cuộc cách mạng giành độc lập, thống nhất Tổ quốc, xây dựng và phát triển đất nước, Đề cương văn hóa giống như một Cương lĩnh văn hóa của Đảng, đã chứng tỏ sức sống của nó trong cuộc cách mạng xã hội toàn diện, sâu sắc chưa từng có trong lịch sử dân tộc. Nó thực sự trở thành sức mạnh tư tưởng soi đường cho quốc dân đi.

 

80 năm qua, nhiều quan điểm lớn của Đảng về văn hóa được thể hiện trong Đề cương vẫn còn nguyên giá trị, nhờ đó nền văn hóa dân tộc luôn được bảo tồn và phát huy giá trị Ảnh: TR.HUẤN
1. Với Đề cương Văn hóa Việt Nam, lần đầu tiên Đảng cộng sản đưa ra một cương lĩnh văn hóa mà ở đó nội dung, tính chất, tổ chức, nhiệm vụ phát triển của cách mạng văn hóa trong và sau cách mạng giải phóng dân tộc theo xu hướng hoàn toàn mới. Trong thực tiễn, tinh thần của Đề cương Văn hóa Việt Nam đã có tác dụng định hướng và lãnh đạo văn hóa Việt Nam cho đến ngày hôm nay. 
Như tên gọi của văn bản, đây chỉ là một đề cương phác thảo hoạt động của một đảng chính trị trong điều kiện hoạt động bí mật, nên văn bản mới chỉ dừng lại ở những định hướng lớn, những nguyên tắc mang tính chất nền tảng, nhiều vấn đề cũng mới chỉ được nêu ra như những nguyên tắc hoạt động lớn mà chưa có điều kiện đi sâu vào những nội dung cụ thể, những quan hệ phức tạp trong một cương lĩnh văn hóa mới. Điều đáng nói là tám mươi năm qua, trải qua những giai đoạn khác nhau của lịch sử dân tộc, những đường hướng ấy dù được điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp với từng giai đoạn cụ thể, nó vẫn giữ được tính nhất quán về đường hướng phát triển, nguyên tắc chỉ đạo. Có thể nói tầm nhìn của những vấn đề trong Đề cương Văn hóa Việt Nam mang ý nghĩa cách mạng và khoa học sâu sắc. Tinh thần khai phóng ấy được tiếp tục phát triển, mở rộng trong những văn kiện quan trọng của Đảng sau này như Chủ nghĩa Mác và văn hóa Việt Nam, Nghị quyết của các kỳ đại hội, Nghị quyết chuyên ngành về văn hóa, văn học nghệ thuật… đã đặt nền tảng cho sự phát triển của văn hóa Việt Nam từ bấy đến nay, là sự thực lịch sử không thể phủ nhận. 
Nhưng ở đây cần phải làm rõ một điều: Dù thể hiện tầm nhìn xa, trông rộng thì Đề cương Văn hóa Việt Nam cũng chỉ mới là những phác thảo mang tính định hướng cho việc xây dựng một nền văn hóa mới (dân chủ nhân dân và xã hội chủ nghĩa), là “nguyên tắc lớn” của cuộc vận động văn hóa, là sự chỉ đạo chứ không phải là toàn bộ các quan hệ, giá trị, vấn đề của một nền văn hóa. Hai trụ cột quan trọng nhất của văn hóa mới là đời sống văn hóa và con người, với tư cách là chủ thể sáng tạo ra nền văn hóa và hệ giá trị của nó, cũng mới chỉ được vạch ra trong những phác thảo, thậm chí có vấn đề chưa được đặt ra một cách đầy đủ mà trong nhiều khía cạnh, nó mới chỉ được đặt ra do yêu cầu thực tiễn, mang tính sách lược, vừa tầm. Bởi vậy, sau 80 năm, chúng ta cần nhận thức về Đề cương… theo quan điểm lịch sử mà không giáo điều để tiếp tục sự nghiệp phát triển văn hóa Việt Nam trong tình hình mới. 
2. Nhiều nhà nghiên cứu đã nói về tính chất cứu quốc, vai trò phục hưng văn hóa dân tộc của Đề cương Văn hóa Việt Nam từ khi nó mới ra đời. Chất hành động, đáp ứng được những yêu cầu của cách mạng luôn là một trong những điểm nổi bật của các tư tưởng về cách mạng. 
