Bảo tàng Lịch sử quốc gia hiện đang lưu giữ bức ảnh tư liệu quí về sự kiện người gửi nắm đất miền Nam ra Bắc kính dâng lên Bác Hồ năm 1954.
Trong một lần gặp gỡ
với Đại tá Phạm Quốc Vinh, nguyên cán bộ điện ảnh Quân giải phóng, Cục chính
trị Quân giải phóng Miền B2, ông đã cho tôi xem một bức ảnh lưu niệm được
chụp từ năm 1954 hiện ông đang lưu giữ. Mặc dù bức ảnh đã nhuốm màu thời
gian, song hình ảnh còn khá rõ. Ông kể cho tôi nghe về những con người trong
bức ảnh mà ông đang cầm trên tay, trong ảnh có một bà má miền Nam tên là Nguyễn
Thị Tẩu, quê ở xã Thái Hoà, huyện Lái Thiêu, tỉnh Thủ Biên (nay là xã Khánh
Vân, huyện Tân Uyên, tỉnh Bình Dương) vùng chiến khu Đ thời kỳ kháng chiến
chống Mỹ, là người mẹ đã gửi nắm đất miền Nam ra Bắc kính dâng lên Bác Hồ khi
các chiến sĩ miền Đông Nam Bộ tập kết ra miền Bắc sau Hiệp định Giơ-ne-vơ năm
1954. Người ngồi thứ nhất từ trái qua phải là bà má Nguyễn Thị Tẩu; người
thứ hai là mẹ của chiến sĩ Tương; người thứ ba là chiến sĩ Tương; người
thứ tư là vợ cháu Đúng. Phía sau bức ảnh có bút tích của chiến sĩ Tương với
dòng chữ: “Tương trong bộ quân phục, bên 2 mẹ hiền, vợ cháu Đúng, trên miếng
đất nhỏ hẹp của căn cứ Tân Thái đã nếm mùi gian khổ, nguy hiểm lúc chiến tranh.
12/8/1954 Tương”.
Theo lời kể của ông: “Sau ngày miền Nam giải phóng, nhân chuyến đi công tác tại các tỉnh phía Nam sưu tầm tư liệu để viết kịch bản phim tài liệu “Miền Nam với Bác Hồ” của điện ảnh Quân đội, tôi đã tham dự Hội nghị cựu chiến binh Quân khu 7. Qua trò chuyện tôi được biết tham dự hội nghị có đồng chí Tương là người được bà mẹ Nguyễn Thị Tẩu gửi nắm đất miền Đông Nam Bộ ra Bắc kính dâng lên Bác Hồ trước khi anh Tương ra Bắc tập kết năm 1954. Qua sự giới thiệu của bè bạn, tôi đã gặp chiến sĩ Tương trong giờ nghỉ của hội nghị. Anh Tương cho biết, đây là bức ảnh lưu niệm anh chụp cùng mẹ, bà Nguyễn Thị Tẩu và cháu Đúng, tại căn cứ Tân Thái ngày 12-8-1951. Trước khi lên đường tập kết ra miền Bắc năm 1954, anh Tương đã đưa cho mẹ bức ảnh này làm kỷ niệm. Anh Tương tặng cho tôi bức ảnh để tôi có thêm tư liệu làm phim”.
