Châu bản triều Nguyễn và một số tư liệu lịch sử cho chúng ta hiểu thêm về ý nghĩa của việc trồng cây, qua cách nghĩ và cách làm của ông cha.
Thẻ bài treo cây với một mặt khắc dòng chữ “Kinh cơ Thủy sư Hữu doanh nhất vệ Chưởng vệ Nguyễn Doãn thực” (Nguyễn Doãn, Chưởng vệ của vệ thứ nhất thuộc Hữu doanh của thủy quân tại kinh đô trồng), một mặt là “Thiệu Trị lục niên Bính Ngọ” (Năm Thiệu Trị thứ 6, Bính Ngọ, tức 1846) (ảnh sưu tầm)
Tương truyền đời Lý đã có lệ quy định, các quan ở kinh đô mỗi người phải trồng một cây hòe trên con đường từ hoàng thành ra tới bến Đông, do đó mà thành tên Hòe Nhai, tức là đường cây hòe.[1]
Cũng bắt nguồn từ phong tục trồng cây thời Lý, con đường đi qua khu vực có nhiều phủ đệ của các vương hầu quý tộc trồng nhiều cây liễu - một loài cây mang hình ảnh vương giả, vì thế con đường có tên Liễu Giai (tức đường trồng cây liễu). Đường thuộc quận Ba Đình, Hà Nội ngày nay.
Năm Thuận Thiên thứ 2 (1429), vua Lê Thái Tổ có chỉ dụ buộc nhà các quan trồng cây, trồng hoa. Đại Việt sử ký toàn thư chép: “Cho Đô tổng quản và Quản lĩnh các đạo cùng quan viên ở các phường trong kinh thành rằng: Hiện nay, phần đất của các quan và phủ đệ của công hầu trăm quan đã có phần nhất định, nên trồng cây, trồng hoa và các loại rau đậu, không được để hoang, ai không theo thì mất phần đất của mình”.[2]
Các vua triều Nguyễn lại có cách làm độc đáo đem lại “phép màu” cho cây.
Để chuẩn bị cho lễ tế trời đất ở đàn Nam Giao vào ngày Đinh Mùi, tháng 2 năm Minh Mệnh thứ 15 (1834), trước một ngày, vua Minh Mệnh đến Trai Cung, thân trồng 10 cây thông ở 2 bên tả hữu Trai Cung, rồi treo thẻ đồng ở trên cây, thẻ đồng khắc bài minh do vua soạn để truyền lâu dài. Lại sai các hoàng tử, tước công, mỗi người trồng 1 cây thông cũng có thẻ đồng khắc ghi tước mình (về sau, ở Kinh, từ tứ phẩm ấn quan phòng trở lên và các quan ở địa phương về Kinh dự Lễ Tế Giao đều được trồng cây, cũng có thẻ đồng khắc tên họ và ngày tháng).[3]
Ngày Lễ Tế Giao hằng năm, các hoàng tử, hoàng đệ, theo lệ có trồng cây thông và mỗi người được cấp một tấm thẻ đồng để treo vào cây.
