Chủ Nhật, 15/09/2024
  • Tiếng Việt
  • English
  • French

Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

Vietnam National Museum of History

10/10/2022 11:14 1738
Điểm: 0/5 (0 đánh giá)
Hoạt động Bình dân học vụ nói riêng và hoạt động giáo dục nói chung thời gian 1945 – 1946 đã thực sự trở thành một lực lượng góp phần đáng kể vào quá trình hiện đại hóa của xã hội Việt Nam.

 

Tranh lớp Trung học đầu tiên – Diệp Minh Châu vẽ năm 1948. Nguồn: Baodantoc.
Ngoài Nam Bộ hiện không có tư liệu cụ thể, trong năm học 1945 – 1946 nhiều tỉnh thành ở Bắc Bộ và Trung Bộ đã có trường trung học quốc lập do ngân sách quốc gia đài thọ, ít là một trường, nhiều là hai ba trường như Hà Nội có Trường Chu Văn An, Trường Nguyễn Trãi, Trường nữ học Hai Bà Trưng, Huế có Trường Khải Định, Trường nữ học Đồng Khánh. Từ tháng 9.1945 đến tháng 1.1946 một số trường tư thục cũng được mở bậc trung học như Trường nữ học Hoài Đức ở Hà Nội, các trường Minh Tâm ở Sơn Tây, Nam Thanh, Thăng Long, Nguyễn Trường Tộ, Hoàng Diệu, Nguyễn Huệ, Văn Lang, Chu Văn Trinh ở Hà Nội, Hoàng Hoa Thám ở Bắc Giang (Việt Nam Dân quốc công báo số 2, ngày 6.10.1945, số 3, ngày 13.10.1945, số 6, ngày 27.10.1945, số 2, ngày 13.1.1946, số 8 ngày 23.2.1946; Fonds Bộ Giáo dục tại Trung tâm Lưu trữ Quốc gia III – Từ đây viết tắt là Fonds Bộ Giáo dục, Hồ sơ 2300; Báo Cứu quốc số 58, ngày 4.10.1945). Qua đầu năm học 1946 – 1947 các trường bán công Phan Đình Phùng ở Hà Tĩnh, Phan Bội Châu ở Quảng Bình, Phan Chu Trinh ở Quảng Nam được đổi thành trường quốc lập, lại thành lập thêm một số trường trung học quốc lập ở Hưng Yên và Hà Nam (Báo Cứu quốc, số 332, ngày 30.8.1946, Việt Nam Dân quốc công báo, số 28, ngày 21.9.1946). Một báo cáo của Bộ Giáo dục tháng 9. 1946 cho biết “Ở Bắc Bộ có 2 trường chuyên nghiệp và 9 trường trung học, ở Trung Bộ có 1 trường chuyên nghiệp và 6 trường trung học. Ngoài ra ở Trung Bộ còn có 10 trường trung học bán công, tổ chức ngoài ngân sách Việt Nam nhưng Chính phủ bảo trợ và sau này có thể thành những trường công” (Việt Nam Dân quốc công báo số 37, ngày 14.9.1946). Một số trường tư thục đặc biệt cũng được phép mở như Trường Hán văn tân thực học hiệu chuyên dạy chữ Hán ở Sơn Tây (Việt Nam Dân quốc số 9, ngày 2.3.1946), Trường Thương mại thực nghiệp chuyên dạy về kế toán, thống kê và ngoại ngữ ở Hà Nội (Việt Nam Dân quốc số 25, ngày 22.6.1946), thậm chí còn có người đề xuất ý kiến mở trường dạy chữ cho những người khiếm thị (Fonds Bộ Giáo dục, Hồ sơ 10). Cho nên chưa nói tới phong trào Bình dân học vụ, hoạt động giáo dục ở Việt Nam thời gian 1945 – 1946 cũng trình hiện một không khí sôi động khác hẳn thời Đế quốc Việt Nam.

