Thứ Năm, 17/04/2025
  • Tiếng Việt
  • English
  • French

Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

Vietnam National Museum of History

02/10/2020 14:02 2356
Điểm: 4.8/5 (5 đánh giá)
Sáng ngày 18/8/2020, Bảo tàng Lịch sử quốc gia đã tổ chức Lễ khai mạc trưng bày chuyên đề: “Ngày Độc lập 2-9”. Hơn 150 hiện vật, hình ảnh, tư liệu quý gắn liền với cuộc Cách mạng tháng Tám 1945 - mốc son lịch sử của dân tộc đã được giới thiệu rộng rãi tới công chúng, tiêu biểu là các sưu tập hiện vật: Sưu tập Cờ, sưu tập Vũ khí, sưu tập Báo chí cách mạng, sưu tập tiền Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (giấy bạc cụ Hồ), sưu tập tem … qua 2 chủ đề: Sức mạnh dân tộc và Ngày Độc lập 2 - 9.

Trong phần trưng bày chủ đề thứ 2 - Ngày Độc lập 2-9, có một hiện vật đặc biệt đã thu hút sự chú ý và quan tâm của khách tham quan, đó là tờ báo Đông Phát, số 6107 - số báo đặc biệt được phát hành đúng vào Chủ nhật, ngày 2/9/1945. Sự đặc biệt của tờ báo đó là, người xem có thể thấy được thông tin về ngày lễ trọng đại của dân tộc, từ khâu chuẩn bị đến nội dung, diễn biến của Lễ Độc lập 2/9/1945. Trong trưng bày chuyên đề này, tờ báo Đông Phát được giới thiệu như một điểm nhấn trưng bày.

 

Phần trưng bày với chủ đề Ngày Độc lập 2-9, giới thiệu báo Đông Phát, số 6107 - số báo đặc biệt được phát hành đúng Chủ nhật, ngày 2/9/1945

 

Báo Đông Phát - một hiện vật đặc biệt thu hút sự chú ý và quan tâm của khách tham quan

Báo Đông Phát do ông Ngô Văn Phú, một chủ đồn điền ở Thái Bình làm chủ nhiệm, ông Hoàng Hữu Huy làm chủ bút. Ban đầu báo có tên là Đông Pháp, nhưng khi Nhật đảo chính Pháp ở Việt Nam (9/3/1945), Tờ báo đổi tên là Đông Phát. Từ ngày 2/9/1945, tờ Đông Phát một lần nữa lại được đổi tên thành Gia Báo để biu lộ tinh thần đoạn tuyệt triệt để những dấu vết của chế độ cũ và để kỉ niệm nền độc lập của nước Việt Nam mới. Tòa soạn báo có trụ sở tại 94 Hàng Gai, Hà Nội.

 

Báo Đông Phát, số 6107 - số đặc biệt về Ngày Độc lập được phát hành đúng Chủ nhật, ngày 2-9-1945

Báo Đông Phát  kích thước 52cmx33cm, được in ấn khá thô sơ, trên nền giấy đen ố vàng và chữ in lito nhỏ, đã mờ, gồm 2 trang. Trên đầu tờ báo ghi: “Số báo xuất bản đặc biệt về Ngày Độc Lập”.

Ngay ở đầu trang nhất, bên trái, dưới tiêu đề:Việt Nam độc lập muôn nămđược in đậm, to, rõ ràng, là dòng thông báo về thời gian cũng như lời yêu cầu người dân tham gia mít tinh một cách đông đủ để thể hiện tinh thần tranh đấu kiên quyết cho nền độc lập của nước nhà. Tờ báo kêu gọi: “2 giờ chiều hôm nay toàn thể dân chúng phải tới dự “ngày độc lập” và khẳng định “Ngày độc lập tại khắp các tỉnh Trung, Nam, Bắc sẽ tỏ rõ tinh thần tranh đấu của chúng ta trong sự đoàn kết, trật tự và kiên quyết. Đồng thời nhắc nhở dân chúng: “Lần đầu tiên, Chủ tịch Chính phủ Hồ Chí Minh ra mắt đồng bào. Dân chúng cần phải chỉnh tề hàng ngũ đông đủ và chặt chẽ quanh Chủ tịch. Việc làm ấy không riêng là ủng hộ Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhưng để tỏ rõ hơn một lần nữa rằng toàn thể đồng bào rất tín nhiệm ở Chính phủ Dân chủ lâm thời- một Chính phủ dân chủ cộng hòa không phân biệt đảng phái, mà chỉ biết có phụng sự quốc gia, tranh đấu lấy nền hoàn toàn độc lập.

