Thứ Ba, 18/03/2025
  • Tiếng Việt
  • English
  • French

Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

Vietnam National Museum of History

18/02/2021 09:15 3233
Điểm: 5/5 (2 đánh giá)
Cách mạng tháng Tám thành công, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (DCCH) vừa ra đời đã gặp rất nhiều khó khăn đe dọa trực tiếp đến nền độc lập và chính quyền non trẻ. Tình hình thực tiễn của đất nước khi đó, việc triệu tập quốc dân đại hội để cho toàn dân tham gia vào công cuộc củng cố nền độc lập và chống ngoại xâm là rất cần thiết. Vì vậy, trong một trong sáu nhiệm vụ cấp bách mà chính phủ đề ra là phải “tổ chức càng sớm càng hay TỔNG TUYỂN CỬ với chế độ phổ thông đầu phiếu. Tất cả công dân trai gái mười tám tuổi đều có quyền ứng cử và bầu cử, không phân biệt giàu, nghèo, tôn giáo, dòng giống…”. Với thiện chí hòa bình, không muốn đối đầu với nhiều kẻ thù cùng một lúc, Chính phủ Việt Nam DCCH đã thi nhiều chính sách ngoại giao khôn khéo, một trong các đối sách đó là chấp nhận lùi ngày tổng tuyển cử 2 tuần so với ngày đã định theo yêu sách của Tưởng Giới Thạch.

Đầu tháng 10/1945, gần 20 vạn quân Tưởng đã có mặt từ Lạng Sơn đến Đà Nẵng, dưới danh nghĩa quân Đồng Minh giải giáp quân đội Nhật theo Hiệp ước Potsdam. Tuy nhiên, họ đưa ra rất nhiều yêu sách như: yêu cầu chính phủ cung cấp lương thực thực phẩm, ép chính phủ phải báo cáo tình hình binh lực, ép cải tổ chính phủ đồng thời cấu kết với lực lượng đối lập hô hào kích động, gây ra rối loạn....

Nhận rõ âm mưu của Tưởng và tay sai, Thường vụ Trung ương, Chính phủ Lâm thời và Chủ tịch Hồ Chí Minh vừa kiên trì nguyên tắc cứng rắn bảo vệ bằng được chủ quyền dân tộc, vừa khôn khéo vận dụng sách lược mềm dẻo cố giữ hòa bình không để xảy ra xung đột. Một mặt kêu gọi nhân dân trong nước đoàn kết, giữ bình tĩnh. Mặt khác nhân nhượng và đáp ứng các yêu sách của quân Tưởng như cung cấp lương thực thực phẩm, chấp nhận cho lưu hành tiền quan kim, quốc tệ... đồng thời thực hiện các biện pháp đối phó.

 

 Báo Việt Nam Độc lập số đặc biệt, số 235 ra ngày 16/12/1945 đưa tin về Tổng tuyển cử năm 1946 (hiện vật lưu giữ tại BTLSQG)

Trước yêu cầu trắng trợn đòi ta phải báo cáo quân số và hệ thống tổ chức quân đội Việt Nam, từ giữa năm 1945 Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đổi tên Giải phóng quân Việt Nam thành Vệ quốc đoàn và phân tán ra đóng ở các vùng ngoại thành; đổi tên Trường Quân chính Việt Nam thành Trường cán bộ Việt Nam.

Trong tình thế căng thẳng và phức tạp khi đế quốc và tay sai đòi Chủ tịch Hồ Chí Minh từ chức, giải tán chính quyền thì ngày 1/11/1945, Đảng Cộng sản Đông Dương tuyên bố tự giải tán. Đây là chủ trương táo bạo, kịp thời và đúng đắn của Đảng trước tình thế gay go và cấp bách, nhằm giữ vững sự lãnh đạo của Đảng, giữ vững chính quyền.