Theo thống kê ngày 11.7.1946 của Nha Giám đốc Trung học vụ, tổng số học sinh học tại 15 trường trung học công lập ở Bắc và Trung Bộ (các trường Chu Văn An, Nguyễn Trãi, nữ học Hai Bà Trưng ở Hà Nội, Lê Quý Đôn ở Thái Bình, Nguyễn Khuyến ở Nam Định, Hàn Thuyên ở Bắc Ninh, Hùng Vương ở Phú Thọ, Bình Chuẩn ở Hải Phòng, Mạc Đĩnh Chi ở Lạng Sơn, Đào Duy Từ ở Thanh Hóa, Nguyễn Công Trứ ở Vinh, Khải Định và nữ học Đồng Khánh ở Huế, Lê Khiết ở Quảng Ngãi, Võ Tánh ở Qui Nhơn) trong năm học 1945 – 1946 là 4.561 người15. Một thống kê cũng của Nha Giám đốc Trung học vụ ngày 4.4.1946 cho biết số học sinh ở 17 trường trung học, kỹ nghệ chuyên môn và mỹ nghệ thực hành ở Bắc Bộ và Trung Bộ (tức 15 trường trung học công lập và Trường Kỹ nghệ thực hành, Trường Mỹ nghệ thực hành ở Hà Nội) là 6.061 người16, tức số học sinh trong các trường dạy nghề có khoảng 1.500 người. Trong hoàn cảnh kinh tế còn lạc hậu, trình độ dân trí nói chung còn thấp ở thời điểm 1945 – 1946, có thể nói cơ cấu học sinh ở các trường trung học và dạy nghề trên đây là một cơ cấu tích cực. Mặc dù so với con số 7.493 người trong tờ trình của Giám đốc Học chính Đông Dương cuối năm học 1941 – 1942 tổng số học sinh trong các trường trung học và dạy nghề năm học 1945 – 1946 có giảm, nhưng ngoài lý do thời cuộc không yên ổn sau khi quân Pháp kéo vào miền Bắc đầu năm 1946 còn có lý do khác là giá sinh hoạt đắt đỏ, ngân quĩ của chính phủ eo hẹp nên không thể cấp học bổng cho học sinh nghèo. Tuy nhiên qua năm học 1946 – 1947 khó khăn nói trên đã bắt đầu được chú ý khắc phục: ngày 9. 10. 1946 Bộ trưởng Bộ Giáo dục đã ra Nghị định số 481-NĐ ấn định số tiền học bổng cấp cho học sinh Trường Tiểu công nghệ gốm ở Bát Tràng thuộc Trường Kỹ nghệ thực hành ở Hà Nội (Fonds Bộ Giáo dục, Hồ sơ 1021). Về các trường tiểu học chưa tìm được những thống kê cần thiết, nhưng một Nghị định của Bộ trưởng Bộ Giáo dục về việc đổi tên các trường tiểu học ở Hà Nội tháng 7.1946 cho biết vào thời điểm ấy ở Hà Nội có 11 trường tiểu học (Fonds Bộ Giáo dục, Hồ sơ 10), và đến đầu năm học 1946 – 1947 số học sinh các trường công lập cả trung học lẫn tiểu học ở riêng Hà Nội đã lên tới con số 20.000 người (Việt Nam Dân quốc công bố số 42, ngày 19.10.1946). Đến năm học 1946 – 1947 hệ thống các trường tư thục cũng đã có sự chuẩn bị khá toàn diện. Một quảng cáo trên báo Cứu quốc giới thiệu những đặc điểm của Trường trung học tư thục Phan Chu Trinh ở số 40 – 42 đường Phan Chu Trinh Hà Nội do Đặng Thai Mai làm Giám đốc trước ngày khai giảng năm học 1946 – 1947 như sau “Trường học lớn, đủ vệ sinh, có sân chơi, sân thể thao. Có phòng thí nghiệm, đĩa hát dạy sinh ngữ để giúp vào việc dạy học. Bốn thứ sinh ngữ: Anh Nga Pháp Tàu. Không xao lãng những giờ âm nhạc, hội họa, thủ công, nữ công, thể dục. Có bác sỹ chăm nom sức khỏe cho học sinh. Có học bổng cho học sinh chăm và nghèo. Có lớp buổi trưa và buổi tối cho những người học thêm”17. Ở các trường trung học và tiểu học, quan hệ giữa nhà trường với học sinh, giữa nhà trường với phụ huynh, giữa thầy và trò đều có những thay đổi theo chiều hướng tích cực. Hội đồng giám sát ở các trường trung học công lập đều có một đại diện của phụ huynh học sinh làm thành viên (Việt Nam Dân quốc công bố số 2, ngày 13.1.1946, Fonds Bộ Giáo dục, Hồ sơ 2321)… Hoạt động thiếu nhi được đẩy mạnh, tuy có một số vấn đề này khác nhưng cũng góp phần đưa vào học đường một nguồn sinh khí mới (Báo Độc lập, số 176, 177, 178, 179 và 181, ngày 18, 20, 21, 22, và 25 – 26.6.1946).