“Ngày Độc lậpsẽ để cho mọi người làm tròn bổn phận ấy. Không những ở trong cuộc hội họp trên vườn Ba Đình, mà còn ở riêng từng gia đình, từng xưởng thợ, nhà máy, ở những tấm lòng thành thực và hăng hái. Kiên quyết của người công dân nước Việt Nam quý mến của chúng ta.

Ngay dưới đó tờ báo đăng “Chương trình chính thức”cuộc “Mít tinh” và biểu tình tại Hà Nội (có sửa đổi khác chương trình cũ).

Chương trình của buổi chiều Chủ nhật ngày 2/9/1945 đã đi vào lịch sử của dân tộc gồm những nội dung sau:

“- Bắn súng đón Chính phủ Lâm thời.

- Chào cờ.

- Hát bài Tiến quân ca.

- Đại biểu ban tổ chức đọc chương trình khai hội và giới thiệu Chính phủ Lâm thời Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

- Chủ tịch Hồ Chí Minh tuyên bố về nền độc lập Việt Nam và chính thể Dân chủ Cộng hòa. Đọc bản Tuyên ngôn Độc lập của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

- Chính phủ tuyên thệ trước quốc dân.

- Diễn thuyết: Diễn văn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, diễn văn của Đại biểu Chính phủ Lâm thời, diễn văn của Đại biểu Tổng bộ Việt Minh.

- Dân chúng thề độc lập.

- Hô khẩu hiệu.

- Đại biểu ban tổ chức tuyên bố bế mạc và mít tinh biến thành biểu tình thị uy qua các phố Tây đến tập trung ở bờ Hồ Gươm trước khi giải tán…”

Tờ báo cũng dành vị trí đặc biệt ngay đầu trang nhất đăng tải lời “Thề Độc Lập”của Chính phủ Lâm thời Việt Nam Dân chủ Cộng hòa trước quốc dân:“Sẽ kiên quyết lãnh đạo toàn dân giữ vững nền độc lập cho Tổ quốc và thực hiện bản chương trình của Việt Minh, đặng mang lại tự do hạnh phúc cho dân tộc. Trong lúc giữ nền độc lập, chúng tôi quyết vượt mọi khó khăn, nguy hiểm, dù phải hy sinh tính mệnh cũng không từ”. Và ngay bên dưới là Lời thề của Quốc dân nguyện cùng Chính phủ “giữ quyền độc lập hoàn toàn cho tổ quốc, chống lại mưu mô xâm lược dù có phải chết cũng cam lòng”.

Qua thông báo ngay trên đầu trang báo: 2 giờ chiều hôm nay, toàn thể dân chúng phải tới dự “ngày độc lập”, cùng dòng chữ in đậm chạy dọc chân trang báo: “Dự cuộc biểu tình “Ngày Độc lập” là làm tròn phận sự một công dân Việt Nam”, chúng ta có thể thấy, việc Chính phủ Lâm thời đánh giá cao tầm quan trọng của việc có đông người dự lễ “Ngày Độc lập”, đó cũng là sự khẳng định sức mạnh của toàn dân, sức mạnh đoàn kết đã làm nên thắng lợi của cuộc Cách mạng tháng Tám 1945.

