Chủ Nhật, 03/11/2024
  • Tiếng Việt
  • English
  • French

Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

Vietnam National Museum of History

05/08/2022 13:20 1914
Điểm: 5/5 (1 đánh giá)
Nhà máy giấy đầu tiên ở Hà Nội thời Pháp thuộc là nhà máy giấy của Henri Schneider - một trong những doanh nhân thành công trong việc phát triển một trong các ngành công nghiệp thịnh vượng ở giai đoạn đầu người Pháp có mặt tại Bắc Kỳ.

 

Biệt thự của ông chủ nhà máy giấy Schneider 1898 trước khi trùng tu được lấy từ cuốn sách “Việt Nam qua kiến ​​trúc thuộc địa” của Arnaud Le Brusq (2000). Ảnh: Léonard de Selva.
Được thành lập năm 1892 ở Hà Nội với những cỗ máy hiệu suất cao, nhà máy giấy này đã giúp Henri Schneider thành lập Nhà in Viễn Đông (Imprimerie d’Extrême-Orient) đầy lợi nhuận. Là một trong những nhà xuất bản bưu thiếp đầu tiên ở Bắc Kỳ trong những năm 1885-1900, Henri Schneider từng được tôn vinh là Ông trùm báo chí và nhà xuất bản danh tiếng của Pháp ở xứ thuộc địa này.
Nhà máy giấy đầu tiên do Schneider làm Giám đốc ở Hà Nội được xây dựng trên đất của chùa Bà Đanh thuộc phường Thụy Chương (nay là phố Thụy Khuê, thuộc hai phường Thụy Khuê và Bưởi) với các thiết bị hoàn hảo được nhập từ châu Âu. Theo niên giám Đông Dương năm 1901, nhà máy sử dụng 200 nhân công bản xứ[1]
Chiếm một khu đất rộng 40.000m2 ở cả hai bên đường, trên nền cũ của chùa Bà Đanh, Nhà máy giấy của Schneider[2] gồm xưởng in với những ngôi nhà lợp tôn chuyên sản xuất tất cả các loại giấy và bìa carton, dùng vỏ cây thụy hương (écorce d’un daphné) ở vùng rừng thượng du Bắc Kỳ và vỏ cây dướng (écorce du broussonetia) để sản xuất loại giấy trắng hạng thường và hạng sang, dùng tre để sản xuất giấy gói hàng (emballage). Cho đến tận những năm 1990, tại Kho Lưu trữ Trung ương ở Hà Nội[3] người ta vẫn còn thấy trong khối tư liệu thời Pháp thuộc có rất nhiều sách, báo, tạp chí, các ấn phẩm định kỳ… bị rách nát, mất bìa, long gáy được gói trong loại giấy emballage này[4]
Năm 1898, Henri Schneider đã xây nhà riêng của mình theo kiểu lâu đài trên đỉnh gò Phượng Chủy hay còn gọi là gò Mỏ Phượng, nơi không cách xa Nhà máy. Đó là một ngôi biệt thự rất đặc biệt, khác xa với các biệt thự thuộc địa khác và khu phố Pháp, tuy ở xa trung tâm nhưng lại nằm ở vị trí lý tưởng ở rìa Hồ Tây (Grand Lac) với một tầm nhìn tuyệt vời, cảnh hoàng hôn đẹp hiếm có và một khung cảnh xanh tươi bao quanh, nơi hoa sen nở rộ vào mùa hè. Hàng hiên của nó, trên những bức tường có những con rồng trát vữa, dẫn đến một khung cửa gỗ chạm khắc công phu hình chữ PHÚC.
Năm 1908, trường Trung học Bảo hộ với tên gọi ban đầu là Trường Cao đẳng Bảo hộ (Collège du Protectorat) được thành lập theo Nghị định số 3526 ngày 9-12-1908 của Toàn quyền Đông Dương Beau[5], biệt thự của Schneider được dùng làm nơi ở của viên Hiệu trưởng người Pháp. Sau ngày giải phóng Thủ đô, có thời gian tòa nhà được dùng làm nhà nghỉ của Công đoàn Sở giáo dục Hà Nội. Sau đó công trình bị bỏ không trong một thời gian khá dài nên bị xuống cấp trầm trọng.
Mùa xuân năm 1993, một kiến trúc sư người Pháp sống tại Paris tên là Arnaud Le Brusq vốn rất yêu thích Việt Nam đã tìm đến Trung tâm Lưu trữ quốc gia I[6]. Vị kiến trúc sư này đã nghiên cứu khá nhiều tài liệu thiết kế của các công trình do người Pháp xây dựng ở Hà Nội thời cận đại. Cùng làm việc với Le Brusq lúc đó là nhà nhiếp ảnh người Pháp cũng sống tại Paris là Léonard de Selva. Sau 7 năm miệt mài nghiên cứu, vào năm 2000, Arnaud Le Brusq đã cho ra mắt cuốn “Việt Nam qua kiến trúc thuộc địa” (Vietnam à travers l’Architecture coloniale) với lời nhận xét về Hà Nội, “thủ đô của những điều trái ngược” đan xen nhưng vẫn “vô cùng hài hòa”, trong đó có khá nhiều công trình kiến trúc thời Pháp thuộc đã được Arnaud Le Brusq khai thác từ Trung tâm I.
Không chỉ nghiên cứu tài liệu lưu trữ, Arnaud Le Brusq và Léonard de Selva còn đi nghiên cứu thực địa rất nhiều, đến tận nơi có những công trình Pháp nổi tiếng còn tồn tại ở Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, chụp ảnh và ghi lại hiện trạng của những công trình này, trong đó có căn biệt thự của Giám đốc nhà máy giấy Schneider ở ven Hồ Tây. Nhờ có những bức ảnh của Léonard de Selva trong cuốn “Việt Nam qua kiến trúc thuộc địa” của Arnaud Le Brusq, chúng ta đã biết được vùng Île-de-France (Pháp) đã tài trợ cho việc trùng tu lại căn biệt thự này vào năm 1999. Ngày nay, biệt thự này được dùng làm Thư viện trường Trung học quốc gia Chu Văn An hay còn gọi là trường Bưởi ở số 10 phố Thụy Khuê, Hà Nội.
 