 
Học đánh vần. Ảnh: Tuổi trẻ.
Để việc học tập của học sinh không bị gián đoạn, từ cuối năm 1945 các kỳ thi tốt nghiệp trung học ở Bắc Bộ đã được tổ chức. Trong danh sách thí sinh thi trung học cao cấp ngày 2.11.1945, Ban Triết học văn chương có Đinh Xuân Lâm (số báo danh 880, sinh ngày 4.2.1925 quê Xa Lang Hà Tĩnh) và Vũ Đức Phúc (số báo danh 914, sinh ngày 15.10.1922, quê Gia Lâm Bắc Ninh)18. Đến năm học 1945 – 1946 thì việc thi tốt nghiệp từ tiểu học tới đại học đã được thực hiện một cách bình thường. Trong danh sách thí sinh thi Trung học cao cấp khóa hai ngày 23.9.1946, Ban Triết học văn chương có Doãn Quốc Sỹ (số báo danh 57, sinh ngày 3.2.1923, quê Hạ Yên Quyết Hà Đông)19. Năm 1946 Trường Đại học Thú y khóa 1942 – 1946 có 8 người tốt nghiệp với danh hiệu Thú y khoa Đại học sỹ (tư liệu 413). Trong kỳ thi tốt nghiệp tiểu học cuối năm học 1945 – 1946, số thí sinh ở Hà Nội có 1.757 người, so với con số 1.300 người trong kỳ thi tốt nghiệp sơ học bổ túc tháng 6.1945 thì nhiều hơn gần 500 người (Báo Cứu quốc số 272, ngày 21.6.1946 và Báo Tin mới số 1645, ngày 13.6.1945). Việc học hành và thi cử từng bước đi vào qui củ như vậy cũng đưa tới nhiều thay đổi khác. Tương ứng với các ngành học mới ở bậc đại học, nhiều loại bằng cấp mới cũng được đặt ra, như bằng Văn khoa Đại học sỹ, Triết học chuyên khoa Đại học sỹ, Việt học chuyên khoa Đại học sỹ, Hán học chuyên khoa Đại học sỹ, Sử ký địa dư học chuyên khoa Đại học sỹ trong Đại học Văn khoa, Khoa học Đại học sỹ trong ngành sư phạm, Luật khoa Đại học sỹ trong Đại học Luật khoa (Việt Nam Dân quốc công báo số 9, ngày 17.11.1945, số 45, ngày 9.11.1946, số 46 ngày 16.11.1946, 435). Một số mẫu bằng cấp mới cũng được qui định lại như bằng tốt nghiệp tiểu học (Việt Nam Dân quốc công báo số 38, ngày 21.9. 1956).
So với các cấp tiểu học, trung học hay hoạt động Bình dân học vụ, việc tổ chức giảng dạy ở bậc đại học có vẻ lặng lẽ hơn nhưng hoàn toàn không kém phần ráo riết. Vì tình thế nên sau Cách mạng Tháng Tám đến ngày 15.11.1945 các trường đại học và cao đẳng thuộc Đại học Việt Nam mới bắt đầu khai giảng, nhưng từ ngày 6. 10. 1945 Bộ trưởng Bộ Giáo dục đã gửi một công văn cho Chủ tịch Ủy ban nhân dân Nam Bộ đề nghị tạo điều kiện cho một số trí thức ở Nam Bộ như Nguyễn Thành Giung, Nguyễn Văn Cang, Phan Văn Hùm… ra Hà Nội giảng dạy các trường đại học, thậm chí còn cho biết “Chính phủ đang dự định lập một Đại học đường tại Nam Bộ khi tình thế được ổn định” (Fonds Bộ Giáo dục, Hồ sơ 3). Từ cuối năm 1945 Bộ Giáo dục đã bày tỏ ý hướng cải tổ bậc đại học theo hướng mở rộng đối tượng và nâng cao trình độ “Năm nay nhận sinh viên vào học các năm thứ nhất sẽ chỉ cần có bằng tốt nghiệp trung học còn không có hạn tuổi, không có sát hạch vào học, không có hạn chế số sinh viên được theo học” (Fonds Bộ Giáo dục, Hồ sơ 2301). Cần nói thêm rằng trong hoàn cảnh đối ngoại lúc bấy giờ, việc cải tổ và xây dựng nền giáo dục Việt Nam nói chung và bậc đại học nói riêng còn mang một ý nghĩa khác. Cần lưu ý rằng giữa năm 1946 chính quyền bù nhìn Nguyễn Văn Thinh ở Sài Gòn cũng có ý hướng dùng hoạt động giáo dục như một chiêu bài để tuyên truyền mị dân, khẳng định tính hợp pháp qua năng lực điều hành của “Chính phủ Nam Kỳ tự trị”. Đầu tháng 7. 1946 Đài phát thanh Sài Gòn đã loan tin ngày 22.7.1946 sẽ có một kỳ thi lấy học bổng vào Trường trung học Pétrus Ký ở Sài Gòn và Trường trung học Phan Thanh Giản ở Cần Thơ20. Một số tài liệu còn được lưu giữ ở Trung tâm Lưu trữ quốc gia III Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước cho thấy trước khi qua Pháp dự Hội nghị Fontainebleau, đoàn đại biểu Việt Nam đã yêu cầu Bộ Giáo dục cung cấp một số tư liệu về giáo dục sau Cách mạng Tháng Tám 1945 để tuyên truyền với dư luận ở Pháp. Giáo dục như vậy đã được coi như một trong những thành tựu của chế độ Dân chủ cộng hòa mới thành lập, là biểu trưng về một nền văn hóa mới đang hình thành trên đất nước Việt Nam.