Trang nhất báo Đông Phát không chỉ đăng thông tin chi tiết về nội dung buổi lễ còn đăng cả bản sơ đồ ghi rõ vị trí dành riêng cho các giới dưới tiêu đề “LỜI CHỈ DẪN” . Theo sơ đồ có đánh số thứ tự được in to trên báo, chúng ta có thể hình dung rõ vị trí của Lễ đài Độc lập và vị trí đứng của từng giới trong buổi lễ trọng đại ngày hôm đó, đánh theo số thứ tự cụ thể như sau: 1. Dân phố và ngoại thành; 2. Các giới có tổ chức (các hội, các nghiệp đoàn.v.v); 3. Nhân viên các sở công tư; 4. Nhà binh (giải phóng quân, cảnh sát. v.v); 5. Phụ nữ, bô lão, giáo sĩ, âm nhạc; 6. Điểm cứu thương và trưởng khu trật tự; 7.Liên lạc, trật tự; 8. Trạm cứu thương trung ương; Đài độc lập là chấm đen chính giữa vườn hoa”. Các tổ chức tham gia mít tinh cũng như các lối vào vườn hoa Ba Đình với những chỉ dẫn rất chi tiết. Hàng ngũ sẽ được sắp xếp như thế nào trong buổi mít tinh được chỉ dẫn một cách cặn kẽ: “Các đoàn thể phải đi hàng mười. Đội tự vệ chỉ mang gậy chứ không mang khí giới gì khác và có nhiệm vụ trông coi trật tự và giữ vững tinh thần của đoàn mình, Đội Tự vệ phải có dấu hiệu riêng tự làm lấy”. Việc “hát và hô khẩu hiệu” được hướng dẫn rất rõ ràng, ai hát, ai hô, khi nào hô, và để hô cho được đồng thanh thì “Lúc hô, đội tự vệ phải cắt cử người chỉ huy cho được đồng thanh”. Thậm chí, Chính phủ Lâm thời còn thông báo rõ cả giờ thiết quân luật tại Hà Nội từ 23 giờ đêm đến 5 giờ sáng với lời nhấn mạnh “theo giờ Việt Nam độc lập”, cùng giờ làm việc tại các công sở của chính quyền mới bắt đầu thực hiện từ ngày 3/9/1945. Sáng: 6 giờ 30 đến 11 giờ và Chiều: 2 giờ đến 5 giờ.

 

Trang báo Đông Phát có đăng sơ đồ chỉ dẫn vị trí tập trung của các tầng lớp nhân dân tham dự Lễ Độc lập, ngày 2-9-1945

Trang 2 của tờ báo thể hiện một khí thế tưng bừng như một ngày hội lớn của non sông, của tất cả các ngành, các giới, các thế hệ. Từ nhân viên Sở Hỏa xa đến học sinh các trường phổ thông, thanh niên Hà Nội, phụ nữ, các văn nghệ sĩ, các vị bô lão...đều có chương trình dự mít tinh đông đủ và hào hứng. Hội Phật giáo Việt Nam qua báo Đông Phát gửi lời mời tới đông đủ Phật tử “Hôm nay 2/9/45 là ngày lễ Độc lập của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Vậy xin toàn thể tín đồ Phật giáo đâu đấy đúng 7 giờ sáng tới các chùa làm lễ tụng kinh Dược sư để cầu cho nền độc lập nước nhà được củng cố vĩnh vin. Đến 13 giờ xin kính thỉnh liệt vị tăng ni cùng thiên tín tề tựu tại chùa Quán Sứ để đi dự lễ mít tinh và biểu tình do Chính phủ tổ chức. Còn ở các chùa, đúng 14 giờ làm lễ tụng kinh Di đà cầu nguyện cho các binh sĩ đã hy sinh vì Tổ quốc...”. Tờ báo cũng đưa ra lời kêu gọi chung “Hôm nay, toàn quốc làm lễ “Ngày Độc lập” rất trọng thể ở khắp cả mọi nơi. Muốn tỏ tình đoàn kết chặt chẽ của đồng bào, các phố nên cử ra một số ít thanh niên đ dẫn các bô lão đến tụ ở Khai Trí Tiến Đức để chiều nay tới dự cuộc biểu tình”. Xúc động hơn cả là tấm lòng của người dân trước khí thế tưng bừng của nước Việt Nam mới. “Ông chủ tiệm ăn ở 47 Hàng Quạt có nhã ý cúng vào Quỹ Việt Nam giải phóng quân số tiền thu được - cả vốn lẫn lời trong Ngày Độc Lập”. “8 giờ sáng hôm nay 2-9, các rạp hát và chiếu bóng đều có buổi diễn đặc biệt về độc lập. Cố nhiên là giá tiền “độc lập” và nhiều mặt hàng được giảm giá để phục vụ công chúng trong ngày đặc biệt này.”

Có thể nói, Đông Phát - tờ báo nhỏ, chỉ vẻn vẹn có 2 trang nhưng đã cung cấp cho chúng ta nhiều thông tin quý giá về ngày lễ lịch sử trọng đại của dân tộc. Qua đó có thể thấy, Ban tổ chức đã rất chi tiết từ việc tuyên truyền về ý nghĩa của cuộc mít tinh, để vận động nhân dân tham gia mít tinh, đến việc lường trước các tình huống khi người dân đi dự lễ, giới thiệu các cổng vào nơi mít tinh, tỉ mỉ từ giờ giấc đến vị trí của các thành phần tham dự, kể cả trong trường hợp đi muộn thì xử lý thế nào.