Châu bản triều Nguyễn ghi chép cụ thể về nhân ngày lễ Nam Giao, các hoàng tử từ 7 tuổi trở lên, hoàng đệ từ 10 tuổi trở lên mà chưa trồng cây thông sẽ được kê khai vào danh sách, chờ nhà vua châu khuyên (lựa chọn) để tuân theo thực hiện.[4]
Mỗi dịp đại lễ, các hoàng thân vương công và các viên quan ở Kinh - văn từ Biện lý, võ từ Chưởng vệ trở lên cũng được vinh dự theo lệ trồng cây thông ở đàn Nam Giao và được chế cấp thẻ để treo.[5]
Hằng năm mỗi cây thông đều được đo xem hiện tại lớn hơn năm trước bao nhiêu, tất cả đều được kê khai cụ thể.[6]
Sau tiết đông chí, hai bộ Lễ, Binh cùng đến xem xét kiểm tra các cây thông mới trồng rồi phân biệt xem viên nào chăm chỉ, viên nào lười biếng để khen thưởng và trừng phạt.[7]
Viên nào bị cách chức, giáng cấp thì sẽ gỡ thẻ ấy ra, nộp kho, số lượng bao nhiêu, đều được kê khai đầy đủ vào danh sách.[8]
Châu bản triều Nguyễn cho biết thông tin trên thẻ treo cây: một mặt khắc năm trồng cây, một mặt khắc tên hoàng tử trồng (Trung tâm Lưu trữ quốc gia I)
Năm Thành Thái thứ 9 (1897), Bộ Lại, Bộ Binh trình về việc các quan văn, võ, ấn quan mới thăng chức được trồng cây là 25 viên. Số bị xử giáng chức, phải gỡ thẻ là 2 viên.[9]
Sau khi kiểm tra, những cây bị nghiêng đổ, khô héo đều được trồng cây khác thay thế, chẳng hạn năm Tự Đức thứ 20 (1867), theo Bộ Công, mặt sau Trai cung có 2 cây tùng, vâng mệnh Thánh trồng trong những năm Minh Mệnh, Thiệu Trị, hiện nghiêng đổ nên Bộ cho chọn 2 gốc tùng tốt tươi đợi đến trước ngày lễ Nam Giao sẽ tiến hành trồng lại.[10]
Thay cho lời kết, xin dẫn lại bình luận thú vị của nhà nghiên cứu người Pháp L. Cadière (1869 - 1955), khi ông ngắm nhìn rừng thông quanh đàn Nam Giao: “Tấm biển cài trên cây đảm bảo đời sống cho cây. Đố ông quan nào chịu nổi tấm biển tên mình treo trên một cây khô héo vào dịp tế Giao? Nếu điều ấy xảy ra và đức vua lỡ trông thấy, thì ông quan nào đấy không chỉ chịu tủi nhục mà rất có thể sẽ đón nhận những hậu quả tai hại! Thật ra, qua việc ngỡ chừng nhỏ nhặt ấy, vua Minh Mạng đã thể hiện tầm chính trị nhìn xa trông rộng. Với sự thận trọng nhằm duy trì và phát triển cây xanh, vấn đề ngài từng quan tâm thể hiện, hẳn đem lại những hướng dẫn thực tiễn quý báu cho các cơ quan nông lâm nghiệp ngày nay!”.
[1] Nguyễn Vinh Phúc, Trần Huy Bá, Đường phố Hà Nội, Nxb Hà Nội, 1979, tr. 227.
[2] Lê Văn Hưu, Phan Phu Tiên, Ngô Sĩ Liên…, Đại Việt sử ký toàn thư, Bản dịch của Viện KHXHVN, Nxb Khoa học Xã hội - HN, 1993, tr.366.
[3] Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục, bản dịch của Viện Sử học.
[4] Trung tâm Lưu trữ quốc gia I, Châu bản triều Nguyễn, Thiệu Trị, tập 41, tờ 93.
[5] Trung tâm Lưu trữ quốc gia I, Châu bản triều Nguyễn, Thành Thái, tập 10 tờ 33.
[6] Trung tâm Lưu trữ quốc gia I, Châu bản triều Nguyễn, Minh Mệnh, tập 65 tờ 166.
[7] Trung tâm Lưu trữ quốc gia I, Châu bản triều Nguyễn, Khải Định, tập 2, tờ 180.
[8] Trung tâm Lưu trữ quốc gia I, Châu bản triều Nguyễn, Thành Thái, tập 10, tờ 33.
[9] Trung tâm Lưu trữ quốc gia I, Châu bản triều Nguyễn, Thành Thái, tập 27, tờ 9.
[10] Trung tâm Lưu trữ quốc gia I, Châu bản triều Nguyễn, Tự Đức, tập 159, tờ 64.
Hồng Nhung