Bình dân học vụ thời gian 1945 – 1946 đã trở thành một trong những nhân tố tạo ra sự hiểu biết, lòng tin cậy, việc chia sẻ và xuyên suốt tất cả là sự phối hợp chưa từng có trước đó và không chỉ trong phạm vi giáo dục.
Thành tựu nổi bật nhất của hoạt động giáo dục thời gian 1945 – 1946 là những kết quả của phong trào Bình dân học vụ. Với các Sắc lệnh, Nghị định có liên quan, Nhà nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa từ Hội đồng Chính phủ, Bộ Nội vụ, Bộ Giáo dục đến Ủy ban Hành chính các kỳ đã đặt được cơ sở pháp lý và tạo ra hạt nhân tổ chức cho một loại hình hoạt động giáo dục không những trước đó chưa từng có ở Việt Nam mà còn có lẽ chỉ ở Việt Nam mới có. Khoảng sau tháng 3.1946, trong tờ trình của Bộ Giáo dục về Dự án Sắc lệnh tổ chức các bậc học cơ bản trong nền giáo dục của nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa, loại hình giáo dục này đã được pháp chế hóa thành một trong bốn bậc học chính thức của quốc gia với tên gọi bậc học bình dân (Fonds Bộ Giáo dục, Hồ sơ 4, Hồ sơ 5), trong kháng chiến chống Pháp lại được nâng cao thành bậc học bổ túc bình dân với Nghị định 350-NĐ ngày 6.6.1949 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục Nguyễn Văn Huyên21.
Nhìn từ phương diện giáo dục, phong trào Bình dân học vụ thời gian 1945 – 1946 là một đột phá về tổ chức và sáng tạo về hoạt động. Không những lực lượng nhân viên của cơ quan Bình dân học vụ trung ương được lấy từ nhiều nguồn (Fonds Bộ Giáo dục, Hồ sơ 3, Fonds Bộ Giáo dục, Hồ sơ 2) mà lực lượng giáo viên, kiểm soát viên Bình dân học vụ cũng được huy động từ tất cả các nhóm xã hội khác như thanh niên, phụ nữ, công chức, học sinh, trí thức. Nha Bình dân học vụ trung ương mở lớp huấn luyện cán bộ quốc dân thiểu số, chiêu mộ cán bộ xung phong giúp việc Bình dân học vụ ở vùng thượng du Bắc Bộ, kêu gọi những người từng hoạt động trong Hội Truyền bá quốc ngữ trước Cách mạng Tháng Tám giúp đỡ (Báo Cứu quốc số 172, ngày 24.2.1946, Báo Độc lập số 102, ngày 21.3.1946, số 161, ngày 1.6.1946), Bình dân học vụ Hà Nội mở lớp huấn luyện sư phạm cho phụ nữ, Bình dân học vụ Phú Thọ mở lớp đào tạo giảng viên (Báo Độc lập số 122, ngày 13.4.1946, Báo Dân quốc số 405, ngày 8.12.1946). Ở mọi địa phương, giáo viên tiểu học, trung học, hương sư ngoài phận sự giảng dạy còn kiêm thêm việc dạy Bình dân học vụ không hưởng lương, trước dịp nghỉ hè 1946 Trưởng ban Bình dân học vụ Quảng Bình còn gửi thư kêu gọi học sinh trung học trong tỉnh dành thời gian rảnh rỗi giúp đỡ công việc Bình dân học vụ (Báo Cứu quốc số 272, ngày 21.6.1946). Cho nên với sự tham gia của hàng trăm ngàn giáo viên, công chức, thanh niên, trí thức tôn giáo và học sinh cả trung học lẫn tiểu học nhiệt tình tham gia công cuộc xóa nạn mù chữ hoàn toàn không nhận lương bổng phụ cấp từ phía chính quyền, phong trào Bình dân học vụ đã thật sự là một phong trào vận động xã hội ở đó sự đông đảo về lực lượng chuyển hóa thành sự phong phú về hoạt động thể hiện qua các hình thức và cách thức dạy học cũng như cổ động.
 