Biệt thự sau khi trùng tu được lấy từ cuốn sách “Việt Nam qua kiến ​​trúc thuộc địa” của Arnaud Le Brusq (2000). Ảnh: Léonard de Selva.
 
Chi tiết trang trí trên mái của biệt thự Schneider với khuôn mặt thiên thần. Ảnh sưu tầm.
 
Biệt thự có nhiều cửa sổ và trang trí rất nhiều hoa văn. Ảnh sưu tầm.
 
Biệt thự trước kia của ông chủ nhà máy giấy là Schneider nay được dùng làm Thư viện trường Trung học quốc gia Chu Văn An hay còn gọi là trường Bưởi, số 10 phố Thụy Khuê, Hà Nội. Ảnh: Đào Thị Diến.
 
Cầu thang dẫn lên tòa nhà riêng trước kia của Schneider. Ảnh: Đào Thị Diến.
 
Cổng vòm trông thẳng ra hồ Tây trong khu biệt thự trước kia của Schneider. Ảnh: Đào Thị Diến
Tài liệu tham khảo:
- Claude Bourrin, Le vieux Tonkin le théatre - le sport - la vie mondaine de 1890 à 1894, Hanoi, 1941.
- Arnaud Brusq, Vietnam à traver l’architecture coloniale, Paris, 2000.
- Nguyễn Văn Uẩn, Hà Nội nửa đầu thế kỷ XX, T.1, Nxb Hà Nội, 2010.
- Journal officiel de l’Indochine française (JOIF), 1929.
[1] Annuaire général de l’Indo-Chine, Nhà in Viễn Đông, 1901, tr.858
[2] Năm 1913 Hiệp hội giấy Đông Dương đã tiếp quản nhà máy giấy này của Schneider.
[3] Tên gọi ban đầu của Trung tâm Lưu trữ quốc gia I.
[4] Loại giấy này có một mặt nhẵn và một mặt nhám. Mặt nhẵn (để bọc phía ngoài) bóng, có màu vàng của thân tre và những sọc nhỏ màu xanh của lá tre. Vì tính chất đặc trưng của nó là bóng, dai và không thấm nước nên được dùng làm giấy gói hàng rất tốt.  
[5] Ngày 24-4-1929, Trường Cao đẳng tiểu học bảo hộ (Collège du Protectorat) được đổi tên thành Trường Trung học bảo hộ (Lycée du Protectorat) theo nghị định của Toàn quyền Grafeuil. JOIF 1908, tr. 819 và JOIF 1929, tr. 1570-1571. 
[6] Lúc đó còn ở 31b Tràng Thi, Hà Nội.

TS. Đào Thị Diến

https://www.archives.org.vn

Chia sẻ:

Bài nổi bật

Khát vọng giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước di nguyện cuối cùng của Chủ tịch Hồ Chí Minh trước lúc Người “đi xa” (Phần 2 và hết)

Khát vọng giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước di nguyện cuối cùng của Chủ tịch Hồ Chí Minh trước lúc Người “đi xa” (Phần 2 và hết)

  • 12/07/2019 08:46
  • 6545

Nền độc lập dân tộc tồn tại không được bao lâu, thực dân Pháp quay trở lại xâm lược nước ta một lần nữa. Ngày 23 tháng 9 năm 1945, chúng nổ súng đánh chiếm Nam Bộ sau đó mở rộng ra cả nước. Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng Trung ương Đảng quyết định phát động cuộc kháng chiến toàn quốc.

Bài viết khác

Từ tác phẩm “Tự chỉ trích” của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ suy nghĩ về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị hiện nay

Từ tác phẩm “Tự chỉ trích” của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ suy nghĩ về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị hiện nay

  • 11/07/2022 11:07
  • 1538

Nhân dịp 110 năm Ngày sinh của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ (9/7/1912-9/7/2022) chúng ta đọc lại tác phẩm "Tự chỉ trích", suy ngẫm, thấm thía những luận điểm về tự phê bình và phê bình, tham khảo phương pháp luận khoa học, thế giới quan và nhân sinh chính trị đúng đắn để tiếp tục công cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị hiện nay.