Nói như vậy không hề làm giảm đi tính chất khoa học và lý luận của đường lối mà về thực chất nếu không nhận thức đúng quan điểm này rất dễ vướng vào các quan điểm giáo điều, bám vào câu chữ hoặc rơi vào một lệch lạc khác là đơn giản hóa những điều Đề cương Văn hóa Việt Nam đã nêu ra, không dám đào sâu, mở rộng những nội dung mà Đề cương Văn hóa Việt Nam đã nói tới. Đó là một nhận thức không đúng vì định hướng bao giờ cũng chỉ là một hướng đi, là quan điểm chỉ đạo trong khi thực tiễn vận động của hiện tượng lại vô cùng phong phú, nó là bản thân đời sống nên phải luôn có những sáng tạo phù hợp với yêu cầu, mục đích và hiệu quả của công việc. Ở đây chỉ xin giới hạn ở những nội dung về ba phương châm mang tính bao trùm của một nền văn hóa mới là Dân tộc hóa, Khoa học hóa và Đại chúng hóa. Ba phương châm này là định hướng, xác lập nguyên tắc hoạt động chứ chưa phải và không thể là những nội dung cụ thể của một nền văn hóa mới. Đây không phải là những suy diễn thiếu cơ sở mà căn cứ vào cách giải thích khái niệm sẽ nhận thấy đó là một yêu cầu của thực tiễn cách mạng. 
Khi cuộc cách mạng giành độc lập dân tộc đang trở thành vấn đề cấp thiết số một thì nguyên tắc Dân tộc hóa là “chống mọi ảnh hưởng nô dịch, thuộc địa, khiến cho văn hóa Việt Nam phát triển độc lập”, là đưa văn hóa trở về với đại chúng, là vì đại chúng, phục vụ đại chúng chứ không thể vì một đối tượng nào khác. Đây thực sự là một sự thay đổi tận gốc, là cuộc cách mạng chứ không phải là một xu hướng cải cách mang tính cải lương. Nêu phương châm Dân tộc hóa lên đầu tiên, gắn nó với cuộc cách mạng giành độc lập cho đất nước như là nhiệm vụ hàng đầu của văn hóa chính là đưa văn hóa áp sát đời sống, làm cho nó hữu ích, thiết thực với quảng đại quần chúng. Khoa học hóa văn hóa giai đoạn này chính là đánh đổ mọi nhận thức sai lầm về con đường phát triển của xã hội “chống lại tất cả những gì làm cho văn hóa trái khoa học, phản tiến bộ”, mà thực chất là chống lại tư tưởng Đại Đông Á của Nhật và tư tưởng nô dịch và những quan niệm duy tâm, siêu hình đang đè nặng lên đời sống tinh thần của nhân dân. Đại chúng hóa là “chống mọi chủ trương hành động làm cho văn hóa phản lại đại chúng hoặc xa đông đảo quần chúng”. Có thể thấy việc luận giải các nguyên tắc này của Đề cương Văn hóa Việt Nam nghiêng về phía chính trị cũng là tất yếu bởi nhiệm vụ cứu quốc được đặt ra hàng đầu. Yêu cầu trở về với dân tộc, nhân dân của văn hóa, vì độc lập dân tộc và hạnh phúc nhân dân, nói như một số nhà hoạt động văn hóa lúc đó, là mệnh lệnh của lương tri. 
Những tư tưởng lớn của Đề cương Văn hóa Việt Nam ở đây đã kích thích, lôi kéo rất nhiều người chưa hiểu về cách mạng, đấu tranh giai cấp, cách mạng xã hội chủ nghĩa…, nhưng tinh thần về với dân tộc, nhân dân, chống áp bức, nô dịch đã kéo họ “tụ về dưới lá cờ nghĩa của cách mạng” là một sự thực. Xét ở phương diện này, Đề cương Văn hóa Việt Nam đã nêu ra những yêu cầu vừa tầm, phù hợp, có hiệu quả rất lớn trên mặt trận văn hóa, tư tưởng. Khi cuộc kháng chiến nổ ra, tư tưởng Văn hóa phải soi đường cho quốc dân đi, Tổ quốc trên hết mà những phương hướng hành động kháng chiến hóa văn hóa, văn hóa hóa kháng chiến là những hoạt động cụ thể đã làm thay đổi hẳn đời sống tinh thần của dân tộc. Dân khí, dân trí đã đổi mới và cũng như sau này, trong cuộc chiến tranh nhằm thống nhất đất nước, nền văn hóa mới với ba phương châm Dân tộc, Khoa học, Đại chúng đã hoàn thành xuất sắc sứ mệnh của nó: Cứu quốc và góp phần phục hưng dân tộc. 
 