Học đánh vần bền đường. Ảnh: Tuổi trẻ.
Trong thời gian 1945 - 1946 việc cổ động và ủng hộ cho Bình dân học vụ đã được tiến hành bằng nhiều cách thức, dưới nhiều hình thức, từ kêu gọi khuyến khích (như triển lãm tranh ảnh, sáng tác văn học, hội họp mít tinh, tổ chức lửa trại, chạy rước đuốc, biểu diễn văn nghệ -thậm chí vào Ngày Bình dân học vụ năm 1946 ở Hà Nội đã có một hoạt cảnh “tra khảo giặc dốt” mang hình thức kịch đường phố (Báo Cứu quốc số 238, ngày 13.5.1946), đóng góp gây quĩ)… tới cưỡng ép bắt buộc. Nhiều sinh hoạt thường nhật được nhất hóa vào việc xóa nạn mù chữ. Mùa hè nóng bức ra gánh nước ở giếng làng, ai đã biết chữ muốn gánh lúc nào thì gánh, ai chưa biết chữ thì đến đêm mới được gánh. Muốn qua đò phải kiểm tra học vấn, ai không biết chữ sẽ bị làm khó dễ. Muốn vào chợ cũng phải kiểm tra tương tự, ai không biết chữ phải đi vòng qua một cánh đồng mà vào cổng chợ ở lối sau. Vào làng có hai cổng, cổng danh dự dành cho những người có chữ nghĩa, ai không biết chữ phải vào cổng nhỏ hẹp hơn, cổng dốt (Báo Cứu quốc 243, 247, 248, ngày 18, 23, 24.5.1946; Báo Cứu quốc 318, ngày 13.8.1946, Báo Dân quốc số 405, ngày 8.12.1946). Ở Trung Bộ, thậm chí những người chưa biết chữ còn bị cấm ngặt không cho qua làng khác, hay nhà nào biết chữ rồi, nhà nào chưa biết chữ đều có bảng ghi rõ thật to cắm ngay ngoài cửa (Báo Cứu quốc 243, 247, 248, ngày 18, 23, 24.5.1946), ở ngoại thành Hà Nội định kỳ đặt trạm kiểm soát người thất học trên các tuyến giao thông (Báo Độc lập số 148, ngày 17.5.1946). Đáng chú ý là cả thiết chế làng xã truyền thống với chế độ ruộng đất và hệ thống luật tục cũng được huy động để xóa nạn mù chữ. Trai gái muốn lấy nhau mà không biết chữ thì không có phép nộp cheo, phải biết chữ làng mới cho cưới (Báo Cứu quốc 243, 247, 248, ngày 18, 23, 24.5.1946). Ở ngoại thành Hà Nội, Ủy ban hành chính còn ra lệnh thu hồi phần công điền của những người chưa biết chữ sung làm học điền (Báo Độc lập số 148, ngày 17.5.1946). Việc cấp phát giấy tờ theo thủ tục hành chính cũng được kết hợp với hoạt động Bình dân học vụ: tháng 6.1945 Ủy ban hành chính ngoại thành Hà Nội ra lệnh người có liên quan không được điểm chỉ mà phải ký tên trong các giấy tờ và phải đọc được những giấy tờ mình ký (Báo Độc lập số 148, ngày 17.5.1946), tháng 12.1946 Bộ Nội vụ cho phép Ủy ban hành chính các cấp đóng dấu “Biết chữ” lên thẻ công dân cho những ai đã biết viết và đọc chữ quốc ngữ (Báo Dân quốc số 409, ngày 9.12.1946). Dưới tác động của chủ trương giáo dục cưỡng bách thông qua các sáng kiến và biện pháp tự nguyện mang nhiều yếu tố tự phát của đông đảo nhân dân nên nhiều khi giống như riết róng mà có lần chính Nha Bình dân học vụ cũng phải gọi là “khủng bố” (Báo Cứu quốc số 192, ngày 20.3.1946) ấy, phong trào xóa nạn mù chữ đã thực sự