Hòa chung không khí của ngày Lễ Độc Lập, toàn thể quốc dân đồng bào đã hướng về quảng trường Ba Đình, Hà Nội dự một lễ mít tinh đặc biệt trong lịch sử nước Việt Nam với ý thức trách nhiệm cao và niềm tự hào sâu sắc.

 

Khách tham quan Trưng bày “Ngày Độc lập 2-9”

75 năm đã trôi qua, tờ báo Đông Phát đã trở thành một phần kí ức của lịch sử, một kỉ niệm lớn của toàn thể dân tộc Việt Nam. Trong điều kiện nước ta chưa có báo hình nhưng với những nội dung và cách thức mà tờ Đông Phát đăng tin được xem như một buổi “truyền hình trực tiếp” cuộc mít tinh ngày Độc Lập 2/9/1945, phản ánh sự kiện trọng đại của đất nước rất nhanh chóng, kịp thời. Với những thông tin vô cùng giá trị cùng cách thức đăng tin độc đáo, tờ báo Đông Phát là tài liệu quý giá và xứng đáng là một Bảo vật quốc gia.

                                                                    Ths. Trịnh Thị Hòa

Tài liệu tham khảo:

1. Báo Đông Phát, số 6017. H. Đông Phát, 1945

2. Báo chí cách mạng Việt Nam 1925- 1945. Nguyễn Thành. H. Khoa học xã hội, 1984. 347tr; 19cm.

3. Kỷ yếu hội thảo khoa học kỷ niệm 55 năm cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2-9 (1945- 2000). Đại học Quốc gia Hà Nội. Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn. H. Đại học Quốc gia Hà Nội, 2001. 504tr; 21cm

4. Những kỷ vật sống mãi với thời gian. Bảo tàng Cách mạng Việt Nam. H. Lao động xã hội, 2006. 245 tr; 21cm

5. Tổng quan lịch sử báo chí cách mạng Việt Nam 1925- 2010. Chb: Đào Duy Quát, Đỗ Quang Hưng, Vũ Duy Thông.H. Chính trị quốc gia, 2010. 502tr. 24 cm

6. Nguồn Internet: https://laodongthudo.vn/so-bao-dac-biet-xuat-ban-trong-ngay-doc-lap-dau-tien-79360.html; http://m.tuoitrebinhduong.vn/tin-tuc/nhung-ky-vat-day-cam-xuc-hanh-trinh-90-nam-dang-cong-san-15347.html; https://tuoitre.vn/nhung-ky-vat-thieng-lieng-ky-cuoi-chiec-micro-le-dai-2-9-va-to-bao-ngay-doc-lap-20200203094703548.htm

 

 

Bảo tàng Lịch sử quốc gia

Chia sẻ:

Bài nổi bật

Khát vọng giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước di nguyện cuối cùng của Chủ tịch Hồ Chí Minh trước lúc Người “đi xa” (Phần 2 và hết)

Khát vọng giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước di nguyện cuối cùng của Chủ tịch Hồ Chí Minh trước lúc Người “đi xa” (Phần 2 và hết)

  • 12/07/2019 08:46
  • 7451

Nền độc lập dân tộc tồn tại không được bao lâu, thực dân Pháp quay trở lại xâm lược nước ta một lần nữa. Ngày 23 tháng 9 năm 1945, chúng nổ súng đánh chiếm Nam Bộ sau đó mở rộng ra cả nước. Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng Trung ương Đảng quyết định phát động cuộc kháng chiến toàn quốc.

Bài viết khác

Đấu tranh ngoại giao nước Việt Nam DCCH thời kỳ mới thành lập

Đấu tranh ngoại giao nước Việt Nam DCCH thời kỳ mới thành lập

  • 23/09/2020 08:17
  • 11150

Ngay từ buổi đầu mới thành lập, Chính phủ Việt Nam DCCH đã ra thông cáo đối ngoại đầu tiên nhằm khẳng định mong muốn hòa bình và hợp tác. Ngoại giao Việt Nam DCCH cũng hình thành mũi tiến công đầu tiên trong nỗ lực nhằm củng cố chính quyền non trẻ, kéo dài thời gian hòa bình để tích lũy thế và lực và chuẩn bị cho cuộc kháng chiến trường kỳ vì nền độc lập và tự do của dân tộc.