Tiếp tục nhân nhượng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đưa ra chủ trương cải tổ Chính phủ Lâm thời thành Chính phủ Liên hiệp Lâm thời với nhiệm vụ tổ chức tổng tuyển cử. Ngày 3/12/1945, Hồ Chí Minh đã tự tay viết thư đề nghị Việt Quốc tham gia tổng tuyển cử, tiếp đó, ngày 17/12/1945, Hội đồng Chính phủ họp quyết định sẽ tiếp tục điều đình với Việt Nam Quốc dân Đảng, đồng ý hoãn cuộc Tổng tuyển cử, đồng ý cho Việt Quốc tham gia chính quyền và giữ một số cương vị quan trọng. Ngày 18/12/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp tướng Trần Tu Hoà, đại diện của Bộ Tư lệnh quân đội Tưởng tại Việt Nam. Tướng Trần Tu Hòa thay mặt Bộ Tư lệnh quân đội Tưởng Giới Thạch ở Việt Nam trình bày đề nghị: “Bộ Tư lệnh quân đội Tưởng Giới Thạch ở Việt Nam sẽ đứng ra “điều đình”, thông qua hiệp thương giữa các đảng phái thành lập một Chính phủ Liên hiệp Lâm thời có đại biểu các tầng lớp tham gia để tổ chức cuộc Tổng tuyển cử và yêu cầu Chủ tịch Hồ Chí Minh lui thời gian tiến hành bầu cử lại hai tuần”1. Ngay lập tức trong “ngày 18/12/1945 Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 76 về việc hoãn ngày Tổng tuyển cử trong toàn cõi Việt Nam đến ngày 6-1-1946 và gia hạn nộp đơn ứng cử đến hết ngày 27-12-1945”2

 

Sắc lệnh số 76-SL quy định thay đổi ngày bầu cử, ấn định vào ngày 6-1-1946
(Trung tâm Lưu trữ Quốc gia III)

Ngày 19/12/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết thư (bằng chữ Hán) gửi tướng Trần Tu Hoà. Trong thư, Người thông báo quyết định của Chính phủ Việt Nam sẽ lui ngày Tổng tuyển cử trong toàn quốc lại hai tuần. Đồng thời, Người giải thích rõ thêm một số vấn đề như tổ chức và thành phần Mặt trận Việt Minh, cương lĩnh chính trị của Mặt trận Việt Minh, về tổ chức chính quyền ở địa phương, về việc triệu tập Quốc hội sau khi Tổng tuyển cử toàn quốc. Người còn gửi kèm theo bức thư một danh sách ứng cử viên tham gia Tổng tuyển cử của 11 tỉnh Bắc kỳ. Người nói rõ: "Về ngoại giao tranh thủ sự giúp đỡ của các nước Đồng Minh, trước hết là Trung Quốc. Liên lạc và hỗ trợ các dân tộc bị áp bức". "Khẩu hiệu của Việt Minh là liên Hoa, kháng địch, độc lập"3.

Qua một quá trình đấu tranh thương lượng và nhân nhượng, Việt Quốc đã thỏa thuận hợp tác với Chính phủ và ủng hộ cuộc Tổng tuyển cử. Trên cơ sở đó, trong 2 ngày 23 và 24/12/1945, đại diện của Việt Minh, Việt Quốc, Việt Cách là Hồ Chí Minh, Nguyễn Thải Thần, Vũ Hồng Khanh đã ký bản biện pháp đoàn kết gồm 14 điều chính và 4 điều phụ thỏa thuận về việc thành lập chính phủ liên hiệp lâm thời và tổ chức tổng tuyển cử quy định thể thức thành lập chính phủ liên hiệp lâm thời và tổ chức Tổng tuyển cử, quy định thể thức thành lập Chính phủ chính thức sau khi bầu cử Quốc hội. Ngoài ra bản biện pháp này còn đề ra những việc cụ thể như mở rộng Chính phủ lâm thời, thừa nhận 70 ghế cho Việt Quốc, Việt Cách không qua bầu cử trong tổng số 350 ghế của Quốc hội.