Để tìm hiểu rõ hơn về sự việc trên, chúng tôi đã gửi thư liên hệ với UBND xã Khánh Vân và Ban chỉ huy quân sự huyện Tân Uyên, tỉnh Bình Dương. Ngày 13/7/2005, tôi đã nhận được thư trả lời của ông Nguyễn Uyên, tỉnh Bình Dương tại ấp Phước Thái, xã Thái Hoà, huyện Tân Uyên, tỉnh Bình Dương. Ông là người đã trực tiếp tham gia và phụ trách việc tập kết ra miền Bắc thời gian đó kể lại: “Đêm 17/7/1954, huyện họp mặt dân ở các xã để xác định nhiệm vụ người tập kết ra miền Bắc, người ở lại miền Nam quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ của Đảng giao. Trong cuộc họp, bà má Nguyễn Thị Tẩu đề nghị đoàn tập kết ra miền Bắc mang gói đất miền Nam ra Bắc dâng lên Bác Hồ để lưu niệm thể hiện nguyện vọng của đồng bào miền Nam mong sớm thực hiện hiệp thương thống nhất đất nước theo Hiệp định Giơ-ne-vơ. Má dặn lực lượng vũ trang miền Nam khi tập kết ra miền Bắc phải tích cực rèn luyện, tu dưỡng, sức khoẻ và học tập thật tốt các mặt, nếu thực dân Pháp không thực hiện hiệp thương, thì đề nghị với Bác Hồ cho trở về miền Nam chiến đấu giải phóng thống nhất Tổ quốc. Ngày 20/7/1954, đoàn hành quân đến tập trung ở tỉnh Thủ Biên để xuống tàu biển đi ra Bắc đến tập kết tại bến Sầm Sơn (Thanh Hóa). Đồng chí Võ Thanh Hùng (Tương) là người đã mang gói đất miền Nam trên chuyến tàu đó”. Ông cũng cho chúng tôi biết thêm một số thông tin về những người trong ảnh. Từ trái qua phải, người thứ nhất là má Nguyễn Thị Tẩu; người thứ hai là má Bồ Thị Lùng - má nuôi của đồng chí Võ Thanh Hùng (Tương); người thứ ba là đồng chí Võ Thanh Hùng (Tương) nguyên phó Ban tình báo huyện Lái Thiêu, tỉnh Thủ Biên; người thứ tư là Trần Thị Bê, vợ đồng chí Đúng, trinh sát đặc công của huyện Lái Thiêu, đã chiến đấu và hy sinh đêm 30/12/1953 sau một ngày tổ chức lễ cưới, tức là ngày 29/12/1953. Bà má Nguyễn Thị Tẩu đã mất ngày 6/12/1987, những người khác trong ảnh cũng đã mất, duy chỉ còn đồng chí Võ Thanh Hùng (Tương).
Bảo tàng Lịch sử quốc gia hiện đang lưu giữ và trưng bày bức tượng “Nắm đất miền Nam” của nhà điêu khắc Phạm Xuân Thi (1914-1996) hội viên ngành đồ hoạ, Hội Mỹ thuật Việt Nam, sáng tác năm 1955. Tượng bằng chất liệu thạch cao (Bảo tàng Lịch sử quốc gia đã chuyển sang chất liệu đồng để trưng bày phục vụ công chúng), kích thước 91cm thể hiện hình tượng bà mẹ Miền Nam đưa cho anh bộ đội nắm đất miền Đông Nam Bộ, cháu bé gái đưa cho anh bộ đội quả xoài (một loại quả của miền Nam) trước lúc anh bộ đội ra miền Bắc tập kết. Để tìm hiểu rõ hơn những thông tin xung quanh bức tượng “Nắm đất miền Nam”, chúng tôi đã tìm đến gia đình của nhà điêu khắc Phạm Xuân Thi ở số 23 phố Hàng Phèn - Hà Nội và đã gặp bà Phạm Thị Hiền, là con gái đầu của nhà điêu khắc Phạm Xuân Thi. Bà cho chúng tôi biết: Sau ngày hoà bình lập lại 1954, tại ngôi nhà số 65 phố Nguyễn Thái Học - tập thể của Hội Mỹ thuật Việt Nam, nhà điêu khắc Phạm Xuân Thi đã đọc trên báo có viết về sự việc “Nắm đất miền Nam”, sự việc này đã tạo ra ý tưởng sáng tác cho ông. Được sự giúp đỡ của bè bạn tìm cho ông người làm mẫu là bà má miền Nam, anh bộ đội tập kết ra Bắc (có tên là Bảy) và một cháu bé gái để ông sáng tác tác phẩm này.
Tượng “Nắm đất miền Nam (Tác giả: Phạm Xuân Thi)
Thời gian đã trôi qua, những nhân chứng của sự kiện lịch sử này người còn người mất, nhưng có một điều chắc chắn rằng “Nắm đất miền Nam” mãi là khát vọng hoà bình thống nhất đất nước và tình cảm của đồng bào miền Nam với Bác Hồ kính yêu. Sinh thời, Bác Hồ luôn dành cho đồng bào miền Nam những tình cảm sâu đậm, trước lúc đi xa, trong Di chúc Người luôn mong ước đến ngày đất nước thống nhất sẽ đi khắp hai miền Nam Bắc để thăm hỏi đồng bào và chiến sĩ cả nước. Mặc dù mong ước đó chưa thực hiện được, nhưng tình cảm của Bác Hồ dành cho miền Nam luôn mãi là “Miền Nam yêu quí luôn luôn trong trái tim tôi”, miền Nam “Thành đồng Tổ quốc”./.
Ths. Phan Tuấn Dũng