Chủ Nhật, 03/11/2024
  • Tiếng Việt
  • English
  • French

Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

Vietnam National Museum of History

12/05/2022 15:09 2349
Điểm: 0/5 (0 đánh giá)
Ngôi biệt thự trăm năm tại số 51 Trần Hưng Đạo đã từng là nơi ở của cựu hoàng Bảo Đại tại Hà Nội trong thời gian ngắn ngủi làm cố vấn cho chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Trong thời gian hiện diện tại Hà Nội từ năm 1873 đến năm 1945, người Pháp đã cho xây dựng nhiều công trình đến nay đã trở thành một phần di sản văn hóa- kiến trúc của thủ đô. Bên cạnh những di tích mang đậm bản sắc Việt, là những khu phố với nhiều ngôi biệt thự cổ kết hợp hài hòa phong cách kiến trúc Đông- Tây, góp phần tạo nên nét đặc trưng của không gian đô thị Hà Nội.

Các biệt thự này chủ yếu được xây dựng trước năm 1954 và rất nhiều công trình đang trong tình trạng xuống cấp hoặc bị cơi nới, xây thêm làm mất đi hiện trạng vốn có và công tác bảo tồn những “di sản” này ngày càng trở nên khó khăn trước những biến động không ngừng của đời sống đô thị hiện đại.

Với mong muốn cung cấp thêm cho công chúng một góc nhìn về giá trị, lịch sử, văn hóa, kiến trúc của biệt thự Pháp ở Hà Nội, Trung tâm Lưu trữ quốc gia I xin đưa ra dưới đây một số tài liệu, hình ảnh về biệt thự 51 Trần Hưng Đạo - biệt thự vang bóng một thời ở Hà Nội.

Nằm trong khuôn viên có sân vườn với tổng diện tích là 2000m2, trong đó diện tích nhà ở là 800m2, ngôi nhà này ban đầu được xây dựng để làm nhà ở cho Đốc lí Hà Nội gồm 2 tầng, 1 trệt(1).

 

Danh sách các công thự thuộc quản lý thành phố trước ngày 09/3/1945

Năm 1945, sau khi thoái vị, cựu hoàng Bảo Đại ra Hà Nội làm cố vấn tối cao của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Trong khoảng thời gian ngắn ngủi ở Hà Nội, ông sống ở căn biệt thự 51 Trần Hưng Đạo. Do đó, nhiều người gọi đây là "Dinh Bảo Đại" thứ 8(2).

Năm 1947, khi Hội đồng Chấp chính lâm thời Bắc phần Việt Nam được thành lập, thì biệt thự 51 phố Trần Hưng Đạo được giao cho Chủ tịch Hội đồng này sử dụng (đây cũng chính là Bộ trưởng Bộ Y tế của Chính phủ lâm thời sau đó)(3).

 

Thư số 286.T/DCH của Ty Địa chính và Công sản gửi Thủ hiến Bắc phần Việt Nam ngày 28/7/1949

Do bị tàn phá sau biến cố ngày 19/12/1946 và bị bỏ không một thời gian dài nên ngôi nhà này đã bị xuống cấp trầm trọng. Ngôi nhà này đã được tiến hành cải tạo từ ngày 22/10/1947(4). Và toàn bộ công trình được nghiệm thu tạm thời vào ngày 28/5/1948(5).

Trong phiên họp ngày 30/11/1948, Hội đồng thành phố đã yêu cầu trả lại ngôi nhà trên cho Tòa Thị chính thành phố để làm nhà ở cho Thị trưởng đúng như mục đích sử dụng của ngôi nhà này ban đầu(6). Thị trưởng thành phố Hà Nội lúc bấy giờ là ông Phan Xuân Đài đã được giao sử dụng ngôi nhà 51 Trần Hưng Đạo kể từ ngày 04/8/1949(7).