Lễ hội truyền thống luôn được bảo tồn, phát huy giá trị  Ảnh: TR.HUẤN
3. Như đã nói ở trên, Đề cương Văn hóa Việt Nam dù mang tầm nhìn chiến lược và cho đến nay vẫn chứng tỏ sức sống của nó, nhưng không phải không có những bất cập ở một số vấn đề như trong xác định phạm vi đối tượng, lĩnh vực hoạt động của văn hóa, những nét đặc thù của khái niệm cũng như trong đánh giá di sản, xác định tính chất hoặc phân kỳ lịch sử hình thành và phát triển của văn hóa dân tộc v.v… 
Điều ấy hoàn toàn có thể hiểu được bởi trong những điều kiện hoạt động bất hợp pháp, thiếu thốn tư liệu, mặt bằng lý luận nói chung còn có nhiều hạn chế… đã không cho phép tác giả đi sâu vào những vấn đề chuyên môn. Mặt khác, khi vận dụng quan điểm này vào chỉ đạo thực tiễn không phải không có những bất cập, thậm chí sai lầm. Ngay như nói về hệ giá trị của văn hóa, trong thực tiễn không ít những lệch lạc trong cách hiểu về ba phương châm lớn này khi xây dựng phong trào hay khi tôn vinh những giá trị văn hóa truyền thống, trong hội nhập và tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại, trong sự tạo ra một môi trường văn hóa bình đẳng, đa dạng của cộng đồng các dân tộc và xây dựng con người. Đó cũng là một thực tế cần phải được nghiên cứu kỹ và giải quyết những vấn đề của chính văn hóa trong quá trình phát triển. Mặt khác lại cũng phải nhận thấy đây là một bản Đề cương Văn hóa Việt Nam, một chương trình, kế hoạch hành động mang tính chất cương lĩnh của một tổ chức chính trị ở một lĩnh vực vốn rộng về phạm vi, phong phú về nội dung, khó có quan điểm thống nhất ngay cả với những nhà chuyên môn, phức tạp về cách tiếp cận và quan điểm đánh giá… Mọi vấn đề không phải một khi đã xây dựng xong là trở thành nguyên lý nhất thành bất biến mà trước hết và suy cho cùng, nó chỉ là những định hướng để dựa vào đó mà sáng tạo và hành động chứ không nhất nhất lệ thuộc vào nó một cách giáo điều. 
Lướt qua những giai đoạn phát triển, đổi thay của 80 năm qua, nhìn lại những quan điểm lớn nhất của Đảng về văn hóa mới thấy hết những minh triết của cách tiếp cận vấn đề, tính thực tiễn và khoa học của những luận điểm được nêu ra trong Đề cương Văn hóa Việt Nam, thấy nó đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử. Bao trùm lên tất cả là tính chất cách mạng, thái độ nhất quán và những nguyên tắc của Đảng về một nền văn hóa mới, được định hướng ngay từ khi nó chưa được xác lập, chưa thật rõ hình hài nhưng những cái mới của nó đã hé lộ, sức sống của nó ngay từ những buổi đầu tiên đã được khẳng định và nó đã đáp ứng được những yêu cầu của cuộc cách mạng xã hội vì dân tộc, vì nhân dân. Chính vì thế mà tương lai của những tư tưởng lớn ấy, những định hướng ấy đã bám rễ vào đời sống và chứng tỏ sự đúng đắn ngay từ những buổi đầu. Những bất cập trong chỉ đạo thực tiễn về xem nhẹ vai trò của tinh hóa văn hóa, những nhận thức chưa đúng về tính đại chúng, văn hóa quần chúng, xu hướng chiều theo nhu cầu giải trí của số đông hay bảo tồn, di sản văn hóa đã từng bước được nhận thức và giải quyết. Vấn đề lớn nhất là nhận thức về bản thể của văn hóa, vấn đề con người cho đến nay vẫn là những điểm “nghẽn” vì quan điểm chỉ đạo vẫn nghiêng về khía cạnh chính trị của vấn đề cần được giải quyết trong thời gian tới. 
Nếu coi Đề cương Văn hóa Việt Nam 1943 như là Cương lĩnh thứ nhất của Đảng về văn hóa thì Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII Về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc và Nghị quyết Trung ương 33 khóa XI Về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước như những cương lĩnh mới về văn hóa của Đảng thì không thể không nhận thấy những tiếp nối, phát triển nhiều luận điểm quan trọng của Đề cương Văn hóa Việt Nam 1943. Mặc dù đã trải qua chặng đường 80 năm, dù thực tế đã thay đổi và nội dung, tính chất, nhiệm vụ, phương thức tổ chức, xây dựng một nền văn hóa mới của văn hóa Việt Nam thời hội nhập đã khác nhưng những định hướng cơ bản về tư tưởng, nội dung và những nguyên tắc của nền văn hóa mới vẫn còn mang ý nghĩa lớn với chúng ta.
Lướt qua những giai đoạn phát triển, đổi thay của 80 năm qua, nhìn lại những quan điểm lớn nhất của Đảng về văn hóa mới thấy hết những minh triết của cách tiếp cận vấn đề, tính thực tiễn và khoa học của những luận điểm được nêu ra trong Đề cương Văn hóa Việt Nam, thấy nó đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử. 
Bao trùm lên tất cả là tính chất cách mạng, thái độ nhất quán và những nguyên tắc của Đảng về một nền văn hóa mới, được định hướng ngay từ khi nó chưa được xác lập, chưa thật rõ hình hài nhưng những cái mới của nó đã hé lộ, sức sống của nó ngay từ những buổi đầu tiên đã được khẳng định và nó đã đáp ứng được những yêu cầu của cuộc cách mạng xã hội vì dân tộc, vì nhân dân. Chính vì thế mà tương lai của những tư tưởng lớn ấy, những định hướng ấy đã bám rễ vào đời sống và chứng tỏ sự đúng đắn ngay từ những buổi đầu. 