tạo ra một không gian sống với hệ giá trị mới trên đất nước Việt Nam, ở đó biết chữ là một tiêu chuẩn về cách làm người. Dĩ nhiên biết chữ chưa chắc là người có học, nhưng mù chữ chắc chắn là kẻ thất học. Cho nên chưa bao giờ việc học tập ở Việt Nam trở thành tâm điểm trong sinh hoạt xã hội như thế, cũng chưa bao giờ trở nên phổ biến người người đi học nhà nhà đi học như thế. Bên cạnh các lớp học của khu phố, thôn xóm, hầm mỏ, đồn điền, nhà thờ, doanh trại, các lớp học tư gia cũng được mở khắp nơi. Phu xe kéo đi học, chị em xóm ả đào đi học, công nhân mỏ than đi học, trẻ em bán dạo đi học, người già sáu bảy mươi tuổi đi học, phụ nữ đang cho con bú đi học. Ủy ban Tăng già Bắc Bộ mở lớp dạy chữ cho trẻ em thất học ở chùa Quán Sứ (Báo Cứu quốc số 291, ngày 13.7.1946), Công giáo Cứu quốc huyện Chí Linh, Tăng già Cứu quốc huyện Tứ Kỳ Hải Dương mở nhiều lớp học bình dân (tư liệu 450). Trên nền tảng xã hội ấy, phong trào Bình dân học vụ đã huy động được nhiều nguồn lực để vượt qua những khó khăn tưởng như không thể vượt qua về tổ chức và nhân lực, tài chính và kỹ thuật đương thời. Hoàn cảnh thiếu trường sở, thiếu giáo viên, thiếu sách vở, thiếu học cụ lại đưa tới vô số bằng chứng về sự quyết tâm, lòng nhẫn nại, đức hy sinh, gương phấn đấu trên đường tìm tới ánh sáng của học vấn qua phong trào Bình dân học vụ thời gian 1945 – 1946, một phong trào tiêu biểu cho khát vọng và ý chí hiện đại hóa của hơn hai mươi triệu nhân dân Việt Nam.
Chưa bao giờ việc học tập ở Việt Nam trở thành tâm điểm trong sinh hoạt xã hội như thế, cũng chưa bao giờ trở nên phổ biến người người đi học nhà nhà đi học như thế.
Tương tự việc chấm dứt nạn đói từng giết chết hai triệu người ở Bắc Bộ trước tháng 9.1945, với kết quả “Hai triệu đồng bào đã biết đọc biết viết sau một năm theo học các lớp Bình dân học vụ” vào tháng 9. 1946, phong trào Bình dân học vụ là một kỳ tích của chế độ Dân chủ cộng hòa. Có thể nói ngay trước ngày Toàn quốc kháng chiến, phong trào này đã tạo ra được ở Việt Nam một tiềm lực giáo dục mới, một mặt bằng dân trí mới. Tuy nhiên kết quả của nó không chỉ gói gọn trong phạm vi giáo dục, vì nhìn từ phương diện xã hội, phong trào này còn có những đóng góp to lớn vào quá trình tái cấu trúc xã hội thời bấy giờ.
Chữ quốc ngữ vốn xây dựng trên cơ sở tiếng Việt, nên học chữ quốc ngữ cũng là học tiếng Việt. Ở một đất nước có nhiều tộc người và trước Cách mạng Tháng Tám còn bị kẻ thống trị ngoại nhân chia để trị như Việt Nam, việc thống nhất các tộc người khác nhau để xây dựng và bảo vệ quốc gia sau khi giành được độc lập là một nhu cầu tất yếu, và ở đây phong trào Bình dân học vụ đã trở thành một yếu tố tiên phong. Đại biểu Quốc hội Y Ngông NiêkĐăm người Rhadé tán thành việc học cả chữ Việt lẫn chữ Rhadé (Báo Cứu quốc số 179 ngày 