 

Thư số 5782 HC/THP của Đổng lý Sự vụ Văn phòng Thủ hiến gửi Thị trưởng Hà Nội ngày 04/8/1949

Tiếp theo, người kế nhiệm ông Phan Xuân Đài là ông Thẩm Hoàng Tín (thị trưởng thành phố Hà Nội từ ngày 27/02/1950(8) - 08/8/1952(9)) đã ở ngôi nhà trên. Và dưới đây là một số hình ảnh của gia đình thị trưởng Thẩm Hoàng Tín trong thời gian ở biệt thự 51 Trần Hưng Đạo (do ông Thẩm Hoàng Long, con trai của cố Thị trưởng cung cấp)

 

Ảnh gia đình cố thị trưởng Thẩm Hoàng Tín khi ở biệt thự 51 Trần Hưng Đạo

Sau năm 1954, Liên hiệp các hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam đã tiếp quản công trình này và sử dụng đến ngày nay.

Đến nay, biệt thự 51 Trần Hưng Đạo, cũng như các biệt thự Pháp khác ở Hà Nội đều đã trải qua trên dưới một thế kỉ và đã chịu nhiều sự tác động trong quá trình sử dụng. Việc bảo tồn, tôn tạo, duy tu các di sản kiến trúc này là một việc làm không hề dễ dàng.

Theo thống kê, thành phố hiện có 1.216 biệt thự. Trong đó có 367 biệt thự thuộc sở hữu nhà nước, 732 biệt thự thuộc sở hữu hỗn hợp giữa nhà nước với các hộ dân hoặc giữa các hộ với nhau, 117 biệt thự thuộc sở hữu tư nhân. Trong giai đoạn 2021- 2025, thành phố Hà Nội sẽ thực hiện bảo tồn, chỉnh trang 60 biệt thự, công trình kiến trúc do thành phố và trung ương quản lý; trong đó có 20 biệt thự dự kiến thực hiện theo Chương trình số 03 của Thành ủy Hà Nội chủ yếu nằm trong 4 quận nội đô Ba Đình, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Đống Đa(10).

Hy vọng với chủ trương trên của thành phố, những ngôi biệt thự thời Pháp -  những chứng nhân của lịch sử sẽ được bảo tồn vì đây cũng chính là một cách thể hiện niềm trân trọng đối với quá khứ.

 

Tài liệu tham khảo:

1. TTLTQGI/KT/570;

2. Theo dantri.com.vn;

3. TTLTQGI/ĐCHN/867/04;

4. TTLTQGI/KT/581;

5. TTLTQGI/KT/581;

6. TTLTQGI/ĐCHN/867/01;

7. TTLTQGI/ĐCHN/867/09;

8. TTLTQGI/BĐĐL/3062;

9. TTLTQGI/BĐĐL/3709;

10. Theo https://vov.vn

Nguyễn Hằng

https://www.archives.org.vn

Chia sẻ:

Bài nổi bật

Khát vọng giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước di nguyện cuối cùng của Chủ tịch Hồ Chí Minh trước lúc Người “đi xa” (Phần 2 và hết)

Khát vọng giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước di nguyện cuối cùng của Chủ tịch Hồ Chí Minh trước lúc Người “đi xa” (Phần 2 và hết)

  • 12/07/2019 08:46
  • 6545

Nền độc lập dân tộc tồn tại không được bao lâu, thực dân Pháp quay trở lại xâm lược nước ta một lần nữa. Ngày 23 tháng 9 năm 1945, chúng nổ súng đánh chiếm Nam Bộ sau đó mở rộng ra cả nước. Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng Trung ương Đảng quyết định phát động cuộc kháng chiến toàn quốc.

Bài viết khác

Tờ báo Quốc ngữ đầu tiên ở Bắc Kỳ

Tờ báo Quốc ngữ đầu tiên ở Bắc Kỳ

  • 05/05/2022 16:57
  • 2156

Đó là tờ Đại Việt Tân Báo ra đời năm 1905, theo một thỏa thuận ký ngày 20 tháng 02 cùng năm giữa ông Ernest Babut và Thống sứ Bắc Kỳ. Chủ bút đầu tiên của Đại Việt Tân Báo là ông Đào Nguyên Phổ, kế nhiệm ông là Phan Chu Trinh.