 PGS.TS PHẠM QUANG LONG

http://baovanhoa.vn

Chia sẻ:

Bài nổi bật

Khát vọng giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước di nguyện cuối cùng của Chủ tịch Hồ Chí Minh trước lúc Người “đi xa” (Phần 2 và hết)

Khát vọng giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước di nguyện cuối cùng của Chủ tịch Hồ Chí Minh trước lúc Người “đi xa” (Phần 2 và hết)

  • 12/07/2019 08:46
  • 6373

Nền độc lập dân tộc tồn tại không được bao lâu, thực dân Pháp quay trở lại xâm lược nước ta một lần nữa. Ngày 23 tháng 9 năm 1945, chúng nổ súng đánh chiếm Nam Bộ sau đó mở rộng ra cả nước. Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng Trung ương Đảng quyết định phát động cuộc kháng chiến toàn quốc.

Bài viết khác

Ai Cập cổ đại: Tín ngưỡng tôn thờ mèo

Ai Cập cổ đại: Tín ngưỡng tôn thờ mèo

  • 16/01/2023 11:42
  • 2576

Mèo là loài động vật được tôn kính và đóng vai trò quan trọng trong văn hóa và lịch sử của người Ai Cập cổ đại. Cho đến nay, các đền thờ tại Ai Cập vẫn còn lưu giữ nhiều bức tượng điêu khắc và tác phẩm nghệ thuật về những vị thần có hình dáng giống như mèo.Cùng với chữ tượng hình, kim tự tháp và các họa tiết trang trí dạng hình học, mèo là đặc điểm nổi bật trong nghệ thuật Ai Cập cổ đại, phản ánh địa vị và tầm quan trọng của loài động vật này đối với những người dân sống dọc sông Nile. Những con vật ban đầu được xem là kẻ săn mồi hữu ích, và theo thời gian chúng dần trở thành biểu tượng của thần thánh và sự bảo vệ.