7.3.1946), Chủ tịch nước ra Sắc lệnh về việc mở lớp huấn luyện cán bộ Bình dân học vụ cho đại biểu dân tộc thiểu số (Việt Nam Dân quốc công báo số 27, ngày 6.7.1946), Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Nghị định qui định ngân sách kỳ chịu các khoản chi để mở lớp huấn luyện cán bộ Bình dân học vụ người dân tộc thiểu số (Việt Nam Dân quốc công báo số 29, ngày 20.7.1946), phụ nữ người Mường châu Kỳ Sơn nô nức học chữ quốc ngữ (Báo Cứu quốc số 303, ngày 27.7.1946), dân tộc ít người vùng Bắc Trung Bộ sốt sắng học chữ quốc ngữ (Báo Cứu quốc số 315, ngày 9.8.1946). Hơn thế nữa, hoạt động Bình dân học vụ còn đi liền và góp phần thúc đẩy phong trào vận động Đời sống mới, xây dựng chính quyền nhân dân ở cấp cơ sở, tổ chức các đoàn thể thanh niên, phụ nữ, công nhân… Cho nên với sức lan tỏa và sự phổ biến của nó, phong trào Bình dân học vụ còn góp phần rất đáng kể trong việc rút ngắn khoảng cách giữa nhiều cá nhân thuộc nhiều nhóm xã hội khác nhau, hay nói theo ngôn ngữ xã hội học hiện đại là phát triển vốn xã hội. Nếu quan niệm “Vốn xã hội bao gồm phần lớn sự hợp tác xây dựng giữa những con người với nhau: sự tin tưởng, sự hiểu biết lẫn nhau và sự chia sẻ những giá trị đạo đức, phong cách nối kết những thành viên trong các tập đoàn, các cộng đồng lại với nhau làm cho việc phối hợp hành động có khả năng thực hiện được”22 thì trên nhiều phương diện, hoạt động Bình dân học vụ thời gian 1945 – 1946 đã trở thành một trong những nhân tố tạo ra sự hiểu biết, lòng tin cậy, việc chia sẻ và xuyên suốt tất cả là sự phối hợp chưa từng có trước đó và không chỉ trong phạm vi giáo dục. Chính trên đường hướng này, hoạt động Bình dân học vụ nói riêng và hoạt động giáo dục nói chung thời gian 1945 – 1946 đã thực sự trở thành một lực lượng góp phần đáng kể vào quá trình hiện đại hóa của xã hội Việt Nam.
(Còn tiếp)
Chú thích:
15 Bảng kê tổng số học sinh học tại các trường trung học phổ thông ở Bắc và Trung Bộ nước Việt Nam (ngày 11.7.1946), Fonds Bộ Giáo dục, Hồ sơ 2319.
16 Bảng thống kê của Bộ Quốc gia Giáo dục về nền trung học, kỹ nghệ chuyên môn và mỹ nghệ thực hành tại Bắc và Trung Bộ nước Việt Nam (ngày 4.4.1946), Fonds Bộ Giáo dục, Hồ sơ 2319.
17 Báo Cứu quốc số 385, ngày 28.9.1946.
18 Danh sách thí sinh dự thi Trung học cao cấp, Ban Triết học văn chương ngày 2.11.1945, Fonds Bộ Giáo dục, Hồ sơ 2304.
19 Danh sách thí sinh dự thi Trung học cao cấp khóa hai, Ban Triết học văn chương ngày 23.9.1946, Fonds Bộ Giáo dục, Hồ sơ 2304. Fonds Bộ Giáo dục, Hồ sơ 2313.
20 Báo Cứu quốc số 287, ngày 9.7.1946.
21 Bộ Quốc gia Giáo dục, Nghị định số 350-NĐ đặt một bậc học Bổ túc bình dân, Việt Nam Dân quốc công báo số 6, ngày 15.7.1949.
22 Laurence Prusak và Don Cohen, How to invest in social capital, 2011.
Cao Tự Thanh
https://tiasang.com.vn