 

Hòm đựng phiếu bầu cử, nhân dân xã Thanh Hóa, Tuyên Hóa, Quảng Bình đã dùng để bỏ phiếu bầu đại biểu Quốc hội khóa I, ngày 6/1/1946
(Hiện vật lưu giữ tại BTLSQG)

Ngày 1/1/1946, Chính phủ Lâm thời ra mắt quốc dân đồng bào. Ngày 6/1/1946, cuộc tổng tuyển cử được tổ chức trên cả nước. Đây là một thắng lợi rực rỡ của Đảng và Nhà nước Việt Nam DCCH non trẻ. Lần đầu tiên trong lịch sử nước ta và các nước thuộc địa xuất hiện một Quốc hội thông qua Tổng tuyển cử bằng phổ thông đầu phiếu.

Ngày 2/3/1946, kỳ họp đầu tiên Quốc hội khóa 1 nước Việt Nam DCCH đã nhất trí cử Chủ tịch Hồ Chí Minh và Phó chủ tịch Nguyễn Hải Thần thành lập Chính phủ Liên hiệp Kháng chiến, Ban thường trực Quốc hội và Ban Dự thảo hiến pháp.

Tổng tuyển cử và thành lập Chính phủ Liên hiệp Kháng chiến là một thành công của ta trong sách lược ngoại giao mềm dẻo nhằm hạn chế và vô hiệu hóa âm mưu và hành động nhằm lật đổ chế độ chính quyền cách mạng cuả quân đội Tưởng. Sự nhân nhượng về chính trị đó xuất phát từ một yêu cầu cơ bản là giữ vững chính quyền để tổ chức kháng chiến chống thực dân xâm lược và kiến thiết quốc gia, thực hiện tư tưởng độc lập tự do của Chủ tịch Hồ Chí Minh với khẩu hiệu hành động cấp bách: “Dân tộc là trên hết, Tổ quốc là trên hết”.

Thu Nhuần

Tài liệu tham khảo:

- 1,2,3: Hồ Chí Minh biên niên tiểu sử, tập 3, 1946-1946, nxb Chính trị quốc gia, 2006, tr 103-104.

- Nguyễn Trọng Hậu: “Hoạt động đối ngoại của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa thời kỳ 1945-1950”, Luận án Tiến sĩ Lịch sử, 2001. (Tài liệu lưu tại thư viện BTLSQG)

 

 

 

Bảo tàng Lịch sử quốc gia

Chia sẻ:

Bài nổi bật

Khát vọng giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước di nguyện cuối cùng của Chủ tịch Hồ Chí Minh trước lúc Người “đi xa” (Phần 2 và hết)

Khát vọng giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước di nguyện cuối cùng của Chủ tịch Hồ Chí Minh trước lúc Người “đi xa” (Phần 2 và hết)

  • 12/07/2019 08:46
  • 7180

Nền độc lập dân tộc tồn tại không được bao lâu, thực dân Pháp quay trở lại xâm lược nước ta một lần nữa. Ngày 23 tháng 9 năm 1945, chúng nổ súng đánh chiếm Nam Bộ sau đó mở rộng ra cả nước. Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng Trung ương Đảng quyết định phát động cuộc kháng chiến toàn quốc.

Bài viết khác

Thú tiêu khiển ngày xuân của vua Việt ở kinh đô Thăng Long ra sao?

Thú tiêu khiển ngày xuân của vua Việt ở kinh đô Thăng Long ra sao?

  • 17/02/2021 11:26
  • 1789

Từ dạo Thăng Long trở thành kinh đô nước Việt năm Canh Tuất (1010), vua Việt trải các thời Lý, Trần, Hồ, Hậu Lê chọn làm nơi đóng đô, sử cũ ghi lại nhiều thú tiêu khiển, vui chơi của vua nơi đất kinh kỳ.