Chia sẻ:

Bài nổi bật

Khát vọng giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước di nguyện cuối cùng của Chủ tịch Hồ Chí Minh trước lúc Người “đi xa” (Phần 2 và hết)

Khát vọng giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước di nguyện cuối cùng của Chủ tịch Hồ Chí Minh trước lúc Người “đi xa” (Phần 2 và hết)

  • 12/07/2019 08:46
  • 6398

Nền độc lập dân tộc tồn tại không được bao lâu, thực dân Pháp quay trở lại xâm lược nước ta một lần nữa. Ngày 23 tháng 9 năm 1945, chúng nổ súng đánh chiếm Nam Bộ sau đó mở rộng ra cả nước. Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng Trung ương Đảng quyết định phát động cuộc kháng chiến toàn quốc.

Bài viết khác

Nền giáo dục của nước Việt Nam độc lập từ tháng 9/1945 đến tháng 12/1946. Kỳ 2: Bộ máy giáo dục năm 1945-1946

Nền giáo dục của nước Việt Nam độc lập từ tháng 9/1945 đến tháng 12/1946. Kỳ 2: Bộ máy giáo dục năm 1945-1946

  • 07/10/2022 11:08
  • 2464

Mặc dù bị đặt trước nhiều khó khăn tưởng như không thể vượt qua, với tất cả khả năng và điều kiện của mình, bộ máy giáo dục từ trung ương tới địa phương ở Việt Nam thời bấy giờ vẫn nỗ lực hoạt động.